Tâm lý học đám đông: Nếu đám đông lập tài khoản Facebook, thì đây là Profile của nó
Tâm lý học đám đông: Nếu đám đông lập tài khoản Facebook, thì đây là Profile của nó
Gustave Le Bon (1841 – 1931) là nhà tâm lí học xã hội nổi tiếng người Pháp với lí thuyết về đám đông. Ông viết về nhiều lĩnh vực và có ảnh hưởng rất lớn trong xã hội Pháp đương thời. Dưới đây là review về cuốn sách Tâm lý học đám đông rất nổi tiếng của ông.
Tâm Lý Học Đám Đông
(292 lượt)

Dù muốn hay không, thì khi đọc những dòng này bạn cũng đã là một phần của đám đông: một cư dân mạng. Tất nhiên, những gì Le Bon mô tả về quần chúng, vai kề vai đứng dậy làm cách mạng cách đây hơn 120 năm sẽ khác với Netizen, nhưng đám đông có lẽ đời nào cũng thế, vẫn "rất bốc động, dễ bị kích động, nhẹ dạ cả tin, thích phóng đại, sự đơn giản, rất độc tài, và kết án đạo đức".

Cho dù là bạn làm Fanpage, Youtuber, Truyền thông, Bán hàng, hay đơn giản chỉ là ngày ngày lên mạng hóng phốt thì việc hiểu tâm lý đám đông ít nhất sẽ khiến bạn ý thức được phần "bầy đàn" trong mình (và đỡ phiêu bạt trong những cơn sốt tập thể), và với những ai coi đám đông là nguồn sống (phần lớn các nghề kinh doanh) thì có thể chọn những cách tác động & tự vệ "bớt sai" trước đám đông hơn.

Nếu đám đông lập 1 tài khoản Facebook, thì đây là 1 bản phác thảo Profile của nó.

– Khả năng suy luận:

Đám đông suy luận bằng liên tưởng (đặc biệt là hình ảnh), chứ không bằng khoa học và logic, như màu xanh - thiên nhiên - hữu cơ - tốt cho sức khỏe. Cái bạn cần làm là tạo ra "cảm giác có logic", chứ không phải sự có lý bằng lập luận.

"Liên tưởng những sự vật không giống nhau, giữa chúng chỉ có những quan hệ bề ngoài, và khái quát hoá tức thời những trường hợp đặc biệt, đó là đặc điểm suy luận của đám đông... Một chuỗi những suy luận logic sẽ hoàn toàn không thể hiểu được đối với đám đông, và chính vì vậy có thể nói đám đông không suy luận hoặc suy luận sai, và đám đông không thể bị ảnh hưởng bởi suy luận"

– Trí tượng tượng:

Giống như trong Inception, bạn phải là người thiết kế "giấc mơ" cho khách hàng. Họ không mua các tính năng mà sản phẩm đem lại, mà họ mua các viễn cảnh của cái-tôi-hạnh phúc, những cảnh tượng về 1 cuộc đời tốt đẹp hơn của họ.

"Đám đông hơi giống trường hợp người đang ngủ, mà lí trí nhất thời tạm ngừng, để cho những hình ảnh có cường độ cực mạnh nổi dậy trong tâm trí, nhưng chúng lại tan nhanh nếu đám đông có thể chịu khó suy nghĩ. Không có khả năng suy nghĩ, suy luận, đám đông không biết tới cái không thể có thực: thế mà chính những sự vật không thể có thực nhất thường là những điều ấn tượng nhất."

"Người ta đã kể rất nhiều lần câu chuyện về nhà hát bình dân, nơi chỉ biểu diễn những vở kịch u ám, người ta buộc phải bảo vệ người nghệ sĩ đóng vai kẻ phản bội khi anh ta ra khỏi nhà hát, để tránh cho nghệ sĩ khỏi bị bạo hành do khán giả bất bình với những tội ác mà tên phản bội phạm phải, mặc dù đó là tội ác tưởng tượng. Tôi nghĩ đó là những dấu hiệu đáng chú ý nhất về trạng thái tinh thần của đám đông, và nhất là việc người ta dễ dàng gợi ý đám đông.

Cái phi thực hầu như cũng tác động lên đám đông như cái thực. Đám đông có một khuynh hướng rõ rệt là không phân biệt giữa hai cái ấy."

– Sống bằng cảm xúc, tình cảm:

Các sản phẩm giải trí cho số đông luôn nên hàm chứa sự thừa mứa (excess) như siêu to khổng lồ; combo siêu thực "nhà giàu, đẹp trai, học giỏi"; những câu nói siêu sến như phim Hàn... Cảm xúc, như tình yêu, thường sinh ra từ sự vượt quá, không phải từ sự bình thường.

"Vì ưa thổi phồng trong tình cảm nên đám đông chỉ bị ấn tượng bởi những tình cảm quá khích. Diễn giả nào muốn lôi cuốn đám đông đều phải lạm dụng sự khẳng định mạnh mẽ. Thổi phồng, khẳng định, nhắc đi nhắc lại, và không bao giờ thử chứng minh điều gì bằng sự suy luận, là những phương pháp biện luận ai cũng biết của các diễn giả trong các cuộc hội họp quần chúng"

"Người ta đã làm thế nào để gây ấn tượng lên trí tưởng tượng của đám đông? Chúng ta sẽ sớm thấy điều đó. Còn lúc này, chúng ta chỉ có thể nói rằng đừng bao giờ tác động vào trí thông minh và lí trí, nghĩa là bằng con đường chứng minh. Antoine đã thành công trong việc xúi giục dân chúng chống lại những kẻ giết hại César không phải bằng một phép tu từ có tính bác học mà bằng cách đọc bản di chúc và chỉ cho dân chúng thấy xác chết của César."

Kể cả đối với những người có vẻ lý trí hơn những kẻ khác

"Như mọi đám đông, các vị hội thẩm đều bị tình cảm gây ấn tượng rất mạnh, còn sự suy luận gây ấn tượng rất yếu. Một trạng sư viết: "Họ không cưỡng lại nổi khi nhìn thấy một phụ nữ cho con bú, hay thấy một đàn trẻ con côi cút". Ông des Glajeux nói: "Chỉ cần một người phụ nữ dễ thương thôi là đủ để được hưởng lòng khoan dung của ban hội thẩm".

Và vì vậy đừng tin vào lý trí của 1 đám đông

"Bây giờ ta biết rằng, chỉ riêng việc những con người họp thành một đám đông hoạt động, tâm lí tập thể của họ đã cơ bản khác biệt với tâm lí cá nhân, và trí tuệ không làm cho họ thoát khỏi sự khác biệt đó. Chúng ta đã thấy, trong những tập thể, trí tuệ không có một vai trò nào cả. Chỉ những tình cảm vô thức tác động mà thôi."

Và cũng đừng tranh cãi họ

"Người ta không tranh cãi với những niềm tin của đám đông cũng như chẳng ai đi tranh cãi với những cơn bão xoáy"

– Đạo đức:

Đám đông không có đạo đức (1 nguyên tắc ứng xử trong mọi hoàn cảnh) mà chỉ có cảm xúc đạo đức, vì vậy rất dễ điều khiển để thực hiện những hành vi từ dã man nhất đến cao quý nhất.

"Nếu ta hiểu từ đạo đức theo cái nghĩa luôn tôn trọng một số quy ước xã hội, và thường xuyên đàn áp những xung động ích kỉ, thì rõ ràng là đám đông đã quá bốc đồng và hay thay đổi để có thể gọi là có đạo đức."

"Nếu đám đông có khả năng giết người, đốt nhà và làm mọi thứ tội ác, thì nó cũng có khả năng hành động tận tuy, hi sinh và vô tư rất cao cả thậm chí cao cả hơn rất nhiều so với sự cao cả mà cá nhân riêng lẻ có thể làm"

"Đã có biết bao nhiêu đám đông từng hi sinh anh dũng vì những niềm tin, những tư tưởng và những ngôn từ mà họ hầu như không hiểu." Chua xót ở chữ chỗ "họ hầu như không hiểu", vì thế Le Bon mới viết về sức mạnh dẫn dụ của những diễn ngôn rằng "người ta sẽ xây được một kim tự tháp cao hơn nhiều so với kim tự tháp cổ Kheops với chỉ bằng xương nạn nhân của sức mạnh từ ngữ và công thức."

Một cái rất hay là đám đông rất hay đạo đức hóa cá nhân. Ví dụ, bạn có thể nói tục liên miệng, nhưng khi ngồi trong 1 đám đông quan sát 1 hot-girl nói tục thì cầu dao đạo đức bật ngay tức khắc.

"Ở rạp hát đám đông muốn nhân vật của vở kịch phải có những đức hạnh được phóng đại, và nhân vật đó thuộc về một sự quan sát tầm thường của đám cử toạ gồm những thành phần thấp kém, cũng tỏ ra rất đứng đắn. Kẻ ăn chơi lõi đời, tên ma cô, đứa mất dạy chuyên nhạo báng thường xì xào trước một cảnh hơi quá trớn hay một lời đề nghị phóng túng, tuy cũng chẳng đáng kể gì so với những câu nói quen thường ngày của họ."

– Giao tiếp sao với đám đông: Đừng nên cố nói những gì phức tạp quá tầm hiểu biết của một học sinh lớp 5

"Dù những tư tưởng được gợi ý cho đám đông như thế nào, chúng cũng chỉ có thể trở nên thống trị với điều kiện mang khoác lên mình một hình thức thật nguyên vẹn và thật giản đơn"

" Và chính vì thế, trên quan điểm xã hội, thực ra ít có đẳng cấp tư tưởng, nghĩa là những tư tưởng ít hay nhiều cao siêu. Chỉ riêng việc một tư tưởng đến được với đám đông và có thể tác động, dù lúc đầu nó có vĩ đại và chân thực đến thế nào, thì nó cũng bị lột trụi hầu hết những điều đã làm cho nó cao siêu và lớn lao."

– Niềm tin: Là bước nhảy vọt lên mọi hoài nghi của lý trí, niềm tin của số đông giống một tình cảm tôn giáo. Bạn không nhất thiết phải theo đạo để hiểu điểu này, cứ thử nghe ai nói xấu thần tượng của mình, như Sơn Tùng, Apple, nước Mỹ... mà không nhói nhói muốn trả đòn là đồng cảm được.

"Tình cảm này có những đặc tính rất giản dị: tôn thờ một con người được giả định là cao siêu, sợ hãi quyền năng thần bí giả định người ấy có, mù quáng tuân theo mọi mệnh lệnh của người ấy, không thể thảo luận những tín điều của người ấy, ước muốn truyền bá chúng, khuynh hướng coi mọi người không chấp nhận những tín điều ấy là kẻ thù."

"Những gì đã từng xảy ra với con người theo thuyết hư vô chủ nghĩa ấy mà Dostoyevsky sâu sắc đã kể cho chúng ta nghe câu chuyện, đã nhanh chóng xảy đến với các nhà thực chứng. Một hôm được ánh sáng của lí trí soi rọi, anh chàng đã đập vỡ những tranh thánh trên bàn thờ của một nhà thờ nhỏ. Anh ta tắt nến, và không mất một giây, thay thế những bức tranh bị phá huỷ bằng những cuốn sách của một vài nhà triết học vô thần như Büchner và Moleschott, sau đó kính cẩn thắp lại nến. Đối tượng của những niềm tin tôn giáo đã được biến đổi, nhưng những tình cảm tôn giáo của anh ta, liệu có thể nói đã thực sự thay đổi không?"

– Ảo tưởng: Bạn không lôi kéo đám đông bằng sự thật, bạn thu phục bằng các câu chuyện hư cấu (Đọc Harari để rõ hơn). Tương lai là 1 câu chuyện, 1 câu chuyện hay không cần đúng sự thật (như Harry Potter), mà chỉ cần đủ hấp dẫn & mở khóa những căn phòng bí mật của người nghe.

"Kẻ nào biết gây ảo tưởng cho đám đông sẽ dễ dàng làm ông chủ của nó; kẻ nào định phá giải ảo tưởng cho đám đông, kẻ ấy sẽ là nạn nhân của nó."

"Nếu chúng ta phá huỷ, trong những viện bảo tàng và những thư viện, và nếu chúng ta kéo đổ mọi tác phẩm và mọi công trình nghệ thuật lấy cảm hứng từ tôn giáo xuống những tấm đá lát sân trước nhà thờ, thì hỏi rằng những giấc mơ vĩ đại của con người còn lại gì? Đem lại cho con người phần hi vọng và ảo tưởng, mà không có nó con người không thể sống, đó là lí do tồn tại của các thần thánh, các anh hùng và các nhà thơ"

Thời của chúng ta là thời của những đám đông. Dư luận không còn dễ bị điều khiển, và báo chí, như Kenh14 chỉ phần lớn là "chụp ảnh" lại cảm tình của dư luận mỗi ngày, chứ khó có thể điều hướng nó, chưa nói là giáo dục nó.

Nếu cứ thử soi xét các cơn sốt hàng tuần trên mạng thì bạn sẽ thấy Le Bon có sự nhạy cảm xuyên thời gian và xuyên quốc gia như nào.

Đọc thêm trích đoạn cuốn sách tại: http://tramdoc.vn/tin-tuc/tam-ly-hoc-dam-dong-nhung-nhan-to-nao-truc-tiep-tac-dong-den-quan-diem-cua-dam-dong-nge8QW.html

Trạm Đọc tặng bạn mã "doccungtram" giảm giá 5% khi đặt mua cuốn sách Tâm lý học đám đông tại: https://omegaplus.vn/san-pham/tam-ly-hoc-dam-dong-tai-ban-2018

Trạm Đọc

>> CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

“Năm ngôn ngữ tình yêu” sẽ giúp bạn phát triển các mối quan hệ như thế nào?

Tóm tắt sách: Những đòn tâm lý trong thuyết phục

 

Tóm Tắt Sách: Thiên Nga Đen - Xác suất cực nhỏ, tác động cực lớn

Tags: