Có lẽ Vivien Eliot sẽ rất vui khi biết rằng vài thập kỷ sau khi bà qua đời, câu chuyện của bà đã trở thành chủ đề của không chỉ một mà là hai cuốn tiểu sử. Cuốn thứ nhất là Painted Shadow (tạm dịch: Bóng Ảnh) của Carole Seymour-Jones, xuất bản năm 2001 và gần đây nhất là The Fall of a Sparrow: Vivien Eliot’s Life and Writings (tạm dịch: Chim sẻ rơi: Cuộc đời và Tác phẩm của Vivien Eliot) của Ann Pasternak Slater.
Hai cuốn sách là hai dự án có mục tiêu hoàn toàn trái ngược nhau. Seymour-Jones trung thành một cách mù quáng với Vivien và đổ lỗi sự suy sụp tinh thần của bà cho Eliot và rất thích đưa ra những lời phỏng đoán. Ngược lại, Slater quan tâm đến các nguồn tài liệu chính thống và có thiện cảm hơn về Eliot.
Tuy nhiên dù có cách lý giải khác nhau, cả hai người viết tiểu sử về Vivien đều có chung một mục tiêu: “giải cứu Vivien khỏi sự mờ nhạt đáng lý bà không phải chịu” (Seymour-Jones) và khẳng định “tài năng mới mẻ và tinh tường của riêng bà” (Slater). Họ có hai vũ khí chính: lập luận cho rằng bà có ảnh hưởng quá lớn đến tác phẩm của Eliot – bà đã giúp biết tập cuốn The Waste Land (tạm dịch: Miền hoang phế), và những đóng góp khác bao gồm các tác phẩm riêng của chính bà.
Dù người ta chấp nhận cách giải thích của Seymour-Jones hay Slater thì có một điều rõ ràng rằng: trong tất cả những người vợ khổ đau nhất trên văn đàn thì Vivien Eliot hẳn là người đau khổ nhất. Vivien sinh vào năm 1888, lớn lên ở vùng Hampstead hiền hòa trong một gia đình có lối sống tân tiến với gốc gác từ vùng phía Bắc năng động hơn.
Bà rất xinh, nhưng không đến mức đẹp nghiêng nước nghiêng thành, thông minh, nhưng không đến mức thông minh tuyệt đỉnh (“Xin hãy cho tôi biết sự thật về ngành triết học này là gì?” bà viết thư gửi Scofield Thayer, bạn cùng lớp của Eliot tại Oxford). Bà và Eliot bí mật kết hôn chỉ ba tháng sau khi gặp nhau và gần như ngay lập tức bị cuốn vào sự đau khổ đặc trưng mỗi khi người ta nhắc đến cuộc hôn nhân của họ.
Họ di chuyển chỗ ở liên tục, đôi khi sử dụng nhiều hơn một căn hộ và lần lượt suy sụp vì suy nhược thần kinh. Hầu hết bạn bè của cặp đôi tại Bloomsbury đều không thích Vivien. Họ cảm thấy bà có một nguồn năng lượng rất tệ và những lời than phiền về sức khỏe của bà đang kéo chân Eliot (Virginia Woolf gọi Vivien là “một cái túi lông chồn” mà Eliot buộc phải quấn quanh cổ). Tuy nhiên vẫn có những góc độ tươi sáng hơn: Vivien xuất bản 13 tác phẩm tại The Criterion khi Eliot là biên tập viên và thành tựu văn học của Eliot càng lúc càng rực rỡ trong thời gian chung sống của họ.
Có lẽ chúng ta quay lại cuộc sống bất hạnh của những người phụ nữ trên văn đàn vì lý do không mấy hào nhoáng: bởi vì sau cùng, chúng ta thích nỗi đau của một người phụ nữ.
Sau nhiều lần suy sụp tinh thần, Vivien bắt đầu dành nhiều thời gian tại viện điều dưỡng. Có khi hai tác giả tiểu sử phải đọc hồ sơ bệnh lý của Vivien và thật khó để họ làm lơ đến bệnh tình vừa nhiều vừa nghiêm trọng của bà (Seymour-Jones cho rằng Vivien bị rối loạn tiền mãn kinh và chán ăn - sau chúng được gọi là rối loạn phân ly và rối loạn lưỡng cực, còn Slater thêm rằng bà mắc hội chứng Munchausen và nghiện ma túy).
Năm 1933 Eliot quyết định rời bỏ Vivien vĩnh viễn nhưng Vivien, có thể đang bị hoang tưởng, tự thuyết phục rằng ông đang gặp nguy hiểm (“đó là do trời bắt cóc”, trích một đoạn nhật ký) và bắt đầu theo dõi ông. Năm năm sau khi cuộc hôn nhân tan vỡ, Vivien tiếp tục sống bằng cách níu lấy một sợi dây mỏng manh – bà đi hết nơi này đến nơi khác tại London, tích trữ bạc của Eliot, thậm chí còn tìm hiểu về chủ nghĩa phát xít trong một thời gian ngắn – cho đến khi anh trai đưa bà vào viện vào năm 1938. Bà qua đời 9 năm sau đó.
Khôi phục lại danh tiếng là mục tiêu điển hình của dòng sách tiểu sử viết về những người vợ bất hạnh trên văn đàn, và giờ đây nó đã trở thành một thể loại riêng. Tuy nhiên mạch sách vẫn luôn hao hao nhau: vợ của một nhà văn bị tước đi nhiều quyền lợi, rồi hàng thập kỷ sau khi bà qua đời, ai đó khai quật tài liệu và thông tin về bà để chứng minh rằng bà là một thiên tài không được công nhận, thậm chí là thiên tài thật sự nếu được so với chồng.
Một người vợ bất hạnh khác là Zelda Fitzgerald, người phụ nữ Mỹ đầy mơ mộng với lối sống xoay quanh rượu champagne và váy liền eo được Nancy Mitford miêu tả trong cuốn tiểu sử cùng tên (Mitford ủng hộ F. Scott Fitzgerald). Đôi khi việc xem xét lại cuộc đời của những người vợ được thực hiện với hy vọng họ sẽ được nhìn nhận như một người nghệ sĩ độc lập. Assia Wevill, một người viết quảng cáo khá nổi tiếng khi gặp Ted Hughes và Sofia Tolstoy – thư ký kiêm nội trợ của Leo Tolstoy (bà đã chép tay “Chiến tranh và Hòa bình” 7 lần), chỉ đơn giản muốn công sức của Sofia được thừa nhận là phần đóng góp không thể thiếu cho thành công của chồng.
Hơn thế nữa, giới viết tiểu sử cho biết những người phụ nữ xứng đáng được công nhận vì họ đã truyền cảm hứng cho một số nhân vật hoặc chủ đề nhất định. Thông thường, ví dụ như trường hợp của Frieda Lawrence (vợ của D. H. Lawrence), thì những người viết tiểu sử muốn hướng đến tất cả mục đích kể trên. Việc xem xét lại lịch sử này không chỉ dành cho những người vợ: Alice James, em gái của Henry và William James cũng mắc chứng rối loạn phân ly và phải sống một cuộc sống ngột ngạt ở Brahmin Boston. Lucia Joyce, con gái James Joyce, thường xuyên bị kiểm tra tinh thần, cũng mắc chứng rối loạn phân ly và có một cuộc sống không dễ chịu. Cuốn nhật ký của Sappho Durrell, con gái của Lawrence Durrell - một nhà biên kịch đầy tham vọng - được xuất bản sau khi cô tự sát.
Không ngạc nhiên khi những trường hợp tương tự ít xảy đến với cánh mày râu. Chắc chắn số lượng người chồng bất hạnh của các nhà văn nữ ít hơn hẳn, dù có một vài ngoại lệ, ví dụ như Desmond, chồng của Penelope Fitzgerald – là một luật sư nghiện rượu bị bắt vì làm giả séc, hoặc John Walter Cross – người cố gắng dìm mình tại Kênh Grand Canal ở Venice khi đang đi tuần trăng mật với George Eliot. Rõ ràng ở khía cạnh văn hóa chúng ta luôn khoan dung hơn với sự lập dị ở nam giới, chưa kể đến việc đàn ông thường chiếm lĩnh những vị trị quyền lực và đóng vai trò người kiểm duyệt các thể loại văn hóa phẩm. Nỗ lực của họ và cuộc sống của họ thường được xem trọng hơn. Có lẽ chúng ta quay lại cuộc sống bất hạnh của những người phụ nữ trên văn đàn vì lý do không mấy hào nhoáng: bởi vì sau cùng, chúng ta thích nỗi đau của một người phụ nữ, và chúng ta không thể vứt bỏ khát vọng văn hóa đánh đồng đau khổ với thiên tài.
Vấn đề với những nỗ lực khôi phục tên tuổi này là số lượng tác phẩm mà những người phụ nữ bất hạnh trên văn đàn để lại quá ít ỏi chứ đừng nói đến một sự đột phá về văn phong. Cuốn tiểu thuyết Save Me the Waltz, một nỗ lực che đậy cuộc hôn nhân đang xuống dốc của Frieda Lawrence, thể hiện sự ám ảnh của bà với ballet và sự sa ngã điên loạn, có những câu văn miêu tả thú vị nhưng đa phần cụt và dày đặc đến mức không thể hiểu nổi, như một khu rừng tươi tốt không muốn chứa chấp loài người. Tác phẩm của Sappho Durrell thậm chí còn ít mạch lạc hơn và có lẽ chúng được xuất bản vì những nội dung liên quan đến loạn luân giữa cha và con gái, điều có thể làm dậy sóng văn đàn và bán được nhiều bản hơn. Nghề nghiệp chính của Lucia Joyce là nhảy hiện đại, nhưng đó là một sự nghiệp ngắn ngủi, các buổi biểu diễn của cô rất ít và cách xa nhau (tiểu sử của cô xem đây là hệ quả vì cô là con gái của Joyce, hoặc chỉ đơn giản là cô ấy không đủ tài năng và không phải một người kỷ luật).
Còn với những gì ít ỏi mà Vivien để lại, truyện ngắn của bà làm người ta nhớ đến Jane Bowles với những nhân vật nữ không hiểu cách vận hành của xã hội, cuộc đời tuy không quá trắc trở nhưng luôn ở trong trạng thái lo lắng cực độ. Slater nhận xét phần lớn tác phẩm của bà “có cấu trúc không liên kết, không ổn định về âm sắc, đôi khi có ý tự phụ và về cơ bản là không có ý nghĩa.”
Lập luận cho rằng những người phụ nữ này nên được coi là nghệ sĩ vì họ đã khuyến khích, nhận xét hoặc gây ảnh hưởng đến nhà văn là một việc khó chứng minh. Liệu nói chuyện với một nghệ sĩ về nghệ thuật có phải là một loại nghệ thuật? Liệu biên tập có phải là nghệ thuật? Liệu phiên âm có phải là nghệ thuật? Liệu một nàng thơ có phải là nghệ thuật? Tất nhiên trở thành nguồn cảm hứng là điều vô cùng đặc biệt, nhưng gần như bất cứ thứ gì trước mặt một nghệ sĩ đều có thể làm được chuyện đó. Thế chiến thứ nhất ảnh hưởng sâu sắc đến Eliot, Ted Hughes thích sự kỳ diệu và tàn nhẫn của tự nhiên còn Durrell bị cuốn hút bởi những con đường đầy bụi trông như mê cung tại Alexandria. Liệu những thứ đó có phải là “nghệ thuật”? Hay chính những tác giả mới là người sở hữu cuối cùng? Họ sàng lọc thế giới qua lăng kính độc đáo của họ, thu thập dữ liệu và tạo nên một điều hoàn toàn mới?
Dĩ nhiên cũng phải nhìn sự việc theo hướng ngược lại. Zelda Fitzgerald rất cẩn thận với các tác phẩm của chồng mình. Dù ông tỏ ra khó chịu khi bà miêu tả cuộc hôn nhân của họ trong tiểu thuyết của bà (khi đó ông đang viết “The Beautiful and the Damned” cũng về chủ đề tương tự), ông thường giới thiệu tác phẩm của bà với biên tập viên của mình. Eliot đã biên tập tác phẩm của Vivien và như F. Scott Fitzgerald, sử dụng sức ảnh hưởng của mình để có thể đăng tác phẩm của bà trên tạp chí, kể cả những tạp chí ông không phải chủ bút, dù phần lớn đều không thành công. Seymour-Jones xem sự trợ giúp của ông là ông tin tưởng vào tài năng của bà, nhưng chẳng phải chúng ta thường nhìn thấy vẻ đẹp trong bất cứ thứ gì mà người thân yêu của chúng ta tạo ra?
Chúng ta nên làm gì với niềm hứng thú đối với những người phụ nữ bất hạnh trên văn đàn? Cô ấy nên được đối xử như thế nào? Dĩ nhiên, bi kịch của cô là sản phẩm của thời đại. Những bức thư của Alice James chứa đầy chất thơ và sự thông minh, thật phấn khích khi tưởng tượng những gì bà có thể làm được nếu như bà không sống trong một thời đại mà cuộc sống của người phụ nữ bị giới hạn một cách bất công. Dĩ nhiên bà cũng bị ảnh hưởng bởi những gã khổng lồ trong thời đại của mình. Ngay cả khi những tuyên bố loạn luân là vô căn cứ thì Lawrence Durrell, một người có cái tôi khổng lồ và khinh thường phụ nữ, là một người cha tồi, nhất là với những cô con gái của ông. Trên cương vị một người chồng thì Ted Hughes đã làm nhiều chuyện khá tồi tệ. Với một số người khác, ví dụ như Zelda và Vivien, có vẻ những gì họ mắc phải hoặc khuynh hướng nghiện ngập có nghĩa là họ sẽ vật lộn bất kể họ kết hôn với ai.
Nhưng để xem những người vợ bất hạnh trên văn đàn là những hình tượng lịch sử hay một con tốt không có khả năng tự vệ trên tay đàn ông, dù người chồng muốn vùi dập hay nâng cô ấy lên, thì cũng chẳng khiến sự phức tạp của cô ấy được tôn trọng hơn những gì Woolf đã làm. Những cuốn tiểu sử thành công, ví dụ như tiểu sử của Nancy Mitford và Slater, tránh né việc nghiêng về một cá nhân đơn lẻ và cố gắng thấu hiểu toàn bộ người phụ nữ, kể cả khi việc đó đồng nghĩa với từ chối trao cho cô vương miện của nữ hoàng.
Thanh Trần | Lithub.com
* Ảnh thumbnail bài viết được lấy từ bộ phim Collete - Bộ phim tiểu sử về cuộc đời của nữ tiểu thuyết gia nổi tiếng người Pháp Colette, kể về cuộc đời đầy thăng trầm của bà. Phim nhấn mạnh sự dằng xé của nữ nhà văn trong công việc viết lách, cùng với những mâu thuẫn trong giới tính và đời sống tình dục đa dạng. Cô và chồng của mình có cùng mối quan hệ tình cảm và tình dục với một người phụ nữ khác. Phim khắc họa hành trình đi tìm con người thật của chính Colette.
>> CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
Vì sao văn chương của William Shakespeare được coi là chuẩn mực văn học?
Thư viện siêu thực bên bờ biển Hải Khẩu, Trung Quốc
Haruki Murakami: “Tôi đã có tất cả trải nghiệm kỳ lạ trong cuộc đời mình.”