Cũng như nhiều bài thơ được viết vào thế kỷ 6 TCN, đoạn thơ dưới đây nằm trong Đạo Đức Kinh, thể hiện tư tưởng trái ngược (so với thông thường) khi xem “không làm gì” là quyền năng chính trị hiệu quả nhất:
Dùng chính trị mà trị nước, dùng thuật kì mà tác chiến, [nhưng cả hai cách đó đều không thích hợp], chỉ vô sự mới được thiên hạ.
Do đâu mà biết được như vậy? Do lẽ này: Thiên hạ mà có nhiều lệnh cấm thì dân càng nghèo (vì làm thì sợ mắc tội này tội khác); triều đình càng nhiều “lợi khí” (tức quyền mưu?) thì quốc gia càng hỗn loạn; người trên càng nhiều kĩ xảo thì việc bậy càng sinh ra nhiều; pháp lệnh càng nghiêm khắc thì đạo tặc càng nổi.
Cho nên thánh nhân bảo: ta không làm gì (vô vi) mà dân tự cải hoá, ta ưa thanh tĩnh mà dân tự nhiên thuần chính, ta không ban giáo lệnh mà dân tự phú túc, ta vô dục mà dân tự hoá ra chất phác.
Nghĩa chiết tự của Đạo là “con đường”, là lối đi và Đạo Đức Kinh được hiểu là “cuốn sách cổ nói về Con đường và Năng lực của nó”. Cuộc đời của Lão tử hay nguồn gốc của Đạo Đức Kinh vẫn còn là chủ đề của những tranh cãi và các cuộc nghiên cứu. Nhưng chắc chắn một điều rằng, tác phẩm đã ra đời ít nhất 4 thế kỷ trước khi Chúa Jesus giáng sinh.
Đạo Đức Kinh là cuốn sách chính đạo của Đạo giáo, và học thuyết chính trị của Đạo học có xu hướng vô chính phủ hơn so với đạo Khổng. Đạo Đức Kinh xem tự do Phóng nhiệm, tự do kinh tế cũng như hành động của bậc cai trị được giữ ở mức tối thiểu và việc không can thiệp vào đời sống của nhân dân là lý tưởng chính trị phù hợp với Đạo.
Vậy Đạo là gì? Xem ra Lão Tử đã lập luận để ngăn lại cả những nỗ lực định nghĩa nó:
Đạo mà có thể diễn tả được thì không phải là đạo vĩnh cửu bất biến; tên mà có thể đặt ra để gọi nó [đạo] thì không phải là tên vĩnh cửu bất biến. “Không”, là gọi cái bản thủy của trời đất; “Có” là gọi mẹ sinh ra muôn vật. Cho nên, tự thường đặt vào chỗ “không” là để xét cái thể vi diệu của nó [đạo]; tự thường đặt vào chỗ “có” là để xét cái [dụng] vô biên của nó. Hai cái đó [không và có] cũng từ đạo ra mà khác tên, đều là huyền diệu. Huyền diệu rồi lại thêm huyền diệu, đó là cửa của mọi biến hóa kì diệu.
Nghịch lý thay, người biết Đạo lại là người cho rằng Đạo là cái vô danh, cái không gọi tên được. “Càng nói nhiều lại càng khốn cùng, không bằng giữ sự hư tĩnh.”
Trị nước cũng phải như vậy, theo Đạo thì hành động chỉ ở mức tối thiểu, không cho rằng có thể kiểm soát những thứ nằm bên ngoài sự kiểm soát của Nhà nước hay của bất kì ai.
Dân sở dĩ đói là vì nhà cầm quyền thu thuế nặng nặng quá, cho nên dân đói. Dân sở dĩ khó trị là vì nhà cầm quyền dùng chính lệnh phiền hà, cho nên dân khó trị. Dân sở dĩ coi thường cái chết là vì nhà cần quyền tự phụng dưỡng quá hậu, cho nên dân coi thường sự chết. Nhà cầm quyền mà vô dục, đạm bạc thì hơn là qúy sinh, hậu dưỡng.
Sau đây là một số đoạn được tuyển chọn từ Đạo Đức Kinh nói về bậc trị nước lý tưởng - một tiếng nói hùng hồn và tốt đẹp đã vang lên hàng nghìn năm. Sẽ là sai lầm nếu chúng ta cố gắng biến một triết thuyết cổ đại và phức tạp thành những khái niệm mà ta thấy hấp dẫn, hoặc là chọn đọc một cách đơn giản. Hãy để những trích đoạn này làm khởi đầu cho những người chưa từng nghiên cứu sâu về Đạo Đức Kinh hay Đạo học:
Bậc trị dân giỏi nhất thì dân không biết là có vua, thấp hơn một bực thì dân yêu quí và khen; thấp hơn nữa thì dân sợ; thấp nhất thì bị dân khinh lờn. Vua không đủ thành tín thì dân không tin. Nhàn nhã, ung dung [vì vô vi] mà quí lời nói. Vua công thành, việc xong rồi mà trăm họ đều bảo: “Tự nhiên mình được vậy”.
Người giữ đạo mà phò vua thì không dùng binh lực để mạnh hơn thiên hạ. Vì việc như vậy thường hay quay ngược trở lại [hiếu chiến thì lại chết vì chiến tranh]. Quân đội đóng ở đâu, gai góc mọc ở đấy. Sau trận chiến tranh lớn, tất bị mất mùa. Vật gì cũng vậy, cường tráng rồi thì sẽ già, như vậy cường tráng là không hợp với đạo. Không hợp đạo thì sớm chết.
Vì binh khí là vật bất tường (chẳng lành, gây họa), ai cũng ghét cho nên người giữ đạo không thích dùng nó. Người quân tử ở nhà thì trọng bên trái, khi dùng binh thì trọng bên phải. [Binh khí là vật bất tường, không phải là của người quân tử, cho nên bất đắc dĩ phải dùng nó, mà dùng đến thì điềm đạm (bình tĩnh, giữ được hòa khí, tránh cực đoan) là hơn cả. Thắng cũng không cho là hay, nếu cho là hay tức là thích giết người. Kẻ nào thích giết người thì không thực hiện được lí tưởng trị thiên hạ]. Việc lành thì trọng bên trái, việc dữ thì trong bên phải. Phó tướng ở bên trái, thượng tướng ở bên phải, như vậy có nghĩa là coi việc dùng binh như một tang lễ. Giết hại nhiều người thì nên lấy lòng bi ai mà khóc; chiến thắng thì nên lấy tang lễ mà xử.
Trị nước lớn cũng như nấu nướng cá nhỏ (nấu cá nhỏ mà lật lên lật xuống, động tới nó nhiều quá, nó sẽ nát; trị nước lớn mà chính lệnh phiền hà, pháp lệnh thay đổi nhiều quá, can thiệp vào việc dân nhiều quá, dân sẽ trá nguỵ, chống đối).
Nước lớn nên ở chỗ thấp, chỗ qui tụ của thiên hạ, nên giống như giống cái trong thiên hạ. Giống cái nhờ tĩnh mà thắng giống đực [ham động], lấy tĩnh làm chỗ thấp. Cho nên nước lớn mà khiêm hạ đối với nước nhỏ thì được nước nhỏ xưng thần; nước nhỏ mà khiêm hạ đối với nước lớn thì được nước lớn che chở. Như vậy là một bên khiêm hạ để được [nước nhỏ xưng thần], một bên khiêm hạ mà được [nước lớn che chở]. Nước lớn chẳng qua chỉ muốn gồm nuôi nước nhỏ, nước nhỏ chẳng qua muốn thờ nước lớn. Khiêm hạ thì cả hai đều được như ý muốn; nhưng nước lớn phải khiêm hạ mới được.
Dân mà không sợ sự uy hiếp (tức hà chính, bạo hình) của vua thì sự uy hiếp lớn của dân sẽ đến với vua (tức dân sẽ nổi loạn). Đừng bó buộc đời sống của dân (để cho dân an cư), đừng áp bức cách sinh nhai của dân. Vì không áp bức dân nên dân mới không bức lại vua (không phản kháng). Vì vậy thánh nhân biết quyền năng của mình mà không biểu lộ ra, yêu cái đức của mình mà không tự cho là tôn quí. Cho nên bỏ cái sau (tự hiện, tự quí) mà giữ cái trước (tự tri, tự ái).
Theo FFE
Khánh Huyền (biên dịch)
Các đoạn trích Đạo Đức Kinh được lấy từ bản dịch của Nguyễn Hiến Lê.