Phải chăng khi dốc cạn đắm say và nỗi nhớ triền miên, thứ còn lại của cuộc tình là cảm giác chán yêu?
Phải chăng khi dốc cạn đắm say và nỗi nhớ triền miên, thứ còn lại của cuộc tình là cảm giác chán yêu?
Chán nản là thứ cảm xúc tiêu cực, một trạng thái tâm lý khó chịu, khiến bạn thấy bản thân thật tệ hại, cuộc đời thật trống rỗng. Đây là cảm xúc không thể tránh khỏi trong cuộc đời của mỗi chúng ta.

Con người rơi vào trạng thái buồn chán vì nhiều nguyên nhân khác nhau, chẳng hạn như không có mục tiêu trong cuộc sống, không có sở thích đặc biệt nào để theo đuổi, những bế tắc trong các mối quan hệ và nhất là chuyện tình cảm không theo ý muốn.

Cảm giác chán nản trong tình yêu

Tác giả Lê Di trong cuốn “Vắc-xin chán nản” đã dành riêng một phần để bàn về cảm giác buồn chán trong tình yêu, một đề tài muôn thuở mà bạn trẻ nào cũng quan tâm.

Khi yêu hay đã kết hôn, điều chúng ta sợ hãi nhất là phải nói lời chia tay. Sự đổ vỡ trong tình yêu xuất phát từ nhiều nguyên nhân, một trong số đó phải nhắc đến là tính vô tâm của người đàn ông mà chị em phụ nữ luôn coi họ là tất cả. Đàn ông vô tâm thường không đủ tinh tế để nhận ra, người con gái anh yêu cần gì, muốn gì. Tệ hại hơn nữa, họ cũng chẳng màng hiểu những hy sinh, đánh đổi lớn lao mà người phụ nữ bên cạnh họ đã chấp nhận để vun vén cho niềm hạnh phúc của cả hai.

Chuyện gì cũng có giới hạn của nó, yêu thương cũng vậy. Vì ngay từ đầu, cả hai vốn là người dưng. Nam và nữ đến với nhau chỉ vì cảm xúc, một khi cảm xúc thay đổi, kết cục tất yếu là sự chia xa. Tình yêu cần đến sự vun đắp của cả hai người. Khi người phụ nữ luôn chất chứa quá nhiều nỗi buồn, tổn thương không được xoa dịu thì đến một ngày, tất cả những điều chán nản, mệt mỏi đó sẽ lớn hơn cả tình yêu mà họ dành cho nửa kia.

Và đến thời điểm khi họ chọn cách im lặng thì điều đó chứng tỏ họ đã chịu tổn thương rất nhiều. Những rạn nứt tình cảm không thể hàn gắn và điều gì đến cũng đã đến, người phụ nữ quyết định rời xa người đàn ông mà họ từng gắn bó bấy lâu nay. Khi đó, mọi sự cứu vãn đều đã quá muộn màng. Điều này cũng giống như trường hợp một cái cây bị rút hết nhựa sống, bị lãng quên đến lúc người chủ nhân nhớ ra phải bón phân, tưới nước thì lúc đó, bón phân hay tưới nước cũng không thể cứu vãn được nữa vì gốc rễ của cây đã đã chết rồi.

Về mặt tâm lý, phụ nữ thường dành nhiều sự quan tâm cho người đàn ông của mình, coi người mình yêu là trung tâm cuộc sống. Cũng vì vậy, họ cũng mong muốn nhận được sự ưu tiên cao nhất từ phía người đàn ông của họ. Trái lại, đàn ông thường coi tình yêu là một phần cuộc sống vì họ còn có những mối bận tâm khác như sự nghiệp, bạn bè và sở thích riêng. Và khi mâu thuẫn này không thể điều hoà thì một bên cứ mãi thất vọng còn một bên thì mệt mỏi vì không thể hiểu nổi lý do.

Chia sẻ trong cuốn sách “Vắc-xin chán nản”, tác giả Lê Di đã kể với người đọc câu chuyện về một cô gái muốn người yêu đến đón cô lúc tan sở. Cô mong muốn nhìn thấy người mình yêu, tựa vào vai anh trong lúc quá mệt mỏi và một phần vì cô muốn đồng nghiệp phải cảm thấy ghen tị trước sự chu đáo mà người yêu dành cho cô. Ấy vậy mà, anh chàng người yêu lại không đủ nhạy cảm để hiểu tâm tư của cô gái anh đang theo đuổi và đáp lại bằng câu nói khiến cô bạn gái vô cùng thất vọng: “Đợi tí, anh gọi Uber cho nha!”.

Đi xa hơn, Lê Di còn cho độc giả thấy, sự khác biệt trong cách suy nghĩ của đôi bạn trẻ. Cô gái luôn mơ mộng đến hình ảnh hai người sớm tối bên nhau. Trong khi đó, chàng trai lại luôn ám ảnh trước những gánh nặng tài chính anh chuẩn bị phải gánh vác, những dự án tiềm năng anh có thể đầu tư, tất cả là để mang đến một cuộc sống ấm êm cho người con gái anh yêu. “Những pha lệch sóng” đó cứ thế tích tụ dần, “cô gái không thể chịu nổi những ấm ức dồn nén vì sự vô tâm của chàng trai” còn “chàng trai cũng không thể biết mình phải cố gắng đến thế nào để chứng minh cho người yêu rằng, anh đang vô cùng nỗ lực”. Cũng do vậy, cả hai dần chìm vào những tháng ngày tăm tối, đầy mệt mỏi và chán nản.

Vậy còn những góc tối nào dẫn ta đến với chán nản và làm sao để vượt qua cảm giác này?

Khi những mộng ước xây lâu đài tình ái chẳng thành, người ta chán nản. Nhưng dòng đời đâu chỉ đơn giản có vậy. Rất nhiều những mối bận tâm khác khiến ta chán nản: bữa cơm gia đình chan đầy nước mắt, cảm giác quay cuồng trong sức ép hoàn thành KPI kinh hoàng… Hay vào một ngày nào đó, ta nhận ra thế giới quan của người bạn vốn thân thiết với ta bấy lâu nay giờ lại thay đổi nhanh chóng và ta chẳng thể tìm được điểm chung nào để sẻ chia. Vậy làm sao để thoát khỏi cơn chán nản triền miền này?

Lê Di đã vạch ra “chiến lược" vượt qua chán nản vô cùng tỉ mỉ cho độc giả. Chẳng hạn như “lý thuyết 4 ô", “sơ đồ 6 vòng tròn", công cụ quản lý thời gian Pomodoro… Một cách khác để chữa trị loại vi-rút chán nản là bạn hãy cứ chán thật nhiều. Vì chỉ có như vậy, bạn mới biết rõ đối thủ “chán nản" ra sao và từ đó hãy dũng cảm đối mặt, chiến đấu và trở thành “vị tướng tài" trong chính cuộc đời mình.

Khi cầm trên tay cuốn “Vắc-xin chán nản” của Lê Di và lật giở từng trang sách, bạn sẽ có cảm giác như mình đang bước vào cuộc hành trình tìm hiểu mọi ngõ ngách của cảm giác chán nản để rồi tự mình tìm ra những giải pháp hữu hiệu giúp bạn dễ dàng vượt qua trạng thái tệ hại này. Bằng giọng văn nhẹ nhàng, không giáo điều, khô khan, cuốn sách đã chỉ cho người đọc cách nói “xin chào” và “tạm biệt” người bạn xấu tính mang tên “chán nản” một cách chân thành và cũng rất thấm thía.

Jenny

Tags: