Cùng thuộc giống da vàng, cần cù, thông minh cũng chẳng hơn người Việt là bao, dân số lại chỉ bằng số lẻ của nước mình, rừng vàng biển bạc cũng không, thế nhưng thu nhập của dân họ cao gấp 30 lần người Việt, một lao động của họ có năng suất lao động bằng 23 người Việt, giáo dục của họ thuộc hàng đẳng cấp số một thế giới - còn Việt Nam không có trường nào lọt top 300 Đại học tốt nhất châu Á.
Đâu là bí kíp hóa rồng của họ và đâu là nguyên nhân khiến con rồng Việt Nam mãi không chịu lớn? Để trả lời được vế trước, bạn sẽ không thể tìm được ở đâu câu trả lời đầy đủ và xác thực hơn bằng bộ hồi kí dày gần 1700 trang với 2 tập mang tên: "Câu chuyện Singapore” và “Từ thế giới thứ ba vươn lên thế giới thứ nhất". Bộ sách được dịch và xuất bản tại Việt Nam nhân dịp 2 năm ngày mất của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu.
Và ông chính là một minh chứng hùng hồn nhất về sức mạnh của một con người có thể thay đổi cả lịch sử. Nhưng con người ông như thế nào? Trong tập 1, đúng như cái tiền đề “câu chuyện”, độc giả sẽ được chiêm ngưỡng bức chân dung tính cách cận cảnh của ông để thấy Lý Quang Diệu không chỉ là một nhà lãnh đạo tài ba mà còn là…một nhà văn có cái tài kể chuyện cực kì tài tình.
Ông kể về tuổi thơ của mình trong những trang đầu cuốn sách:
Hồi ức sống động và xa xưa nhất của tôi là chuyện bị xách lỗ tai trên miệng giếng trong khuôn viên một tòa gia đình tôi sống hồi đó, nơi bây giờ là đường Tembeling của Sinpagore. Lúc đấy, tôi được chừng bốn tuổi. Tôi rất nghịch nghợm và đã phá phách hộp dầu chải đầu hiệu 4711 màu xanh nhạt và đắt tiền của cha tôi. Tính tình của ông rất nóng nảy và tối hôm đó cơn giận của ông đến tung cả mái nhà.
Ông tóm lấy gáy tôi và lôi từ trong nhà ra giếng và xách tôi lơ lửng ở trên đó. Làm sao tai tôi lại dai đến nỗi không toác ra cho tôi rơi xuống giếng như thế? 50 năm sau, vào thập niên 1970, tôi đọc trong tờ Scientific American một bài báo giải thích sự đau đớn và chấn động đã tiết chất peptit vào bộ não thế nào, rồi ghi đấu ấn sâu đậm trong các tế bào thần kinh nên chắc chắc rằng biến cố đó sẽ được ghi nhớ mãi rất lâu sau này.
Tôi hỏi liệu cô ấy có chờ tôi cho đến ba năm sau khi tôi trở thành luật sư không. Choo hỏi lại tôi có biết cô ấy lớn hơn tôi hai tuổi không. Tôi nói tôi biết và đã cân nhắc chuyện này cẩn thận rồi. Tôi đã già trước tuổi và dù sao thì phần lớn bạn bè tôi cũng già hơn tôi. Vả lại, tôi muốn một người ngang hàng với tôi, chứ không phải một người chưa đủ lớn và cần phải được chăm sóc, và tôi không chắc mình sẽ tìm được một con gái khác ngang hàng và chia sẻ được những quan tâm của tôi. Cô ấy nói: “Em sẽ chờ anh.”
Trong một bài phát biểu nhân ngày Quốc khánh năm 1986, ông nói: "Tôi thường xuyên bị chỉ trích vì can thiệp vào đời sống riêng tư của người dân. Vâng, và nếu tôi không làm thế, chúng ta sẽ chẳng có được ngày hôm nay. Và tôi sẽ nói không một chút hối hận, rằng chúng ta sẽ không ở đây, chúng ta sẽ không đạt được tiến bộ kinh tế, nếu chúng ta không can thiệp vào các vấn đề cá nhân – từ hàng xóm của bạn là ai, bạn sống như thế nào, bạn được phép làm ồn ra sao, khạc nhổ như thế nào, hay bạn đang sử dụng ngôn ngữ gì. Chúng tôi quyết định điều gì là đúng."
Thế nhưng quan điểm có phần "phi dân chủ" của ông đã hiển hiện ngay từ thời niên thiếu khi ông sống dưới chế độ cai trị khắc nghiệt gần 3 năm trời của quân Nhật. Mặc dù đã từng bị 1 tên lính Nhật “tát đến xoay cả người”, và “đạp chân vào ngực làm ông té thẳng cẳng trên mặt đường” vì tội gặp mà không chào, ông vẫn thấy cái lợi ích ít nhiều của việc cai trị bằng khủng bố, mà sau này ông áp dụng ít nhiều để đưa người dân Singapore vào kỉ luật.
“Sự trừng phạt của quân Nhật nặng nề đến độ rất ít có tội phạm. Giữa cảnh đói khổ, vào mấy tháng cuối năm 1944, khi dân chúng gần như chết đói, thật kỳ lạ là mức độ tội phạm vẫn rất thấp….Hệ quả là tôi không còn tin vào những người chủ trương một phương pháp nhu hòa đối với vấn đề tội phạm và trừng phạt, thường cho rằng trừng phạt không hề giảm được tội phạm. Đó không chỉ là kinh nghiệm của tôi tại Singapore trước chiến tranh, trong thời Nhật chiếm đóng hay sau đó.” Hãy thử tiểu bậy hay nhổ kẹo cao su trên đường Singapore mà xem, bạn sẽ hiểu ông muốn nói gì!
Trong bài phỏng vấn với tờ New York Times năm 2010, ông nói về di sản của mình: "Phán quyết cuối cùng sẽ không phải là nằm trong cáo phó của tôi. Phán quyết cuối cùng là khi các nghiên cứu sinh tiến sĩ đào xới kho lưu trữ, đọc những bài báo cũ về tôi, đánh giá những gì kẻ thù của tôi nói, sang lọc bằng chứng và tìm ra sự thật. Tôi không khẳng định rằng mọi việc mình làm đều đúng, nhưng mọi thứ mà tôi làm là vì một mục đích đáng trân trọng.” Và trong 700 trang sách Câu chuyện Singapore, bạn sẽ tìm được mục đích đáng trân trọng đó.
Lý Tiểu Long
Trạm Đọc