Lý Quang Diệu và 5 bài học để một quốc gia trở nên văn minh: Từ khạc nhổ đến kết hôn
Lý Quang Diệu và 5 bài học để một quốc gia trở nên văn minh: Từ khạc nhổ đến kết hôn
Từ con người đã đưa Singapore "Từ Thế giới thứ Ba lên thế giới thứ Nhất”
Hồi ký Lý Quang Diệu
(19 lượt)

Hiếm có nhà độc tài nào trên thế giới được ngưỡng mộ như người cha đẻ của Singapore. Tổng thống Nga Vladimir Putin xem ông như một chính trị gia hình mẫu, và cựu tổng thống Barack Obama mô tả ông là “người khổng lồ đích thực của lịch sử”. Ở Việt Nam, ông cũng được ngợi ca như một “ông vua” anh minh, đầy những bài học trị nước thâm thuý. “Sông cực bẩn qua tay Lý Quang Diệu thành sạch đẹp như mơ”, “Lý Quang Diệu dùng " phép " gì phủ cây xanh kín Singapore?”, “ Lý Quang Diệu dẹp vỉa hè bát nháo ở Singapore thế nào?” và thậm chí cả “Cách dạy con "không thành công cũng phải thành danh" của Lý Quang Diệu”...là một vài tiêu đề đập ngay vào mắt bạn khi thử "google" tên ông.

Dường như con người vĩ đại này có rất nhiều điều để chúng ta đáng phải học hỏi, không chỉ trong việc trị nước, mà còn trong tư tưởng, lối sống của ông. Sau khi đọc xong gần 1700 trang bộ 2 tập hồi ký do chính tay ông viết mang tên “Câu chuyện Singapore""Từ Thế giới thứ Ba lên thế giới thứ Nhất”, đây là 5 bài học mà Lý Quang Diệu dạy tôi về thế giới.

 

1: Đánh đổ sự kém văn minh: Bắt đầu từ khạc nhổ

 

Singapore 50 năm trước đây cũng như Việt Nam ngày nay, nghĩa là người dân có thể tự do khạc nhổ, vứt rác, ăn uống, gây tiếng ồn ở bất cứ nơi nào họ thích. “Mình thích thì mình làm thôi” là triết lý của không ít người Việt. Với với ông Lý, một quốc gia không thể lớn nếu chưa bỏ được những thói quen xấu xí của người man rợ. Những hành vi khạc nhổ, bôi rỉ mũi, mang lậu kẹo cao su có bị phạt từ 2,000 đến 100,000 đô Sing, thậm chí còn có thể ngồi tù đến 2 năm. 

Để Singapore sạch được như bây giờ, ông Lý kể: “Trong những năm 1960, tôi đã khởi xướng một cuộc vận động chống khạc nhổ. Nhưng thậm chí trong những năm 1980, một vài tài xế taxi vẫn khạc nhổ ra khỏi cửa sổ và một vài người vẫn khạc nhổ trong chợ và các trung tâm ăn uống. Chúng tôi vẫn bền lòng và tiếp tục phổ biến thông báo vào các trường học và trên khắp phương tiện thông tin đại chúng rằng khạc nhổ sẽ làm lây lan dịch bệnh như ho lao chẳng hạn. Ngày nay, chúng tôi thấy rằng ít người khạc nhổ nơi công cộng. Chúng tôi là một cộng đồng di cư, những người đã rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn của mình và chuẩn bị từ bỏ những hủ tục để tạo cuộc sống tốt hơn trên quê hương mới. Điều này cũng khích lệ tôi thay đổi những thói quen xấu khác.


...Kết cấu hạ tầng cơ bản dễ cải tiến hơn cung cách cộc cằn của người dân. Nhiều người trong số họ đã rời khỏi những nhà hầm xí tạm bợ chỉ với một cái lỗ dưới đất và một cái gầu để đến những căn hộ cao tầng với điều kiện vệ sinh hiện đại, nhưng cách cư xử của họ thì vẫn như cũ. Chúng tôi đã phải làm việc cật lực để xóa bỏ việc vứt rác bừa bãi, những âm thanh ồn ào và thái độ thô lỗ, hướng dẫn người dân trở nên ý tứ và lịch sự hơn. 
Tính kiên trì và sức chịu đựng là những đức tính cần thiết để đánh đổ các thói xấu cũ: Người ta bước lên cây, giẫm lên cỏ, hái hoa, ăn cắp cây non, hoặc dựng xe đạp hay xe gắn máy dựa lên những chiếc lớn hơn khiến chúng bị đổ. Và không chỉ những người nghèo khổ phạm tội. ”

 

2: Quan tham tại dân

 


Lý Quang Diệu luôn trung thành với tiền đề giới tinh hoa có năng lực, trả lương cực kì hậu hĩnh cho các quan chức có tài vừa để giữ được chất xám trong khu vực nhà nước, vừa khiến họ không cần phải tham nhũng. 
Theo công ty tư vấn toàn cầu Hay Group, năm 2014 tổng số tiền lương trung bình cho một giám đốc điều hành tại Singapore là 673.000 USD. Để so sánh, theo một nghiên cứu của chính phủ, một bộ trưởng hàng đầu nhận hơn 800.000 USD. Còn ở Việt Nam, lương cấp bộ trưởng, tính cả phụ cấp, chỉ vào khoảng 14 triệu một tháng, chưa bằng một bạn PG thì không biết họ sống sao. Chúng ta vẫn luôn quan niệm quan chức nhà nước phải là “nô bộc” của người dân, nên họ đi kiếm “lậu” cũng phải thôi. Ông Lý viết:

“Sau khi độc lập, tôi hạn định lại tiền lương của các bộ trưởng, giữ cho mức lương ở các cơ quan dân chính tăng ở mức độ thấp để chúng tôi có thể đương đầu với nạn thất nghiệp và sự tụt hậu của nền kinh tế đồng thời nêu lên tấm gương về sự chừng mực. Năm 1970, khi tình trạng thất nghiệp không còn trầm trọng nữa, không khí đã dễ thở hơn, tôi tăng lương cho các bộ trưởng từ 2.500 đôla Singapore lên 4.500 đôla Singapore một tháng nhưng giữ cố định lương của tôi ở mức 3.500 đôla Singapore để nhắc nhở cơ quan dân chính rằng sự chừng mực vẫn là cần thiết. Cứ vài năm tôi phải tăng lương cho các bộ trưởng để thu hẹp khoảng cách rộng lớn với mức lương trong lĩnh vực tư nhân.

…Dân chúng đã quen nhìn các công chức nhà nước nhận đồng lương khiêm tốn trong một thời gian dài đến nỗi mà cái ý tưởng rằng các bộ trưởng không chỉ có quyền lực mà còn được trả công xứng đáng với tầm quan trọng của công việc đã làm xáo trộn nhận thức của họ…Người dân cần một chính phủ trong sạch, lương thiện và tài giỏi nhằm mang lại những thành quả tốt đẹp. Và đó chính là những gì mà đảng PAP đã đạt được.

Hiện tại, không quá khó khăn trong việc tuyển chọn nhân tài từ khu vực tư nhân. Trước khi phương án tiền lương được thực thi, các luật sư giỏi kiếm được 2 triệu đôla Singapore một năm, trong khi thẩm phán thì được trả ít hơn 300.000 đôla Singapore. Nếu không có sự thay đổi này, chúng tôi không bao giờ có thể bổ nhiệm được những luật sư giỏi nhất vào bộ máy tư pháp.”

 

3: Đàn ông hãy chấp nhận lấy vợ giỏi hơn mình

 

Người Việt không thiếu nhân tài, chỉ có điều họ cứ phải rứt áo, bỏ quê hương mà sang trời Tây du học. Ông Lý nhận hiểu rõ vấn đề này ở Singapore, vậy nên ngay từ ban đầu, ông đã đưa ra nhiều chính sách nhằm nuôi dưỡng và thu hút nhân tài, thậm chí đến độ chửi bới sự ngu xuẩn của những thanh niên không dám lấy vợ giỏi hơn mình.


Ông viết: “Những phụ nữ giỏi nhất của chúng tôi không sinh đẻ bởi vì đàn ông có trình độ tương đương không chịu cưới họ làm vợ. Khoảng một nửa sinh viên tốt nghiệp đại học là nữ, gần 2/3 trong số họ không lập gia đình. Đàn ông châu Á dù là người Hoa, Ấn hay Malaya đều thích cưới vợ có trình độ thấp hơn họ. Năm 1983 chỉ có 38% đàn ông tốt nghiệp đại học cưới vợ cùng trình độ.

Kiểu kết hôn và sinh đẻ không hài hòa này không thể duy trì mà không có sự quan tâm để ý hay kiểm tra. Tôi quyết định làm cho thanh niên nhận ra những định kiến ngu xuẩn, cổ hủ và lạc hậu của họ. Tôi trích dẫn các nghiên cứu được thực hiện ở Minnesota trong những năm của thập niên 1980 về những cặp song sinh giống nhau.

Nghiên cứu chỉ ra rằng, những cặp song sinh này giống nhau ở rất nhiều phương diện. Mặc dù chúng được dạy dỗ riêng biệt và ở các quốc gia khác nhau, song khoảng 80% trong số họ có vốn từ ngữ, chỉ số thông minh (IQ), thói quen, sở thích về ăn uống và bạn bè, cũng như những đặc điểm tính cách khác của họ đều giống nhau. Nói cách khác, gần 80% bản chất của con cái phụ thuộc vào di truyền và 20% còn lại là kết quả của sự nuôi dưỡng.

Để chuyển đổi xu hướng sinh đẻ này, vào năm 1984, tôi và Keng Swee lúc bấy giờ là Bộ trưởng Giáo dục quyết định cho các bà mẹ có trình độ được quyền ưu tiên chọn trường tốt nhất cho cả ba đứa con nếu họ sinh đứa con thứ ba…Tôi và Keng Swee chờ đợi các bà mẹ ít học giận dữ vì họ bị đối xử phân biệt. Nhưng ngược lại, chúng tôi bị bất ngờ khi các bà mẹ có học vấn cao lại phản bác rằng họ không cần đặc quyền. Tuy nhiên, những chàng trai đã thấm thía được thông điệp do chúng tôi gửi đến: ngày càng có nhiều người cưới vợ cùng trình độ, mặc dù tiến độ còn chậm.

Tôi đã thức tỉnh người dân của chúng tôi, nhất là những thanh niên có trình độ về tình trạng ảm đạm của chúng tôi. Song, do những phụ nữ học cao cảm thấy bối rối với đặc ân này, tốt nhất nên xóa bỏ đi. Thay vào đó, tôi giảm thuế thu nhập đặc biệt cho những phụ nữ đã lập gia đình, lần này cho các bà mẹ có trình độ đại học, cao đẳng, bằng A và O, mở rộng nguồn nhân lực và giảm bớt chính sách chuộng chữ nghĩa. Họ có đủ tiêu chuẩn để được giảm đáng kể thuế thu nhập trong khoản thu nhập của họ hoặc của chồng họ nếu họ có đứa con thứ ba hoặc thứ tư. Những nhượng bộ này khuyến khích người ta sinh nhiều con thứ ba và thứ tư hơn.”

 

4: Thiên đường là cuộc hôn phối giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội

 

Xã hội cần những sự “phá huỷ sáng tạo” thì mới tiến bộ, nhưng nếu cứ để thị trường quyết định hết mọi thứ, thì do xuất phát điểm của mỗi người không như nhau, nên nếu nhà nước không can thiệp, chúng ta sẽ không bao giờ có một cuộc đua công bằng. Lý Quang Diệu hiểu rằng chênh lệch giàu nghèo là tính chất cố hữu của chủ nghĩa tư bản, nhưng không có nghĩa là chính phủ không có cách nào để khiến đất nước bình đẳng hơn. Đây là bản kế hoạch cho một thiên đường Singapre trong các vấn đề thiết yếu như nhà cửa, y tế của ông Lý:

“Mối bận tâm hàng đầu của tôi là bảo đảm quyền lợi cho mọi công dân và tương lai của họ. Tôi muốn một xã hội mà mọi người dân đều sở hữu ngôi nhà của họ. Tôi đã nhìn thấy sự tương phản giữa những căn hộ chung cư cho thuê rẻ tiền, bị sử dụng bừa bãi và duy tu tồi tệ với những căn hộ của những người rất hãnh diện là mình có nhà riêng. Và từ đó tôi tin rằng nếu mỗi gia đình đều có nhà riêng thì quốc gia sẽ vững bền.

….Lý tưởng về các dịch vụ y tế miễn phí đối lập với thái độ thực tế của mọi người. Bài học đầu tiên đến với tôi từ các bệnh viện và các dưỡng đường của chính phủ. Khi bác sĩ kê đơn thuốc kháng sinh miễn phí, bệnh nhân uống thuốc trong vòng 2 ngày, nếu không bớt, họ sẽ quẳng số thuốc thừa đi. Sau đó, họ đi khám tại các bác sĩ tư, trả tiền thuốc kháng sinh, uống thuốc đầy đủ theo lời dặn của bác sĩ và sau đó bình phục. Tôi quyết định thu 50 xu mỗi lần khám tại các phòng khám bệnh nhân ngoại trú. Chúng tôi tăng lệ phí này hằng năm để bắt kịp với nhịp độ tăng thu nhập và lạm phát.”

 

5: Mèo đen hay mèo trắng miễn là bắt được chuột

 

Đây là một bài kiểm tra đơn giản gọi là quy luật Lý Quang Diệu, dùng để đánh giá một triết lý, một ý thức hệ: liệu nó có tác dụng trên thực tế hay không? Ông từng trả lời một bài phỏng vấn:

Cuộc đời tôi không bị định hướng bởi triết lý hay lý thuyết nào. Tôi cố gắng hoàn thành công việc và để những người khác tách triết nguyên lý từ những giải pháp thành công của tôi. Tôi không hành động chỉ dựa trên một nguyên lý. Thay vào đó, tôi hỏi: cần phải làm gì để giải quyết vấn đề này? Nếu, sau một chuỗi những giải pháp, tôi thấy một cách tiếp cận nào hiệu quả, thì tôi sẽ cố gắng tìm ra cái nguyên lý đứng đằng sau giải pháp đó. Vì vậy, Plato, Aristotle, Socrates, họ không phải là người chỉ đường cho tôi…Tôi chỉ đến quan tâm đến tính hiệu quả của nó…

Một lý thuyết là một lời mời gọi tri thức rất hấp dẫn. Nhưng vấn đề mà chúng tôi đối mặt là những vấn đề thực sự của một con người đang tìm việc, đang muốn được trả lương, đang muốn mua thực phẩm, quần áo, nhà cửa, và nuôi dạy con cái của họ…Tôi đã đọc các lý thuyết và có lẽ chỉ tin chúng một nữa. Chúng ta tôi cũng đủ thực dụng để không bị quá giáo điều. Nếu chính sách này thành công, hãy dùng nó, và điều này cuối cùng cũng biến thành nền kinh tế mà Singapore có ngày nay. Bài kiểm tra của tôi là: liệu nó có thành công không? Liệu nó có mang lại lợi ích cho người dân không…"

"Hãy đậy nắp quan tài lại, rồi quyết định. Khi đó bạn hãy đánh giá tôi. Tôi có thể vẫn làm gì đó ngu ngốc trước khi nắp quan tài của tôi đóng lại”, cụ Lý nói về các chính sách đầy tranh cãi của mình. Thành công của Singapore chứng minh rằng những bài học của ông đã đúng. Nhưng muốn khai phá được bí kíp hóa rồng của Singapore để áp dụng cho con hổ Việt Nam mãi không chịu lớn, bạn buộc phải tìm hiểu về cuộc đời ông. Bởi một lý đơn giản: Singapore chính là Lý Quang Diệu. 

Skype
Trạm Đọc