7 tips giúp bạn trả lời câu hỏi: “Tiền của mình đã đi đâu hết?” 
7 tips giúp bạn trả lời câu hỏi: “Tiền của mình đã đi đâu hết?” 
Hầu hết mọi người đều có hàng chục câu hỏi liên quan tới tiền bạc, nhưng không biết hỏi ai, và chúng ta cũng không muốn trở nên ngốc nghếch bằng cách thừa nhận rằng mình không biết những điều đó. Do đó, tác giả Claer Barrett đã viết nên cuốn sách “Gác lại âu lo, tự do tài chính - 7 tips giúp bạn trả lời câu hỏi: ‘Tiền của mình đã đi đâu hết?’” 
Gác Lại Âu Lo - Tự Do Tài Chính
(5 lượt)

Hiểu đúng về “tự do tài chính”

Có nhiều định nghĩa khác nhau về tự do tài chính. Tuy nhiên, tất cả các định nghĩa đều có hai yếu tố quan trọng. Yếu tố thứ nhất là được tự do làm điều mình yêu thích, mình mong muốn. Và yếu tố thứ hai là không phải lo lắng về vấn đề tiền bạc. 

Tuy nhiên, mỗi người có những mong muốn và lựa chọn khác nhau trong cuộc sống. Nếu bạn đang làm điều bạn yêu thích và không phải lo lắng về vấn đề tiền bạc, thì đó là bạn đã đạt được tự do về tài chính. 

Nhưng tự do tài chính không có nghĩa là bạn có rất nhiều tiền mà không cần làm gì. Đó có nghĩa là bạn có khả năng đưa ra quyết định chi tiêu mà không phải lo lắng và có thể kiểm soát được tình hình tài chính của mình. 

Một cách ngắn gọn để đạt được mục tiêu tự do tài chính là không chỉ dựa vào việc làm và tiết kiệm, mà còn phải có phần đầu tư. Dù thu nhập của bạn có thể không cao và chi phí sinh hoạt cũng chiếm một phần tương đối, nhưng việc tham gia đầu tư ngay từ khi còn trẻ là một điểm quan trọng. 

Bảy thói quen tài chính quan trọng

Dưới đây là 7 thói quen tài chính quan trọng sẽ giúp bạn “giải phóng” cảm giác tiêu cực về tiền bạc và tiến lên phía trước với tư duy tích cực.

 

Thói quen số một: Hãy lý trí, đừng cảm tính

 

Điều đầu tiên chúng ta phải chấp nhận là tiền bạc là một chủ đề nhạy cảm! Mỗi người có cảm xúc khác nhau với tiền bạc và điều này ảnh hưởng mạnh mẽ đến quan điểm của chúng ta về việc kiếm tiền, tiêu tiền, vay tiền, tiết kiệm và đầu tư.

Giờ đây, chúng ta cần đưa ra quyết định lý trí và thông minh với tiền bạc - nhưng rất khó để chống lại những luồng cảm xúc mạnh mẽ này. Trong chương đầu tiên của cuốn sách, tác giả sẽ giới thiệu một số tính cách tài chính thông thường. Học cách trở nên lý trí hơn và coi tiền bạc như một công cụ có thể thúc đẩy sự thành công tài chính trong tương lai và, quan trọng hơn, giảm bớt “yếu tố sợ hãi”. 

 

Thói quen số hai: Đưa ra những quyết định sáng suốt về tiền bạc

 

Việc nhận thức rõ hơn về những quyết định mà bản thân đưa ra sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi muôn thuở: “Tiền của mình đã đi đâu hết?”

Trong chương 2 và 3 của cuốn sách, Claer Barrett đã chia sẻ một số mẹo, kỹ thuật và công cụ số miễn phí mà bạn có thể sử dụng để xem xét dữ liệu của mình, duy trì một góc nhìn tỉnh táo về bảng cân đối cá nhân và cảm thấy tự chủ hơn. Sau đó, trong chương 4, bạn sẽ được hướng dẫn áp dụng các kỹ thuật ấy để giải quyết nợ nần. 

 

Thói quen số ba: Phân tách và tự động hóa

 

Sau khi vượt qua phần khó khăn và đưa ra quyết định tài chính để làm điều gì đó, hãy khiến nó trở nên dễ dàng bằng cách tự động hóa. 

Trong chương 3, tác giả đã giải thích ngân hàng số có nghĩa là việc “trả tiền cho bản thân trước” chưa bao giờ dễ dàng như bây giờ, bằng cách thiết lập thanh toán tự động và từng tài khoản riêng để xác định mục tiêu cho các khoản tiền trong từng lĩnh vực cụ thể. 

 

Thói quen số bốn: Đặt mục tiêu

 

Nếu bạn đến gặp một nhà đầu tư tài chính chuyên nghiệp, câu hỏi đầu tiên họ sẽ đặt cho bạn là “Mục tiêu tài chính của bạn là gì?” Đây không phải là một câu hỏi dễ trả lời - nhưng đáng để bạn dành thời gian suy nghĩ, vì mục tiêu là một công cụ tạo động lực mạnh mẽ.

Suy nghĩ về cái nhìn tổng thể giúp chúng ta nhận ra rằng những hành động nhỏ thường được tích lũy nhanh chóng.

Trong chương 5, tác giả sẽ hướng dẫn bạn cách tiếp cận và đặt các mục tiêu khác nhau cho bản thân, cũng như cách duy trì động lực khi mọi việc không đi theo kế hoạch. 

 

Thói quen số năm: Hãy tò mò

 

Việc mở lòng để tìm kiếm những khía cạnh tài chính mà bạn không tự tin là một yếu tố quan trọng cho sự thành công trong tương lai. Không có câu hỏi nào về tiền bạc là ngớ ngẩn cả - ngoại trừ việc không hỏi bất kỳ câu nào! 

Trong cuốn sách này, tác giả đã nhân cách hóa những con số bằng cách sử dụng những ví dụ thực tế và các trường hợp nghiên cứu cụ thể nhằm truyền cho bạn sự tự tin để đặt câu hỏi - và hiểu câu trả lời. Trong chương 6, bạn sẽ tìm hiểu cách bảo vệ bản thân khỏi các vụ lừa đảo và hiểu rằng những kế hoạch của người khác với tiền bạc của chúng ta hiếm khi mang lại lợi ích tốt nhất cho chúng ta.

 

Thói quen số sáu: Xây dựng kế hoạch tài chính của riêng bạn

 

Đặt mục tiêu tập trung tư duy của chúng ta vào nơi chúng ta muốn đến - nhưng kế hoạch trước mắt là xác định rõ các khía cạnh thực tế liên quan tới cách chúng ta đạt được mục tiêu đó!

Trong chương 7, bạn sẽ học cách phân chia mục tiêu thành các bước nhỏ hơn và tận dụng sức mạnh cả hai trong những yếu tố mạnh mẽ nhất trong thế giới tài chính - các khoản miễn thuế và lãi kép. Nếu bạn chưa từng nghe về những thuật ngữ này thì cũng đừng lo, vì tác giả sẽ diễn giải chúng bằng ngôn ngữ đơn giản. 

 

Thói quen số bảy: Dành thời gian để nói về tiền bạc

 

Nói chuyện về tiền bạc là một rào cản lớn - nhiều người cảm thấy rất không thoải mái khi làm điều đó. Việc khám phá mối quan hệ cảm xúc của riêng bạn với tiền bạc sẽ giúp bạn tìm được điểm chung để giao tiếp với người yêu, bạn bè, gia đình và cùng nhau phát triển. 

Trong chương 9 và 10, tác giả mở rộng vấn đề này thành việc yêu cầu tăng lương - và đạt được điều đó! Ngoài ra, tác giả cũng giải thích thêm về cách tiến hành các cuộc trò chuyện hiệu quả với các công ty tài chính. 

Những vấn đề về tiền bạc thường tạo ra một thói quen khó chịu là trở nên tồi tệ hơn khi chúng ta chọn lờ đi chúng. Không có gì là đáng xấu hổ khi tìm kiếm sự giúp đỡ. Trong cuốn sách, bạn sẽ tìm thấy rất nhiều nguồn trợ giúp và lời khuyên (miễn phí) để hiểu cách tất cả những thói quen trên có thể giúp bạn có được một cuộc sống tốt hơn.

Cuốn sách này dành cho ai?

Tại sao bạn nên đọc cuốn sách về tiền bạc này? 

Đơn giản bởi vì nó được đặc biệt viết cho những người chẳng bao giờ mua sách dạy về tiền bạc. 

Cuộc khủng hoảng về chi phí sinh hoạt đang gia tăng nỗi lo về tiền bạc của chúng ta. Khi tài chính của chúng ta ngày càng eo hẹp, việc đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi về tiền bạc không còn là tùy chọn nữa - mà vô cùng cần thiết. 

“Gác lại âu lo, tự do tài chính” có lẽ phù hợp nhất cho những người bắt đầu đi làm, ra trường khoảng 22 tuổi và có thu nhập từ công việc. Các bạn sẽ ý thức ngay được và quản lý tài chính từ sớm sẽ tốt hơn. Đặt mục tiêu sớm sẽ tạo động lực tốt hơn. Đừng nghĩ rằng còn trẻ quá thì không phải lo nghĩ, nếu cứ sống và chi tiêu thoải mái sẽ đến một lúc nhận ra đã quá muộn để đặt ra những mục tiêu tài chính cụ thể.

Trạm Đọc trân trọng giới thiệu với bạn cuốn sách hữu ích này!

Tags: