GILLIAN FLYNN - TÔI VIẾT VỀ NGƯỜI PHỤ NỮ KHÔNG CÓ “HAPPY ENDING”
GILLIAN FLYNN - TÔI VIẾT VỀ NGƯỜI PHỤ NỮ KHÔNG CÓ “HAPPY ENDING”
Ngay chính tác giả cũng đã từng thừa nhận: “Có những người phụ nữ chỉ đang cố tìm ra cách để tồn tại. Tôi viết về những phụ nữ không có cái kết tốt đẹp. Tôi muốn dành phần thời gian còn lại trong sự nghiệp của mình để viết về những người phụ nữ như thế.”

Tác giả của cuốn sách nổi tiếng “Gone Girl” đã tham gia viết kịch bản cho bộ phim “Widows” (Khi các góa phụ hành động). Đây là một bộ phim đậm chất nữ quyền, có nhiều cảnh quay bất ngờ về mức độ bạo lực. Qua bộ phim và 3 tác phẩm nổi tiếng: Gone Girl (Cô gái mất tích), Dark Places (Bóng ma ký ức), Sharp Objects (Vết cắt hành xác), ta có thể thấy rằng dường như các nhân vật nữ của Gillian Flynn đều điên rồ, xấu xa.

Ngay chính tác giả cũng đã từng thừa nhận: “Có những người phụ nữ chỉ đang cố tìm ra cách để tồn tại. Tôi viết về những phụ nữ không có cái kết tốt đẹp. Tôi muốn dành phần thời gian còn lại trong sự nghiệp của mình để viết về những người phụ nữ như thế.”

Phơi bày mặt tối của phụ nữ

Flynn đã tìm thấy một cảm xúc mà chưa được khai thác khi cô quyết định viết về những nhân vật nữ sắc sảo hơn. Trên trang web trước đây của mình, Flynn đã nói: “Các thư viện thường chứa đầy những câu chuyện về các thế hệ của những người đàn ông tàn bạo, bị mắc kẹt trong vòng tròn của sự công kích. Tôi muốn viết về sự bạo lực của những người phụ nữ. Tôi đã làm vậy. Tôi đã viết ra một cuốn sách thực sự đen tối. Một cuốn sách với người kể chuyện uống lúc nào cũng say mèm, luôn tự làm mình tổn thương bởi lời nói. Và như thế, những nhân vật khó quên đã ra đời.”

 

“Luôn có một nơi đặc biệt ở địa ngục dành cho phụ nữ, những người mà không giúp đỡ những người phụ nữ khác.” - Madeleine Albright

 

 

Trong “Gone Girl”, mặt tối đó chính là Amy Elliott Dunne. Bản thân Amy thông minh, hoàn hảo nhưng cuối cùng vẫn là người không biết yêu bản thân mình, đặc biệt si tình khi vẫn bị mắc lừa bởi những lời giả tạo của người mình yêu, để rồi dám ra tay giết người để thoát khỏi cái bẫy do chính mình tạo ra; thậm chí phải dùng đến hạ sách là đứa con để níu kéo người chồng…

Còn trong “Sharp Objects”, nữ phóng viên Camille Preaker là nhân vật chính xuyên suốt tác phẩm, một nhà báo từng bị tâm thần. Bản thân Camille đã phải vật lộn với việc tự làm hại bản thân và khắc lên trên khắp cơ thể của mình những từ ngữ mà mỗi từ đều có ý nghĩa với cô. Khi tác phẩm này ra mắt, Flynn đã nhận một số lời chỉ trích gay gắt bởi đã tạo ra những nhân vật nữ độc ác, điên rồ.

Tiểu thuyết thứ hai của Flynn, “Dark Places” tập trung vào nhân vật chính Libby Day. Libby là một người ích kỷ, lười biếng và thô lỗ.

Các nhân vật nữ của Gillian Flynn đều điên rồ, xấu xa.

Không ngại nếu làm người đọc khó chịu, sợ hãi

Cô không tập trung vào những gì mà mọi người muốn nghe, cô chỉ tập trung vào những gì mà cô muốn mọi người cảm thấy. Và cô không viết về những người phụ nữ mà phần lớn độc giả muốn đọc.

Một số nhân vật nữ trong tiểu thuyết của Flynn thực sự là con người thảm hại của xã hội. Một số khác bị bệnh tâm thần. Số khác nữa thì bạo lực. Họ tha hóa về mặt đạo đức, bệnh hoạn, tàn bạo. Vì thế mà người đọc sẽ có cảm giác như bị túm tóc, bị kéo vào những kẽ hở âm u. Không có hình ảnh đẹp đẽ, dễ chịu hay vinh quang.

Trong một buổi phỏng vấn với Tạp chí Chicago, Gillian đã thảo luận về sự yêu thích với cảm giác “khiếp sợ”. Cô nói: “Khiếp sợ có lẽ là cảm xúc mà tôi thích nhất. Tôi không thích cảm giác sợ hãi kiểu như khi một con mèo nhảy ra khỏi tủ rồi làm ta giật mình, mà tôi thích cảm giác sợ hãi từ từ rồi lớn dần. Tôi cũng không biết tại sao lại như thế nữa.”

 Flynn đã tiếp cận và xây dựng những nhân vật nữ theo cách: Nếu họ ngang hàng với đàn ông, họ cũng có thể khủng khiếp như vậy.

Hãy để những người phụ nữ khác nhìn thấy bạn thành công

Flynn đã nói chuyện với Good Housekeep về vấn đề người phụ nữ vượt qua những giới hạn vô hình để thành công và được nhìn thấy:

“Tôi đã đi đến rất nhiều cuộc họp, nơi tôi là người duy nhất mặc váy và tôi giải quyết vấn đề đó bằng cách là trở nên thật tỏa sáng. Nam giới đã thống trị truyền thông; và ở Hollywood hiện tại cũng vậy. Tôi nhớ tôi ở đó vì tôi là một nhà văn. Phụ nữ càng nhìn thấy những người phụ nữ khác ở nơi sang trọng, quyền lực, họ sẽ càng tin rằng họ có thể THÀNH CÔNG.”

Gillian Flynn đã “mời” độc giả nhìn phụ nữ theo một cách khác. Tất cả những nhân vật nữ của cô đều có những mặt tối đáng sợ mà họ buộc phải thừa nhận. Có thể những cuốn sách của cô không dễ đọc, nhưng có lẽ đó chính là điều khiến chúng trở nên hấp dẫn: phụ nữ không bị trói buộc trong những hình hài xinh xắn, mà họ rất “khó nhằn”, thách thức người đọc nghĩ về những định kiến đối với phụ nữ. Mặc dù, đôi khi những ý tưởng của Flynn có vấn đề, nhưng có lẽ “thương hiệu nữ quyền Flynn” cho rằng phụ nữ cũng có thể tàn bạo như đàn ông cũng quan trọng không kém.

 

#DD

Trạm Đọc - Readstation

Tags: