Quang Dũng không chỉ có ‘Tây Tiến’
Quang Dũng không chỉ có ‘Tây Tiến’
Không chỉ đóng góp cho văn học Việt Nam hiện đại thi phẩm “Tây Tiến”, Quang Dũng còn là cây bút văn xuôi tinh tế, tác giả của nhiều họa phẩm để lại dấu ấn trong lòng công chúng.

Nhắc tới Quang Dũng, nhiều người nghĩ ngay tới Tây Tiến - bài thơ được dạy trong chương trình giáo dục phổ thông. Nhưng ông còn nhiều tác phẩm khác chưa được đông đảo công chúng, nhất là lớp trẻ hôm nay, biết đến.

 Những đóng góp của Quang Dũng cho nền văn chương, nghệ thuật đã được nêu trong hội thảo khoa học “100 năm Quang Dũng: Cuộc đời và sự nghiệp văn học”. Hội thảo do Viện Văn học và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức hôm 18/11 để kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ (1921-2021).

Ảnh: Tập hồi ký Đoàn binh Tây Tiến đoạt giải A Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ ba. Ảnh: NXB Kim Đồng

Người đáng được đời nhớ đến

Quang Dũng (1921-1988) là một trong những cây bút tài hoa thuộc thế hệ nhà thơ trưởng thành sau Cách mạng Tháng Tám. Cuộc đời và tác phẩm của ông gắn liền những chuyển động của lịch sử, vừa bi tráng, hào hùng, vừa bay bổng, lãng mạn.

“Đến nay, chúng ta khẳng định Quang Dũng với tài năng, tâm huyết, bản lĩnh hoàn toàn có vị trí xứng đáng trong lịch sử văn học nước ta. Hội thảo là dịp để chúng ta nhìn lại cuộc đời, sự nghiệp của ông”, PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp - Viện trưởng Viện Văn học - phát biểu đề dẫn hội thảo.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - nói bên cạnh tìm kiếm giá trị mới cho văn học Việt, nhiệm vụ quan trọng khác của Hội Nhà văn là khẳng định những giá trị trong quá khứ.

Trước đây, do điều kiện khách quan, cách tiếp nhận, có những giá trị còn khuất lấp. “Các hội thảo, tọa đàm, nghiên cứu là cần thiết để khẳng định đóng góp, giá trị tác phẩm của những tác giả như Quang Dũng”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói.

GS Phong Lê cho biết Quang Dũng là người thường không nhớ tác phẩm của mình: “Quang Dũng, người thường quên thơ mình, người không muốn tính đến sự nghiệp thơ của mình, người ngay lúc sinh thời vẫn phải nhờ bè bạn ‘sưu tầm’ hộ thơ mình, lại chính là người đáng được đời nhớ đến”.

“Vào những ngày này, mở đầu thế kỷ mới, mong biết bao một sưu tập đầy đủ về Quang Dũng - một tài năng đa diện cả thơ, văn, nhạc, họa, để hồi nhớ về một thế kỷ đang qua, trong đó ông là người đã để lại nhiều dấu ấn, hoặc nhờ ông mà có thêm các dấu ấn”, GS Phong Lê nói.

Nhà thơ Vũ Quần Phương nói Quang Dũng thuộc thế hệ mang lại hương vị thơ đặc trưng của kháng chiến 9 năm cùng Nguyễn Đình Thi, Chính Hữu, Trần Mai Ninh, Hồng Nguyên, Hoàng Cầm, Hữu Loan...

“Ý và vị của những ngày tháng ấy đọng lại sâu đậm và rất gợi cảm trong Tây Tiến, Đất nước, Đồng chí, Tình sông núi, Nhớ, Bên kia sông Đuống, Đèo Cả... Nhiều câu thơ trong các thi phẩm của lứa thi sĩ này đã thành kỷ niệm riêng của người kháng chiến, thành dấu ấn tâm hồn của một thời kỳ lịch sử”, nhà thơ Vũ Quần Phương nói về một thế hệ thi ca.

Những trang văn xuôi tinh tế

Nhìn lại sự nghiệp Quang Dũng, khi Tây Tiến đi vào học đường, tác phẩm của ông đã được hàng triệu học trò, thầy cô tiếp nhận, giảng dạy. Viện trưởng Viện Văn học cho biết Quang Dũng không chỉ có bài thơ ấy. Ông đóng góp cho văn học Việt những thi phẩm xuất sắc như Mắt người Sơn Tây, Đôi bờ, Mây đầu ô...

Bên cạnh thơ ca, mảng văn xuôi của Quang Dũng, tuy chưa được biết đến nhiều, ở đó, ta vẫn thấy những trang viết tinh tế. PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp ví văn xuôi của Quang Dũng như những cụm hoa xinh xắn: “Chất thơ trong văn chương Thạch Lam mà Quang Dũng yêu thích thời trẻ được tiếp nối trong những cụm hoa văn xuôi xinh xắn của ông. Tại đó, người đọc nhận thấy một Quang Dũng đôn hậu trong bút kí, ân tình trong chia sẻ và chiêm nghiệm trong truyện ngắn”.

Ảnh: Tuyển tập thơ họa của Quang Dũng. Ảnh: NXB Kim Đồng.

Đồng quan điểm, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết năm 2020, ông được Hội đồng Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ ba mời phản biện cuốn sách Đoàn binh Tây Tiến. Cuốn hồi ký của Quang Dũng đã được trao giải A Giải thưởng Sách quốc gia.

“Ở đó, ta thấy một người lính đi trong vô vàn khó khăn, thách thức, thậm chí đối mặt cái chết. Đọc văn xuôi Quang Dũng, ta thấy ở đó là hiện thực, là nguồn cội, cảm hứng để làm nên những bài thơ rất nổi tiếng của ông”, Chủ tịch Hội Nhà văn Nguyễn Quang Thiều nói.

PGS.TS Văn Giá cho biết Quang Dũng là người hay đi, ham đi, đi để thỏa cái thú lang thang (như hình ảnh một đám mây xê dịch trong câu thơ ông viết: Mây ở đầu ô mây lang thang), đi để tìm cảm hứng và chất liệu cho viết. Phần lớn bút ký là kết quả của những chuyến đi, theo chân các đơn vị sản xuất, nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực; có khi là những chuyến trở về nơi chốn từng ăn ở, gắn bó, nghĩa tình…

Điều đó khiến văn xuôi Quang Dũng nổi bật chất ghi chép, kể tả, bám sát hiện thực đời sống. Đi sâu phân tích tác phẩm, PGS.TS Văn Giá chỉ ra điểm nổi bật của văn xuôi Quang Dũng: “Văn xuôi Quang Dũng bao giờ cũng săn tìm và biểu đạt những con người tình nghĩa trong cuộc sống hàng ngày một cách bình dị mà cảm động. Ở đâu cũng bắt gặp con người tình nghĩa, họ luôn biết nhường nhịn, sẻ chia, giúp nhau trong lúc khó khăn, hoạn nạn, trong khi giặc giã”.

Bà Bùi Phương Thảo, con gái nhà thơ Quang Dũng, cho hay cha bà viết khá nhiều văn xuôi. Ngoài các tác phẩm mà gia đình lưu giữ được, ông còn có những trang viết bị thất lạc.

43 truyện ký của ông được đưa vào tuyển tập văn thơ in trong năm nay. Đó sẽ là một tuyển tập để bạn đọc khám phá phong cách, nghệ thuật và những đóng góp của một tác giả tài hoa.

Theo Zing News

Tags: