Ta nói gì khi nói về tình yêu (phần 2)
Ta nói gì khi nói về tình yêu (phần 2)
Bài viết từ Cameron Shingleton - Tình yêu thật có phổ biến hay hiếm có? Người ta có thực sự đem lòng yêu cởi mở nhiều hay ít? Về cơ bản tình yêu có mục đích tốt đẹp hoặc cái chính ở nó là khía cạnh phi luân lý, hãi hùng, như nhà triết học Đức Nietzsche nói khi khẳng định: “Chuyện gì ta làm vì tình yêu luôn luôn xảy ra phía sau thiện và ác.”
Hôm nay bạn hãy trả lời một câu hỏi trắc nghiệm - một câu hỏi hay hơn nhiều so với danh sách câu hỏi nhằm xác định khi nào bạn sẽ cưới, hay tính cách của bạn có điểm chung với loài khoai tây nào.

Theo ý bạn, tình yêu về bản chất là:

a. cơn điên tạm thời

b. cái tốt đẹp nhất trên đời

c. một điều người ta lo lắng và tám chuyện quá nhiều

d. một món quà của Chúa hay các vị thần

 

Bạn thử xem trước khi đọc tiếp bạn chọn phương án nào.

* Lưu ý, vì câu hỏi mang tính triết học thì có thể chọn hơn một câu trả lời và không khẳng định được câu nào đứt khoát là đúng.

Trong phần 1, bài viết đã đưa ra giải đáp cho đáp án (a)(b). Trong phần 2 này, tác giả Cameron Shingleton sẽ giải mã cho đáp án (c)(d).

Các bạn có thể xem lại phần 1 tại đây.

 

 

c. Điều người ta lo lắng và tám chuyện quá nhiều

 

 

Câu trả lời (c) thì có thể cắt nghĩa theo hướng này: Có lẽ tình yêu hiếm có hơn đa số người tưởng. Cũng có thể nó là điều không nằm trong tầm kiểm soát của ta như đa số người mong muốn, vì vậy tại sao nhiều người vẫn phải lo chuyện tình yêu? Nếu một người - cứ nói là thuộc tuýp “trung bình" - không yêu sâu sắc, thật lòng hơn 1, 2 lần trong đời, và nếu không kiểm soát được đối tượng của mình có đáp lại tình cảm hay không, cũng như không biết chắc được mình sẽ tiếp tục yêu lâu hay không, thì tốt nhất nên coi tình yêu là chuyện thường. Chào đón nếu nó cứ đến với mình, không quan trọng hoá trong trường hợp nó xa lánh.

 

Phần lớn mọi người nói nhảm nhí hay chỉ nói quá nhiều, khi nói đến tình yêu

 

Đúng là (như đã nói) có một số nhà thơ được tình yêu truyền cảm hứng, có khi nói rất hay về tình yêu, về cảm xúc, đủ thứ. Nhưng cái đúng nữa là phần lớn người không có năng khiếu giống như Shakespeare hay Hồ Dzếnh, và khá là nhiều người trong số họ nói nhảm nhí hay chỉ nói quá nhiều, khi nói đến tình yêu.

Hay cứ nhìn tình hình theo cách này. Có khi những người đang yêu nói - hoặc về tình cảm của họ, hoặc về thế giới rộng lớn của ta - có gì đó đẹp, rộng lượng, hớn hở, sâu sắc. Nhưng nhiều khi những gì họ nói là sai hay lừa dối.

Lời thề của những người đang yêu nổi tiếng là không đáng tin cậy vì họ đổi ý nhiều, tuỳ theo những sự thăng trầm trong chuyện tình của họ. 

Những người đang yêu hay hiểu lầm thế giới xung quanh, hiểu lầm bản thân, vì họ có xu hướng nhìn thế giới xung quanh, và nhất là hành vi của đối tượng, theo chiều hướng có lợi đối với cảm xúc của mình. Điển hình là kiểu người đang yêu mường tượng đối tượng của mình đã làm cái này, khi tình yêu không được đáp lại. Tôi nhắn tin cho cô A (cô tiên giáng trần của tôi). Cô không thèm trả lời.

Ở người bình thường (người thuộc cõi thế gian) chuyện chỉ đơn giản thế thôi. Có thể 99% khả năng cô ấy không nhắn lại là vì không để ý đến tôi. Nhưng vẫn còn cơ hội mỏng manh cô không nhắn lại là vì cảm giác lỡ yêu lại tôi làm tràn ngập trái tim của cô, khiến cho cô bối rối đến độ không cầm điện thoại lên được. Khả năng cách giải thích sự im lặng của cô này đúng khoảng 1%. Nhưng tôi là người đang yêu say đắm sẽ tin vào nó không chần chừ gì nữa. 

 

Những người đang yêu hay hiểu lầm thế giới xung quanh, hiểu lầm bản thân

 

Hoặc lấy ví dụ, có sắc thái hơi khác, của sự dối mình trong tình yêu. Tiếng Anh có câu nói đùa này: Rất nhiều điều người ta thường mô tả bằng từ bốn chữ “love" có thể đặt tên đúng hơn bằng những từ bốn chữ khác: từ được ám chỉ ở đây là LUST, “dục vọng".

Cũng có thể câu này đúng với đàn ông hơn phụ nữ. (Công nhận đàn ông có khả năng hơi đặc biệt là nhầm lẫn một đối tượng tình dục đẹp mắt với đối tượng tình yêu hợp gu). Nhưng cũng phải nói cái mà đúng ở khá nhiều đàn ông khi nói về tình yêu và tình dục, thì đúng ở khá nhiều phụ nữ khi nói về tình yêu và hôn nhân. Nhiều khi họ tưởng họ đang yêu thắm thiết chỉ vì họ kiếm ra một ứng cử viên hấp dẫn để lập gia đình. (Đối với cả nam lẫn nữ, tình yêu hình như có điều nghịch lí này nữa: nhiều khi mình chỉ có thể nhận ra mình đã yêu hay không khi mình nhìn lại, cho dù mình thề mình lên đỉnh cảm xúc trong hiện tại thế nào chăng nữa).

 

Nhiều khi mình chỉ có thể nhận ra mình đã yêu hay không khi mình nhìn lại

 

Cuối cùng phải nói câu trả lời (c) cũng không cần thiết là phương án bi quan hay chỉ hợp với những ai nhìn cuộc sống với con mắt vỡ mộng. Nếu suy nghĩ hay hành vi của tôi thực sự không có ảnh hưởng lớn đến chuyện cô A đáp lại tình cảm của mình hay không, thì hàng ngàn từ tôi thốt ra để nói về cảm xúc của mình hay tình trạng tình cảm của cô ấy (hay những thủ thuật tôi có thể xài để khiến tình cảm chưa phát triển của cô ta hoà hợp tình yêu say đắm của tôi) thì thật là phí lời.

Từ góc nhìn này, tình yêu có lẽ là điều người ta lo lắng và tám chuyện quá nhiều không phải vì nó không có giá trị cao như người ta nghĩ, mà vì nó thực sự có giá trị cao hơn nữa. Không phải điều mà mọi lời người ta nói đến trong bài hát hay thư tình hay ho, mà là điều đáng được thụ hưởng một cách thật vô tư, trong im lặng dành cho những điều phức tạp mà nhiều khi thật sự rất khôn tả.

 Còn câu trả lời (d) thì sao? Phương án này cũng có thể có vẻ hơi phiến diện, tưởng như chỉ dành cho những người theo đạo.

 

 

d. Một món quà của Chúa hay các vị thần 

 

 

Tình yêu không hẳn là một món quà của vị thần mà bản thân nó là một trong số những vị thần quan trọng nhất

 

Đúng là những người theo đạo Thiên Chúa đánh đồng tình cảm của hai người dành cho nhau với sự có mặt của Chúa, miễn là nó nghiêm túc. Theo họ, tình yêu giữa hai người mạnh mẽ thế nào chăng nữa, nó vẫn phải chịu hạn chế đạo đức nhất định, cũng như được mở rộng để bao gồm tình thương, lòng trắc ẩn cho con người nói chung.

Nhưng thiện nam tín nữ đạo Thiên Chúa không phải những người duy nhất có xu hướng kết hợp tình yêu của con người với tinh thần tình yêu rộng hơn. Trong văn hoá của nhiều dân tộc từ đủ tứ phía thế giới, tình yêu như là điều thiêng liêng, không hẳn là món quà của một vị thần mà bản thân tình yêu là một trong số những vị thần quan trọng nhất.

Không khác hoàn toàn cách nhìn tình yêu là món quà của Chúa là cách coi nó là món quà của vũ trụ hay (nói một cách Việt Nam hơn) là một trải nghiệm mình có hay không là vì duyên nợ. ”Duyên”, cũng như “số phận", là từ có thể được áp dụng một cách nhất quán hay linh hoạt tuỳ người, hoặc được coi như yếu tố bất biến, quyết định tôi sẽ là người như thế nào, làm nghề gì, yêu ai cả đời (hay nhiều kiếp luôn), hoặc chỉ để tự trấn an sau khi không vớ được nàng thơ bằng cách tự nhủ rằng tôi với cô ấy “không có duyên".

Dù sao đi chăng nữa, từ “duyên" này, trong cách sử dụng thông thường, hàm ý rằng trong tình yêu có nhiều điều hên xui bao gồm cả đối tượng của mình là ai, có tính cách hợp với mình hay không, tôi yêu người đó lâu hay mau, vv. (Nhà văn Pháp La Rochefoucault từng nói “ta có quyền quyết định ta yêu bao lâu ít như quyền quyết định ta sống bao lâu" - rất trong tinh thần tư duy này.)

Dù sao đi chăng nữa, từ “duyên" này, trong cách sử dụng thông thường, hàm ý rằng trong tình yêu có nhiều điều hên xui bao gồm cả đối tượng của mình là ai, có tính cách hợp với mình hay không, tôi yêu người đó lâu hay mau...

Nếu câu trả lời (d) đúng thì có ít nhất một kết quả rõ ràng. Việc chăm chăm đi kiếm ý trung nhân là sai lầm. Huống chi là ra sức thuyết phục người đó yêu lại mình hoặc giở mưu mô để “dụ" người đó yêu. Kế sách duy nhất thật sự có hiệu quả ở đây là chờ xem “có duyên" hay không, dung hoà với số phận, với “Ý Chúa", “Ý Trời" vv.

Điểm yếu của tư duy này chắc là nó khó xác định được chuyện dung hoà với số phận nghĩa là gì cụ thể. Tôi chưa thấy tôi có duyên với ai thì chắc là phải kiên trì đợi. Đừng thất vọng quá vì chưa có kết quả; hoặc nếu người tôi đã bắt đầu yêu chưa có cảm giác có duyên với tôi thì chắc là phải tiếp tục cởi mở, không chê người đó là nhạt nhẽo, mù quáng, ngay cả “vô duyên”. Vì chuyện duyên chỉ mới đến với tôi, chưa đến với người ấy: đó là chuyện hiển nhiên. Nhưng hiểu ra, cụ thể tôi có nên tiếp tục chờ đợi sớm hay tỏ tình với cô ấy? Và nếu có thì nên viết thư, nhắn tin hay gặp mặt để nói trực tiếp thì không chỉ cần đến duyên để biết. Tốt nhất là cần biết nhìn vào tình hình, cần tâm lý một chút. Muốn hẹn nhau để tỏ tình thì cần số điện thoại của cô ấy nữa. . .

Còn điểm mạnh của tư tưởng theo kiểu “tình yêu phải có duyên" thế nào? Cách suy nghĩ này rõ ràng là liều thuốc giải độc cho thái độ quá thực tế đối với tình yêu rất phổ biến khắp thế giới ngày nay. Không thể phủ nhận là hiện nay tình yêu được coi là một sự việc (hoặc nói đúng hơn là một CÔNG VIỆC) quan trọng đến độ rất nhiều người tưởng mình càng tốn công sức thì “khả năng thành công" càng cao. Cái kiểu người ta quấy rầy mình chỉ vì muốn gạt bỏ rủi ro trong tình yêu, không chịu phó mặc gì cho số phận, nhiều khi thật là đáng ngạc nhiên: người này vội vàng nhờ đến dao kéo, người nọ tự tra tấn ở phòng gym mỗi ngày, người thứ ba xem clip mấy mẹo tình yêu của chàng trai nói khoác lác trên youtube, hoặc chỉ lập thời gian biểu thật chi tiết cho chương trình kiếm ra “đúng người". 

 

 

Bạn muốn nói gì về “chiến dịch tình yêu” kiểu này thì cứ nói, nhưng rõ ràng chúng không dính dáng gì đến tình yêu lãng mạn theo đúng nghĩa, kiểu câu trả lời (b) chẳng hạn. Tình yêu thực sự là món quà của trời hay nhờ duyên nợ thì trong tình yêu mình không có sự lựa chọn. Mà trong một ý nghĩa nào đó, mình phải “được lựa chọn”. Công việc mệt nhọc dẫn đến việc chinh phục trái tim của ứng cử viên ưa thích lại hoàn toàn khác. Thời gian biểu xác định mình phải làm lụng thế nào để đạt được mục tiêu lãng mạn của mình vẫn vậy.

 

 Còn tiếp...

Cameron Shingleton

 

Cameron Shingleton là tác giả cuốn sách "Những điều bạn chưa biết về trai Tây" (NXB Trẻ 2017) được viết bằng tiếng Việt. Sinh ở Melbourne, Australia, anh tốt nghiệp tiến sĩ triết học ở Đại học Melbourne. Trong 6 năm sống ở TP.HCM, Cameron đã học tiếng Việt và tìm hiểu sự khác biệt trong văn hóa Đông - Tây.

Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm về những quan điểm thú vị của Cameron tại đây.