Crime Fiction - Kẻ nắm giữ ngôi vương
Không chỉ tương đồng về hình tượng, mà các tiểu thuyết tội phạm hầu như đều đi theo vài khuôn mẫu nhất định. Không tin ư? Bạn cứ thử nghĩ mà xem. Trong mọi cuốn sách, sẽ luôn luôn có một sự kiện/ tội ác mà bằng một cách nào đó, gần như chắc chắn sẽ dẫn tới... một cái chết. Chúng ta - những người đọc sẽ được đồng hành cùng nhân vật “thám tử” để giải mã bí ẩn trên, dẫu cho vị “thám tử” ấy có thể chỉ là một gã dân thường, thay vì là thành viên của những lực lượng chuyên nghiệp như cảnh sát hoặc thám tử tư.
Câu chuyện thường sẽ kết thúc với việc kẻ thủ ác sẽ bị bóc trần chân tướng và đưa ra công lý, hoặc chí ít thì cũng là một cái kết khác đủ để làm thỏa mãn độc giả. Ngoài ra, sẽ luôn tồn tại một âm mưu lớn hơn nhiều, diễn ra một cách ngấm ngầm dọc theo câu chuyện, nhưng thường sẽ bị ngăn chặn chỉ trong chớp mắt.
Những tình tiết này đủ “thoáng” để mỗi tác giả đều có thể tự do sáng tạo câu chuyện của mình, mà vẫn giữ được cấu trúc cần có của một cuốn tiểu thuyết tội phạm. Cũng vì vậy mà tiểu thuyết tội phạm thường được sử dụng như một phương tiện để khai thác các chủ đề rộng hơn như chủng tộc, giới tính, tham nhũng quyền lực... hay bất cứ đề tài nào mà tác giả quan tâm. Sự linh hoạt của tiểu thuyết tội phạm là một điểm cộng rất lớn - với cả người viết và người đọc - khi những vấn đề ngoài thực tế được đan cài khéo léo vào trong những câu chuyện giải trí mà tất cả mọi người có thể dễ dàng tiếp nhận.
Tội ác - Sự quyến rũ khó chối từ
Những nhân vật thám tử không hoàn hảo có thể tẻ nhạt, ngốc nghếch, dí dỏm hoặc thậm chí là một thiên tài, nhưng họ không phải là siêu nhân. Họ là những con người thực thụ, và chúng ta thích họ vì điều đó.
Mo Harber-Lamond
Bên cạnh đó, dù chẳng mấy xa lạ với những tội ác xuất hiện nhan nhản trên báo đài, nhưng chúng ta lại hiếm khi có được cái nhìn chân thực về cách chúng được phát hiện hay xử lý, và tiểu thuyết tội phạm chính là giải pháp lý tưởng cho điều đó. Như một hình thức để thoát ly thực tại, crime fiction đầy kịch tính và nghiệt ngã, mà vẫn không quá hão huyền. Đó cũng là sự khác biệt nếu so sánh với một số dòng tiểu thuyết khác như khoa học viễn tưởng, hay giả tưởng.
Thứ hai, là dù câu chuyện có xoay quanh một cơ quan tình báo công nghệ, một gã lang thang nơi đường phố hay những rắc rối trong một bệnh viện hẻo lánh xa xôi, thì tiểu thuyết tội phạm vẫn mang đến một không khí rất “chất”. Nếu ở ngoài đời, chẳng mấy ai trong chúng ta có khả năng đụng độ với súng lục, những đường dây buôn ma túy hay có quyền hành động theo “luật rừng”, thì việc được theo dõi những hành động đó - một cách cặn kẽ - lại là chuyện khác. Được sống thử một cuộc đời ‘“siêu ngầu” như thế, ai mà không muốn?
Thứ ba, và cũng là điều quan trọng nhất: Chúng ta yêu sự bí ẩn. Con người nói chung luôn có xu hướng thiên về một giải pháp viên mãn, trong mọi mặt cuộc sống. Đó có thể là nốt nhạc cuối cùng trong bài hát, là tiếng thở nhẹ nhõm trước khi về nhà và biết rằng bạn đã hoàn thành công việc, là cảm giác khoan khoái khi kết thúc từ thứ 1000 trong bài viết luận. Tiểu thuyết tội phạm cũng vậy. Chúng ta thích lắp ghép và kết nối những sự kiện rời rạc, xây dựng chúng trở thành một bức tranh rõ ràng và lật tới chương cuối cùng để ngỡ ngàng rằng kẻ-mà-bạn-nghĩ-là-ai-đấy rốt cuộc lại không phải kẻ-mà-ai-cũng-tưởng-là-ai-đấy, nhưng hóa ra mọi thứ lại hợp lý đến không ngờ.
Hướng đi nào cho Crime Fiction?
Nếu bạn quan tâm, hãy tìm đọc tác phẩm đạt giải Theakston danh giá - Someone Else’s Skin (tạm dịch: Làn da kẻ khác) của nhà văn Sarah Hilary. Dù mang đậm tính bạo lực, nhưng những trang viết của nữ tác giả này không chỉ gây ám ảnh vì máu me. Một trong những biệt tài của Hilary là đan cài những chi tiết rùng rợn một cách rất chặt chẽ và tự nhiên, và đó chính là yếu tố khiến các tác phẩm của bà trở nên khác biệt. Xét cho cùng, một lưỡi dao sắc lạnh kề vào tĩnh mạch cổ sẽ đáng sợ hơn nhiều, so với một màn tấn công điên cuồng bằng dao rựa.
Ngày nay, nữ giới chiếm đại đa số lượng độc giả của dòng tiểu thuyết tội phạm, và điều đó cũng đồng nghĩa với sự lên ngôi của các nữ nhân vật chính. Đây có thể được xem như một bước tiến mới của thể loại này, dù thực chất hình tượng nữ cường đã xuất hiện ở nhiều tiểu thuyết nổi tiếng khác trong quá khứ.
Một ví dụ điển hình là tựa sách rùng rợn (thriller) năm 1938 mang tên Brighton Rock của Graham Green, khi cả hai nhân vật nữ Ida và Pinkie - dù tính cách gần như đối lập - vẫn được tập trung khai thác như nhau. Trong các tác phẩm hiện đại sau đó, hầu hết nữ giới đều được mặc định đóng vai… nạn nhân. Nên có thể cuộc soán ngôi thú vị này sẽ là một dấu hiệu tích cực trong crime fiction, khi phụ nữ cũng có thể là những thám tử đại tài, hoặc những tên sát nhân máu lạnh.
Sau thành công của nữ nhà văn Julia Crouch và tác phẩm Gone Girl (Cô gái mất tích) của Gillian Flynn, phong cách domestic-noir trỗi dậy. Đây một nhánh nhỏ của dòng tiểu thuyết tội phạm, chuyên khai thác những chuyển biến tâm lý phức tạp, thậm chí ghê rợn của phụ nữ. Domestic-noir giúp chúng ta khám phá thêm về tâm lý phái đẹp, lại vừa được thưởng thức những màn xoay chuyển bất ngờ mang đậm dấu ấn crime fiction. Điều này lại một lần nữa khẳng định khả năng biến hóa linh hoạt của tiểu thuyết tội phạm, và cho chúng ta thấy sức hút của thể loại này, khi sẵn sàng khai phá những vấn đề tưởng chừng nằm ngoài phạm vi của nó.
Với những lý do nêu trên, không khó để giải mã sức hút của những cuốn tiểu thuyết tội phạm đối với độc giả toàn cầu. Những nhân vật vừa quen vừa lạ, một cái kết thỏa mãn lòng người, và còn nhiều hơn cả những màn thanh trừng đẫm máu. Đó là những điều mà chúng ta thực sự muốn chăng? Có lẽ, bạn biết điều đó rõ hơn ai hết.
Theo Professional Writing Academy
Vân Anh (biên dịch)
Thông tin khác:
Mo Harber-Lamond là một nhà văn, biên tập viên sống tại Cornwall, Vương quốc Anh. Lamond tốt nghiệp loại ưu chuyên ngành Văn học Anh và sáng tác của Đại học Manchester Metropolitan năm 2014, và hiện đang là trợ lý biên tập tại Professional Writing Academy.
Anh có mối quan tâm đặc biệt tới truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ ca và viết nhạc, đồng thời cũng là một nhạc công tài năng.