Lê Thiết Cương và cuộc chơi cầu kỳ cùng sách
Lê Thiết Cương và cuộc chơi cầu kỳ cùng sách
Lê Thiết Cương đưa hội họa của anh đến với sách, bước vào sách thật tự nhiên và ấn tượng. Hội họa qua những cuốn sách mà Lê Thiết Cương làm bìa có sức gợi và quyến rũ.

Nghệ thuật, theo tôi là một cuộc vong thân, để người nghệ sĩ đi tìm chính mình, trở về với chốn mình được sinh ra và nơi mình vốn thuộc về. Trung thành với nghệ thuật tối giản, tranh Lê Thiết Cương càng ít nét, ít hình, ít màu sắc bao nhiêu, càng gợi cho người xem những liên tưởng tiếp nối như không dứt. Đỉnh cao của sự phức tạp chính là giản dị, anh đã xác lập nên một thứ đặc sản riêng mình.

Nếu như hội họa đã định danh Lê Thiết Cương với phong cách tối giản, thì có một mảng hội họa khác không kém phần gợi cảm trong anh chính là cách anh kết hợp giữa hình với chữ, màu với chữ. Cách anh đưa hội họa của anh đến với sách, bước vào sách thật tự nhiên và ấn tượng. Hội họa qua những cuốn sách mà Lê Thiết Cương làm bìa có sức gợi và quyến rũ.

Lê Thiết Cương từng tâm nguyện: nếu có kiếp sau anh sẽ chọn con đường văn chương. Đó là mảnh đất không dễ ươm trái ngọt, nhưng trong anh đã ẩn sẵn hạt mầm. Anh đọc và viết không ít. Ấy như một khu vườn tâm hồn tràn đầy sức sống để ươm giấc mơ hội họa trong anh. Họa sĩ là người vẽ cái gì anh ta rung động, nhưng khi được vẽ xong, nó vẫn chưa xong hẳn nếu thiếu đi sự cảm hiểu và tham dự của bạn đọc thấu cảm. Anh trân trọng tâm huyết của họ cũng như tiết giản tối đa chính mình trên toan. Tranh Cương vì thế, là cuộc chơi của sắc màu cuộc sống.

Họa sĩ Lê Thiết Cương

Điều ấy đã đưa anh đến với gương mặt sách qua những trang bìa. Là “người cha” kiêu hãnh trong cuộc khai sinh những đứa con tinh thần của mình, nên anh thẳng thừng quay lưng với việc vẽ một trang bìa bằng cách tả thực văn bản nghệ thuật. Tư duy hội họa ấy đã quyết định sự sống còn nghiệp vẽ của anh.

Để những ngón tay múa cọ nhuần nhuyễn, trước đó anh đã dành rất nhiều thời gian đọc sách, với mong muốn tác phẩm hội họa của mình sẽ đứng độc lập cạnh tác phẩm văn chương. Nên vẽ bìa sách với anh chỉ là một cuộc rong du cho thỏa cái chí sáng tạo mà thôi. Khi không còn bị áo cơm câu thúc, người nghệ sĩ sẽ trau chuốt và khó tính với tác phẩm.

Bởi sáng tạo nghệ thuật là một lao động khó nhọc, thậm chí khổ hạnh, khắt khe với người khác chính là cách anh mài dũa mình và vô hình trung sẽ tạo ra áp lực cho những người đứng cùng sân chơi với mình. Nghệ thuật không sinh ra từ sự dễ dãi.

Chi chút cho bạn, nên Cương tìm đến sách của họ là tất yếu. Khi nhận lời vẽ bìa cho tiểu thuyết Khải huyền muộn của nhà văn Nguyễn Việt Hà, anh cảm thấy tác giả đã mở cửa tự do cho các hình thức nghệ thuật khác ùa vào trong trang viết của mình. Vậy vẽ như thế nào để dựng được ngổn ngang, bề bộn của đời sống, đó là một câu hỏi khó. Anh trả lời ngắn gọn trên một trang bìa. Từ bức vẽ, người tìm thấy thông điệp của tiểu thuyết, thấy được cõi riêng của Cương - kẻ đồng sáng tạo.

Cương vẫn muốn một chút xô xệch, bỏ mặc độc giả từ Nguyễn Việt Hà. Anh đã làm điều anh muốn từ tác giả tiểu thuyết qua bìa, bằng cách dửng dưng, lạnh lùng, mặc kệ người đọc tự tìm cái mình muốn thấy. Có thể Cương cố tình đóng cũi cảm xúc, nhưng đó lại là một sự thúc đẩy rất trí tuệ của anh khiến độc giả tự điền vào khoảng dở dang của nghệ thuật.

Bìa truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp do họa sĩ Lê Thiết Cương thiết kế

Tạng Lê Thiết Cương, thì cuộc gặp gỡ với nhà văn Nguyễn Huy Thiệp là tất yếu. Tranh anh có sức nặng, nó không phải là thứ trang sức cho tập truyện ngắn, dù bắt rễ từ mảnh hồn Nguyễn Huy Thiệp nhưng lại hít thở bầu oxy Lê Thiết Cương nên đã vững vàng đứng riêng một cõi, từ 2007 đến nay, đã 16 năm. Tôi là một độc giả trung thành của Nguyễn Huy Thiệp, nên ông có trong trí nhớ của tôi từ rất lâu. Dù cách đây 16 năm, tôi chỉ nghe danh Lê Thiết Cương mà không có nhu cầu bước vào tranh anh, thì ấn tượng của tôi về bìa sách và những tranh minh họa của anh trong cuốn sách mạnh mẽ. Đó là một trong những ấn phẩm đắt giá với ý nghĩa đủ đầy mà tôi có.

Nếu nói truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp là một thứ quyền năng văn chương, đem dũng khí cho người viết, thì Lê Thiết Cương chính là họa sĩ tôn lên chiều sâu tác phẩm của ông. Tấm áo mà anh khoác cho tập truyện đã đem đến cho độc giả một kênh tiếp nhận thú vị về những gì Nguyễn Huy Thiệp, gửi tả, khái quát thành vấn đề mang tính xã hội và thời đại, vừa rõ nét lại đa chiều, đến ám ảnh.

Tôi hình dung ra những ngọn nến, những ngọn đèn hắt hiu đổ bóng ở tít tận mù mịt chân đèo Chiềng Đông, miền biên viễn Tây Bắc, trong cái bản hẻo lánh, bị Những ngọn gió Hua Tát thổi bạt... Nhưng không chỉ có nỗi buồn, những ngọn đèn, ngọn nến Lê Thiết Cương dù trong nét cọ tối giản vẫn phác vóc hình người. Họ đi về phía ánh mặt trời đỏ rực. Anh không cất bóng tối trong màu đêm, mà gợi lên từ góc khuất nẻo của cõi người.

Nghệ thuật với mỗi người mang một sứ mệnh, với nghệ sĩ đó là một sự thoát thai của cảm xúc và tư tưởng thì với mỗi kiểu công chúng, tác phẩm lại được tiếp nhận theo một cách khác nhau. Lê Thiết Cương đã mang tâm thế một người bạn đồng vọng đến với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, qua tập thơ Sự mất ngủ của lửa.

Tác phẩm là nỗi buồn, sự mất mát của Nguyễn Quang Thiều về hiện thực đời sống, trong một tinh thần tự đổi mới chính mình. Lê Thiết Cương đã được tác giả tin cậy, giao phó sinh mệnh tác phẩm của mình. Độc giả không chỉ “mất ngủ” với thơ Nguyễn Quang Thiều mà còn thao thức cùng nét cọ Lê Thiết Cương. Không chỉ độc bản, tập thơ còn mang thêm ý nghĩa của một liên văn bản, anh đã thổi “lửa” vào thơ, nung đến nóng chảy, để cho ra thứ quặng chữ trong sắc màu hội họa.

Và người họa sĩ, khi mang tất cả trải nghiệm đã được đời sàng sảy vào cây cọ, thì càng thêm trân thương những bức vẽ của mình. Anh dành dụm điều ấy để tặng cho nhà văn Đỗ Bích Thúy. Những tác phẩm trình làng của chị trong thời gian gần đây, đều có sự góp mặt của anh. Khiến chúng trở nên một ấn phẩm đẹp, vừa có sức nặng văn chương vừa mang vẻ đẹp hội họa.

Anh từng chia sẻ với Thúy về quan niệm: Văn chương không phải là sao chép hay tả thực cuộc sống, mà phải nhìn từ biểu tượng hay sự liên tưởng. Nhà văn không phải là người lên tiếng cho độc giả, hãy để họ tự lấp đầy theo cách của mình, vào những khoảng mà tác giả cố tình để trống.

Bức minh họa cho cuốn tản văn mới ra trung tuần tháng 4, chọn màu hồng làm tone chủ đạo. Dường như anh đã nhận ra Thúy chính là một viên đá quý được số phận và văn chương mài dũa. Những nét vẽ đơn giản của anh đã đưa độc giả đến ngồi dưới bóng mát của cái cây phủ bóng núi cao, hay dòng chảy của con sông bắt nguồn tự ghềnh nguồn, lại tựa là vòng ôm rất người giữa cuộc đời không ít sóng gió.

“Cuộc đời của một bức tranh cũng y như của một tạo vật sống vậy, ba chìm bẩy nổi do những tác động của đời sống thường nhật. Điều này cũng tự nhiên thôi, vì lẽ một bức tranh chỉ tồn tại khi có kẻ xem nó" (Picasso). Tranh Cương rất sống. Hội họa Lê Thiết Cương và những người yêu mến anh, đã tự tìm đến nhau, trên trang sách. Ấy là mối tình nghệ thuật chan chứa mà nhiều người mơ ước, nhưng không phải ai cũng đủ duyên để gặp.

Yêu sách nên sống nghĩa tình, là một nghệ sĩ, anh trân trọng và nâng niu cái đẹp. Cái đẹp dù lặng lẽ nhưng biết tìm người trao gửi xứng đáng. Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến những hành xử rất đáng yêu của Cương với sách, trong đó đáng nhớ là cuộc ra mắt bộ sách của Như Bình hơn chục năm trước độc đáo bởi Sen.

Lê Thiết Cương không vẽ bìa cho sách của chị, nhưng anh lại chính là người kiến tạo một không gian ra mắt sách đầy cá tính để tặng cho tác giả vì đơn giản anh nghĩ chị xứng đáng. Những đóa sen hồng, sen trắng từ bàn tay anh bày biện và sắp đặt trong lễ ra mắt các tác phẩm sách của chị đã thơm dọc hành trình Bùa yêu, thơm dọc hành trình của người đàn bà viết Người mang lại ái tình và Những ẩn khuất của số phận.

Nhắc đến một kỷ niệm về sách mà tôi từng chứng kiến và nhớ lâu như vậy để thấy Lê Thiết Cương yêu sách, trân trọng nâng niu sách và người viết. Mỗi cuốn sách là một cuộc đời, anh đã truyền thêm năng lượng đẹp để nó tỏa hương suốt cuộc đời văn của họ.

Đó cũng chính là sự cổ vũ, động viên các nhà văn trên con đường sáng tạo. Có những vẻ đẹp không nhờ đến con chữ hay nét cọ, nhưng đã có đời sống vĩnh hằng. Bởi nó vượt qua mọi giới hạn của nghệ thuật để tìm đến trái tim con người. Sách là món quà tối thượng của Cương.

Theo Công an nhân dân

Tags: