PGS.TS - Dịch giả Lê Đình Chi (sinh năm 1977), là giảng viên tại Đại học Dược Hà Nội và là một dịch giả có tiếng tại Việt Nam. Ông là người chuyển ngữ nhiều cuốn sách văn học, lịch sử, tiểu sử nổi tiếng như: Napoleon đại đế, Những kỳ vọng lớn lao, Những người nuôi giữ bồ câu, Biểu tượng thất truyền…
Tại Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 3 năm 2020, cuốn sách Lịch sử (Historiai) của tác giả Herodotus, do ông chuyển ngữ đã đạt giải A. Đây là lần đầu tiên, sách dịch giành được giải A tại giải thưởng danh giá này. Lịch sử được xem là tác phẩm mở đầu cho Sử học hiện đại phương Tây, đặc biệt có giá trị về khoa học lịch sử, thực tiễn và xã hội.
Như bao nhiêu người khác, tôi đã từng chập chững học tiếng Anh từ chỗ chẳng biết gì. Giai đoạn đầu tiên làm quen với ngoại ngữ thật hào hứng bởi sự mới mẻ và cảm giác “vào thun thút” khi đang học những thứ cơ bản nhất về ngữ pháp, từ vựng. Thế rồi, đến một ngày kia bỗng thấy mình dường như… dậm chân tại chỗ dù nỗ lực đến mấy.
Nói một cách ví von tiếng Anh của tôi đã đến giai đoạn “chuyển pha”, buộc phải có cách tích lũy vốn liếng, nhất là từ vựng mới có thể tiến bộ được. Mãi đến sau này nhìn lại tôi mới hiểu ra điều đó, còn vào thời điểm ấy, một sự tình cờ may mắn đã đến mà hiệu quả nó đem lại hết sức bất ngờ.
Vốn thích đọc từ nhỏ nhờ loay hoay lục lọi cái tủ sách của nhà, tôi vượt qua cảm giác chán nản bằng cách ra hàng mua một số tạp chí tiếng Anh cũ. Tốn kém chẳng là bao, chỉ có mấy nghìn một số, chủ yếu là Time Magazine vì chủ đề đa dạng đủ thứ trên trời dưới biển từ thời sự, chính trị cho tới văn hóa, điện ảnh, du lịch... Thêm nữa tạp chí có nhiều ảnh chụp đẹp, trình bày sinh động, không nhát ma một anh chàng tiếng Anh lỗ mỗ với những trang giấy chi chít những chữ là chữ. Rồi thỉnh thoảng, tôi ‘đá’ sang Newsweek để đổi món.
Thoạt đầu, phí tổn chủ yếu là bỏ ra thời gian đọc cho hết số tạp chí đã mua. Có khi việc bận quá mất hai ba tuần mới xong. Bắt đầu từ tin ngắn, chủ đề gần gũi đời thường, rồi đến bài dài hơn, chủ đề “cao siêu” hơn, nào biến động chính trường, nào tài chính, kinh doanh… Cứ thế, các chủ đề lạ cũng dần thành quen, mỗi số tạp chí được đọc hết nhanh hơn, tiền bỏ ra mua cũng nhiều lên.
Những năm tôi mới ra trường đi làm, Internet còn là của hiếm và mỗi lần lên cõi mạng là một lần dài cổ chờ tín hiệu tít tè dial up, vậy nên sách điện tử và Gutenberg còn là những khái niệm nằm ngoài hiểu biết của bản thân. Bù lại, thêm một may mắn nữa, khi tôi cảm thấy thoải mái với các số tạp chí cũ cũng là lúc làm quen được với những gian sách ngoại văn trên phố Tràng Tiền, đặc biệt là dòng sách cổ điển của Wordsworth Classics với bìa tông xanh tuyệt đẹp. Cũng phải nói ngay tôi chọn sách cổ điển chẳng phải vì sang chảnh gì, mà vì đơn giản là giá rẻ hơn đáng kể so với sách của tác giả đương đại, rõ ràng là đọc Jeffrey Archer, Wilbur Smith dễ nuốt hơn Dickens hay chị em nhà Bronte nhiều.
Giá mua sách đương nhiên đắt hơn tạp chí cũ, thế nhưng thay vì vài tuần tôi mất gần hai tháng để “nhai” hết The White Company của Conan Doyle, thành ra thú vui đọc sách không làm mất cân bằng tài chính. Và sau một hồi đánh bạn với các nhân vật của Dickens, Doyle rồi trở thành người hâm mộ của Wilkie Collins, chẳng biết từ lúc nào, đọc một cuốn tiểu thuyết cổ điển bằng tiếng Anh với tôi đã trở nên quen thuộc chẳng kém gì đọc truyện tiếng Việt.
Thời đại học, tôi từng rất hãi hùng với môn triết, nhưng quả thực trải nghiệm cùng những số tạp chí, những tác phẩm văn học cổ điển hợp túi tiền đó là minh chứng không thể chuẩn xác hơn của luận điểm “lượng đổi chất đổi”. Một cách âm thầm, năng lực tiếng Anh của tôi đã có bước tiến vượt bậc.
Đúc rút bài học từ bản thân, tôi nhận thấy rằng khi học ngoại ngữ, đến một thời điểm nào đó, chúng ta sẽ từ giai đoạn chiều rộng - học những quy tắc, kiến thức cơ bản nhất để hình thành “bộ khung” - sang giai đoạn chiều sâu - nơi “bộ khung” đó cần được “thêm da thêm thịt” để trở thành vốn hiểu biết ngôn ngữ tương đối hoàn thiện.
Chúng ta có thể rút ngắn đáng kể giai đoạn học ngoại ngữ theo chiều rộng nhờ các chương trình, phương pháp thích hợp. Nhưng giai đoạn chiều sâu, với đa số những người có năng lực học ngoại ngữ chỉ ở mức trung bình như tôi, sẽ không có lối tắt nào ngoài chịu khó tích lũy kiên trì. May thay, việc đó có thể tự nhiên, nhẹ nhàng đồng thời cũng hiệu quả hơn nếu kết hợp được với sở thích của bản thân. Quá trình đọc, với đặc điểm là quá trình tư duy đòi hỏi hoạt động suy luận, phân tích, tổng hợp bằng ngôn ngữ, chính là một lựa chọn tốt cho thực hành ngoại ngữ.
Bởi vậy, ưa thích đọc và mạnh dạn sử dụng vốn ngoại ngữ của mình dù có khiêm tốn đến đâu vào quá trình đọc sẽ là hai tiền đề hết sức thuận lợi cho những ai muốn nâng cao năng lực ngoại ngữ của bản thân.
Theo VNN