“Thư viện người” ở Đan Mạch, nơi bạn có thể “mượn người” để lắng nghe về câu chuyện đời họ
“Thư viện người” ở Đan Mạch, nơi bạn có thể “mượn người” để lắng nghe về câu chuyện đời họ
Thư viện người hy vọng đây có thể là nơi mà “những người không bao giờ trò chuyện có thể tìm được nơi để chia sẻ.”
Hầu hết, chúng ta đều đã quen thuộc về việc thư viện là phải có sách, với nhiều kệ sách đa dạng các thể loại nội dung. Tuy nhiên, có một thư viện ở Đan Mạch là nơi các bạn có thể “mượn người” thay vì mượn sách. Đây là ý tưởng của một nhóm các nhà đổi mới vào năm 2000, thư viện con người hay Menneskebiblioteket trong tiếng Đan Mạch. Theo đó, những “độc giả” đến đây có thể mượn người trong 30 phút để trò chuyện cùng họ, kể hoặc lắng nghe những câu chuyện trong đời sống từ những người hoàn toàn xa lạ.

Ban đầu, ý tưởng này chỉ được triển khai như một sự kiện được thiết kế cho lễ hội Roskilde. Thế nhưng, chỉ trong 4 ngày diễn ra sự kiện, thư viện người thu hút hơn 1 nghìn độc giả đến để tìm hiểu các “cuốn sách người”. Những “quyển sách người” được chọn khi đó đại diện cho các nhóm thường bị hiểu lầm hoặc chịu nhiều thành kiến trong đời sống. Sự thành công của dự án thử nghiệm này đã dẫn đến sự thành lập của Tổ chức Thư viện con người.

Mọi người có thể trở thành một phần của Thư viện Con người theo 2 cách. Cách một là tình nguyện trở thành một “quyển sách người”, việc này đòi hỏi sự kiên nhẫn, đồng cảm cũng như sự thoải mái khi chia sẻ với người khác. Giống như thư viện sách thông thường, những quyển sách ở đây cũng có tiêu đề, chẳng hạn như: “Lưỡng cực”, “Trầm cảm”, “Nghiện cồn”,… Qua đó, thư viện hy vọng các độc giả sẽ mở lòng để hiểu rõ hơn về những người đó hơn là chỉ nhìn bề ngoài và các định kiến.

Cách còn lại chính là trải nghiệm thư viện với tư cách là một độc giả trong vòng nửa giờ. Độc giả sẽ lựa chọn một tiêu đề hứng thú và đến khu vực trò chuyện nhóm hoặc cá nhân. Tại đây, họ sẽ được trao đổi với những người đang sẵn sàng kể lại câu chuyện của mình trong vòng 30 phút. Độc giả được khuyến khích “dặt các câu hỏi khó” mà họ luôn thắc mắc từ trước đến nay. Tất nhiên, không một “cuốn sách người” nào có trải nghiệm giống hệt nhau. Và họ có thể là bất kỳ ai đến từ mọi ngành nghề, từ các nhà tổ chức tang lễ, những cựu chiến binh cho đến những đứa trẻ.

Thư viện người hy vọng đây có thể là nơi mà “những người không bao giờ trò chuyện có thể tìm được nơi để chia sẻ.”

Ngày nay, tổ chức Thư viện con người cũng tổ chức các sự kiện trên các khắp thể giới, thậm chí còn mở thêm cơ sở tại một số thành phố. Khái niệm thư viện sách đã tồn tại hơn 70 quốc gia trên thế giới. Bên cạnh đó, họ cũng làm việc với các tập đoàn cũng như nhà cung cấp để tạo ra các buổi trò chuyện, lắng nghe cho các nhân viên văn phòng. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự tương tác tích cực giữa người với người có thể ảnh hưởng đến tính cách, tâm lý và quan điểm của một con người.

Tôi không thể khẳng định cuộc trò chuyện 30 phút sẽ thay đổi được bất kỳ ai. Điều mà tôi tự tin chính là tin rằng nếu cố gắng một chút, thì sự bất đồng, thành kiến trong họ sẽ được thay đổi. Hay ít nhất nó buộc họ phải đặt câu hỏi cho sự phán xét trong lương tâm.” - đại diện thư viện cho biết.

Theo Mymodernmet | Tinh Tế

Tags: