Thói hợm hĩnh: Nỗi lo âu về địa vị
Thói hợm hĩnh: Nỗi lo âu về địa vị
Trích dẫn chương IV trong cuốn sách Nỗi lo âu về địa vị của triết gia đời sống Alain de Botton

 

Có một khoảng thời gian trong đời, sẽ không ai để tâm lắm đến những gì chúng ta làm, chỉ riêng sự hiện hữu của ta trong kiếp nhân sinh là đủ để mang đến cho ta tình cảm vô điều kiện. Chúng ta có thể ợ ngay khi ăn xong, gào khóc hết cỡ, ném dao nĩa xuống nền nhà, dành cả ngày ngồi bần thần nhìn ra cửa sổ, nghịch đất trong bồn hoa - và vẫn biết rằng sẽ có ai đó tới và vuốt tóc ta, thay đồ cho ta và hát ru ta ngủ. Ta chào đời trong vòng tay mẹ, người đòi hỏi ta không gì nhiều ngoài việc hãy tiếp tục sống. Ngay cả những người không phải là mẹ ta, dù đàn ông hay phụ nữ, cũng đều cư xử khoan dung như vậy: họ cười khi họ thấy ta đi mua sắm cùng gia đình, họ bình luận về hoa văn đẹp trên bộ quần áo ta mặc, và vào một ngày đẹp trời, mang cho ta một chú chó, vài thanh ray gỗ hay một bộ xe lửa đồ chơi làm phần thưởng cho việc chúng ta chỉ cần là chính mình.

 

Nhưng trạng thái yên bình ấy không kéo dài được bao lâu. Đến khi hoàn tất việc học, chúng ta buộc phải bước chân vào một thế giới bị thống trị bởi một kiểu người mới, khác biệt hẳn với mẹ ta và cách cư xử của họ làm dấy lên trong ta những mối lo âu về địa vị: thói hợm hĩnh. Mặc dù một số bạn bè và người tình sẽ mãi miễn nhiễm với thói hợm hĩnh, hứa không tuyệt giao với ta kể cả khi ta phá sản hay khi sa cơ lỡ vận, nhìn chung, chúng ta buộc phải sống giữa sự quan tâm cao độ tới địa vị xã hội của bọn hợm.

 

Từ hợm hĩnh (snob) được dùng lần đầu tiên ở Anh vào những năm 1820. Người ta nói nó xuất phát từ thói quen của nhiều sinh viên Oxford và Cambridge khi viết chữ “”sine nobilitate” (không quý tộc) hay “s.nob’’ bên cạnh tên của những sinh viên bình dân trong danh sách thi cử để phân biệt họ với các sinh viên có cùng địa vị quý tộc như mình.

 

Trong buổi đầu của từ này, một “kẻ hợm” dùng để chỉ ai đó không có địa vị cao, nhưng nó mau chóng được gán cho một nghĩa hiện đại, gần như trái ngược hoàn toàn: chỉ ai đó khó chịu khi thấy người khác thiếu địa vị cao, một kẻ tin vào một đẳng thức hoàn mỹ giữa các thứ bậc xã hội và giá trị con người. Trong Book of Snobs, William Thackeray nhìn nhận rằng trong hai lăm năm trước đó, bọn hợm đã “lan tỏa khắp nước Anh như đường ray xe lửa. Giờ đây họ được biết đến và ghi nhận trên khắp một đế chế nơi mặt trời không bao giờ lặn.”

 

Mặc dù xét về truyền thống, có thể chúng đã gắn với một mối quan tâm lợi ích trong giới quý tộc (vì ban đầu chúng bị bó hẹp trong ngôn ngữ tại không gian và thời gian mà giới quý tộc đứng trên đỉnh của xã hội), song nếu đồng nhất thói hợm hĩnh với một thái độ nhiệt thành của cung cách ứng xử mẫu mực, cách ăn mặc lịch lãm, thú săn bắn và các câu lạc bộ dành cho các quý ông, thì nó mà nắm bắt được tính đa dạng của hiện tượng này. Còn sót quá nhiều trường hợp. Có thể thấy trong lịch sử bọn hợm thường lấy lòng một loạt những nhóm nhân vật nổi bật nào đó - từ chiến binh (Sparta, năm 400 TCN), giám mục (Rome, 1500) và thi sĩ (Weimar, 1815), đến nông dân (Trung Quốc, 1967) và ngôi sao điện ảnh (Hollywood, 2004) - bởi mối quan tâm chủ yếu của bọn hợm là quyền lực, và khi sự phân bố quyền lực thay đổi, thì cũng tự nhiên và lập tức, đối tượng ngưỡng mộ của chúng cũng sẽ thay đổi…

"The Price of Blood" by Thomas Satterwhite

Bè lũ hợm hĩnh có khả năng gây điên tiết hay tức tối cho chúng ta vì sâu thẳm tận bên trong ta mới thấy mình thật nhỏ bé làm sao - đúng vậy, ở ngoài địa vị của mình, ta mới nhỏ bé làm sao - ta sẽ có rất ít khả năng chế ngực được cách hành xử của họ đối với ta. Chúng ta có thể được trời phú cho sự thông thái của Solomon hay tài xoay xở và trí thông minh của Odysseus, nhưng nếu về mặt xã hội ta không thu được những huy hiệu danh giá cho các phẩm chất của mình, sự hiện hữu của ta sẽ chỉ gây cho chúng một sự lãnh đạm thô lậu.

 

Sự quan tâm tới hoàn cảnh bên ngoài ấy làm ta tổn thương vì những ký ức sớm sủa nhất của ta về tình thương là kí ức về việc được chăm sóc trong một hoàn cảnh trần trụi. Lẽ tự nhiên, trẻ con không thể báo đáp cho những người chăm sóc chúng. Chúng được yêu và được chăm sóc vì chúng là chính bản thân, nhân dạng được hiểu trong trạng thái trần trụi nhất, tinh giản nhất. Chúng được yêu, vì chính sự thiếu kiểm soát, gào khóc và cứng đầu của mình.

 

Chỉ khi chúng ta trưởng thành, lòng yêu thương mới bắt đầu phụ thuộc vào thành tựu: phải ngoan ngoãn, học hành tấn tới ở trưởng, sau đó đạt được thứ bậc cao và uy tín. Những nỗ lực như thế có thể thu hút sự chú ý của người khác, nhưng cái khao khát tình cảm ngầm ẩn phía sau nỗ lực đó không sâu sắc như khi ta chờ mong bắt gặp lại một cử chỉ âu yếm tràn trề, bao dung dành cho ta khi ta được chơi trò xếp hình với những miếng gỗ trên sàn bếp, hay chỉ cần ta có một thân hình bụ bẫm và đôi mắt to tròn ngây thơ.

 

Chính vì bằng chứng về niềm khao khát này mà chỉ có những kẻ bợ đỡ thừa hơi nhất mới mong muốn đặt nền tảng tình bạn quanh sự cuốn hút về quyền lực hay danh tiếng. Nếu người ta mời nhau ăn trưa vì những giá trị như thế thì đó là lí do khiếm nhã và dễ đổi thay, bởi lẽ chúng nằm bên ngoài cái tôi thực sự và thuần khiết của chúng ta. Việc làm có thể mất đi và danh tiếng có thể bị hao mòn mà chẳng cần chúng ta tan biến cũng như chẳng cần nhu cầu tình thương được dung dưỡng từ thơ ấu của chúng ta lắng dịu. Vì thế, những kẻ bợ đỡ tài năng luôn tỏ ra rằng chúng quan tâm con mồi vì phần hoàn toàn không-thuộc-về-địa-vị, chỉ là một mối quan hệ gắn kết sâu sắc và thuần chất.

 

Nhưng mặc cho nỗ lực của chúng, con mồi vẫn phát hiện ra sự chông chênh bên dưới bề mặt hào nhoáng và khiến bè lũ hợm lo về sự không tương thích giữa cái tôi thực chất của chúng với bất cứ địa vị nào chúng đang tạm thời giữ trong tay.

 

Thật khó để ta có thể tự bác bỏ được những cái bẫy hợm hĩnh, vì đây vốn là một căn bệnh mang tính tập thể. Một nỗi oán giận của tuổi trẻ đối với thái độ hợm hĩnh không cứu ta thoát khỏi việc dần biến mình trở thành kẻ hợm hĩnh, vì chính việc bị ngó lơ một các xấc xược sẽ tự nhiên thúc đẩy ý muốn giành lấy sự chú ý từ những kẻ làm lơ ta. Sự hợm hĩnh của một nhóm nổi bật có thể vì thế kéo đám đông nói chung đến những tham vọng xã hội mà lúc đầu họ không hề thèm muốn nhưng giờ đây họ mưu cầu như thể đó là phương tiện duy nhất để được yêu thương và công nhận….

 

Có thể chúng ta sẽ không nhịn được cười trước những gì gây ra bởi nỗi khao khát các biểu tượng của địa vị. Những kẻ hay khoe có quen người nổi tiếng, khoe hàng hiệu.Chẳng hạn, đồ dùng thời Victoria đầy rẫy những sản phẩm hào nhoáng vô vị. Đa phần là sản phẩm của hãng Jackson&Graham ở London, và thứ lòe loẹt hơn cả là một cái tủ bằng gỗ sồi nguyên khối, được chạm trổ những cậu bé đang hái nho, hai cột điêu khắc tượng phụ nữ và những trụ ốp được chạm trổ. Bên trên là một con bò đực mạ vàng cao sáu tấc uy nghi.

Một cái tủ hợm hĩnh.

Trước khi chế nhạo ai đó mua một vật thế này, có lẽ sẽ công bằng hơn nếu đặt câu hỏi về một bối cảnh rộng hơn, trong đó một vật kiểu như thế được làm ra và tiêu thụ. Thay vì giễu cợt người mua, chúng ta nên trách xã hội sống đã dựng lên một hoàn cảnh nơi người ta nghĩ việc mua những cái tủ đầy họa tiết là cần thiết chính đáng… Đó là bản ghi chép về những người cảm thấy áp lực từ sự khinh thị của người khác, buộc họ phải bồi đắp thêm những thứ khác thường vào cái tôi trần trụi của mình để phát ra tín hiệu rằng họ cũng cần được yêu thương.

 

Nếu cái nghèo là án phạt vật chất có tính truyền thống cho địa vị thấp, thì sự thờ ơ và những cái nhìn dửng dưng là án phạt cảm xúc mà thế giới hợm hĩnh không thể nào ngừng áp đặt lên những ai thiếu các biểu tượng của địa vị.

Tags: