Rất nhiều bạn bè của tôi là những người học giỏi. Tôi vẫn nhớ những người như Minh Tý là thủ khoa trường Đại học Bách Khoa, có lẽ là người duy nhất trong thế hệ của tôi, lứa của tôi được 30 điểm thi đại học. Đám bạn lớp Lý như Việt “từ” được 29 điểm, Bình “trẩu” được 29 điểm rưỡi, hay Phú Bình cậu bạn thân của tôi là thủ khoa Ngân hàng được 28 điểm. Nhiều người bạn khác của tôi, tôi nghĩ là phải hàng chục người đều học giỏi và đều đi nước ngoài. Hầu hết đều đi Nga, Ba Lan, Hungary... Ngày ấy ở Việt Nam có khoảng 200-300 suất đi du học Đông Âu. Họ đều được coi là nhân tài tương lai của đất nước, làm cho cha mẹ tự hào, được khen ngợi và được kỳ vọng nhiều.
Những hào quang của đám bạn khiến tôi vừa buồn vừa có phần ganh tị và bất mãn. Cũng từng có lúc là niềm tự hào, vậy mà chỉ sau một kỳ thi đại học điểm thấp, tôi bị xem thường, bị phủ nhận, bị nói rằng rồi sẽ thất bại, sẽ chẳng làm được gì cho cuộc đời... Tôi chạnh lòng, có khi hối tiếc vì tại sao mình lại không đứng trong số đó, dù đáng ra tôi hoàn toàn có khả năng. Và có lúc tôi cảm thấy bất công vì không được ghi nhận giống như họ. Những ước mơ khác người của tôi bị coi là thật vớ vẩn, ngớ ngẩn. Bố mẹ tôi cũng rất buồn phiền vì thằng con mình.
Tuy nhiên càng về sau này, và cho đến bây giờ, tôi mới thấy rằng cuộc đời không đơn giản như vậy. Đám bạn bè cùng lứa của tôi, hầu hết những người đi nước ngoài có thể coi là một thế hệ thất bại. Sự thất bại ấy không phải chỉ thất bại cho những người trong cuộc, cho những người bạn tôi mà là sự thất bại chung cho thế hệ. Khi cả đất nước được lựa chọn những người ưu tú nhất, tài năng nhất để đi nước ngoài học hành, thì có lẽ số người học hành tử tế chắc chỉ được 20-30%, còn lại đều không hoàn toàn thành công trong cuộc đời. Nhiều người khi trở về đều bỏ nghề chuyển sang buôn bán kiếm sống, không mấy người trở thành những người học hành tử tế, nghiêm túc.
Đầu tiên là vì hoàn cảnh. Những bạn bè tôi khi sang Đông Âu cũng ở trong một bối cảnh vô cùng đặc biệt là các nước Đông Âu đang xáo trộn, sự hỗ trợ lý tưởng mà các thế hệ trước được nhận thì bạn bè tôi không có. Những tưởng được đi học ở môi trường tốt nhất nhưng khi họ sang thì trường học biến động. Lâm và nhiều bạn tôi kể lại rằng khi mới sang, chân ướt chân ráo, những khoản tiền chu cấp 100-200 Rup trước đó đủ để sống thì lúc này giá trị đã thay đổi. Không đủ tiền sống, tiền ở nhà cũng không kịp gửi sang, vậy là hầu hết cả đám cứ đến mùa hè hoặc thậm chí lúc đi học cũng phải bỏ học để đi bán quần áo kiếm thêm tiền.
Lâm kể rằng có những ngày tháng gian truân rét mướt, nó phải ôm những chồng quần áo, áo phông, áo cá sấu đi bán ở những tỉnh lẻ, đi theo tàu điện, rồi bày bán quần áo ở vỉa hè, dưới đất... và rồi bị người Ba Lan coi thường. Mà đó lại là những người con ưu tú nhất của đất nước, những người giỏi nhất, còn gì cay đắng bằng. Những năm tháng đi du học, thay vì vào thư viện, ở trong trường học, phòng thí nghiệm thì rốt cục họ lại ra ngoài đường, đi bán quần áo, làm những công việc buôn bán vận chuyển kiểu cửu vạn đó...
[…]
Nghĩ lại hồi đó, tôi cảm thấy thật cay đắng cho thế hệ mình. Đáng ra những người như vậy hoàn toàn có khả năng và điều kiện đóng góp nhiều hơn. Vậy mà những người giỏi nhất lại phải đối mặt với những khó khăn trong cuộc đời khi họ bước chân vào môi trường Đông Âu đầy biến động. Thêm nữa, có lẽ phần nào do khi ra nước ngoài họ còn trẻ quá nên đã không thích nghi được với môi trường.
Xa hơn nữa, khi trở về, họ cũng không được trọng dụng, mà cũng không có thành tựu, thành tích gì đáng kể cho quê hương. Cả lứa chúng tôi không có mấy người theo ngành khoa học nghiên cứu. Những người giỏi nhất, được đất nước kỳ vọng, được gia đình trông đợi... lại không trở về. Giờ nếu nói về thành đạt, hầu hết đám bạn ấy đều có chút ít tiền, đều có xe cộ, nhà cửa, nhưng không có mấy người theo đuổi sự nghiệp học vấn để trở thành giáo sư hay có những đóng góp đáng kể cho đất nước mình.
[…]
Tôi định nghĩa lứa chúng tôi là những người sinh năm 1965-1975, sinh vào giai đoạn chiến tranh nhưng trưởng thành khi đất nước thống nhất. Chúng tôi nhận thức được về xã hội, thế giới khi 15-17 tuổi, đủ lớn để nhớ về thời bao cấp, về xã hội đóng cửa nhưng khi trưởng thành được chứng kiến sự biến chuyển của xã hội. Chúng tôi vừa chập chững bước ra đời đúng vào thời điểm đất nước thay đổi, kinh tế khủng hoảng, những quan điểm sống cũ thay đổi, những giá trị cũ bị tan vỡ, tất cả đều chỉ quan tâm đến tiền.
Có lẽ những người đã tận dụng được tốt nhất thời cơ mở cửa ở Việt Nam những năm 1986 – 1990 phải là những người khi đó khoảng 30 tuổi, độ tuổi đủ chín nhưng không quá già để có thể tận dụng được cơ hội kiếm tiền, để không bị quá ràng buộc vào nhà nước hoặc không quá cũ để tự thay đổi mình. Thế hệ đó là những người sinh khoảng giai đoạn 1955 – 1960. Ngày hôm nay, hầu hết những người đang nắm những tập đoàn lớn, doanh nghiệp lớn, tổ chức lớn tại Việt Nam đều là người thuộc thế hệ sinh khoảng 1955 – 1960 này.
Còn thế hệ chúng tôi, thật trớ trêu, những người bạn đi học nước ngoài tử tế, bài bản và với mục tiêu trở thành nhà khoa học sớm tiếp xúc với thị trường. Người ở nhà thì bạc nhược, bí bách, mất phương hướng, rồi lại lao vào việc kiếm tiền, làm giàu.
[…]
Đến bây giờ, bạn bè tôi đều đã gần 50 tuổi, cũng rất nhiều người giỏi, đã tự bươn trải, tự lo cho gia đình mình có cuộc sống sung túc, đầy đủ, chẳng phải lo lắng quá nhiều về vật chất. Nhưng tôi lại nhìn thấy ở rất nhiều người trong số ấy một sự thiếu thốn, họ hầu như chẳng còn mấy khao khát đóng góp cho xã hội, chẳng còn khao khát tranh đấu, và hình như đến giờ có những người mới bắt đầu đi tìm kiếm ý nghĩa của cuộc đời mình. Điều gì đã xô đẩy chúng tôi đi theo những con đường mà chẳng ai từng nghĩ mình sẽ đi như thế? Phải chăng là sự thay đổi thời cuộc, sự hoang mang về lý tưởng sống đúng vào thời điểm chúng tôi vừa bước ra đời...
Và tôi gọi thế hệ chúng tôi là thế hệ mất mát. Có thể tôi gọi như vậy không đúng với nhiều người. Nhiều người bạn tôi không nghĩ như vậy. Bạn bè tôi vẫn nhiều người thành đạt, thành công, có những doanh nhân tạo lập doanh nghiệp tốt, đóng góp cho xã hội; có nhiều người khác trở thành các giáo sư, tiến sĩ có các công trình này khác... Nhưng với cá nhân tôi, chúng tôi vẫn là một thế hệ mất mát. Nếu những thế hệ trước chúng tôi từng gắn với một niềm tin, gắn bó với một lý tưởng, và những thế hệ sau này lại có một niềm tin khác, thì chúng tôi chơi vơi ở giữa...
- Trích dẫn tự truyện "Sinh năm 1972 - Khát vọng sống" của CTHĐQT Alpha Books Nguyễn Cảnh Bình -