Từ bỏ thì dễ, vượt lên chính mình mới khó: Viết cho tuổi 20 để bạn biết cách tự quản lý bản thân
Từ bỏ thì dễ, vượt lên chính mình mới khó: Viết cho tuổi 20 để bạn biết cách tự quản lý bản thân
"Quản lý bản thân không phải là một việc dễ dàng, nhưng tôi cho rằng, chỉ cần bạn có nhận thức đầy đủ, kiên trì áp dụng vào từng hành động cụ thể thì sẽ thấy rằng, vấn đề quản lý tốt bản thân kỳ thực không hề chông gai như chúng ta nghĩ."
Từ bỏ thì dễ, vượt lên chính mình mới khó
(4 lượt)

Các độc giả thân mến, khi bạn chưa đọc xong cuốn  sách này, tôi không hề trông chờ những lời đồng tình hay sự ngợi khen của các bạn, thậm chí tôi đoán rằng, khi nhìn thấy tiêu đề cuốn sách này, có lẽ bạn sẽ cảm thấy đôi chút nghi hoặc. Bởi học sinh ngày nay, ở nhà thì có cha mẹ, ở trường thì có giáo viên quản lý. Vậy mà, tác giả cuốn sách này lại rảnh rỗi nghĩ ra việc tự quản lý bản thân, đó không phải là tự mâu thuẫn với chính mình sao? 

Về điều này, tôi hoàn toàn có thể lý giải được, bởi tôi từng trải qua diễn biến tâm lý giống như vậy. Nhưng xin các bạn đừng vội đưa ra kết luận, hãy nghe tôi kể câu chuyện xảy ra vài tháng trước, khi tôi rời trường trung học để sang Mỹ học đại học. 

Sau ngày khai giảng không lâu, tôi rất muốn tham gia vào một hoạt động đoàn thể, mà hoạt động này sẽ rất có ích cho sự phát triển của bản thân sau này. Nhưng điều kiện để được tham gia vào tổ chức này rất cao, có rất nhiều người cạnh tranh. Khi mới nộp đơn, tôi lo rằng bản thân sẽ không vượt qua được các anh chị khóa trên.

Nhưng khi công bố đề thi, trong lòng tôi vui mừng khôn xiết. Tôi vốn tưởng rằng sẽ thi kỹ năng và trình độ hiểu biết, nhưng thật không ngờ đề thi lại là “Làm thế nào để tự quản lý bản thân trong trường đại học?” Đối với chủ đề này, tôi thật sự có quá nhiều cảm xúc và trải nghiệm. Chính kỳ nghỉ hè trước khi nhập học, tôi đã hoàn thành cuốn sách Từ bỏ thì dễ, vượt lên chính mình mới khó nhờ vào những kinh nghiệm mình đã trải qua.

Trong buổi thảo luận sau đó, bài phát biểu của tôi được đánh giá rất cao, phong cách tự nhiên phóng khoáng, quan điểm cũng nhận được sự đánh giá tốt và sự tán đồng của rất nhiều người. Tôi không chỉ được gia nhập vào hội một cách thuận lợi, mà còn được giao lưu với bạn bè đến từ khắp nơi trên thế giới và cùng nhau học tập. Sau này, tôi biết được lý do có đề thi như vậy, bởi trong các trường đại học ở Mỹ, về cơ bản giáo viên không quản lý học sinh. Nếu muốn có được sự phát triển vững vàng trong tương lai, bạn phải đặc biệt coi trọng đến vấn đề tự quản lý bản thân. 

Tôi lập tức hiểu ra rằng hóa ra quá trình không ngừng trau dồi kỹ năng tự quản lý bản thân của tôi trước kia không hề vô ích, thậm chí là đã đi trước rất nhiều người!

Mặc dù câu chuyện này diễn ra khi đang học đại học, nhưng tôi phải nói với bạn rằng giá trị của việc tự quản lý bản thân tuyệt đối không phải sau khi vào đại học mới có tác dụng, mà là xuyên suốt từ tiểu học đến đại học – tất cả giai đoạn quan trọng trong quá trình trưởng thành của chúng ta. Không hề cường điệu khi nói rằng: càng sớm học được phương pháp tự quản lý bản thân bao nhiêu, chúng ta càng có thể giải quyết tốt nhiều việc ngay cả trong trường hợp không có người khác nhắc nhở bấy nhiêu, từ đó càng nếm được nhiều vị ngọt của quá trình trưởng thành. Như vậy vừa có thể khiến cha mẹ yên tâm, thầy cô giáo bớt lao tâm khổ tứ, hơn nữa còn có thể giúp bản thân tiến bộ vượt bậc.

Nội dung của cuốn sách này đều là những trải nghiệm của tôi trong giai đoạn từ tiểu học đến trung học. Cũng giống như mọi người, những vấn đề tôi gặp phải trong tuổi trưởng thành, ngoài việc học tập ra còn có phải làm thế nào để xử lý tốt các mối quan hệ xã hội, làm thế nào để tránh được sự cố bất ngờ một cách an toàn... Nhờ được thẩm thấu dần những kỹ năng và phương pháp tự quản lý, tôi đã giải quyết tương đối ổn thỏa những vấn đề này, tôi chỉ dẫn ra ba ví dụ nhỏ dưới đây:

Có một lần tôi bị bắt cóc, nhưng dựa vào sự nhanh trí và bình tĩnh, tôi đã chạy thoát an toàn. Tôi là học sinh thuộc chương trình trao đổi học sinh, sinh viên quốc tế một năm tại Mỹ, với kiến thức lịch sử thua xa sinh viên Mỹ, vậy mà tôi lại giành được cơ hội làm trợ giảng cho giáo viên môn Lịch sử. Sau này, tôi không những khiến cho một người vốn thường xuyên gây khó dễ hóa giải thành kiến đối với tôi, mà còn trở thành người giúp đỡ tôi rất nhiều trong học tập cũng như cuộc sống.

Trong cuốn sách này, tôi có rất nhiều ví dụ tương tự, không thể liệt kê hết ngay đây được.

Bất kể là thời tiểu học, trung học hay đại học, tôi nhận thấy về cơ bản, học sinh có thể được chia thành ba cấp độ:

  • Cấp độ một, dù có bị thúc ép cũng vẫn không làm tốt, hơn nữa còn có tâm lý chống đối mãnh liệt.
  • Cấp độ hai, phần lớn thời gian phải có người thúc ép mới có thể làm tốt. 
  • Cấp độ ba, không cần người khác thúc ép, dựa vào sự tự giác để làm tốt hơn.

Chắc chắn rồi! Học sinh thuộc cấp độ ba luôn luôn là học sinh ưu tú nhất.

Đến đây, bạn đừng ngại tự đánh giá bản thân mình thuộc cấp độ nào. Tôi tin rằng đại đa số mọi người đều muốn trở thành học sinh thuộc cấp độ tốt nhất. Nhưng rất nhiều người vẫn còn băn khoăn: tiếp nhận sự quản lý của người khác đã khó như vậy, tự mình quản lý không phải càng khó hơn sao? 

Đúng vậy, quản lý bản thân không phải là một việc dễ dàng, nhưng tôi cho rằng, chỉ cần bạn có nhận thức đầy đủ, kiên trì áp dụng vào từng hành động cụ thể thì sẽ thấy rằng, vấn đề quản lý tốt bản thân kỳ thực không hề chông gai như chúng ta nghĩ.

Trong độ tuổi của chúng ta, làm thế nào để trưởng thành luôn là một thắc mắc mang tính thường trực nhất. Sự trưởng thành của bạn chẳng ai có thể thay thế được! Cũng giống như việc ăn mặc vậy, cha mẹ, giáo viên và những người khác không thể làm thay cho bạn được. Bạn thử nghĩ xem, nếu như bạn rất đói nhưng lại không có cơm ăn, dù cô giáo có ăn nhiều cơm hơn không thể giúp bạn xua tan cơn đói. Nếu như bạn rất lạnh nhưng lại không có quần áo ấm để mặc, dù mọi người trong gia đình mặc thêm tầng tầng lớp lớp quần áo dày cũng không thể giúp bạn tránh được sự lạnh giá. Cũng giống như vậy, người khác dù có giỏi giang hoặc thúc giục bạn đến mấy, họ cũng không thể trưởng thành thay cho bạn được. 

Vậy thay vì chờ đợi người khác ngày ngày hết khuyên bảo rồi lại hò hét để thúc bách, tại sao bạn không tự quản lý chính mình?

Chỉ hiểu được điều này thôi thì chưa hẳn là học được cách tự quản lý bản thân, mà còn cần phải có thực tiễn và phương pháp thật hiệu quả. Nhưng nội dung lớn nhất của cuốn sách này không phải chỉ là giảng giải cho mọi người về giá trị của việc tự quản lý bản thân, mà là thông qua thực tiễn của cá nhân người viết, chia sẻ tới mọi người phương pháp và cách thức tiến hành quản lý bản thân sao cho hiệu quả nhất. Cuốn sách này được chia thành bốn chương, ba chương đầu đều là tổng kết thực tiễn của cá nhân tôi, còn chương cuối tập trung vào vấn đề học sinh làm thế nào để tìm tòi nghiên cứu phương pháp tự quản lý bản thân một cách toàn diện nhất... 

Chương một đề cập đến quá trình từ không thích (thậm chí là ghét) đến yêu thích việc tự quản lý bản thân và cách làm của một số người có ảnh hưởng đối với tôi. Trong chương này, bạn không chỉ phát hiện ra giá trị của việc tự quản lý bản thân, mà còn có thể sẽ yêu thích việc tự quản lý bản thân giống như tôi đã từng. 

Chương hai chia sẻ với các bạn một phương pháp độc đáo và đặc biệt hiệu quả – viết bản tổng kết tự quản lý bản thân hằng ngày. Tôi lấy kinh nghiệm tự quản lý bản thân của nhân viên tập đoàn Haier để làm gương. Bắt đầu từ tháng 4 năm 2011, tôi kiên trì viết ra suy nghĩ của mình và tổng kết lại những việc đã qua, viết đến hết kỳ nghỉ hè năm 2012 thì được hơn 300 nghìn chữ. Việc viết nhật ký tổng kết này không chỉ giúp tôi rút kinh nghiệm và nâng cao năng lực học tập, mà còn góp phần bồi dưỡng toàn bộ những tố chất tổng hợp của bản thân. Trải nghiệm sâu sắc nhất của tôi là: chỉ cần mỗi ngày kiên trì tự quản lý bản thân, khi tích lũy lại, nó sẽ sản sinh ra năng lượng vô cùng to lớn mà chính bạn cũng không thể ngờ tới!

Chương ba là một số hiểu biết hữu ích nhất tôi có được trong quá trình trưởng thành như “Sau cánh cửa vinh quang là cả một quá trình đầy gian khổ”, “Vàng thật không sợ thử lửa”, những trải nghiệm không chỉ chân thực mà còn chú trọng đến tính tạo độc đáo. Tôi tin rằng những nhận thức này sẽ có tác dụng dẫn dắt đối với các bạn.

Chương bốn: “Sinh viên tự quản lý bản thân như thế nào trên bảy phương diện” là cuộc khảo sát tôi tiến hành tại một số trường, nghiên cứu về bảy khía cạnh được sinh viên thời nay coi trọng bao gồm quản lý thái độ, quản lý an toàn, quản lý trạng thái tình cảm, quản lý ham muốn, quản lý ngôn ngữ, quản lý hành vi và quản lý mối quan hệ xã hội. Đây là phần toàn diện nhất và có tính ứng dụng rất cao. Bạn có thể áp dụng vào từng tình huống cụ thể, đồng thời căn cứ vào yêu cầu và điểm yếu của mình để đọc hoặc nghiên cứu riêng.

Về phong cách hành văn, tôi biết áp lực học tập của chúng ta rất lớn, không có nhiều thời gian đọc sách, cho nên tôi sử dụng phương pháp tự thuật nghị luận để viết nên cuốn sách này. Các bạn có thể căn cứ vào điều kiện thời gian của bản thân, đọc từ đầu đến cuối, hoặc cũng có thể chỉ đọc một chương, một phần hay một đoạn. Hy vọng sự kết hợp giữa tính chỉnh thể và tính riêng rẽ trong cách hành văn này sẽ càng tăng thêm sự rõ ràng mạch lạc, bố cục lý luận chặt chẽ, đồng thời mang lại cho mọi người cảm giác thư giãn, thoải mái và hiệu quả trong khi đọc sách.

Tôi chân thành nói rằng: nội dung xuyên suốt của cuốn sách này đều là những trải nghiệm chân thực của tôi, hy vọng nó sẽ mang đến giá trị và khát vọng trưởng thành cho bạn. Tôi cũng luôn tin là từ tiểu học đến trung học, những vấn đề mà tôi từng trải qua cũng giống

như các bạn. Qua phương pháp bồi dưỡng một cách có ý thức và nắm bắt có hiệu quả, tôi mới có thể đạt được các lợi ích của việc tự quản lý bản thân. Tôi tin rằng các bạn cũng sẽ học được cách tự quản lý bản thân, thậm chí còn làm tốt hơn tôi, trở thành một người không cần người khác thúc ép mà vẫn tự làm tốt mọi việc!

Khi bạn học được cách vận dụng phương pháp tự quản lý bản thân để sắp xếp cuộc sống và việc học tập của mình, bạn nhất định sẽ ngày càng hiểu được một điều: Tinh thần tự giác ẩn chứa một sức mạnh vô cùng lớn!

Sau cùng, tôi muốn gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất đến những người đã luôn động viên và giúp đỡ tôi trong quá trình chấp bút nên tác phẩm đầu tay này.

- Tác giả Ngô Mục Thiên

- Giới thiệu cuốn sách “Từ bỏ thì dễ, vượt lên chính mình mới khó”

 

Tags: