THẾ NÀO LÀ NÓI LƯU LOÁT?
Khi nhắc đến “lưu loát”, đa số chúng ta sẽ nghĩ tới việc một người có khả năng nói trôi chảy, mạch lạc và đầy tự tin. Theo trang dictionary.com, tính lưu loát (fluency) được định nghĩa là khả năng nói (hoặc viết) nhanh, rõ ràng và dễ hiểu. Từ “fluency” xuất phát từ tiếng La-tinh có nghĩa là “flow” (tạm dịch: “dòng chảy”). Theo trang web của Hội đồng Anh, tính lưu loát được hiểu là cách bạn giải thích vấn đề trôi chảy, rõ ràng mà không ngập ngừng quá nhiều. Tính lưu loát luôn xuất hiện trong tiêu chí đánh giá của các bài thi nói chuẩn quốc tế. Ví dụ như trong bài thi nói của TOEFL iBT (của ETS – Educational Testing Service), tính lưu loát được xác định là khả năng nói liên tục trong một khoảng thời gian nhất định với độ ngập ngừng ít nhất có thể.
Như vậy, một yếu tố quan trọng để nói lưu loát là bạn cần nói liên tục, giữ được nhịp khi nói, và tránh bị ngắt quãng khi không cần thiết. Trong ngôn ngữ nói, việc ngắt nghỉ giữa các cụm từ là hành động tự nhiên. Tuy nhiên, nếu bạn liên tục dừng, vừa nói vừa nghĩ thì có nghĩa bạn chưa nói lưu loát. Ngoài yếu tố nói liên tục, theo tôi, nói rõ cũng là một tiêu chí quan trọng trong nói lưu loát. Nhiều người tưởng rằng nói lưu loát chỉ đơn giản là nói nhanh. Tuy nhiên, khi nói nhanh, bạn khó có thể kiểm soát những gì đang nói, dẫn tới việc phát âm không rõ ràng, gây khó hiểu. Trên thực tế, rất nhiều người nói ở tốc độ chậm rãi, vừa phải nhưng vẫn được coi là nói lưu loát. Lý do vì họ nói rõ ràng và liền mạch.
Tóm lại, nói lưu loát không nhất thiết phải nói nhanh, bạn có thể nói ở tốc độ vừa phải, miễn là bạn nói rõ và giữ được mạch nói nhịp nhàng, tránh bị ngập ngừng khi không cần thiết.
Trong cuốn sách này, tôi sẽ giới thiệu đến các bạn hai công thức để xác định mức độ lưu loát khi nói tiếng Anh, đó là nói ở tốc độ vừa phải và nói ở tốc độ nhanh tự nhiên. Trong mỗi công thức, tôi sẽ lần lượt làm rõ từng yếu tố thành phần.
Công thức 1 – Nói lưu loát ở tốc độ vừa phải
Nói lưu loát = Nói rõ + Nói liên tục
Yếu tố (1): Nói rõ
Dù muốn nói lưu loát tới đâu thì bạn vẫn cần nhớ rằng điều quan trọng nhất là người nghe phải hiểu được bạn đang nói gì. Trên thực tế, tôi gặp không ít người luôn cố gắng nói tiếng Anh thật nhanh (họ nghĩ rằng nói nhanh tức là lưu loát), và vì thế lại khiến người nghe khó có thể hiểu được nội dung họ muốn truyền đạt. Để nói rõ và truyền đạt đúng nội dung, bạn cần đảm bảo được hai tiêu chí: diễn đạt rành mạch và phát âm đúng. Với tiêu chí thứ nhất, bạn cần biểu đạt ý tưởng của mình bằng các từ ngữ và cấu trúc câu phù hợp. Điều này liên quan khá nhiều tới ngữ pháp và từ vựng. Với tiêu chí thứ hai, bạn cần biết cách phát âm. Vậy là, muốn nói rõ, bạn nhất định phải học phát âm tiếng Anh. Tôi hay ví tiêu chí thứ nhất (cách diễn đạt) với nội thất, tiêu chí thứ hai (phát âm) với ngoại thất. Một căn nhà được coi là đẹp chỉ khi đảm bảo được cả hai tiêu chí trên. Tóm lại, nếu bạn làm chủ được phát âm và biết cách biểu đạt, bạn sẽ nói rõ ràng.
Bạn từng nghe bài diễn thuyết nào trên TED Talks chưa? Nếu chưa, hãy tìm nghe thử nhé. Bạn sẽ nhận ra rằng nhiều diễn giả nói từ tốn nhưng vẫn rất lưu loát. Sự khác biệt nằm ở khả năng kiểm soát tốc độ nói, vì thế bài nói của họ có độ nhịp nhàng, nhấn nhá hợp lý và không hề ngắc ngứ. Thực ra, điều này đúng với mọi ngôn ngữ, bao gồm cả tiếng Việt. Chúng ta dễ dàng quan sát thấy nhiều người Việt dù chỉ nói với tốc độ vừa phải nhưng mọi người đều thấy rằng họ nói lưu loát. Theo tiêu chí đánh giá phần thi nói của bài thi IELTS (trên trang ielts.org), nói lưu loát được hiểu là nói liên tục, không phải dừng lại để tìm từ hay cách diễn đạt. Đây là yếu tố dễ nhận biết nhất khi muốn đánh giá ai đó nói lưu loát hay không. Nếu vừa nói vừa suy nghĩ xem mình sẽ nói gì tiếp theo, bạn không thể nói liền mạch mà sẽ liên tục ngừng nghỉ, làm cho cuộc hội thoại bị ngắt quãng. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới mạch nói, và như vậy không thể coi là nói lưu loát được.
Công thức 2: Nói lưu loát ở tốc độ nhanh tự nhiên
Nói lưu loát ở tốc độ nhanh tự nhiên là trình độ lý tưởng nhất mà mọi người học tiếng Anh nên hướng tới. Nếu có thể nói nhanh, liên tục mà vẫn rõ ràng, bạn chắc chắn sẽ ghi điểm cao trong các bài thi nói lấy chứng chỉ tiếng Anh. Bài thi TOEFL iBT yêu cầu bạn phải trình bày về một vấn đề trong 45 giây (bài nói độc lập - Independent Speaking) hoặc trong 60 giây (bài nói tổng hợp - Integrated Speaking). Part 3 trong bài thi IELTS Speaking cũng yêu cầu bạn phải thảo luận với giám khảo về các chủ đề khác nhau, và với mỗi câu hỏi bạn sẽ chỉ có khoảng 30-40 giây để trả lời. Vì vậy, để có thể đạt điểm cao trong những bài thi nói như thế, thí sinh bắt buộc phải nói đủ nhanh. Đó là lý do tại sao bạn cần tới khả năng nói lưu loát một cách tự nhiên, và nói ở tốc độ mà bạn mong muốn.
Một trong những thử thách lớn nhất của tôi trước khi tốt nghiệp chương trình cao học là bảo vệ luận văn trước hội đồng. Học viên sẽ phải tóm tắt toàn bộ luận văn của mình trong thời gian tối đa là 15 phút. Đa số mọi người đều rất áp lực về việc này, đặc biệt là các học viên quốc tế. Chỉ trong 15 phút ngắn ngủi, thật không dễ để có thể giới thiệu tới hội đồng lý do bạn chọn đề tài, tóm tắt các nghiên cứu, trình bày phương pháp nghiên cứu và phân tích, báo cáo kết quả. Đây là một thách thức ngay cả với học viên người Mỹ. Để làm được điều này, ngoài việc chọn ra được những ý quan trọng nhất, bạn phải nói lưu loát ở tốc độ nhanh. Nếu nói chậm, bạn không thể trình bày hết thông tin quan trọng trong thời gian được cho phép. Thật vui vì cuối cùng bài bảo vệ luận văn của tôi đã được các giáo sư đánh giá cao. Tôi không chỉ hoàn thành bài phát biểu trong đúng thời gian quy định mà còn trình bày rõ ràng, đủ ý với tốc độ nói phù hợp. Khả năng nói lưu loát ở tốc độ nhanh tự nhiên sẽ mang tới cho chúng ta rất nhiều lợi thế cả trong học tập và công việc. Dù vậy, cho tới nay, điều này vẫn là thử thách lớn đối với nhiều người.
Cùng với hai yếu tố là nói rõ và nói liên tục, tôi muốn giới thiệu thêm một yếu tố nữa, đó là nói nhanh tự nhiên. Nói nhanh tự nhiên nghĩa là sử dụng nhịp điệu tự nhiên như người bản xứ, nhờ vậy mà chúng ta nói nhanh hơn nhưng vẫn rõ ràng.
Để đạt tới trình độ này, bạn cần nắm vững các kỹ thuật phát âm. Nhiều người đến giờ vẫn cho rằng học phát âm là học về âm. Đây là sai lầm giống như tôi ngày xưa, khi chưa hiểu được hết sức mạnh của việc học phát âm tiếng Anh. Chính vì không nắm được các khía cạnh khác của phát âm như nhấn trọng âm vào từ trong câu, nối âm, giảm âm mà tôi đã phải loay hoay nhiều năm mới đạt được trình độ nói lưu loát ở tốc độ nhanh.
Nếu muốn bứt phá về kỹ năng nói, bạn bắt buộc phải nắm vững và thực hành đầy đủ các khía cạnh của phát âm: âm – trọng âm – nhịp điệu – nối âm/giảm âm – ngữ điệu. Việc nói có nhịp điệu, nhấn vào các từ truyền tải ý nghĩa trong câu và sử dụng nối âm khi nói sẽ giúp bạn giao tiếp hiệu quả hơn. Thay vì phải vất vả “rặn” ra từng từ, bạn sẽ nói nhanh hơn mà vẫn rất rõ ràng. Đây là một kỹ thuật cần được tập luyện, và để đạt được kết quả mong muốn thì bạn cần sự hướng dẫn của một người có kinh nghiệm. Tôi sẽ nói chi tiết hơn về điều này trong phần tiếp theo.
Câu chuyện của tôi
Ngày còn học cao học ở Mỹ, lớp chúng tôi có vài sinh viên quốc tế. Tôi chơi khá thân với một người bạn Trung Quốc tên là Yishi. Yishi 24 tuổi, xinh đẹp, dễ mến và cởi mở. Cô ấy rất chăm chỉ, luôn hăng hái phát biểu và rất thích tranh luận với các bạn người bản xứ. Nhưng thường trong các cuộc tranh luận đó, sau khi nghe cô ấy nói một hồi, mọi người đều không hiểu cô ấy nói gì. Lý do là Yishi nói khá nhanh nhưng phát âm không rõ. Những lúc như thế, tôi lại làm nhiệm vụ “phiên dịch” cho cô ấy. Có lần, khi nghe giáo sư giảng bài trên lớp, Yishi hăng hái phát biểu và nói gì đó rất to nghe như “crack, crack”, cả lớp mắt tròn mắt dẹt không hiểu gì. Hóa ra từ cô ấy muốn nói ở đây là “correct” /kəˈrɛkt/, nhưng vì nói nhanh quá thành ra nghe như / kræk/.
Ngược lại với Yishi là trường hợp của Lee, một học viên người Hàn Quốc cùng lớp cao học đó. Lee phát âm tiếng Anh nghe như người bản xứ. Cậu ấy nói từng từ khá chuẩn, nhưng mỗi khi cậu ấy phát biểu trên lớp, chúng tôi đều ngáp dài ngán ngẩm. Lee nói chậm tới mức vị giáo sư đáng kính thường buộc phải ngắt lời cậu. Cậu ấy vừa nói vừa nghĩ và cứ ậm ờ mãi, đúng kiểu nói mãi không ra ý. Bạn biết đấy, một buổi học kéo dài 3 tiếng đồng hồ, giáo sư có rất nhiều kiến thức cần truyền đạt, và chúng tôi không thể ngồi đó kiên nhẫn chờ cậu ấy nói hết được. Thảo luận luôn là phần gây hứng thú với hầu hết sinh viên, ai cũng cố gắng nói thật nhanh để trình bày được ý kiến của mình và không làm mất thời gian chờ đợi của người khác. Tôi biết Lee không cố ý làm mọi người mất thời gian, chỉ là cậu không thể nói lưu loát hơn được.
Yishi và Lee, hai người bạn đến từ hai quốc gia khác nhau, mỗi người lại có một vấn đề riêng khi sử dụng tiếng Anh trong môi trường quốc tế. Một người tự tin, nhưng nói quá nhanh tới mức bỏ qua yếu tố rõ ràng, còn người kia nói rõ nhưng lại chậm và ngắc ngứ quá nhiều. Theo bạn, ai trong số họ được coi là nói lưu loát? Câu trả lời là không ai cả. Khi bạn nói nhanh nhưng thiếu rõ ràng, sẽ không ai công nhận rằng bạn nói lưu loát. Khi bạn nói rất rõ nhưng liên tục ngắt quãng, không trình bày được ý của mình thì bản thân bạn cũng sẽ nhận thấy rằng mình nói không lưu loát. Xem ra nói tiếng Anh lưu loát là một điều vô cùng khó, ngay cả với các sinh viên nước ngoài đã sang tận Mỹ du học.
Bài viết được trích dẫn từ cuốn Phương pháp luyện nói tiếng anh lưu loát của tác giả Moon Nguyễn.
>> CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM: