BỆNH ĐIẾC
“Khủng hoảng” và “chiến thắng nghịch cảnh” là các khẩu hiệu thường được sử dụng nhất để mô tả cuộc sống và sự phát triển của Beethoven trong giai đoạn 1798–1802. Nghịch cảnh mới dần nảy sinh, dường như ngay từ năm 1797 khi Beethoven bắt đầu có những dấu hiệu sớm của bệnh điếc và rồi ngày càng kinh hãi nhận ra rằng việc mình mất đi khả năng nghe cả âm nhạc lẫn tiếng nói không phải chỉ là trải nghiệm thoáng qua mà đang trở thành một tình trạng mãn tính. Thế nhưng trong năm năm này số lượng sáng tác của Beethoven đã tăng lên và dần lấy được đà khi Beethoven gắng củng cố vị thế nhà soạn nhạc trẻ hàng đầu về khí nhạc.
Beethoven nuôi dưỡng và đào sâu khả năng của mình để khám phá những cách tiếp cận mới với các thể loại mình đã tinh thông, và ông mở rộng tầm với của mình để thách thức truyền thống trong hai lãnh địa mình vẫn chưa tinh thông – giao hưởng và tứ tấu dây. Khả năng nuôi dưỡng tinh thần sáng tạo và bảo vệ nó khỏi nỗi đau thể xác và tâm lý của bệnh điếc ngày càng nặng nề là một trong những đặc điểm nổi bật của cuộc đời Beethoven.
Chuyện gần như tương tự có lẽ đã xảy ra với ít nhất một vài nghệ sĩ khác, những người từ thời trẻ đã phải chịu các căn bệnh thể xác và tâm lý nghiêm trọng và vượt qua chúng để đi tiếp tới những năm phát triển vô cùng rực rỡ. Ta có thể so sánh Beethoven với Francisco Goya, hơn Beethoven hai mươi bốn tuổi. Năm 1792–1793, ở tuổi bốn mươi sáu, Goya trở nên điếc vĩnh viễn sau một căn bệnh đe dọa tính mạng. Về sau, ông phải chịu những cơn bệnh tật và trầm cảm nhưng vẫn kiên nhẫn chống chọi bằng nghệ thuật và sức sáng tạo của bản thân.
Đối với Beethoven, cũng như với Goya, việc không ngừng theo đuổi nghệ thuật có chức năng chữa lành: sự tập trung mãnh liệt vào các nhiệm vụ nghệ thuật khó khăn nhất đã tăng cường khả năng của người nghệ sĩ trong việc duy trì sự nghiệp ở tốc độ cao nhất.1 Chúng ta sẽ chẳng bao giờ tìm ra một lời giải thích đơn giản cho cội gốc tinh thần làm nên sức mạnh ở Beethoven cũng như lý giải nổi việc ông vượt qua bệnh tật, đặc biệt là bệnh điếc, nhưng không nghiên cứu nào về cuộc đời và tác phẩm của ông có thể né tránh vấn đề này.
Mặc dù ít nhất một nhà viết tiểu sử thời kỳ đầu đã cho rằng bệnh điếc của ông khởi phát từ một căn bệnh nghiêm trọng mà ông có vẻ đã mắc vào mùa hè năm 1796, nhưng không có bằng chứng chứng thực rằng căn bệnh này là nguyên nhân trực tiếp. Những triệu chứng đầu tiên của việc mất thính lực có lẽ xuất hiện vào năm 1798, bởi Beethoven đã viết cho người bạn cũ của mình là Wegeler vào ngày 29 tháng 6 năm 1801, rằng “trong ba năm qua, thính giác của tôi ngày càng suy yếu”. Việc ông nói về những tiếng vo vo và ong ong trong tai khiến ta nghĩ đến sự xuất hiện của chứng ù tai.
Lá thư này cũng chứa đựng các nhận định tiết lộ nhiều điều khác. Ông than phiền với Wegeler về các bác sĩ của mình ở Vienna, một trong số họ đã cố gắng “tăng cường thể lực của tôi bằng cách tăng thêm thuốc và tăng cường thính giác của tôi bằng dầu hạnh nhân, nhưng nó đã khiến tôi khốn khổ vô cùng!” Và ông than phiền về “một tay lang băm khác đã khuyên tôi tắm nước lạnh”. Khi kể lại những dấu hiệu mất thính lực và những rối loạn đường ruột (mà một số bác sĩ nghĩ là có liên quan theo một cách nào đó), khi thổ lộ tất cả với Wegeler, cũng là một bác sĩ, Beethoven rất cần sự cảm thông:
Tôi phải thú nhận rằng mình đang sống khổ sống sở. Từ gần hai năm nay, tôi đã thôi tham dự mọi giao tiếp xã hội chỉ vì tôi thấy không thể trò chuyện với mọi người: tôi bị điếc. Nếu làm nghề nào khác thì tôi còn có thể đối phó với tình trạng ốm yếu của mình, nhưng trong nghề của tôi thì đó là một trở ngại khủng khiếp. Và nếu các đối thủ của tôi, mà tôi lại có khá nhiều, biết chuyện này thì họ sẽ nói sao đây?
Trong nhà hát, ông viết rằng ông phải ngồi gần để nghe thấy diễn viên đang nói gì, và “khi tôi đang ở một buổi hòa nhạc, tôi không thể nghe thấy những nốt cao của nhạc cụ hay giọng hát”. Tai ông “tiếp tục vo vo và ong ong cả ngày lẫn đêm”. Việc hiểu lời nói thì dễ dàng hơn song nếu ai đó nói nhỏ nhẹ thì ông không tài nào hiểu được. Cuối thư, gửi kèm theo một bức chân dung của chính mình, ông xin lỗi Wegeler vì sự im lặng trước đó của mình và nói rằng “việc viết thư chưa bao giờ là điểm mạnh của tôi”. “Ngay cả những người bạn thân nhất của tôi cũng không nhận được thư từ tôi trong nhiều năm”. Bệnh điếc và sự cô độc đang bắt đầu hòa thành những yếu tố đặc trưng của cuộc đời Beethoven.
Thế nhưng ở đầu lá thư gửi Wegeler này, Beethoven lại lấy làm tự hào về năng suất sáng tác của mình. Ông nói với Wegeler rằng nếu họ có thể gặp lại nhau bây giờ (gần chín năm sau khi Beethoven rời Bonn), “anh chắc chắn sẽ thấy tôi đã trở thành một anh bạn rất cừ, không chỉ trong vai trò nghệ sĩ mà còn ở tư cách một con người tốt hơn và phát triển trọn vẹn hơn”. Và gần cuối thư, Beethoven tỏ ý muốn gửi Wegeler “tất cả các tác phẩm của tôi, mà tôi phải thừa nhận, giờ đây đã lên tới một con số khá lớn, một con số tăng lên hằng ngày”. Có vẻ như Beethoven đang đấu tranh để cân bằng sức mạnh và điểm yếu, để kết nối hồi ức về bản thân khi đang trong những năm tháng ấu thơ tại Bonn với sự tự nhận thức về bản thân khi là một nghệ sĩ trẻ đang trong lúc sung mãn của thời kỳ trưởng thành về nghệ thuật.
Trong khi ấy, viễn cảnh khổ sở khi thấy mình đang dần mất liên lạc với thế giới xung quanh thôi thúc nhà soạn nhạc tập trung mạnh mẽ hơn và sáng tác dồi dào hơn bao giờ hết. Nhận thức được từ lâu mình đã có xu hướng tự xa lánh mọi thứ xung quanh và chìm đắm trong mộng tưởng tập trung tuyệt đối vào tác phẩm của mình, Beethoven đề nghị Wegeler nói với Helene von Breuning rằng: “Thi thoảng tôi vẫn có một cơn raptus [trạng thái xuất thần]”. Beethoven kể với Wegeler rằng ông mơ ước đem số tiền thu được từ âm nhạc của mình “cho người nghèo”; rằng Lichnowsky đã chu cấp cho ông khoản niên kim hứa hẹn; và rằng ông đang kiếm được một khoản tiền khá lớn từ các sáng tác của mình, với mỗi tác phẩm ông có thể tìm được sáu hoặc bảy nhà xuất bản, những người sẽ trả số tiền mà ông yêu cầu. Beethoven tiếp tục:
Tôi chìm đắm trong âm nhạc của mình; và khi vừa hoàn thành một tác phẩm là tôi đã bắt tay vào một tác phẩm khác. Theo tốc độ sáng tác hiện tại của tôi, tôi thường viết ba hoặc bốn tác phẩm cùng một lúc.
Rõ ràng lời tuyên bố này không hề cường điệu vì có bảy cuốn phác thảo chính mà Beethoven sử dụng trong phần lớn khoảng thời gian này, từ giữa năm 1798 đến năm 1802, trong đó ông gần như đã viết ra một trong những tứ tấu dây Opus 18, các sonata piano từ Opus 26 đến Opus 31, các sonata violin Op. 23, 24 và 30, vở ballet Prometheus, Giao hưởng số 2, và hai bộ biến tấu piano Opus 34 và Opus 35. Và việc làn sóng năng lượng sáng tạo này trùng với mối âu lo sâu sắc hơn về bệnh điếc là một trong những mấu chốt trong thời kỳ trưởng thành đầu tiên của Beethoven. Cho dù bệnh điếc hay nỗi sợ bệnh tật nặng thêm là các yếu tố tạo nên tác động, sự miệt mài bền bỉ với công việc sáng tạo của Beethoven cho ta thấy nội lực ý chí mà ông có thể tập trung để vượt qua mối đe dọa khả năng nghe nhạc, để tiếp tục sự nghiệp biểu diễn và duy trì những mối quan hệ bình thường với mọi người xung quanh.
Ba ngày sau lá thư gửi Wegeler, Beethoven đã viết một lá thư cũng chua xót như thế cho một người bạn thân khác, nghệ sĩ violin Karl Amenda khi ấy đang ở Courland thuộc Latvia, cùng với những tiết lộ về bệnh điếc là những lời nhận xét cay đắng về “những người bạn thực sự” như Amenda và những người bạn “Vienna” của mình trong đó có Zmeskall và Schuppanzigh “tự cao tự đại”, “những người tôi chỉ xem như những nhạc cụ để chơi khi cảm thấy cần”.
Vậy là chàng Hamlet trong Beethoven đột nhiên xuất hiện – một chàng hoàng tử trẻ trung, kiêu hãnh, đa nghi, đăm chiêu, đầy ngờ vực và lo lắng, đang đấu tranh với một lựa chọn vĩnh viễn giữa cái chết, có lẽ là sự tự hủy hoại, và việc tiếp tục sống để đối mặt với những kế hoạch hành động khó khăn. Như Job, ông nói mình đã thường xuyên bị Đấng sáng tạo nguyền rủa “bởi ông đặt những tạo vật của Người vào những hiểm họa nhỏ nhặt nhất, vì thế đóa hoa đẹp nhất thường xuyên bị nghiền nát và hủy hoại”. Nhà soạn nhạc kể với Amenda về bệnh điếc đang trở nặng và nỗi khốn khổ của cuộc sống hiện tại, “thấy tôi đang bị chia cắt khỏi mọi thứ thân thiết và quý giá với tôi”. Ông nói rằng mình biết ơn Lichnowsky vì sự hỗ trợ tài chính và một lần nữa tự hào về danh tiếng và năng suất sáng tạo đang tăng lên của mình – “giờ đây mọi tác phẩm tôi viết đều có thể được bán ngay lập tức gấp năm lần và cũng được trả giá cao”.
Nhưng Beethoven trở lại với nỗi lo sợ rằng bệnh điếc, sự cô độc và bệnh tật sẽ làm tê liệt công việc của mình:
[T]rong tình trạng hiện tại của tôi, tôi phải tránh xa mọi thứ và những năm tháng tươi đẹp nhất của tôi sẽ nhanh chóng trôi qua mà không thể đạt được tất cả những gì tài năng và sức mạnh của tôi đã ra lệnh cho tôi thực hiện – đó là sự nhẫn nhục đáng buồn mà tôi buộc phải giấu kín. Không cần nói ra, tôi đã quyết tâm vượt qua tất cả những điều này, nhưng làm thế nào để thực hiện được đây?
Tuy nhiên, ông cũng nói rằng “khi tôi đang chơi nhạc và sáng tác, nỗi buồn phiền thường ít cản trở tôi; nhưng nó trỗi dậy mạnh nhất khi tôi ở cùng mọi người”. Ông thậm chí còn tuyên bố rằng “lối chơi piano của tôi... đã được cải thiện đáng kể” và, trong tình trạng dễ bị tổn thương về cảm xúc, ông bày tỏ rằng, nếu bệnh điếc của ông hóa ra vô phương cứu chữa thì Amenda có lẽ sẽ trở thành bạn đồng hành của ông trong các chuyến lưu diễn hòa nhạc. Làm như vậy “có lẽ cũng sẽ giúp anh phát tài; và sau đó anh sẽ ở bên tôi mãi mãi”.
Hai tài liệu khác chứng thực cuộc khủng hoảng của Beethoven và những tiết lộ về nó: lá thư thứ hai gửi Wegeler ngày 16 tháng 11 năm 1801 và Chúc thư Heiligenstadt, được viết gần một năm sau đó, đề tháng 10 năm 1802. Mặc dù đã trải nghiệm một vài cải thiện đến cuối năm 1801, ông vẫn phàn nàn với Wegeler về cả những cơn đau bụng lẫn bệnh điếc – “thật là một cuộc sống trống rỗng, buồn bã mà tôi đã phải chịu đựng trong hai năm qua”. Có một tia hy vọng, dù chỉ hão huyền; là sự mê đắm của ông đối với “một cô gái duyên dáng đem lòng yêu tôi và là người tôi yêu”. Đó là Giulietta Guicciardi, khi ấy mười bảy tuổi, một trong những học trò piano của Beethoven, người đã được nhạc sĩ đề tặng bản Sonata “Moonlight”. Nhưng không có gì xảy ra sau đó, không có khả năng nào cho một mối quan hệ bền vững, và vào năm 1803 Giulietta kết hôn rồi chuyển đến Ý.
Phần đáng nhớ nhất trong lá thư thứ hai gửi Wegeler này là niềm khao khát thoát khỏi nỗi khổ sở của Beethoven, cảm giác của ông khi bị bệnh tật truy đuổi khi đang còn khá trẻ – “Chẳng phải tôi đã luôn là người ốm yếu sao?” – và cuộc đấu tranh giữa sức mạnh nghệ thuật ngày càng tăng lên với thính giác ngày một giảm đi cùng bệnh tật. Thế nhưng có cảm giác rằng người nghệ sĩ trong ông sẽ giành chiến thắng. Ông viết, “sức mạnh thể chất của tôi ngày càng tăng, và do đó sức mạnh tinh thần của tôi cũng vậy”. Tiếp theo là một tuyên bố thật lòng: “Mỗi ngày lại đưa tôi đến gần hơn mục tiêu mà tôi cảm thấy nhưng không thể diễn tả được. Và chỉ trong điều kiện đó Beethoven của anh mới có thể sống”. Và cuối cùng là một câu nói bất hủ: “Tôi sẽ nắm lấy số mệnh; nó chắc chắn sẽ không khuất phục và nghiền nát tôi hoàn toàn – Ôi, sẽ thật tuyệt khi được sống một nghìn cuộc đời”.
Đọc thêm bài Review: Tiểu sử 'hay nhất' về Beethoven: Thiên tài bất hảo quyết không đầu hàng nghịch cảnh