Sự tương đồng giữa chủ nghĩa Tự Do và chủ nghĩa Bảo Thủ
Sự tương đồng giữa chủ nghĩa Tự Do và chủ nghĩa Bảo Thủ
Bài viết này sẽ làm sáng tỏ Chủ nghĩa Bảo thủ và Chủ nghĩa tự do là gì, cũng như các ý tưởng triết học của chúng; đồng thời tìm hiểu xem hai chủ nghĩa này đã khởi sinh như thế nào trong lịch sử.
Sự ra đời của Cách mạng Pháp và Chiến tranh giành độc lập của Mỹ đã hình thành một triết lý chính trị mới (Mastin 2008). Đó là Chủ nghĩa Tự do. Về mặt lịch sử, cội nguồn của Chủ nghĩa Tự do có thể xuất hiện từ thời Nội chiến Anh và thậm chí, với những người theo chủ nghĩa xét lại cho rằng còn xa xưa hơn. Tương tự như vậy, Chủ nghĩa Bảo thủ cũng có thể bắt nguồn từ sâu xa trong lịch sử từ thời của Aristotle và Khổng Tử (Hamilton 2016). Trong thời kỳ hiện đại, đặc biệt nếu sống trên vùng Bắc Mỹ, chúng ta sẽ thấy được sự chia rẽ đảng phái và tôn giáo rõ rệt do ảnh hưởng bởi xung đột tư tưởng từ hai chủ nghĩa trên, nhất là ở Hoa Kỳ. Hai phe phái trí thức này thực sự đối đầu nhau khi họ chỉ khăng khăng tập trung vào những điểm khác biệt giữa chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa bảo thủ. Điều này dẫn đến hậu quả đáng tiếc là không có cuộc tranh luận và sự hiểu biết nào thực sự lành mạnh diễn ra giữa hai phe và giữa những cá nhân đó; họ đều dùng những khái niệm và định kiến để chứng minh quan điểm của mình. Dường như những triết lý cũng chỉ là những tư tưởng mù quáng mà người ta dùng để phân chia 1 nhóm người cho phù hợp với nhau. Không thể phủ nhận rằng lập trường này đã khiến nhiều người đóng góp quan trọng cho cả hai triết lý này phải chôn chân tại chỗ. 

Bài viết này sẽ làm sáng tỏ Chủ nghĩa Bảo thủ và Chủ nghĩa tự do là gì, cũng như các ý tưởng triết học của chúng; đồng thời tìm hiểu xem hai chủ nghĩa này đã khởi sinh như thế nào trong lịch sử. Tôi sẽ tập trung vào cách giải thích cổ điển hơn bởi vì trong chính mỗi chủ nghĩa vẫn có nhiều sự phân chia và các ý kiến khác nhau. Ta không thể thống nhất một cách tiếp cận hay nội dung với cả hai chủ nghĩa này nên tôi sẽ trình bày chúng một cách đơn giản và dễ hiểu nhất. Sau khi đã thảo luận ngắn gọn về cả hai chủ nghĩa này, chúng ta sẽ tìm hiểu xem sự tương đồng của chúng là gì ở phần tiếp theo. Chúng ta sẽ làm rõ luận điểm cho rằng Chủ nghĩa Bảo thủ và Chủ nghĩa Tự do về cơ bản không quá khác nhau 

CHỦ NGHĨA BẢO THỦ

Theo một nghĩa rất rộng, Chủ nghĩa Bảo thủ thể hiện sự sợ hãi của con người đối với sự thay đổi triệt để và nỗ lực không ngừng để cố gắng ngăn chặn các sự thay đổi đó. Do đó, những người ủng hộ Chủ nghĩa Bảo thủ thường sẽ tích cực ủng hộ và phát huy truyền thống cổ xưa hơn là các thay đổi triệt để hoặc các cuộc cách mạng (Mastin 2008). Những người bảo thủ không từ chối thay đổi nhưng thay đổi nên diễn ra từ từ, không phải thay đổi đột ngột như trường hợp của Cách mạng Pháp. Trong lịch sử, những người theo chủ nghĩa Bảo thủ do coi trọng truyền thống và các tình trạng như cũ, đã ủng hộ chế độ quân chủ tuyệt đối và lập ra tầng lớp trí thức tinh hoa đối lập với các cuộc cách mạng lật đổ chế độ quân chủ ở Anh hoặc Pháp. Các cuộc cách mạng và nội chiến hiển nhiên sẽ kéo theo bạo lực, đây cũng là lập luận mà phe bảo thủ dùng để chống lại các thay đổi triệt để. Ngày nay phe bảo thủ gắn liền với cánh hữu khi được nhắc đến (Mastin 2008) vốn coi trọng quyền sở hữu tư nhân, chủ nghĩa cá nhân và sự tự lập tự cường. Họ có xu hướng trân trọng các giá trị truyền thống lâu đời và có thể đặt dân tộc của họ lên hàng đầu trong khi nỗ lực bảo vệ các giá trị truyền thống đó. 

Rất khó để định nghĩa được thế nào là Bảo thủ khi mà những người theo chủ nghĩa này lại chỉ bảo vệ những giá trị nào mà họ xem là truyền thống. Ví dụ, trong khi những người bảo thủ ở Anh ủng hộ nền quân chủ và tầng lớp sở hữu đất đai không còn theo truyền thống đã cho ra đời đảng Tory được biết đến với chính sách cánh hữu bảo thủ, thì chính quyền của bà đầm thép Margaret Thatcher lại ban hành các chính sách tiêu biểu cho trường phái tân Tự do. Điều này là do các chính sách cần được áp dụng phải là chính sách có thể bảo vệ ý kiến mà những người theo phái bảo thủ ủng hộ, mặc dù đó hoàn toàn không phải là đặc điểm điển hình thường thấy của phe Bảo thủ. Do đó, một triết lý điển hình của chủ nghĩa tự do - mở cửa thị trường và hạn chế sự can thiệp của chính phủ -  lại được áp dụng để bảo vệ quyền tư hữu cá nhân. Mặc dù một số trường phái Bảo thủ sẽ không ủng hộ nếu có một ý tưởng nào đó đi ngược lại với các giá trị tôn giáo, chẳng hạn như các thay đổi vẫn phải tiếp tục, đặc biệt là trước sự tiến bộ của công nghệ. Do đó những người thuộc phe bảo thủ thường thay đổi rất chậm hoặc làm chậm quá trình đó để đề phòng những gì mà họ cho là sự suy đồi về đạo đức, những thứ có nguồn gốc từ các hậu quả không mong muốn (Mastin 2008). Điều này cũng cho thấy một đặc điểm quan trọng khác của Chủ nghĩa Bảo thủ về mặt lịch sử, đó là nó đã ảnh hưởng và bị ảnh hưởng bởi các tư tưởng chính trị khác như Chủ nghĩa dân tộc. Trong khi những người theo chủ nghĩa dân tộc sẽ tìm cách thúc đẩy chủ quyền của quốc gia mình và bảo vệ biên giới của quốc gia đó khỏi các cuộc tấn công hoặc ảnh hưởng của nước ngoài, những người bảo thủ cũng sẽ tán thành các chính sách đó. Vì vậy mà xuyên suốt lịch sử, trong khi họ tìm cách ngăn chặn những thay đổi mạnh mẽ thì các giá trị mà những người bảo thủ thường hay nắm giữ đã thay đổi và gây ra những rạn nứt trong chính trị và tư tưởng của chính những người trong phe Bảo thủ. 

CHỦ NGHĨA TỰ DO

Trong suốt quá trình lịch sử, Chủ nghĩa tự do đã chia thành nhiều loại tư tưởng  giống nhau về cơ bản nhưng khác nhau về cách phục vụ cho người dân và quyền tự do của họ về mặt chính trị. Mặc dù có sự khác nhau nhưng chủ nghĩa Tự do lẫn những ai ủng hộ nó đều hoàn toàn đồng ý với nhau rằng: sự tự do được cho là điều tốt đẹp nhất trong các dòng tư tưởng của chủ nghĩa này. Chủ nghĩa tự do cổ điển cho rằng: chủ nghĩa tự do bảo vệ quyền tự do của cá nhân khỏi sự can thiệp không cần thiết của chính phủ để tránh việc họ hạn chế hoặc ngăn cản quyền tự do cá nhân của công dân (Gaus, Courtland, Schmidtz 2015). Những người bảo thủ cũng như nhiều người theo chủ nghĩa tự do tranh luận rằng, liệu có thể xem Chủ nghĩa Tự do như là một học thuyết chính trị hoàn chỉnh và toàn diện hay không (Gaus, Courtland, Schmidtz 2015). Điều này xảy ra do những người ủng hộ chủ nghĩa Tự do không thống nhất được với nhau rằng sự can thiệp của chính phủ đâu là biện minh, đâu thì không. Những ai theo trường phái triết lý vô chính phủ thường xem tự do thực sự là nơi không hề dung chứa sự can thiệp của chính phủ, trong khi nhiều trường phái tự do thực dụng khác lại duy trì sự can thiệp của chính phủ ở mức tương đối và có kiểm soát nhằm bảo vệ các giá trị khác. 

 

John Locke, là một bác sĩ, triết gia người Anh, thường được gọi là “Cha đẻ của Chủ nghĩa tự do”

Về mặt lịch sử, Chủ nghĩa Tự do không chỉ bảo vệ quyền tự do mà còn bảo vệ quyền sở hữu tư nhân và thúc đẩy nền kinh tế thị trường tự do. Chúng ta có thể thấy điểm tương đồng giữa chủ nghĩa Tự do với Chủ nghĩa Bảo thủ ở chỗ cả hai đều cực kỳ xem trọng những ý tưởng bảo vệ tài sản tư nhân, hoàn toàn trái ngược với Chủ nghĩa cộng sản và các hình thức tư tưởng chính trị khác thúc đẩy các hình thức sở hữu cộng đồng khác nhau. Những người theo trường phái tự do hiện đại đã quá đơn giản vấn đề khi họ thúc đẩy chính trị cánh tả; thông thường những ai theo phe cánh tả ủng hộ việc nạo phá thai, quyền sinh sản của phụ nữ và nhân quyền cho những ai thuộc cộng đồng LGBT. Về mặt lịch sử, chủ nghĩa Tự do là triết lý chính trị chủ yếu đằng sau các cuộc cách mạng, nó đã kết hợp chặt chẽ với nhiều tư tưởng quan trọng khác, đặc biệt là đối với chủ nghĩa bảo thủ cổ điển. Kết quả là chủ nghĩa Tự do đã sinh ra nhiều chủ nghĩa cấp tiến khác như chủ nghĩa xã hội với các khái niệm liên quan đến các vấn đề về phúc lợi xã hội nhanh chóng và dễ dàng hơn. Điều này có thể giải thích cho những sự tương thích trông có vẻ rất lệch lạc giữa các tư tưởng. Những thay đổi căn bản do kết hợp với chủ nghĩa cấp tiến đã tạo ra các tư tưởng chống lại chủ nghĩa Bảo thủ và ngược lại (Mastin 2008). 

SỰ TƯƠNG ĐỒNG GIỮA HAI CHỦ NGHĨA 

Như đã đề cập ở trên, cả những người bảo thủ và tự do đều coi trọng khái niệm tài sản tư nhân và chính phủ phải nỗ lực như thế nào để bảo vệ nó. Một điểm tương đồng khác giữa hai chủ nghĩa này thường được nhắc đến nhiều nhất là cả hai đều ủng hộ một cách mù quáng đối với các chính sách kinh tế Tân tự do (Tremblay 2008). Chủ nghĩa tân tự do có thể được định nghĩa là: “ giống như một chương trình giảm các rào cản thương mại và hạn chế thị trường nội bộ, đồng thời sử dụng quyền lực của chính phủ để thực thi mở cửa thị trường nước ngoài. Về mặt nào đó, đây có thể được xem là một nỗ lực ở thời hiện đại được bảo vệ bởi những người theo chủ nghĩa Bảo thủ như Ronald Reagan (1911 – 2004) và Margaret Thatcher (1925 – 2013) từ những năm 1970 nhằm quay trở lại với trường phái Tự do cổ điển thuần túy hơn. 

Các chính sách kinh tế tân tự do được coi là một trong những nhân tố chính thúc đẩy tính liên tục của quá trình toàn cầu hóa trên toàn cầu. Tuy nhiên nó cũng là nguyên nhân chính gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, các cộng đồng bản xứ và thậm chí là toàn bộ nền kinh tế vì mục tiêu theo đuổi lợi nhuận, né tránh các vấn đề gây cản trở lợi nhuận, ví dụ như các tiêu chuẩn đạo đức. Những người theo chủ nghĩa tự do và bảo thủ ở Hoa Kỳ đều được hưởng lợi từ những chính sách tương tự như vậy khi chúng được ban hành bởi các chính phủ bảo thủ và tự do. Các nhà bình luận và phê bình chủ nghĩa tự do có thể phản đối chính sách về thị trường tự do trong quốc gia hoặc trong khu vực mà họ sinh sống, nhưng dường như họ cũng chính là kẻ đồng lõa khi mà họ vẫn cho phép những chính sách đó được thực hiện ở những nơi khác. Nhóm người ủng hộ chủ nghĩa Bảo thủ sẽ không hành động đạo đức giả như thế vì những ý tưởng mà họ ủng hộ rất gần với chủ nghĩa Dân tộc và các chính sách bắt nguồn từ đó, họ tin rằng đất nước của mình và người dân của mình đều có lợi ngay cả khi người ta chứng minh được rằng những chính sách đó phi đạo đức. 

Một điểm tương đồng khác là cả hai đều ủng hộ sự xuất hiện của tầng lớp trung lưu ngay cả khi các chính sách thị trường tự do đang dần làm xói mòn sự giàu có của tầng lớp này. Điều này dường như mang tính chính trị hơn là bị chi phối bởi một ý tưởng triết học. Tính chính trị được thể hiện ở việc quyền lực chính trị của tầng lớp trung lưu trong cả hai phe Bảo thủ và Tự do đều được bảo vệ. Ở các nước phát triển, tầng lớp trung lưu đóng vai trò là xương sống của quyền lực chính trị và lá phiếu của họ luôn gây tranh cãi. Nếu các chính sách đột ngột làm giảm đi sự giàu có của họ, thì có lẽ tình trạng bất ổn về chính trị có thể đang nảy sinh. Các số liệu thống kê hiện nay cho thấy các chính sách thị trường nhằm phục vụ cho sự giàu có của tầng lớp trung lưu hiện nay chỉ còn phục vụ cho một số lượng rất ít. Nhìn chung thì mức độ giàu có của tầng lớp trung lưu đang ngày càng bị xói mòn. Tóm lại, cả hai chủ nghĩa này có vẻ đối lập với nhau trong rất nhiều vấn đề, nhưng chúng có chung những điểm có thể gây ra sự sụp đổ ở cả hai hệ tư tưởng.  

Lê Phương Quyên | Knowswhy.com

Chú giải:

+ Gaus, Gerald, Courtland, Shane D. and Schmidtz, David, "Liberalism", The Stanford Encyclopedia of Philosophy (Spring 2015 Edition), Edward N. Zalta (ed.), Retrieved from https://plato.stanford.edu/archives/spr2015/entries/liberalism/

+ Hamilton, Andy, "Conservatism", The Stanford Encyclopedia of Philosophy (Fall 2016 Edition), Edward N. Zalta (ed.), Retrieved from https://plato.stanford.edu/archives/fall2016/entries/conservatism/

+ Mastin, L. 2008. Conservatism. Retrieved from http://www.philosophybasics.com/branch_conservatism.html

+ Mastin, L. 2008. Liberalism. Retrieved from http://www.philosophybasics.com/branch_liberalism.html

+ Tremblay, F. 2008. The similarities between liberals and conservatives. Retrieved from https://francoistremblay.wordpress.com/2013/08/11/the-similarities-between-liberals-and-conservatives/

+ Worstall, T. 2016. Sure The Middle Class Is Shrinking: 30% Of Americans Are Now Too Rich To Be In The Middle Class. Retrieved from https://www.forbes.com/sites/timworstall/2016/06/21/sure-the-middle-class-is-shrinking-30-of-americans-are-too-rich-to-be-middle-class-now/#74e6bc5621c8

Tags: