“Read Your Way Around the World” - Phần 5: Đọc gì để hiểu Rome?
“Read Your Way Around the World” - Phần 5: Đọc gì để hiểu Rome?
Tiếp tục series Read Your Way Around the World, tuần này chúng ta sẽ cùng đến với thành Rome. Igiaba Scego, một nữ tác giả sinh ra ở Rome với cha mẹ là người Somali, đề xuất những cuốn sách với nhiều tầng ý nghĩa thu hút độc giả và đã tạo nên quê hương của cô.
Nữ tác giả người Ý Igiaba Scego

Lần đầu Frederick Douglass đến Rome, ông thấy thành phố này thật đáng thất vọng. Trong tâm trí ông, Rome chỉ là quá khứ huy hoàng, là tàn tích hùng vĩ, là Đấu trường La Mã tráng lệ, chứ không phải là Rome đương đại mà ông bất ngờ tìm thấy trước mắt - điều mà không một cuốn sách hướng dẫn du lịch nào nhắc đến. Tuy nhiên, trong thời gian lưu trú tại đây, Rome đã xoay sở và giành được trái tim ông. Và ông đã mô tả sự thay đổi này trong cuốn "Life and Times of Frederick Douglass", xuất bản năm 1892. 

Tác phẩm "Life and Times of Frederick Douglass"

Ngày nay, nhiều du khách đã chia sẻ cảm giác ban đầu của mình khi tới đây. Phong cảnh, ánh sáng, sự hỗn loạn và giao thông của Rome đương đại có thể khiến du khách hài lòng. Nhưng tôi có lời khuyên dành cho những du khách tới đây là: hãy vượt ra khỏi những mong đợi ban đầu. Rome giống như một chiếc bánh cưới, gồm nhiều tầng lớp và những câu chuyện khác nhau. Chiếc bánh ấy có lớp kem, có lớp cốt bánh bông lan. Cũng như có Rome của Ceasars, Rome của Giáo hoàng, Rome của các nghệ sĩ. 

Ngoài ra còn có một Rome nói về chủ nghĩa thực dân mà Ý áp đặt lên Châu Phi. Ví dụ như Dogali Obelisk. Nằm giữa nhà ga Termini, giao lộ đường sắt chính của thành phố và quảng trường Piazza della Repubblica, trên ngọn đồi nhỏ nhất trong số bảy ngọn đồi nơi thành phố Rome lịch sử được xây dựng, đây là một công trình Ai Cập cổ đại có phần đế được thêm vào để tạo thành tượng đài tôn vinh những người lính Ý đã ngã xuống trong một trận chiến nhằm mở rộng thuộc địa của đất nước ở Đông Phi. 

Bên trong hội trường Piazza of the Five Hundred

Chúng ta cũng có thể tìm thấy dấu vết thuộc địa trong tên của các đường phố. Quảng trường phía trước nhà ga Termini được gọi là Piazza dei Cinquecento, hay Piazza of the Five Hundred, cũng để vinh danh những người lính Ý đã ngã xuống ở Dogali, thuộc Eritrea ngày nay. Hiện nay, một số người - đặc biệt là những người ủng hộ các phong trào nữ quyền ở Ý cũng tham gia cuộc chiến chống phân biệt chủng tộc - nhớ lại rằng đã có nhiều người châu Phi bị giết trong nỗ lực thuộc địa đó, và cho rằng quảng trường Piazza of the Five Hundred cũng nên là một nơi để tưởng nhớ những nạn nhân này. 

Và sau cùng là Rome của những cư dân mới đến từ Châu Á, Châu Mỹ Latinh, Đông Âu và Hoa Kỳ - một Rome không rõ ràng, nhưng đó lại là Thành phố Vĩnh cửu đầy năng lượng. 

Trước khi đến Rome, bạn nên đọc gì?

Tôi rất thích cuốn sách có tên “Termini: Cornerstone of Modern Rome” của Arthur WeststeijnFrederick Whitling. Nhà ga xe lửa của thành phố là nơi hiện diện sự nghịch lý - nơi cuộc đối thoại giữa hiện đại và cổ đại diễn ra không ngừng. Tại đây, bạn có thể thấy phần còn lại của Bức tường Servian từ thế kỷ 4 TCN, cạnh đó là một tiệm McDonald - hiện thân của phần hiện đại tại Rome. Nhờ có hai tác giả Weststeijn và Whitling, bạn sẽ có thể đánh giá cao không gian xung quanh mình.

Bạn nên mang theo cuốn sách hoặc tác giả nào khi tới Rome?

Rome thực sự rất rộng lớn. Không một cuốn sách nào có thể chứa đựng tất cả mọi thứ về Rome. Nhưng mỗi cuốn sách sẽ cho bạn cảm nhận về một khía cạnh đặc biệt nào đó của thành phố này. 

Cuốn sách “SPQR: A History of Ancient Rome” và nhà sử học Mary Beard

Nếu mối quan tâm của bạn là La Mã cổ đại, thì bạn nên mang theo cuốn “SPQR: A History of Ancient Rome” của nhà sử học người Anh Mary Beard. Tác giả đã có một bài văn xuôi hấp dẫn, trong đó những người cổ đại trở thành những người đương đại.

Những tác phẩm kinh điển của thế kỷ 19 nói về thành Rome

Bạn cũng nên đọc các tác phẩm kinh điển của thế kỷ 19 về những chuyến du hành ở Ý: “The Portrait of a Lady” của Henry James, “The Marble Faun” của Nathaniel Hawthorne, “Roman Fever and Other Stories” của Edith Wharton.

Tác phẩm “The Ragazzi” và tác giả Pier Paolo Pasolini

Trong “The Ragazzi” (còn được gọi là “The Street Kids” trong một số bản dịch), của Pier Paolo Pasolini, bạn sẽ khám phá ra vẻ đẹp khắc khổ, có chút gai góc và tuyệt vọng của phía Đông thành Rome vào năm 1955, khi cuốn sách được xuất bản. Ngày nay, khu vực này đã thay đổi. Nó hiện đại, được giới trẻ và khách du lịch thường xuyên lui tới, có nhiều quán rượu và quán cà phê. Khu vực này cũng là nơi cư trú của một số cộng đồng người nhập cư. 

Một cuốn sách quan trọng khác về khu vực này, đặc biệt là vùng lân cận Tor Pignattara, là “This Is What I Live For” của Amir Issaa, một rapper người Ý gốc Ai Cập.

Tôi cũng đề xuất cuốn sách của hai tác giả yêu thích Rome và tiếng Ý: Jhumpa Lahiri với cuốn “In Other Words” đã dành những trang tuyệt đẹp cho thành phố, và Amara Lakhous với cuốn “Clash of Civilizations Over an Elevator in Piazza Vittorio” đã có những mô tả tuyệt vời về khu chợ nổi tiếng trên đồi Esquiline, nơi bạn có thể tìm thấy các sản phẩm từ khắp nơi trên thế giới. 

Nếu không có thời gian cho các chuyến đi trong ngày, bạn nên chọn cuốn sách nào?

Tôi yêu các thị trấn của Castelli Romani, chỉ cách thành phố vài phút. Bạn nên đi theo những bước chân của Johann Wolfgang von Goethe, người đã đắm mình trong sự yên bình của Castel Gandolfo, hay đắm mình trong những loài hoa ở Genzano như Hans Christian Andersen

Nemi, bạn sẽ tìm thấy món fragoline (làm từ dâu dại) và những món mứt. Bạn sẽ thấy chúng ở mọi nhà hàng, trang trại và quán cà phê ở Nemi. 

Castelli, hãy làm những gì Stanley Tucci đã làm trong các chuyến du lịch ẩm thực của mình trên truyền hình, đó là nếm thử mọi thứ.

Những cuốn sách nào có thể đưa bạn ra khỏi cánh cửa đóng kín và cho bạn thấy những góc khuất của Rome?

“Global Rome: Changing Faces of the Eternal City” được biên soạn bởi Isabella Clough Marinaro và Bjorn Thomassen, là một tuyển tập các bài tuyển luận phá vỡ mọi khuôn sáo và cho chúng ta thấy một Rome trong thời đại toàn cầu hóa, đông đúc, đa ngôn ngữ. 

Đó cũng là Rome mà bạn tìm được trong các tác phẩm như “Strangers I Know” của Claudia Durastanti “Little Mother” của Cristina Ali Farah.

Tác giả đang được mọi người ở Rome nhắc đến

Họa sĩ truyện tranh Zerocalcare

Đó là: Zerocalcare! Một họa sĩ truyện tranh trẻ tuổi, tên thật là Michele Rech. Anh đã phác họa được Rome đương đại trong một khái niệm phổ quát. Từ “căn cứ” của mình ở ngoại ô Rebibbia, anh nói chuyện thế giới với thế giới, từ người Kurd ở Iraq đến thanh niên thất nghiệp và đại dịch. Gần đây, anh đã hợp tác với Netflix với loạt phim hoạt hình “Tear Along the Dotted Line” kể về cuộc đời của một họa sĩ truyện tranh khá vụng về sống cùng một con tatu. Có lẽ anh đang mô tả chính cuộc sống của mình. 

Địa điểm văn học ở Rome bạn nên ghé thăm

Nếu bạn tới Rome, hãy đến thăm các nhà thơ John KeatsPercy Bysshe Shelley, được chôn cất tại Nghĩa trang Non-Catholic của thành phố. Nghĩa trang là một ốc đảo yên bình giữa dòng xe cộ bao trùm khu vực Ostiense. 

Khi ở đó, bạn cũng có thể viếng mộ của Antonio Gramsci, nhà triết học, nhà văn người Ý và là người sáng lập Đảng Cộng sản Ý, người đã bị cầm tù cho đến gần chết vì chống lại chủ nghĩa phát xít. 

Đâu đó trong đó cũng có linh hồn của Sarah Parker Remond, một người Mỹ gốc Phi theo chủ nghĩa bãi nô và vận động cho quyền bầu cử. 

Bạn nên ghé tiệm sách nào ở Rome?

Tuba là một nơi đặc biệt - một hiệu sách nữ quyền ở trung tâm ốc đảo dành cho người đi bộ của khu phố Pigneto, nơi bạn không chỉ tìm thấy sách mà còn cả rượu khai vị nguyên gốc và nhiều nhà văn nữ để trò chuyện.

Cũng không thể bỏ qua là hiệu sách Griot, ở Trastevere, chuyên về văn học châu Phi và cung cấp nhiều lựa chọn sách bằng tiếng Anh.

Hiệu sách Borri Books

Và trước khi rời đi, hãy đảm bảo rằng bạn đã tìm hiểu kỹ về Borri Books, bên trong Ga Termini - một kho tàng sách gần như vô tận.

Rome cũng là thành phố của những chú mèo. Ở Largo di Torre Argentina, người ta có thể tìm thấy một bầy mèo đang ngủ giữa các cột Corinthian. Trong “Miranda Đại đế” của Eleanor Estes, hai con mèo là Miranda và con gái Punka đã cố gắng thoát khỏi cuộc xâm lược của người Hung và người Visigoth bằng cách trú ẩn tại Đấu trường La Mã. Những con mèo La Mã cổ đại này là tổ tiên của những con mèo mà chúng ta thấy ngày nay. 

Những cuốn sách về Rome mà Igiaba Scego đề xuất

  • “Life and Times of Frederick Douglass” của Frederick Douglass
  • “Termini: Cornerstone of Modern Rome” của Arthur Weststeijn và Frederick Whitling
  • “SPQR: A History of Ancient Rome” và Mary Beard
  • “The Portrait of a Lady” của Henry James
  • “The Marble Faun” của Nathaniel Hawthorne
  • “Roman Fever and Other Stories” của Edith Wharton
  • “The Ragazzi” (or “The Street Kids”) của Pier Paolo Pasolini
  • “This Is What I Live For” của Amir Issaa
  • “In Other Words” của Jhumpa Lahiri
  • “Clash of Civilizations Over an Elevator in Piazza Vittorio” của Amara Lakhous
  • “Italian Journey” của Johann Wolfgang von Goethe
  • “The Improvisatore” của Hans Christian Andersen
  • “Global Rome: Changing Faces of the Eternal City” của Isabella Clough Marinaro và Bjorn Thomassen
  • “Strangers I Know” của Claudia Durastanti
  • “Little Mother” của Cristina Ali Farah
  • “Miranda the Great” của Eleanor Estes

Hẹn các Mọt ở chặng tiếp theo trên hành trình Read Your Way Around The World nhé!

Trạm Đọc

Nguồn: The New York Times

 

 



Tags: