Trên thực tế, trạng thái cảm xúc bình thường của đa số mọi người là tích cực. Khi có điều gì đó không ổn diễn ra, nó có thể được coi là thử thách thú vị hoặc có thể chỉ là một trải nghiệm học hỏi. Nhưng trong nhiều năm về trước, các nhà tâm lý học chỉ tập trung vào câu chuyện u ám về việc con người thất bại như thế nào, về các giới hạn của họ và các bệnh học tâm lý như trầm cảm, hội chứng nghiện, hoang tưởng,... Bước sang thế kỷ 21, chúng ta đã có một cách tiếp cận mới, đó là tập trung vào tâm lý học tích cực - một cách suy nghĩ lạc quan và cảm giác tốt đẹp về bản thân mỗi người.
Vì vậy, ngay bây giờ, chúng ta cần bỏ từ thất bại ra khỏi vốn từ vựng của mình và thay thế nó bằng cụm từ trải nghiệm học hỏi! Hãy học cách phản ứng tích cực, lạc quan trước mọi vấn đề xảy ra trong cuộc sống. Hãy tin rằng, thất bại là để phục vụ cho việc học hỏi và điều chúng ta học được từ thất bại của bản thân có lẽ còn nhiều hơn những gì mà thành công đem tới. Bởi khi thất bại, chắc chắn chúng ta sẽ đi tìm và chỉ ra nguyên nhân thất bại để đảm bảo rằng điều đó sẽ không xảy ra một lần nữa. Rất nhiều trong số những khám phá khoa học vĩ đại nhất cũng đến từ những điều vẫn luôn được gọi là thất bại đó.
Và lĩnh vực thiết kế cũng không ngoại lệ. Trong lĩnh vực này, thất bại có thể là một công cụ học hỏi hữu dụng đến nỗi nhiều nhà thiết kế cảm thấy tự hào về những thất bại của họ trong quá trình phát triển sản phẩm. IDEO - một công ty thiết kế, thậm chí còn nâng nó lên thành phương châm của họ: “Thất bại thường xuyên, thất bại nhanh chóng”, vì họ biết mỗi thất bại dạy cho họ những điều đúng đắn cần làm. Nếu các nhà thiết kế hay các nhà nghiên cứu không thất bại một vài lần thì điều đó có nghĩa là họ chưa cố gắng hết mình, họ không đưa ra những ý tưởng sáng tạo mạnh mẽ để có thể dẫn tới những đột phá trong cách thức con người làm việc.
Vậy làm thế nào để có những bước đột phá trong thiết kế các sản phẩm và dịch vụ? Điều đầu tiên là đừng đổ lỗi cho người dùng khi họ không thể sử dụng đúng các sản phẩm của bạn mà hãy coi khó khăn của người dùng là công cụ chỉ dẫn cho thấy những điểm mà sản phẩm có thể cải thiện. Hãy đưa ra sự trợ giúp và hướng dẫn người dùng xử lý vấn đề một cách trực tiếp, thiết thực. Hãy suy nghĩ một cách tích cực, vì bản thân bạn và vì những người mà bạn tương tác.
Bạn có thể lựa chọn tránh xa những thất bại để luôn có cảm giác an toàn nhưng đó cũng là con đường dẫn tới một cuộc sống vô vị, tẻ nhạt. Vậy nên, đừng ngại ngần việc xây dựng niềm tin rằng thất bại là một phần quan trọng trong quá trình khám phá và sáng tạo.
Để hiểu rõ hơn về những trải nghiệm học hỏi trong lĩnh vực thiết kế hãy tìm đọc ngay “Thiết kế lấy người dùng làm trung tâm” của Don Norman, cuốn sách này chắc chắn sẽ không làm bạn thất vọng.