Hà Nội chiều cuối năm, khuôn viên Đại học Mỹ thuật Công nghiệp trở nên ấm áp với cuộc trò chuyện văn chương do thư viện Ơ Kìa tổ chức. Tâm điểm cuộc trò chuyện là văn chương và cuộc sống của Y Ban - người phụ nữ luôn xuất hiện cùng sự sôi nổi, nhiệt huyết.
Mới đây, kỷ niệm 35 năm gắn bó với văn chương, nhà văn xuất bản tuyển tập Truyện ngắn Y Ban. Cuốn sách tuyển lựa 31 truyện ngắn gồm các tác phẩm đoạt giải, tác phẩm được nhiều bạn đọc yêu mến như một sự nhìn lại chặng đường cầm bút.
Cuốn sách cùng các tác phẩm khác được nhà nghiên cứu văn học Hoàng Tố Mai và nhà văn Uông Triều phân tích trong buổi tọa đàm Y Ban bất kham diễn ra chiều 16/11 tại không gian văn hóa Ơ Kìa, Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, Hà Nội.
Nhà văn Uông Triều - người đã “xúi” Y Ban làm một cuốn sách thật đẹp kỷ niệm chặng đường viết văn - kể anh theo dõi văn hóa đọc và thấy độc giả ngày nay ngoài thích tác phẩm hay còn có thú sưu tầm sách đẹp, bản giới hạn.
“Tôi nghĩ Y Ban hoàn toàn xứng đáng có được một cuốn sách đẹp. Để tự do thỏa cá tính, nhà văn có thể tự in và lựa chọn tác phẩm của mình trong tuyển truyện. Bà từng có tác phẩm gây xôn xao văn đàn, từng gây rúng động làng văn, nhưng bình tĩnh lại, ta thấy những truyện ấy rất nhân văn. Tôi ngoài 40 rồi, mà đọc vẫn sởn gai ốc với những phận đàn bà mà Y Ban viết”, nhà văn Uông Triều nói.
“Khách quan mà nói, Y Ban có khoảng 10 truyện ngắn rất đặc sắc và ấn tượng. Một nhà văn chỉ cần một truyện được nhớ là thành công, ở đây Y Ban có 10 truyện toàn bích, như vậy rất đáng để tôn vinh”, TS Hoàng Tố Mai nói. Y Ban có phong độ viết ổn định, từng xuất bản khoảng 21 tập sách. Đến nay, ở tuổi 60 bà vẫn cho ra đời những truyện ngắn lôi cuốn. Dưới góc độ phê bình, tiến sĩ Hoàng Tố Mai cho rằng, muốn đánh giá toàn diện về sự nghiệp Y Ban, cần đọc hết những tác phẩm của bà. Bởi Y Ban viết nhiều, không tránh được có những truyện chưa trau chuốt.
Y Ban là một trong những nhà văn nữ Việt Nam bộc lộ rất rõ sắc thái nữ quyền (feminism) trong tác phẩm. Y Ban gây rúng động với những truyện về bản năng giới trong I am đàn bà, hay sâu hơn là chạm tới ý thức hệ trong Tự…
Một phần của nữ quyền là đấu tranh cho bình quyền nam nữ. Tới nay nam nữ bình quyền rồi, nhưng tư tưởng phụ quyền vẫn còn rất sâu nặng, ăn sâu vào nếp nghĩ.
“Tinh thần nữ quyền trong tác phẩm của Y Ban là một phán xét, thách thức tư tưởng phụ quyền. Nhãn quan phán xét ấy không chỉ soi chiếu vào ý thức hệ phụ quyền, mà rọi vào tất cả. Điều đó có nghĩa nhà văn tạo được nhãn quan phê bình vào mọi vấn đề, kể cả những chuyện không liên quan đến giới”, TS Hoàng Tố Mai nói.
Không chỉ viết về những ẩn ức, nỗi đau đàn bà, Y Ban còn có giọng văn hài hước đen. Y Ban nhạy bén với những hiện thực dị thường. Bà rất thành công khi đem những câu chuyện dị thường của hiện thực thành tác phẩm văn học, dưới giọng kể đặc biệt.
Điều đó thể hiện rõ trong Cẩm cù - truyện ngắn không liên quan giới. Theo đánh giá của TS Hoàng Tố Mai, đây là truyện trào lộng tuyệt vời, nói về sự nhếch nhác của thời bao cấp. Dưới ngòi bút của Y Ban, sự nhếch nhác ấy không khiến người ta giận dữ, mà nó là ký ức đáng trân trọng.
Sự đặc biệt, không giống ai, vẻ bất kham của Y Ban ở chỗ bà được đào tạo bài bản về lý thuyết văn chương mà không nệ lý thuyết. Bà sống, trải nghiệm, để câu chuyện chín muồi trong đầu rồi viết ra.
Trong những cuộc gặp gỡ bên lề sinh hoạt văn chương, người ta thấy Y Ban rất “nhiều trò”. Cây bút U60 có thể khuấy động cuộc vui bằng màn múa, hát chèo, hát văn, đọc rap… Và trong những cuộc trà dư tửu hậu ấy, “người ta kể những câu chuyện nhỏ to với vẻ mặt đầy nguy hiểm, còn Y Ban kể những câu chuyện nguy hiểm mà mặt tỉnh bơ như không” như lời nhà văn Uông Triều.
Sở dĩ Y Ban kể chuyện với phong thái tỉnh bơ như vậy, bởi bà là người đã đi nhiều, trải nghiệm phong phú, quan sát và chứng kiến những phận đời, những nỗi đau. Sinh ra trong một gia đình bố mẹ làm trong ngành y, từ nhỏ, Y Ban đã quen với những chuyện xảy ra trong nhà hộ sinh.
“Ba chị em tôi lớn lên trong phòng sản. Chúng tôi được chứng kiến cảnh bố mẹ đỡ đẻ, nhìn thấy em bé ra đời như thế nào. 10 tuổi, tôi đưa cơm trưa cho mẹ và đã biết cho em bé trong phòng sản uống sữa, bế em bé vừa được sinh ra”, Y Ban kể.
Bà cũng được chứng kiến vô vàn câu chuyện đau lòng, xé ruột nơi nhà hộ sinh. Đó là chuyện những em bé bị bỏ lại, chuyện những hình hài mới sinh ra đã không thoát được cửa tử, chuyện phá thai…
Những gì tôi viết đều có một phần trong những chuyện mà tôi đã gặp. Tôi thuộc tuýp người sống rồi mới viết. Tôi còn chưa viết hết được những câu chuyện về những người đàn bà mà tôi đã gặp ở đời.
Đọc văn của Y Ban, độc giả sẽ nhận thấy ngôn ngữ của đời thường, lời nhân vật sống động như lời một ông xe ôm, một bà hàng nước ngoài cuộc sống. Trước khi làm báo, Y Ban có ba năm bán gà tần trên phố. Bà bảo những câu chuyện của khách đến ăn trở thành chất liệu cho một số truyện ngắn.
Y Ban kể bà là người “ăn mất lưỡi”, không bữa ăn nào quá 5 phút. Bà viết văn cũng theo cách ấy.
“Khi một tình tiết nào đó của đời sống rơi vào mắt tôi, một đốm nhỏ thôi, nó ám ảnh tôi kinh hoàng. Tôi xây dựng câu chuyện trong đầu, đến khi chữ đầy lên là tôi viết. Bởi vậy, tôi viết nhanh. Khi viết xong, tôi không bao giờ sửa cả. Cho nên tôi sai chính tả, lộm cộm. Nếu cái gì trong đầu tôi hoàn hảo, thì truyện hoàn hảo”, Y Ban nói.
Tiến sĩ Hoàng Tố Mai và đạo diễn Hoàng Điệp cho rằng không phải cứ bê cuộc sống vào trang giấy thì thành văn chương được. Y Ban đã quan sát tinh tế và lao động nghệ thuật nghiêm túc.
Nếu chỉ chờ những tình tiết dị thường rơi trúng mình, thì ai trong đời chẳng đôi lần bắt gặp. Nhìn ra điểm dị thường đã là một con mắt tinh tường. Kể ra, viết nên những điều dị thường để gửi đi những suy ngẫm sâu sa, đó là lao động nghệ thuật phải trải qua rèn giũa mà không có sự trời ban nào thay thế được.