Văn chương không chỉ là bán sức lao động lấy tiền
Văn chương không chỉ là bán sức lao động lấy tiền
Cây bút trẻ Đức Anh cho rằng thu nhập từ văn chương không nên chỉ tính bằng tiền. Văn chương mở ra những chân trời và mang lại nhiều thứ cho người viết.

Sinh năm 1993 tại Nga, hiện làm việc trong ngành xuất bản tại Hà Nội, Đức Anh là tác giả các tiểu thuyết tâm lý, trinh thám như: Tường lửa (2019), Thiên thần mù sương (2019), Đảo bạo bệnh (2020). Tiểu thuyết của anh từng đoạt giải cuộc thi viết “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”. Ngoài sáng tác, Đức Anh gây chú ý với những tiểu luận về văn chương và nghề văn.

Từ góc nhìn của một cây bút theo đuổi văn chương chuyên nghiệp, Đức Anh nêu quan điểm về chuyện mưu sinh của nhà văn trẻ.

Tôi chọn kiếm tiền để nuôi văn chương

- Nguồn thu chính của anh đến từ đâu?

- Hiện nay, tôi có một công việc tương đối ổn định liên quan xuất bản. Tôi cũng yêu thích công việc đó, sản phẩm, những người lãnh đạo hay đồng nghiệp… Tôi cảm thấy may mắn hơn nhiều người.

Viết văn cũng là một nguồn thu nhập của tôi, cũng có thể nói tôi có các nguồn thu nhập thụ động khác. Khác với cảm nhận của mọi người, tôi coi việc kiếm tiền là một niềm vui tự nhiên, một trò chơi hấp dẫn với luật lệ chặt chẽ, thỉnh thoảng có “vòng quay may mắn” và “ngôi sao hy vọng”. Đó cũng là một cách để tôi nhập cuộc, tham gia vào đời sống nhiều thú vị này.

- Nhà văn trẻ, như anh có thu nhập như thế nào từ văn chương?

- Ồ, tôi thấy văn chương mang lại cho mình nhiều giá trị. Nếu chúng ta mở rộng định nghĩa của chữ “thu nhập” và nhìn xa hơn một chút: Văn chương cho chúng ta bạn bè, mối quan hệ mới, làm cho chúng ta thấy ý nghĩa, có mục đích sống hơn.

Riêng điều đó thôi đã là một đặc ân quá lớn, chưa nói đến việc hoàn toàn có thể tìm được nhiều cánh cửa và cơ hội trong cuộc sống nhờ vào những điều như vậy.

Tôi không quan niệm văn chương như một nghề mà chúng ta bán sức lao động, và đổi nó trực tiếp lấy một số tiền.

- Trước đây, “các cụ” thường nói “Cơm áo không đùa với khách thơ”. Tản Đà nói “Văn chương hạ giới rẻ như bèo”. Giờ đây, xã hội đã phát triển, giàu có hơn, nhà văn có còn phải lo chuyện cơm áo?

- Chẳng có thời nào người ta không phải lo về chuyện cơm áo. Tuy nhiên, nền kinh tế hiện nay tương đối năng động. Có người viết văn để kiếm tiền, có người thì quan niệm ngược lại: Văn chương không phải để đổi lấy gạo đong hàng tháng. Quan niệm nào thì vẫn không né tránh được cuộc sinh tồn này.

Nếu cuộc đời đã chơi với luật lệ như vậy, tôi chọn làm một kiểu người kiếm tiền để nuôi văn chương và tôi chắc chắn rằng, nếu nghiêm túc viết lách, văn chương sẽ mang lại nhiều lợi ích cụ thể. Tiền là phương tiện chứ không phải mục đích. Ngược lại, văn chương là mục đích, không phải phương tiện.

Dù cuộc sống vất vả, tại sao tôi lại không dám sống chứ nhỉ? Có nhiều người đổ lỗi rằng nghề văn thì nghèo, tôi không bao giờ nghĩ như thế.

Kiếm tiền là câu chuyện của khả năng từng người, không phải do văn chương. Bạn nghèo là do bạn thôi. Văn chương không có nghĩa vụ đóng tiền điện, tiền nhà hay tiền ăn cho gia đình bạn hàng tháng.

Ngược lại, hãy hiểu rằng chính cuộc sống cơm áo khiến bạn phải nhập cuộc và thu được những trải nghiệm cho văn chương của mình. Có những nhà văn, những nhạc sĩ lớn đã sáng tác khi rất vất vả khốn khó, nhưng từ đó họ đã ra được những tác phẩm lớn.

Tác giả Đảo bạo bệnh nói anh rạch ròi hai chuyện kiếm tiền và viết văn. Ảnh: NVCC.

Chọn con đường nào thì đi trọn vẹn, đừng lơ lửng

- Theo anh, hiện nay, nhiều người trẻ chọn con đường văn chương chuyên nghiệp?

- Hầu hết nhà văn cùng thế hệ mà tôi biết đều có chuyên môn nghề nghiệp riêng, thậm chí khá ổn định. Tôi nghĩ vẫn có những người phải dựa vào sự sáng tác của mình để nhận nhuận bút kiếm sống. Mọi nghề nghiệp, mọi cách kiếm tiền hợp pháp đều đáng quý, đáng tôn trọng như nhau.

Song nếu chỉ dựa vào văn chương để sống thì khó lắm, và rủi ro rất cao. Bạn không thoải mái với thu nhập, và vì không thoải mái, bạn không còn dám đặt cược nhiều hơn cho văn chương của mình, chưa nói đến việc cố viết để đăng được tác phẩm.

Nhưng ở khía cạnh khác, những người có thể vượt qua rủi ro mà quyết kiếm tiền từ văn chương, họ cũng sẽ đi được một con đường riêng. Con đường này đòi hỏi tài năng lớn và sự tỉnh táo.

Ở các nước như Trung Quốc hay Nhật Bản, đôi khi viết văn giống như một start up, các tác giả nghiên cứu thị trường rất kỹ để cho ra đời một sản phẩm có thể mang lại cho họ đời sống đàng hoàng về vật chất.

Tóm lại nếu chọn con đường nào thì đi xa nhất có thể với con đường đấy, đừng lơ lửng tạm bợ là được.

- Hiện nay, công nghệ, mạng xã hội giúp người viết trẻ tiếp cận độc giả dễ dàng hơn. Tuy vậy, các nhà xuất bản dường như lại rất khắt khe để chọn in sách văn chương của người trẻ. Anh nghĩ sao về hiện trạng này?

- Ồ, tôi không nghĩ công nghệ hay mạng xã hội giúp ai đó tiếp cận được ai đó dễ dàng hơn đâu. Bản chất của thị trường xưa nay vẫn như vậy: Bạn có một sản phẩm và bạn tìm cách để tiếp cận, càng đúng đối tượng thì càng tiết kiệm chi phí.

Mạng xã hội có hàng chục triệu người, để tiếp cận đúng đối tượng độc giả, tôi e rằng còn khó hơn các hình thức truyền thống. Trước đây các độc giả đã tập trung sẵn ở một tờ báo - ví dụ như báo Văn nghệ - và bạn chỉ cần tiếp cận qua một kênh đó là xong.

Còn bây giờ bước chân vào một Facebook, một Tumblr quá rộng lớn, với quá nhiều nhóm sở thích, hành vi ngày một cá biệt, mọi thứ không hề dễ hơn. Hãy tưởng tượng như lấy gạo trong một đấu gạo khổng lồ trộn lẫn với hạt kê và thóc, sẽ luôn luôn khó hơn lấy gạo trong một thùng.

Sự khắt khe của các đơn vị xuất bản là cần thiết. Như tôi đã nói với sự cạnh tranh gay gắt của các loại hình giải trí hay quảng cáo, các nhà xuất bản cũng đang phải tự nâng cấp mình về các chuyên môn marketing, và trong tiến trình thay đổi này, họ thắt chặt hơn về sản phẩm, không muốn ồ ạt để lắng lại cho mình. Song các cây bút trẻ cũng đừng e ngại, cuộc chơi khó mới thật sự đáng để chơi.

- Điều gì thúc đẩy anh theo đuổi con đường văn chương chuyên nghiệp? Đâu là thể loại văn chương mà anh gắn bó?

- Viết là để kết nối với một thế giới khác. Tự thân tôi thấy tôi cần phải viết văn để sự nhìn đời của tôi được ổn định hơn, với riêng tôi. Song trong lúc viết, tôi nhận ra rằng phải đi con đường chuyên nghiệp hơn để tất cả thứ mình đang trót làm không uổng phí.

Có những thiên tài mà tự thân họ đặt bút đã làm trang giấy sáng bừng, và thay đổi một diện mạo văn học đất nước. Tôi không có quá nhiều tài năng và cũng không phải là thiên tài như vậy, tôi cần nỗ lực. Tôi đang cùng một lúc đào sâu bản thân và tìm kiếm bí mật của thế giới xung quanh.

Ban đầu tôi viết trinh thám, nhưng những truyện ngắn gần đây của tôi chạm đến nhiều đối tượng độc giả hơn, với thẩm mỹ cao hơn. Tôi đang đổi hướng đi. Tôi muốn mỗi khi ra tác phẩm mới, người ta sẽ đợi tác phẩm tiếp theo của tôi, và không lần sáng tạo nào giống lần sáng tạo nào.

Sắp tới tôi sẽ trở lại với một tác phẩm đặt nhiều niềm tin, để cùng góp một tiếng nói vào đời sống văn nghệ, như những người bạn văn rất giỏi và danh tiếng hiện nay như Hiền Trang, Đinh Phương, Nhật Phi, Huỳnh Trọng Khang, Nguyễn Dương Quỳnh, Nguyễn Hải Nhật Huy...

Theo Zing News

Tags: