Sách của cố tác giả Lê Văn Nghĩa đoạt giải Hội Nhà văn
Sách của cố tác giả Lê Văn Nghĩa đoạt giải Hội Nhà văn
“Mùa tiểu học cuối cùng” của Lê Văn Nghĩa đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, hạng mục văn học thiếu nhi.

Lễ trao giải thưởng văn học và kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam 2021 diễn ra sáng 14/2 tại Hà Nội. Giải thưởng năm 2021 được trao cho 4 tác phẩm thuộc các hạng mục: Văn xuôi, lý luận phê bình, văn học dịch và văn học thiếu nhi. Hạng mục thơ không có tác phẩm được trao.

 Các tác phẩm đoạt giải năm nay gồm: Tiểu thuyết Một ví dụ xoàng của tác giả Nguyễn Bình Phương; tập lý luận phê bình Văn bản văn học và sự bất ổn của nghĩa của PGS.TS Trương Đăng Dung; bản dịch tiểu thuyết Châu Phi nghìn trùng của tác giả Isak Dinesen, dịch giả Hà Thế Giang; tác phẩm Mùa tiểu học cuối cùng của tác giả Lê Văn Nghĩa.

Sách Mùa tiểu học cuối cùng. Ảnh: Trần Thị Thúy Diễm

Câu chuyện sinh động về học trò một thuở

Hồi tháng một, ông Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - thông tin về 3 tác phẩm đoạt giải. Tác phẩm đoạt giải còn lại, Mùa tiểu học cuối cùng, mới được tiết lộ gần đây.

Thể loại văn học thiếu nhi là hạng mục được chờ đợi của giải thưởng Hội Nhà văn 2021. Sau hơn 10 năm tác phẩm thiếu nhi vắng bóng trong giải thưởng, năm nay, Hội Nhà văn quyết định có hạng mục thiếu nhi để thúc đẩy sáng tác văn học cho các em.

Các tác phẩm thiếu nhi lọt vào chung khảo gồm Cà nóng chu du ở Trường Sa của Bùi Tiểu Quyên, Cá voi Eren đến Hòn Mun của Lê Đức Dương và Mùa tiểu học cuối cùng của cố nhà văn Lê Văn Nghĩa.

Hội đồng giải thưởng nhận định Mùa tiểu học cuối cùng mang cách kể giản dị nhưng xúc động bởi tính chân thực và giọng văn phù hợp các nhân vật ở lứa tuổi đến trường. Những câu chuyện thường nhật của những đứa trẻ được nhà văn biến thành ký ức không thể quên trong tâm hồn một con người. Những ký ức đó biểu hiện tâm hồn trẻ thơ tươi trẻ, trong sáng.

Bà Nguyễn Thụy Anh - TS giáo dục học, Chủ nhiệm câu lạc bộ Đọc sách cùng con - nói cuốn sách viết về tuổi thơ những năm 1960 đã qua với lối kể hấp dẫn. PGS.TS Phạm Xuân Thạch - Trưởng khoa Văn học, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) - nói trao giải cho cuốn sách của Lê Văn Nghĩa là sự ghi nhận đúng đắn cho trang viết về lứa tuổi học trò. Đó là tác phẩm đạt sự cân đối cả về vẻ đẹp của ngôn từ lẫn vẻ đẹp của tư tưởng.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa nói giải thưởng trao cho Mùa tiểu học cuối cùng rất xứng đáng. Văn của Lê Văn Nghĩa hóm hỉnh, là cách nhìn của một nhà văn am hiểu về TP.HCM. Ngoài phản ánh về học sinh một thời, cuốn sách còn nêu văn hóa, con người TP.HCM.

Bản dịch Châu Phi nghìn trùng đoạt giải hạng mục văn học dịch. Ảnh: NXB Phụ nữ Việt Nam.

Giải thưởng đã hết xoàng

Một ví dụ xoàng là tác phẩm được giải hạng mục văn xuôi giải thưởng năm nay. Theo đánh giá của hội đồng chuyên môn, tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương có tính khái quát cao về thực trạng không thể chối bỏ của xã hội: Sự vô cảm.

Từ vụ án buôn 4 kg chè mà mất hai mạng người từng rúng động thời bao cấp, nhà văn đã dựng lại một thời đói khổ, vô lý, khốn đốn. Qua nhân vật chính, tác phẩm khai thác sâu sắc về thân phận con người.

Cuộc truy tìm đến tận cùng nguyên nhân một cái chết chính là cuộc truy vấn thời cuộc. Vụ án hình sự có thể kết thúc, nhưng tòa án lương tâm tiếp tục mở ra để phán xử sự vô cảm.

Nhà văn Bảo Ninh - thành viên Hội đồng văn xuôi, giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam - nói: “Một ví dụ xoàng không xoàng, tiểu thuyết hoàn toàn ngược lại với cái tên. Tác phẩm cô đọng, hay đến mức người đọc bị cuốn một cách vô thức”.

PGS.TS Phạm Xuân Thạch nhận xét từ câu chuyện đa điểm nhìn về cái chết của người bị tử hình, Một ví dụ xoàng soi chiếu thân phận con người từ nhiều góc độ. Tại sao người ta phạm tội, điều gì đẩy họ đến con đường đó? Chúng ta cần phải nhìn thế nào về những người bị coi là tội phạm trong xã hội?

“Đó là câu chuyện mà đời nào, xã hội nào chúng ta cũng cần đặt ra”, PGS.TS Phạm Xuân Thạch nói.

Nhà văn Phong Điệp cho rằng tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương đặc sắc ở lối viết văn hiện đại. Kết cấu truyện đặt nhân vật làm trung tâm, ở đó các nhân vật khác đưa ra góc nhìn đa diện, soi chiếu về nhân vật ấy.

“Tôi rất thích phần sau của tác phẩm, nó như những biên bản ghi lại góc nhìn về nhân vật chính. Nó như lời cảnh tỉnh với những gì diễn ra xung quanh chúng ta”, nhà văn Phong Điệp nhận xét.

Các tác giả nhận giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2021. Ảnh: H.H 

Hạng mục lý luận phê bình trao cho Văn bản văn học và sự bất ổn của chữ của Trương Đăng Dung. Đây là công trình tập hợp những suy tư của một nhà lý luận văn học về những vấn đề liên quan đến văn bản, tiếp nhận, cơ chế tạo nghĩa của văn bản.

Công trình đạt chất lượng khoa học cao, có tính chuẩn mực về học thuật. Người viết phân tích, luận giải các vấn đề khoa học văn học từ nền tảng triết học và mỹ học.

“Công trình mang tính khoa học chuyên sâu, hiếm quý trong đời sống lý luận phê bình văn học hiện nay. Nó chứng minh giá trị của mình trong việc soi sáng, ở khía cạnh nào đấy, những quy luật của sáng tạo và từ đó tạo ra những đánh giá chuẩn xác”, Hội đồng giải thưởng đánh giá về công trình của PGS.TS Trương Đăng Dung.

Ở hạng mục văn học dịch, Châu Phi nghìn trùng đã thuyết phục khi chuyển tải đúng nội dung văn bản gốc, lời văn tiếng Việt tự nhiên, trong sáng với ngôn ngữ trau chuốt, tinh tế. Độ chính xác của diễn đạt và nhịp điệu của tác phẩm giúp người đọc thưởng thức vẻ đẹp của ngôn từ.

Nhiều năm qua, giải thưởng văn học của Hội Nhà văn Việt Nam thường nhận những bàn tán, đôi khi bất đồng với kết quả giải. Kết quả giải thưởng năm nay được công chúng và giới văn chương đánh giá cao.

PGS.TS Phạm Xuân Thạch nói: “Khi giải thưởng năm nay công bố, nó đạt được sự đồng thuận cao trong người đọc. Đó là giải thưởng xứng đáng đem đến động viên cho người viết rằng những giá trị đích thực, những giá trị đúng đắn sẽ được khẳng định và tôn vinh”.

Bà Khúc Thị Hoa Phượng - Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam - nói giải thưởng năm nay tạo được hiệu ứng, thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Điều đó giúp nâng cao văn hóa đọc trong cộng đồng.

 

Theo Zing News

Tags: