Đi tìm thời gian đã mất (Marcel Proust)
“Đi tìm thời gian đã mất” là bộ tiểu thuyết gồm 7 tập của nhà văn Pháp Marcel Proust. Tạp chí Time bình chọn đây là một trong số mười cuốn sách vĩ đại nhất mọi thời đại
“Đi tìm thời gian đã mất”cực khó đọc do cấu trúc đan cài đồ sộ với vô số ngóc ngách. Cuốn tiểu thuyết lớn này chứa đựng nhiều quyển tiểu thuyết nhỏ; bên trong có nhiều tiếng nói khác nhau, đan cài những bóng những nhân vật hiện lên, bị xóa nhòa và biến đi, vô vàn bóng dáng như thế, luôn luôn thay hình đổi dạng, nhiều nhân cách trong một nhân cách, nhiều hữu thể trong một hữu thể khiến độc giả không tỉnh táo thì sẽ bị lạc trong mê hồn trận chữ nghĩa ấy.
"Mấy nghìn trang sách của Proust đan cài biết bao nhiêu luận bàn, quy chiếu thiên hình vạn trạng với huyền thoại, truyền thuyết, tác phẩm văn chương, âm nhạc, hội họa... nên đòi hỏi vô số chú thích khiến việc đọc gián đoạn mệt mỏi. Bút pháp Proust cũng gây nản lòng không kém. Ông có những câu văn 'dây leo' dài lê thê gồm rất nhiều mệnh đề với rất nhiều quan hệ kết hợp, phụ thuộc, xen thêm, so sánh, đối lập, song song... Cú pháp của Proust thách đố người dịch …” (Dịch giả Lê Hồng Sâm).
Lolita (Vladimir Nabokov)
Nabokov, tác giả của “Lolita” từng nói: “Lolita được sáng tác giống như sáng tác một ván cờ thế tuyệt đẹp – cấu trúc của nó đồng thời lại là lời giải, bởi vì cái này là chiếc gương phản chiếu cho cái kia, tùy thuộc vào cách nhìn của độc giả”.
Đúng vậy, toàn bộ tác phẩm Lolita là một ván cờ thử thách trí não người đọc. Các thủ pháp nghệ thuật được tác giả sử dụng ở cấp độ siêu đẳng: liên tưởng đa nghĩa, chơi chữ tiếng Anh Mỹ, chơi chữ cùng một lúc với nhiều ngôn ngữ, đảo ngữ, điệp vần, nghĩa lồng trong nghĩa bịa chữ và vô số ẩn dụ kết nối tới một kho tàng những kiến thức văn học, triết và sử học mà ông nắm vững.
Với người đọc sách, mê hồn trận chữ trong “Lolita” là một thử thách mà không ai dám nói mình có thể hiểu hết.
Trăm năm cô đơn (Gabriel Garcia Marquez)
“Trăm năm cô đơn” có hai cuốn sách song song trong một cuốn sách. Cuốn thứ nhất cái văn bản chúng ta đọc hết dòng này sang dòng khác chạy suốt từ đầu đến cuối sách. Cuốn thứ hai là cuốn Menkyađêt viết trên những tấm da thuộc. Tương ứng với hai cuốn trên, có hai người kể chuyện, hai dòng thời gian tồn tại độc lập với nhau nhưng lại đan quyện lấy nhau, chồng chéo lên nhau.
Thời gian đa chiều, thời gian nghệ thuật của Trăm năm cô đơn là một thành tựu của G.Marquez, và cũng là một thách đố với tất cả độc giả, chưa kể tới hệ thống nhân vật trùng tên với những mối quan hệ chằng chịt trong đó.
Tên của đóa hồng (Umberto Eco)
Umberto Eco vốn là nhà bác học hàn lâm nổi tiếng chuyên nghiên cứu tôn giáo, mỹ học Trung cổ, đồng thời ông cũng nghiên cứu về “lý thuyết ký hiệu học” và triết học ngôn ngữ. “Tên của đóa hồng” là cuốn tiểu thuyết đầu tay của ông và ngay lập tức đã nổi tiếng.
Với những ai say mê loại sách “đồ sộ” chứa đựng nhiều tầng thông tin thì có lẽ đây chính xác là cuốn sách dành cho bạn. “Tên của đóa hồng” nhìn thoáng qua (nhất là nếu bạn xem phim trước) thì có vẻ như chỉ là một cuốn sách vụ án đơn thuần, thế nhưng bên trong lại ẩn chứa nhiều tầng kiến thức về rất nhiều lĩnh vực khác nhau như văn hóa, triết học, nghệ thuật và tôn giáo. Tất cả đều được viết dưới hình thức ẩn dụ của các biểu tượng và ký hiệu.
Cuốn sách này dễ đọc mà khó hiểu, vì tất cả đều là câu đố triết học, từ nhan đề truyện đến các vụ án, những bản Thánh ca, những biểu tượng huyền bí trong nhà thờ, thời gian …
Faust (Goethe)
Faust là một trong những nhân vật có thực được truyền thuyết hóa nhiều bậc nhất ở châu Âu, là chủ đề của rất nhiều cuốn sách, nhưng chỉ khi Goethe viết vở kịch thơ “Faust” thì tên tuổi ông mới trở nên bất tử.
“Faust” có thể xếp vị trí ngang bằng với “Thần khúc” của Dante, là hai vở kịch thơ vĩ đại nhất và thâm sâu nhất của văn học nhân loại.
Faust không chỉ là câu chuyện thể hiện khát vọng đơn lập của một cá nhân bán linh hồn cho quỷ dữ, mà nó phản ánh lịch sử của cả nhân loại trong hành trình đi tìm chân lý, những khao khát của con người để thay đổi thế giới nhằm hướng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn, nó trình bày cả lịch sử loài người trong cuộc đấu tranh giữa cái Thiện và cái Ác, cái tiến bộ và cái kìm hãm.
Với tầm vóc vĩ đại của tác giả, với kiến thức của ông đưa vào tác phẩm, “Faust” có thể nói là một trong vài thử thách khó khăn nhất cho độc giả say mê văn chương.
Ann Phương