Mọi người viết đều từng là người đọc
Ban đầu, tôi không phải là người thường hay đọc sách, nếu không tính đến những cuốn sách giáo khoa bắt buộc trong suốt 16 năm đi học. Một thời gian dài, có lẽ vì chưa từng đọc nên tôi cứ nghĩ rằng mình không thích đọc sách. Mãi cho đến lúc được anh sếp đầu tiên dẫn đi mua sách và tặng cho cuốn “Sức mạnh của sự tập trung”, tôi mới bắt đầu “tự nguyện” đến với sách. Đó là khoảnh khắc tôi phát hiện một sự thật thú vị. Thì ra sách có thể hay như vậy.
Sau đó, tôi đọc rất nhiều, giống như để bù lại khoảng thời gian bị “đói” quá lâu khi chưa biết đến sách. Như một lẽ tự nhiên, tôi nghĩ rằng đến một lúc nào đó những người đọc đủ nhiều chắc chắn sẽ tự nói với bản thân: hình như mình nên viết một cuốn sách. Khi đã đọc nhiều, hẳn ai trong chúng ta cũng sẽ mong muốn trở thành một tác giả, giống như người mình vẫn hâm mộ. Chúng ta đã được truyền cảm hứng bởi sách thì sẽ có tâm lý rất cơ bản là cũng muốn viết những trang văn như vậy.
Hơn nữa, nếu đọc nhiều, chúng ta sẽ cảm thấy đôi khi có một chủ đề, một phong cách sáng tác nào đó mình rất muốn được đọc. Tuy nhiên, ta tìm kiếm hoài mà vẫn chưa thấy tác giả nào viết. Vào khoảnh khắc muốn đọc một cuốn sách chưa thấy ai viết, tôi nghĩ mình phải là người viết cuốn sách đó.
Đó là con đường của tôi, và tôi nghĩ đây cũng là con đường của rất nhiều bạn, của rất nhiều anh chị tác giả khác. Chúng ta luôn bắt đầu ở vạch xuất phát với tư cách là một người đọc, một người say mê với sách, với con chữ. Sau đó thì bằng niềm vui, chúng ta sẽ muốn chia sẻ cuộc đời của mình đến với thế giới
Không ngừng nỗ lực và làm việc kỷ luật
Câu hỏi này làm tôi nghĩ đến bộ truyện Harry Porter cũng đã bị từ chối mười mấy lần trước khi được xuất bản và trở thành hiện tượng toàn cầu. Và khoản tiền nhuận bút đầu tiên tác giả J. K. Rowling nhận được chắc cũng rất ít, so với thời gian bà dành cho việc sáng tác. Rất nhiều người cũng chia sẻ những câu chuyện tương tự khiến tôi cảm thấy có vẻ việc phải sửa lại bản thảo hàng chục lần cũng là chuyện bình thường thôi.
Đặc biệt với tác phẩm đầu tay, trong quá trình viết, biên tập và chỉnh sửa, càng về sau chất lượng bản thảo càng khác hẳn so với ban đầu. Tôi vẫn còn giữ lại những bản thảo đầu tiên của cuốn sách “Thức dậy và mơ đi”. Cách đây vài tháng tôi có đọc lại, vừa đọc vừa cười rất nhiều bởi không hiểu tại sao lúc đó mình lại ngây ngô như vậy. Thậm chí có những câu tôi viết kéo dài tới 3-4 dòng, lê thê và tối nghĩa. Thì ra sau một thời gian viết dài, lực bút tăng lên thì mới cảm thấy lý do mình bị từ chối lúc đầu là quá dễ hiểu.
Sáng tác, cũng giống bất kỳ một kỹ năng nào khác như hát, đàn, vẽ hãy bất kỳ môn thể thao nào, đều đòi hỏi sự rèn luyện chăm chỉ và lâu bền để tiến bộ.
Về động lực khiến tôi không ngừng viết trong thời gian dài, đó chính là niềm vui. Nhiều người nghĩ mình chỉ viết những gì mình biết, nhưng bí mật của sáng tác dành cho các bạn muốn theo đuổi con đường này là bạn phải viết những gì bạn khao khát được biết.
Chính sự tò mò muốn biết thêm về một chủ đề, một kỹ năng nào đó mới có thể khiến chúng ta có đủ động lực ngồi xuống đối diện với máy tính, giấy bút và viết mỗi ngày. Còn nếu chỉ đơn giản viết những gì mình đã biết thì chỉ giống như viết nhật ký tường thuật lại những chuyện đã xảy ra. Sau khi viết xong mỗi cuốn sách, tôi lại cảm thấy hiểu hơn về bản thân, hiểu hơn về thế giới và những chủ đề mình quan tâm. Ngay khi viết, tôi học được rất nhiều điều, chứ không đơn giản chỉ viết lại những điều mình đã trải nghiệm. Viết cũng là một cách tự học, thay vì phải tốn tiền đi đến trung tâm nào đó thì mình viết, tìm kiếm những thông tin liên quan, đọc thêm sách, rồi càng lúc nhận thức của mình sẽ tăng lên.
Ví như tôi vừa hoàn thiện một bộ sách về kỹ năng trình bày. Trước đây tôi cũng đã tham dự nhiều khóa học, thậm chí còn tổ chức một câu lạc bộ diễn thuyết tại TP HCM. Nhưng đến khi ngồi lại, dành thời gian tập trung hệ thống hóa kiến thức, tôi mới hiểu bức tranh toàn diện về kỹ năng này. Lúc này, tôi không chỉ đơn thuần là một người tập luyện, mà cần phải tìm hiểu rồi diễn giải thế nào để người khác cũng hiểu được các quy tắc trình bày và có thể làm tốt hơn mình.
Về sau, khi cuốn sách ra đời, niềm vui của tôi không chỉ là được trên tay cầm đứa con tinh thần của mình, mà còn ở việc có thể kết nối với nhiều độc giả, các anh chị trong ngành xuất bản và những tác giả khác. Khi có thêm nhiều mối quan hệ, chúng ta có thể kết nối với nhau và tạo thêm nhiều giá trị cho cộng đồng.
Ước mơ bây giờ của tôi không còn dừng lại ở việc xuất bản sách mà đã trở thành mong muốn góp phần phát triển văn hóa đọc. Tôi muốn đem đến cho người đọc những cuốn sách chất lượng hơn và khiến độc giả thích đọc sách hơn. Khi dấn thân vào con đường sáng tác và ngày một trưởng thành trong nhận thức, mơ ước của tôi cũng lớn hơn. Không thể nói trước được trong 10 năm nữa ước mơ ấy có thể lớn đến mức nào, đó cũng là động lực để tôi viết mỗi ngày.
Đối với tôi, sáng tác là sự nghiệp lâu dài và đòi hỏi một sự kỷ luật. Mỗi ngày, tôi dành ra thời gian chỉ tập trung sáng tác, và đặt ra mục tiêu phải viết xong bao nhiêu chữ. Giống như khi đi làm, 8h sáng phải có mặt ở công ty và tuân thủ các nội quy khác, ở đây tôi không có ai quản lý nên phải tự giác với chính mình.
Tôi vẫn làm. Tôi nghĩ có thể ngồi từ sáng đến tối chỉ để đọc sách, viết sách chắc là cuộc sống ước mơ của rất nhiều bạn. Nhưng hiện nay trên thế giới, không chỉ riêng Việt Nam, rất khó có được nguồn tài chính ổn định từ việc viết sách. Bởi thứ nhất là khả năng xuất bản được một cuốn sách không cao, phải cạnh tranh rất nhiều. Thứ hai, nhuận bút không thể so sánh được với công sức mình bỏ ra vì có những cuốn sách phải mất đến một năm, thậm chí mấy năm mới có thể hoàn thành.
Tôi và nhiều tác giả khác vẫn cần công việc ngoài viết lách có liên quan, hoặc thậm chí là không liên quan đến nghề viết để duy trì cuộc sống cơ bản thường ngày. Nhưng chính những công việc “tay trái” lại bổ trợ cho việc sáng tác của tôi. Là một người viết sách kỹ năng, tôi không thể chỉ ngồi một chỗ tưởng tượng ra mọi thứ, vì làm vậy những chia sẻ của mình chỉ mang tính lý thuyết chứ không có giá trị thực tiễn. Đối với tôi, mình phải là người thực hiện được những gì mình đã chia sẻ. Độc giả ngày nay rất tinh tế, họ có thể nhận ra đâu là một tác giả đã trải nghiệm và hiểu rất nhiều, đâu là người chỉ tổng hợp lại kiến thức.
Tác phẩm chỉ thể hiện một phần của tác giả chứ không thể vượt lên trên tác giả. Nếu muốn có những cuốn sách có chiều sâu, thì buộc lòng tác giả phải gia tăng mức độ trải nghiệm của mình. Lúc đó, cuốn không chỉ là những lời lẽ được viết hoàn mỹ, những câu chữ được cắt gọt, mài dũa thật đẹp mà sẽ mang đến giá trị thật sự cho độc giả và cộng đồng.
Trạm Đọc cảm ơn những chia sẻ chân thành của anh. Chúc anh sẽ tiếp tục xuất bản thêm nhiều cuốn sách ý nghĩa, và gặt hái được thành công trong cuộc sống.
Thiên Trang/ Trạm Đọc