Người phụ nữ dân tộc Mông xinh đẹp Sùng Pà Say là y tá, cũng là bà đỡ mát tay cho cả bản làng. Cô có chồng đẹp trai, tốt tính, yêu thương cô hết mực; nhưng cô không yêu chồng. Một ngày, Hầu Mí Quả, chàng trai làng bên trở về cùng người vợ mới cưới đang mang thai sau 2 năm bỏ làng ra đi. Sự trở về của Quả khiến lòng Say dao động. Say và Quả muốn đi chợ tình Khau Vai để gặp nhau. Họ là người yêu cũ? Không phải! Họ từng yêu nhau! Cũng không phải! Bí mật về quá khứ của hai người dần được tác giả hé lộ qua từng câu chuyện nhỏ, lồng vào đó là số phận của những người xung quanh họ như: cha mẹ, chị em…
Bằng văn phong giản dị nhưng đầy cuốn hút, Ðỗ Bích Thúy đưa người đọc từng chút một khám phá nét đẹp của vùng núi Tây Bắc, văn hóa người Mông và chuyện tình đầy éo le, ngang trái của Sùng Pà Say. Tác phẩm có một bố cục lớp lang và cách dẫn chuyện khéo léo, từ từ mở ra các vấn đề và sau đó tháo gỡ các nút thắt một cách hợp lý. Ðiểm sáng nhất chính là tác giả đã đi sâu vào ngóc ngách tâm lý của các nhân vật, làm rõ được sự mâu thuẫn nội tâm trong tình cảm của Say, Quả và Sò (chồng Say). Ðể từ đó lý giải được tâm tư và hành động của mỗi người.
Giữa Say và Quả là một câu chuyện buồn, là nỗi day dứt giữa tình yêu và rào cản, giữa bản năng và lý trí. Giữa Say với Sò lại là sự lấn cấn giữa bổn phận và tình nghĩa vợ chồng, là nỗi niềm khó tỏ cùng nhau.
Bên cạnh chuyện tình của Say, độc giả còn ấn tượng bởi 3 người mẹ trong tiểu thuyết. Mẹ của Say tâm lý, hiểu con gái vô cùng và quyết liệt phản đối việc làm mà bà cho là không đúng. Mẹ của Sò yêu thương nàng dâu như con gái và cũng có một câu chuyện tình buồn trong quá khứ. Mẹ của Quả mạnh mẽ, cá tính nhưng cũng không tránh được nỗi đau bị phản bội. Ba người mẹ ấy, dù ai cũng có nỗi niềm riêng nhưng đều dành hết tình yêu thương cho gia đình, con cái, đều làm những điều mà họ cho là tốt nhất cho những đứa con. Ðoạn mẹ của Sò cho con trai lời khuyên về hạnh phúc khiến người đọc đồng cảm và nể phục bởi tư duy tiến bộ và chiều sâu trong tâm hồn.
“Người yêu ơi” như một bản tình ca buồn man mác nhưng lại làm say đắm lòng người bởi tình yêu chân thành và mãnh liệt của các nhân vật. Ðể cuối cùng, lòng người và cỏ cây nơi ấy cũng lắng lại và tìm được hướng đi cho mình. Như cái cách mà Say dứt bỏ được quá khứ, chấm dứt sự mê muội mà không cần phải đi chợ tình để gặp Quả. Câu văn cuối cùng trong tiểu thuyết: “Hà Khó Cho, nắng đang rải vàng trên những mái nhà mọc rêu xanh biếc” cũng là câu văn sưởi ấm lòng người, mang lại những tia nắng lạc quan đầy hy vọng về ngày mới cho Say và các nhân vật khác.
Theo Cát Đằng - Báo Cần Thơ