Andrew Roberts (sinh năm 1963) là nhà sử học, nhà báo người Anh. Ông là Giáo sư Thỉnh giảng tại Khoa Nghiên cứu Chiến tranh, thuộc King’s College London và Giảng viên Danh dự tại Viện Lehrman thuộc Hiệp hội Lịch sử New York.
Thời gian mà tác giả dùng để nghiên cứu và viết Napoleon Đại đế, theo như lời chính tác giả, còn nhiều hơn cả thời gian mà chính Napoleon đã trải qua ở St Helena và Elba cộng lại. Ngoài ra, Andrew Roberts còn đến thăm 53 trong 60 bãi chiến trường của Napoleon.
Andrew Roberts chủ yếu đi sau mô tả chi tiết các hoàn cảnh của thời Cách mạng Pháp đã đưa Napoleon lên đỉnh quyền lực, cách mà ông giành lấy nó bằng đại bác và lưỡi lê, thiết lập một trật tự thế giới mới do Paris điều khiển. Vượt ra khỏi khuôn khổ những đánh giá của các nhà sử học đương thời, Adrew Roberts đã cho chúng ta một góc nhìn mới về Napoleon, không phải là một vĩ nhân, mà là một con người.
Napoleon vốn dĩ không xuất thân từ một gia đình quý tộc, nhưng đó vẫn là một gia đình kiêu hãnh và có của ăn của để. Napoleon là người đảo Corse, có nguồn gốc Italy. Chính xuất thân này của ông đã trở thành nguồn gốc để sau này dẫn đến những lời gièm pha, chỉ trích. Một trong những tác giả người Anh viết tiểu sử về ông sớm nhất, William Burdon, đã nói về xuất thân của Napoleon:
Điều này có thể quy cho phần hung bạo tối tăm trong tính cách của ông ấy, vốn mang nhiều sự phản trắc của người Italy hơn là sự cởi mở và sống động của người Pháp.
Một điều thú vị về Napolen, đó là ông từng suýt trở thành nhà văn. Ông đã viết khoảng 60 tiểu luận, tiểu thuyết ngắn, nhiều bài viết về triết học, lịch sử, bài luận, tập sách mỏng và thư ngỏ trước năm 26 tuổi. Niềm say mê viết lách của ông mở rộng tới cả việc thảo ra các quy định cho nhà ăn sĩ quan tại đơn vị mình, và bằng cách nào đó, ông đã biến nó thành một tài liệu dài 4500 từ đầy ắp những cách diễn đạt văn vẻ.
Bằng tài năng quân sự của mình, Napoleon đã đi một quãng đường dài, trèo lên gần hết nấc thang danh vọng. Ông trở thành một vị tướng tài được người người ngưỡng mộ. Thế nhưng, chỉ từng ấy thôi thì không thể nào giúp Napoleon thỏa mãn được khát vọng của mình. Napoleon muốn làm chủ, muốn là kẻ ở trên vạn người. Và cuộc đảo chính Brumaire là một bước đệm quá hoàn hảo để giúp Napoleon vươn đến tầm cao mà ông mong muốn.
Điểm thành công nhất của Napoleon là khiến người dân Pháp nhất trí với hành động của ông trong thời gian ấy, một phần nguyên nhân do chế độ cai trị tại Pháp lúc bấy giờ đã hoàn toàn thất bại. Người Pháp sẵn lòng chứng kiến chính quyền đại diện bị đình chỉ tạm thời để Napoleon và các đồng mưu của ông giải quyết vấn đề hóc búa.
Mặc dù Sieyès hi vọng sẽ cầm đầu trong chính quyền mới, nhưng tiếc thay, ông đã sớm bị vượt mặt bởi Napoleon, người thảo ra Hiến pháp năm VIII và bảo đảm việc bầu chọn bản thân làm Tổng tài thứ nhất, và ông dọn đến ở điện Tuileries. Điều này khiến cho Napoleon trở thành con người quyền lực nhất ở Pháp.
Với đế hiệu Napoléon I, ông là Hoàng đế của người Pháp từ năm 1804 đến năm 1815. Cuộc cải cách pháp luật của ông, Bộ luật Napoleon, đã có những ảnh hưởng lớn lên nhiều bộ luật dân sự trên toàn thế giới, nhưng ông được nhớ đến nhất bởi vai trò của mình trong các cuộc chiến tranh mà Pháp phải đương đầu với hàng loạt liên minh, được gọi là các cuộc chiến tranh Napoléon. Ông đã thiết lập quyền bá chủ trên phần lớn lục địa châu Âu và tìm cách truyền bá những lý tưởng của cách mạng Pháp, đồng thời củng cố nền đế chế làm phục hồi những nét của chế độ cũ Pháp (Ancien Régime).
Năm 1810 là một năm sáng tối xen kẽ với Napoleon; cho dù Đế chế của ông đã đạt tới đỉnh cao quyền lực và mở rộng lãnh thổ, song ông đã phạm phải những sai lầm báo trước những bất lợi cho tương lai của nó. Phần lớn những sai lầm này đều do ông tự chuốc lấy.
Trận Waterloo diễn ra vào ngày chủ nhật 18 tháng 6 năm 1815 tại một địa điểm gần Waterloo, thuộc Bỉ ngày nay, là một trong những trận đánh nổi tiểng nhất và cũng là dấu chấm hết cho cuộc chiến tranh Napoleon. Đại quân Pháp (La Grande Armée) dưới sự chỉ huy của Hoàng đế Napoléon I đã bị đánh bại bởi liên quân của Liên minh thứ bảy, bao gồm quân Anh và đồng minh do Thống chế Arthur Wellesley, Công tước thứ nhất của Wellington chỉ huy và quân Phổ do Thống chế Gebhard von Blücher chỉ huy. Đây là trận đánh kết thúc chiến dịch Waterloo và cũng là trận đánh cuối cùng của Napoleon. Thất bại ở trận đánh này đã đặt dấu chấm hết cho ngôi vị Hoàng đế Pháp của Napoleon và Vương triều Một trăm ngày của ông.
Napoleon phải thoái vị và bị lưu đày tới đảo St Helena, nơi ông qua đời vào năm 1821. Napoleon đã trải qua năm năm rưỡi trên đảo St Helena, dài hơn thời gian ông làm Tổng tài Thứ nhất. Ông chỉ để lại một vật kỷ niệm duy nhất tại đây: cuốn hồi ký của mình.
Napoleon được an táng đầy đủ với nghi lễ quân sự ở Torbett’s Spring, một địa điểm đẹp đẽ nằm cách Longwood 1,6km. Hài cốt của ông sau này được Bertrand và Gourgaud đưa lên khỏi huyệt mộ và mang về Paris năm 1840.