Hồi đó Pháp Hòa có một câu chuyện hay kể cho mấy chú nhỏ nghe: một cô giáo giao cho một nhóm học sinh mỗi em một túi ni lông, trong túi có những củ khoai. Các em phải ôm, vác hoặc đeo cái túi trên vai, cả khi thức lẫn khi ngủ. Đeo như vậy suốt một tuần lễ. Qua đến tuần thứ hai, thấy có những em trong túi còn rất ít khoai, cô giáo mới hỏi: “Tại sao trong túi của em còn ít khoai?". Các em đó nói: “Em mang túi khoai trong suốt một tuần vừa rồi, nhưng củ khoai nào hư thối, em loại bỏ ra. Vì vậy túi khoai của em không bị hôi". Những em còn lại vẫn mang túi khoai nhưng không bỏ củ khoai nào ra hết nên cái túi bốc mùi hôi thối. Câu chuyện này là để nhắc chúng ta ai cũng có túi khoai phải mang. Quan trọng là chúng ta có biết chọn lọc, loại bỏ những củ khoai thối ra không hay là chúng ta cứ khư khư giữ nguyên túi khoai đó để nó bốc mùi lên. Và ai là người ngửi cái mùi hôi đó? Chính chúng ta. Cũng giống như tâm niệm ghét và thương. Cùng một tâm niệm, nhưng khi mình cảm thông được thì tâm ghét chuyển thành tâm thương.
Ví dụ, mình nấu một nồi cơm và nó bị sống. Bây giờ, mình chuyển nó ra một cái nồi lớn hơn, xới nó lên rồi cho thêm nước. Cũng chừng đó gạo nhưng đã chuyển trạng thái – từ sống thành chín. Cũng vẫn bấy nhiêu hạt chứ không thêm, nhưng vì mình cho đủ nước và đun đủ lửa nên tất cả những hạt gạo đó đều nở lên thành một nồi cơm. Vì vậy mình thấy nó có vẻ nhiều hơn lúc trước. Nếu mình không biết thì sẽ nghĩ có lẽ ai đó thêm gạo vô nhưng không, cũng bao nhiêu gạo đó thôi. Sự tu hành cũng vậy.
Mình không cần thêm gì cả, mà chỉ cần chuyển đổi tâm niệm. Khi chúng ta còn mê lầm, chưa tỉnh, tâm niệm này còn quá nhiều khổ đau và chấp trước. Điều gì giúp chúng ta tha thứ được? Quán * vô thường - mình nghĩ mình có thể chết, hoặc người đó có thể chết. Bằng cách này, chúng ta có thể buông được người đó ra khỏi lòng mình. Mình thường quy gán người đó là người xấu, là người làm mình khổ, nhưng chính bản thân họ chưa chắc đã biết họ làm mình khổ. Tại vì họ sống theo quan niệm của họ. Cho nên, tùy theo cách mình nhìn sự việc – bằng cái trí hay bằng cái tâm mê làm của mình. Nếu nhìn bằng tâm mê làm, tự nhiên mình sẽ thấy không thể chịu nổi người đó.
Như hồi nãy mình nói, “hoàn toàn tha thứ” thì khó. Nhưng sao phải đợi tới khi mình hoàn toàn tha thứ? Tha thứ từng phần đi. Tha thứ từng ngày đi. Bây giờ mình chưa dám nói sẽ tha thứ trọn đời thì hôm nay, vào đầu ngày, mình nói: “Hôm nay là một ngày mới, tôi nguyện tha thứ cho mọi người trong một ngày”. Thử một ngày thôi, rồi mai mình thử thêm một ngày nữa. Cứ làm như vậy thì suốt cả đời, mình không thấy có gì nặng nề hết. Chứ nói hoàn toàn tha thứ thì khó đó.
Bài viết được trích lược từ cuốn Chia sẻ từ trái tim của Sa Môn Thích Pháp Hòa do First News biên tập, phát hành tại Việt Nam.