Đón Tết về nhà là dự án đầu tiên do Tiệm Mọt - tiệm sách tiếng Việt ở nước ngoài - thực hiện nhằm mang sách trong nước đến nhiều nơi trên thế giới. Tác phẩm gồm 40 trang, viết theo thể thơ bốn chữ, khắc họa không khí, hình ảnh, phong tục trong ngày Tết truyền thống.
Chị Quỳnh Hạnh - chủ Tiệm Mọt, sống tại Phần Lan - cho biết ý tưởng xuất phát từ nỗi nhớ quê nhà. Hai năm qua, do dịch, gia đình chị và nhiều đồng hương sống, làm việc ở nước ngoài không thể về quê. Vì vậy, chị muốn mang hương vị Tết dân tộc tới các con, gia đình và người thân qua trang sách.
Chị liên hệ đơn vị phát hành trong nước, mua bản quyền cuốn Đón Tết về nhà (Tác giả: Chiều Xuân Líu Lo, họa sĩ: Hau Phan) và chuyển ngữ thành ba phiên bản: Anh - Việt, Pháp - Việt và Đức - Việt. "Chúng tôi chọn sách thơ vì đáp ứng được yêu cầu về nội dung và dễ nhớ, dễ thuộc hơn với các bạn nhỏ. Nếu được hưởng ứng, sang năm chúng tôi sẽ làm thêm nhiều ngôn ngữ hơn nữa", chị nói.
Ba dịch giả của dự án là người Việt đang sống, làm việc tại nước ngoài. Nhật Vương - dịch bản tiếng Đức - từng chuyển ngữ cuốn Truyện cổ tích của anh em Grimm (NXB Đinh Tị). Ân - phụ trách bản tiếng Pháp - có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực sách, từng xây dựng tủ tác phẩm tiếng Việt trong một thư viện ở Paris. Chồng Ân là một nhà thơ Pháp. Ruby Nguyễn Smith - dịch bản tiếng Anh - kết hôn với ông xã người Mỹ. Ngoài ra, dự án có sự tham gia của các đại diện ở Anh, Pháp, Đức và người hoạt động trong lĩnh vực dịch, làm sách.
Theo chị Quỳnh Hạnh, khó khăn lớn nhất nhóm gặp phải là chất lượng chuyển ngữ. Trong tiếng Anh, một từ có thể có nhiều âm tiết nên mỗi câu thơ sẽ có số từ không bằng nhau. Tương tự cách gieo vần, không phải từ nào có đuôi "ing" cũng có vần với nhau, ví dụ "interesting" và "bring".
Chị nói: "Dịch thơ rất khó. Dịch không phải chỉ truyền tải câu chữ mà cần thể hiện đúng tinh thần, ý nghĩa và màu sắc riêng của bản gốc. Khi kiểm định chất lượng dịch, nhà xuất bản cũng cân nhắc đến các yếu tố này nữa".
Ở khổ thơ miêu tả mẹ em bé đi mua lá dong, ngoài dịch đúng nghĩa, có vần, dịch giả phải giúp người đọc hiểu được lá dong là gì, sử dụng ra sao.
"Nắng reo lấp lánh
Trên hàng lá dong
Dáng mẹ cong cong
Lựa từng tấm lá..."
(We still need other things:
Green Dong leaves, bamboo strings
They are used to wrap Chung Cake
And you know what? It’s fun to make!)
Khi nhắc về ông đồ viết câu đối, thơ dịch phải lý giải được văn hóa xin chữ ngày Tết và ý nghĩa của nó:
"Giấy đỏ ngập lối
Phúc, Lộc, An Khang
Hạnh phúc bình an
Ngập tràn may mắn..."
(Those letters represent Wealth,
Happiness, Peace and Health
We'll display them during Tết
They will bring us Luck, I'd bet!)
Nhóm mất khoảng gần một tháng để hoàn thành. Sau đó, gửi bản dịch tới một số người bản xứ để tham khảo ý kiến nhằm đảm bảo ngôn ngữ đúng, phù hợp ngữ cảnh và vần điệu. Ngoài ra, việc xin cấp phép cũng mất nhiều thời gian. Toàn bộ quá trình từ dịch thuật đến phát hành được thực hiện online. Các thành viên ở nhiều quốc gia nên việc phối hợp, sắp xếp khung giờ cũng gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, dịch bệnh ảnh hưởng đến tiến độ, chi phí do khâu in ấn, vận chuyển bị ảnh hưởng.
Hiện dự án hoàn thiện khâu mua bản quyền, chuyển ngữ, cấp phép và bắt đầu chuyển sang in ấn. Sách dự kiến ra mắt vào nửa cuối tháng 11 và phát hành tại nhiều nơi ở châu Âu, Bắc Mỹ và Australia.
Ông Nguyễn Quang Thiều - chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - nhận xét dự án mang giá trị cao về mặt tinh thần. Ông cho biết: "Những người trẻ sinh ra, lớn lên ở các nước khác nhau dần trở nên xa cách với nguồn cội. Vì vậy, tác phẩm là một cách để tuyên truyền, giáo dục về văn hóa truyền thống, giúp những đứa trẻ người Việt hoặc mang dòng máu Việt gắn kết với mảnh đất tổ tiên của mình".
Theo ông, khi chuyển thể sang các ngôn ngữ khác, ngoài tính chính xác, dịch giả cần tạo được sự rung động và có thêm những chú thích để độc giả hiểu, dễ cảm nhận hơn.
Tác phẩm dự kiến ra mắt nửa cuối tháng 11 tại nhiều quốc gia. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Tiệm Mọt gồm tám thành viên, hiện sống và làm việc ở nhiều nước châu Âu, Bắc Mỹ và Australia. Nhóm gồm người lấy chồng nước ngoài, con mang hai dòng máu và cả gia đình thuần Việt. Họ cho rằng ngôn ngữ là cầu nối giữa con cái và cha mẹ. Vì vậy, con dù sinh ra ở nước ngoài vẫn cần chú trọng rèn luyện tiếng Việt. Họ cho con đọc sách, tìm hiểu về văn hóa, truyền thống dân tộc. Nhóm còn trao đổi cách dạy con nói song ngữ mà không bị lẫn lộn.
"Không chỉ con mà chồng, bạn bè người nước ngoài cũng có thể hiểu hơn về Việt Nam qua những cuốn sách. Từ đó, mọi người có thể chia sẻ với nhau hơn trong mỗi dịp lễ Tết", chị Hạnh nói.
Theo Vnexpress