Ngành sách thế giới trong giai đoạn căng thẳng vì Covid-19
Ngành sách thế giới trong giai đoạn căng thẳng vì Covid-19
Các doanh nghiệp xuất bản đã trầy trật để vượt qua thời gian dài đại dịch hoành hành. Giữa khó khăn ấy, ngành sách vẫn có sự phát triển và hướng đi lạc quan.

"Giai đoạn căng thẳng nhất"

2020 là một năm căng thẳng với mọi ngành nghề trên khắp thế giới. Công nghiệp xuất bản ở Mỹ cũng vậy. Giám đốc điều hành Penguin Random House khu vực Mỹ, Madeline McIntosh, thừa nhận thị trường sách Mỹ chịu ảnh hưởng bởi Covid-19, nhưng “chúng tôi đã vượt qua được, nó như một phép lạ”.

Madeline McIntosh cho rằng ngành sách Mỹ đã có một thị trường trực tuyến ổn định. Nhiều cá nhân, đơn vị trước đây chưa để ý đến hình thức này, trong đại dịch đã bắt đầu tiếp cận với thị trường trực tuyến.

Bà Madeline McIntosh cho biết năm 2020, nước Mỹ thực hiện giãn cách ở nhiều bang. Mỹ có những nhà bán lẻ sách tầm quốc gia, các cửa hàng trong chuỗi có mặt ở nhiều điểm trên toàn nước; vì vậy khi một cửa hàng sách ở bang này đóng cửa, họ vẫn có những điểm khác được mở.

Người Mỹ mua sách, trước tiên vì những đứa trẻ không thể đến trường, sau đó người lớn cũng tìm đến sách để giải trí và giảm căng thẳng. Điều đó cho thấy sách trở thành nhu cầu thiết yếu.

McIntosh nhấn mạnh: Tất cả đơn vị xuất bản Mỹ “đều không dễ dàng khi hoạt động trong năm 2020”. Đó là giai đoạn căng thẳng nhất, cả về lĩnh vực nghề nghiệp lẫn đời sống cá nhân của người làm sách.

“Và trên hết, trong khi vận hành thị trường, chúng tôi phải tìm ra cách để giữ cho bản thân và nhân viên của chúng tôi an toàn, khỏe mạnh”, McIntosh nói.

Theo bà Madeline McIntosh, ngành sách có thể vượt qua đại dịch bởi những người làm sách đã phải "sáng tạo lại hoàn toàn cách tiếp tục xuất bản những cuốn sách đã có và làm thêm tác phẩm mới".

Điều quan trọng nhất là sách đã trở thành một nhu cầu đối với những người trước đây thỉnh thoảng đọc. Và những người thường xuyên đọc thậm chí còn đọc nhiều hơn nữa. Người đọc chính là động lực thiết yếu để ngành xuất bản phát triển.

 

Trong một cửa hàng của Penguin Random House. Ảnh: dexigner.

“Doanh thu của chúng tôi đang tăng lên”

Dù phải trải qua một giai đoạn căng thẳng, một số doanh nghiệp xuất bản vẫn tăng trưởng. Markus Dohle, Giám đốc điều hành của Penguin Random House toàn cầu, đã nêu ra những lý do khiến ông lạc quan vào tương lai của ngành sách. Khẳng định của Dohle dựa trên những khảo sát về tác động của đại dịch đối với ngành sách.

Ông coi 15 tháng qua, đại dịch đang diễn ra trên thế giới là một thử thách; nhưng thị trường sách quốc tế tiếp tục phát triển. Dohle cho rằng “doanh thu của chúng tôi đang tăng lên, mỗi năm người tiêu dùng trên thế giới đang chi tiêu nhiều tiền hơn cho sách", đặc biệt là tại các thị trường “có sự hiện diện kinh tế mạnh mẽ và chuỗi cung ứng mở, hoạt động hiệu quả như ở Mỹ và Vương quốc Anh”.

“Việc phân phối sách in, sách kỹ thuật số cho các tác phẩm của chúng tôi có sự ổn định, bởi chúng tôi thực sự có một mô hình kinh doanh hoạt động hiệu quả, có lợi nhuận từ phát hành sách số”, và đơn vị của ông đã tạo được sự “chung sống lành mạnh giữa thị phần sách in và sách số”.

Sách in chiếm khoảng 80% doanh thu toàn cầu. Điều này vẫn đúng vào năm 2020 khi mọi người chuyển sang mua sách trực tuyến nhiều hơn; tỷ trọng tăng trưởng phần lớn của năm ngoái vẫn đến từ sách in.

Dohle cho rằng sự phát triển này đến từ việc thương mại điện tử có khả năng vươn cánh tay tới mọi vùng địa lý, thị trường sách giáo khoa đang tăng trưởng nhanh trên thế giới và “tốc độ tăng trưởng kỷ lục trong nhóm sách thiếu nhi khi các bậc cha mẹ trên khắp thế giới tìm kiếm cách mới để giải trí và giáo dục trẻ em tại nhà”.

Ngay cả khi sách nói “đang bùng nổ và gia tăng, điều đó không có nghĩa nó sẽ nuốt chửng những bản in hoặc doanh số bán sách điện tử”. Sách nói với nhiều định dạng khác nhau đã làm phong phú thêm khối lượng đọc tổng thể.

Báo cáo tài chính của Bertelsmann - công ty mẹ của Penguin Random House (PRH) - cho thấy trong năm 2020 doanh nghiệp xuất bản này có lợi nhuận 1,2 tỷ USD, doanh thu 19,9 tỷ USD, tăng 4,6% so với năm 2019.

Hiệu sách thực địa và tác giả bị ảnh hưởng

Michael Cader, đại diện trang Publishing Marketplace, đồng ý về mặt lý thuyết với Markus Dohle. Nhưng ông cho rằng hoạt động của doanh nghiệp lớn không phải là kinh nghiệm phổ biến trong toàn ngành.

Nhìn từ góc độ báo chí, Michael Cader cho rằng nhóm sách tái bản, in lại hoạt động tốt; như vậy nhóm sách mới hoạt động chưa hiệu quả, và điều đó sẽ ảnh hưởng đến tác giả.

“Như chúng tôi biết, sách bị thách thức bởi nhiều thứ, từ xã hội giãn cách khiến các cửa hàng đóng cửa đến việc ngày phát hành bị hoãn lại, tình trạng in ấn thiếu, tiếp thị và quảng bá hạn chế. Việc tham gia diễn thuyết bị hạn chế, công việc giảng dạy bị cắt giảm… điều đó khiến các tác giả bị giảm các nguồn thu nhập ngoài sách của họ”, Michael Cader nói.

Khảo sát của Michael Cader thông qua Publishers Marketplace cho thấy các nhà xuất bản đã hạn chế phần nào khoản đầu tư lớn vào tác phẩm mới. Điều đó cũng ảnh hưởng trực tiếp đến tiền nhuận bút của các tác giả.

Không chỉ tác giả, các nhà sách trên thực địa cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch. Cader nói: “Mảng sách trực tuyến đã thực sự làm tốt, rất tốt, nhưng doanh số bán hàng của các hiệu sách thực địa, cả chuỗi cửa hàng lẫn hiệu sách độc lập, đều bị suy giảm đáng kể, một lượng lớn người bán sách bị mất việc làm hoặc lương của họ bị cắt giảm”.

Ông nói các nhà xuất bản đặc biệt (làm sách du lịch, sách minh họa, sách quà tặng, sách tôn giáo…) có tác phẩm bán ở các cửa hàng thực địa “có thể đã bị thiệt hại đáng kể và cũng sẽ mất một thời gian để phục hồi”.

Diễn đàn Sách Quốc tế Jerusalem là một chương trình của thành phố Jerusalem. Được thành lập từ năm 1963, với xuất phát điểm là Hội chợ Sách Quốc tế Jerusalem; đến năm 2019, chương trình tái cơ cấu thành Diễn đàn Sách Quốc tế Jerusalem.

Nơi đây quy tụ các thành viên của cộng đồng xuất bản quốc tế trong một tuần để cùng thảo luận về các vấn đề xuất bản chuyên nghiệp.

Theo Zing News

Tags: