Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông, đang thực hiện đề án Chương trình Sách quốc gia nhằm xây dựng những tủ sách nền tảng về các vấn đề trong đời sống xã hội.
Một số người làm công tác phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng như TS Nguyễn Thị Ngọc Minh - chủ dự án “Sách ơi, mở ra”; “Tiến sĩ văn hóa đọc” Nguyễn Mạnh Hùng và người “cõng sách về làng” Nguyễn Quang Thạch đánh giá cao về sự cần thiết của những tủ sách nền tảng mà đề án hướng tới.
Với đề án Chương trình Sách quốc gia, 350 đầu sách thiết yếu gồm các chủ đề, lĩnh vực khác nhau và 50 đầu sách song ngữ phục vụ thông tin đối ngoại sẽ được lựa chọn và phân loại một cách có hệ thống thành những tủ sách nền tảng riêng biệt. Sau đó, chúng sẽ được “số hóa” sang định dạng sách nói và sách điện tử.
TS Nguyễn Thị Ngọc Minh - người sáng lập dự án “Sách ơi mở ra” - cho rằng với những cuốn sách nền tảng được chọn lọc kỹ lưỡng này, độc giả phổ thông sẽ không phải vất vả lựa chọn sách mỗi khi có nhu cầu tìm hiểu một lĩnh vực nào đó.
Mặt khác, đề án Chương trình Sách quốc gia mang tính lâu dài, nên những cuốn sách thực sự có giá trị “sẽ được khai thác hết vòng đời”, là sự lựa chọn phù hợp cho độc giả trong thời gian dài cố định. Các đơn vị xuất bản theo đó sẽ không còn chạy theo những tựa sách mới, chứa ít nội dung thiết thực.
“Một ưu điểm nữa tôi nhận thấy ở đề án này đó là những tủ sách nền tảng nếu được hình thành sẽ tạo nên sự thống nhất về giá trị, chuẩn mực đạo đức, cũng như định hướng quan điểm sống cho thế hệ trẻ ngày nay”, TS Ngọc Minh nói.
Anh Nguyễn Quang Thạch - người sáng lập và thực hiện chương trình “Sách hóa nông thôn” - cũng cho rằng Chương trình Sách quốc gia là việc “nên thực hiện càng sớm càng tốt” và “lựa chọn được càng nhiều đầu sách nền tảng càng tốt”.
“Ở các nước có nền văn hóa đọc phát triển, người dân của họ vẫn giữ thói quen nghe sách. Việc chuyển đổi những cuốn sách nền tảng trong đề án này thành định dạng sách nói và sách điện tử giúp tăng cơ hội tiếp cận sách cho độc giả, đồng thời hướng tới cộng đồng người Việt đang sinh sống tại nước ngoài. Họ có thể tiếp cận sách Việt qua nhiều hình thức”, anh Thạch nêu ý kiến.
Người “cõng sách về làng” cũng bày tỏ mong muốn có thêm nhiều đầu sách nữa được đưa vào đề án: “Việc lựa chọn nhiều cuốn sách tốt và chuyển ngữ hoặc để ở hình thức song ngữ giúp quảng bá hình ảnh đất nước. Hơn nữa, điều này còn giúp nâng cao chuyên môn đội ngũ dịch thuật trong nước”.
“Tiến sĩ văn hóa đọc” Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhận định về sự cần thiết của đề án: “Sách nền tảng cần được quan tâm đúng mức và lan tỏa rộng khắp. Chúng ta cần một kho tri thức lớn ở mọi hình thức và định dạng sách. Có như thế mới đẩy nhanh tốc độ tiếp cận tri thức, mang chúng đến từng vùng, miền”.
Ông Hùng cũng khẳng định rằng đề án sách mang tính quốc gia chắc chắn sẽ có tác động lớn trong việc thúc đẩy nhanh và mạnh ngành công nghiệp xuất bản, tạo động lực và cổ vũ các đơn vị xuất bản nỗ lực hoạt động trong thời gian tới.
Theo anh Nguyễn Quang Thạch, việc tuyển chọn sách nền tảng cần được chú trọng đặc biệt. “Đối với các tủ sách này, nên có sự tham mưu, tư vấn của các chuyên gia đầu ngành thuộc từng lĩnh vực. Họ phải là những người uy tín, có công trình nghiên cứu nghiêm túc, được trong nước và thế giới công nhận”.
Tủ sách nền tảng sẽ tạo nên sự thống nhất về giá trị, chuẩn mực đạo đức, cũng như định hướng quan điểm sống cho thế hệ trẻ.
TS Nguyễn Thị Ngọc Minh
Đối với mảng sách khoa học công nghệ, nên chọn những cuốn sách mua bản quyền từ nước ngoài, dựa theo tiêu chí “chúng ta mạnh mảng gì thì sẽ xuất bản mảng đó, chưa tốt mảng nào thì sẽ mua bản quyền mảng đó”.
Với mảng sách thiếu nhi, anh Thạch cũng cho rằng giới xuất bản cần tham khảo thêm những đầu sách giáo dục, tâm lý của tác giả là những chuyên gia nghiên cứu ở nước ngoài; tập trung chọn các tựa sách về lòng trắc ẩn, từ bi, trách nhiệm với nhân loại...
Theo TS Ngọc Minh, những cuốn sách nền tảng đưa vào đề án phải thực sự có chất lượng, không lựa chọn dựa trên bất kỳ lợi ích riêng nào. Việc hình thành tủ sách cho một đề án mang tầm cỡ quốc gia cần mang tính khách quan, trung thực.
Người sáng lập dự án “Sách ơi, mở ra” nói thêm: “Xét về phía người đọc, có người tiếp thu thông tin hiệu quả bằng con đường nghe - nhìn, cũng có người lại dung nạp kiến thức tốt hơn qua việc đọc - viết. Tri thức phải đến từ nhiều nguồn, tác động từ mọi giác quan. Việc xây dựng sách nền tảng ở hai định dạng sách nói và sách điện tử đảm bảo được sự công bằng, bình đẳng cho mọi đối tượng độc giả”.
TS Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhấn mạnh đây là thời điểm phù hợp để các mảng sách về mọi khía cạnh sở hữu cho mình một lộ trình sách quốc gia.
“Ngành xuất bản khó có thể phát triển mạnh nếu thiếu một chương trình như thế này. Các tủ sách nền tảng sẽ được số hóa, thuận tiện cho việc tiếp cận và sử dụng. Cá nhân tôi cũng mong và tin rằng nếu đề án được triển khai, ngành xuất bản vốn được coi là ‘3K: Khó, Khổ, Khô’ sẽ có bước đột phá lớn”, ông Hùng bày tỏ.
Theo Zing News