Nghệ sỹ dương cầm Trang Trịnh: khi đọc chúng ta phải biết tỉnh táo
Nghệ sỹ dương cầm Trang Trịnh: khi đọc chúng ta phải biết tỉnh táo
“Trang nghĩ bản thân sách, đọc sách không chưa đủ, mà còn phải đọc sách tốt, đọc sách có chọn lọc, đọc sách có suy ngẫm, và áp dụng nó trong cuộc sống của mình.” - nghệ sỹ dương cầm Trang Trịnh chia sẻ.

Trang Trịnh vẫn được xem là một trong không nhiều nghệ sỹ dương cầm có nhiều sáng tạo nhất trong hình thức trình diễn piano cổ điển tại Việt Nam. Cô được biết đến với khả năng kết hợp nghệ thuật thị giác và những câu chuyện nhiều tính thể nghiệm, để đưa các tác phẩm cổ điển đến với công chúng.

Tiếng đàn của Trang Trịnh mang vẻ đẹp thư thái nhẹ nhàng đậm chất Á Đông, của sự tĩnh lặng trong trẻo thường tìm thấy nơi thiên nhiên vắng lặng. Một trạng thái cô đọng có tính thiền.

Trang nói rằng cô không ưa những cách truyền đạt mạnh. Thông điệp kháng cự của cô trước những gì không phải là mình và không phù hợp với mình - cũng như sự đồng cảm của Trang với những gì giống như cô và phù hợp với cô - cũng rất đỗi mãnh liệt. Đó cũng là cách mà nữ nghệ sỹ quyết liệt bảo vệ sự trong sáng và sự phát triển theo thiên hướng rất riêng của trẻ thơ, trước những lát cắt của cuộc đời vốn không hề đơn giản.

Đọc sách với nghệ sĩ Trang Trịnh là một việc rất thú vị.  Đôi khi chị chọn đọc những cuốn sách bất kỳ không với mục đích gì và cũng không do ai giới thiệu. Với tâm thái nhẹ nhàng đó không ít lần chị đã đọc được những cuốn sách hay. Trạm đọc đã có cuộc trò chuyện với nghệ sỹ Trang Trịnh về chủ đề này

 Từ nhỏ đến bây giờ thì thói quen đọc sách của nghệ sỹ Trang Trịnh có gì thay đổi không, sau rất nhiều biến động của cuộc sống?

Có rất nhiều ạ. Và cũng thay đổi thói quen cả về việc mình đọc sách ở đâu, như thế nào và với mục đích gì nữa. Khi Trang còn nhỏ, được bố mẹ đầu tư đọc sách, thì đọc là một hoạt động hàng ngày rất bình thường, giống như việc ăn hay ngủ.

Lớn lên một chút và du học thì Trang đọc sách, cũng thói quen đấy, nhưng có những mục đích đặc biệt hơn. Ví dụ đọc sách để tìm hiểu về một chủ đề nào đó, hay đọc vì mình có một câu hỏi nào đấy và mình đi tìm câu trả lời, hoặc vì muốn tìm đến một điều gì đó thú vị, hoặc mở mang thêm hiểu biết.

Nhưng đến khi bắt đầu chuyến đi cuộc sống của một người làm việc, biểu diễn và nghiên cứu, thì Trang tìm đến sách như một người bạn, tìm đến sách để thư giãn, để được rung động, rời khỏi một số thứ mệt mỏi hay đau đầu trong cuộc sống.

Dĩ nhiên tất cả các cách đọc này đều bổ trợ cho nhau. Và gần đây khi Trang đọc sách, thì đôi khi Trang tìm đến những cuốn sách có thể chia sẻ với gia đình của mình, những cuốn sách có thể chia sẻ cùng con, hay cùng chồng.

Càng ngày Trang càng thấy một điều là thời gian mà mình có thể đọc sách ngày càng ngắn lại. Bởi mình cũng có rất nhiều những trách nhiệm khác: trách nhiệm với công việc, với gia đình, nhất là với hai con nhỏ. Con nhỏ nhất của Trang mới 2 tuổi, thế nên bạn ấy cần rất nhiều thời gian cùng mẹ.

Và vì thế việc đọc sách ở đây cũng cần phải cân bằng với rất nhiều cái khác trong cuộc sống. Nên Trang rất vui khi tìm thấy một cuốn sách có thể vừa đọc vừa khiến cho mình học được một điều gì mới, được rung động và vẫn có thể chia sẻ được với con mình.

Như chị đã nói, đọc sách ở thời điểm có rất nhiu căng thẳng trong cuộc sống thường ngày sẽ giúp mình cân bằng lại được. Nhưng chị gii quyết vấn đề căng thẳng như thế nào để có thể tiếp tục đọc sách?

Hiện tại, rất may mắn là có rất nhiều audiobook có thể nghe được. Phần lớn thời gian Trang có thể nghe sách - đọc sách thông qua việc nghe. Trang tìm thấy trong việc nghe sách những niềm vui mà có lẽ khi mình chỉ đọc sách thôi thì mình cũng chưa tìm thấy được.

Hiện tại trong cuộc sống của Trang có hai khoảng thời gian đọc sách giấy. Một là rất nhanh sau khi con đã ngủ rồi, và nó chỉ kéo dài một chút thôi; nếu như mình không tiếp tục đi thực hiện những công việc khác trong ngày: bát đĩa vẫn chưa rửa và đồ ăn thì vẫn chưa chuẩn bị cho ngày mai. Khoảng thời gian thứ hai chính là lúc buổi sáng khi ngủ dậy và khi con mình chưa ngủ dậy.

Còn nghe sách thì sẽ thường diễn ra vào những lúc Trang phải di chuyển. Ví dụ đi từ nơi này đến nơi kia, đi trên tàu điện ngầm, trên xe buýt, những lúc cũng rất khó để có thể mở quyển sách ra và vẫn phải ở trên những phương tiện công cộng, hoặc không thể ngồi được nhưng có thể nghe.

Đọc thêm: 5 cuốn sách tâm đắc nhất của Nghệ sĩ dương cầm Trang Trịnh

Hiện nay có nhiu phụ huynh băn khoăn về cách chọn sách cho con. Không biết nghệ sỹ có lời khuyên hoặc chia sẻ nào không ạ?

Trang nghĩ mỗi độ tuổi, mỗi giai đoạn trong cuộc sống và với mỗi đứa trẻ thì lại có những mong muốn khác nhau và những cuốn sách phù hợp khác nhau. Sẽ không có một mẫu số chung nào trong bất kỳ một đứa trẻ nào cả. Chính vì thế, đó là điều đẹp đẽ nhất, và cũng là điều khó khăn nhất của việc nuôi dạy một đứa trẻ.

Có một điều mà Trang đang làm cho con mình, đó là theo dõi những niềm yêu thích của con, nghe những câu hỏi của con. Bản chất trẻ - đây Trang nói cho trẻ dưới 10 tuổi - thì các con có rất nhiều câu hỏi, và tự phát các con tìm đến cha mẹ.

Bởi ở độ tuổi này con vẫn nghĩ cha mẹ là siêu nhân, là điểm mà con tới và con nương vào. Con chưa tìm tới những người lớn khác hay những bạn bè khác. 

Đây là thời điểm tuyệt vời để cha mẹ lắng nghe và tìm hiểu. Khi cha mẹ lắng nghe, cha mẹ sẽ biết con mình đang quan tâm đến lá, hay con bọ, hay nước, hay quan hệ trong gia đình; thì bố mẹ sẽ tìm những quyển sách như vậy.

Còn lớn hơn thì Trang nghĩ cách đi cùng con tốt nhất - kể cả khi bé hay lớn - nhất là khi con lớn hơn - là đọc sách cùng con. Cả nhà đọc cùng một quyển sách với nhau. Khi đấy bố mẹ không còn chỉ đóng vai trò là người đọc sách và hướng dẫn cho con đọc sách nữa, mà sẽ đóng vai trò là những người bạn đọc sách cùng và chia sẻ với nhau: mẹ đọc quyển gì, con đọc quyển gì…? Thì đó là cách mà Trang vẫn được mọi người hướng dẫn, và Trang nghĩ cũng khá phù hợp để chọn sách cho con.

Nghệ sỹ dương cầm Trang Trịnh trong một buổi biểu diễn

Chị nhắc đến “When we were very young” (A. A. Milne) với Trạm Đọc như một tập thơ chứa đựng “sự thông thái ca những điều đơn gin và nhng vẻ đẹp trong tâm trí của một đứa trẻ”. Nó ảnh hưởng ra sao đến cách pianist Trang Trịnh đối diện với những cơ hội và thách thức trong cuộc sống ạ?

When we were very young nói về sự sinh ra, được viết bởi A. A. Milne - tác giả của Winnie-the-Pooh. Nhân vật của tập thơ này có thể là con trai của A. A. Milne, hoặc cậu bé vẫn dắt tay gấu Pooh - Christopher Robin. Trang cũng đọc tập thơ này cho con mình, trong đó có một bài thơ Trang rất thích, có tên là “Buổi sáng mùa xuân”, Trang xin phép đọc một chút một khổ thơ và tạm dịch:

If you were a bird, and lived on high,
You'd lean on the wind when the wind came by,
You'd say to the wind when it took you away:
"That's where I wanted to go today!"

Nếu bạn là một con chim, và bạn sống trên cao
Bạn sẽ tựa vào cơn gió khi cơn gió bay qua
và bạn sẽ nói với cơn gió khi cơn gió mang bạn đi tới một nơi mới
Rằng là,“À, nơi đó chính là nơi tôi muốn đi ngày hôm nay!”

Bài thơ này nói về một đứa trẻ và nó không biết là mình đang đi đâu cả. Câu bắt đầu là “Where am I going? I don't quite know.”, “Tôi đang đi đâu nhỉ, tôi không biết nữa.” Và nói đến một buổi sáng mùa xuân. Khổ thơ Trang đọc nằm ở gần cuối bài, nói về tâm thế của một đứa trẻ, luôn luôn mở. Nó đi đâu nó cũng không biết. Giống như mùa xuân - sự bắt đầu.

Đứa trẻ không có điểm đến. Nó rất buông (cười), rất thả, và rất mở. Khi nó mở như thế, nó có khả năng đón nhận và chấp nhận. Cả bài thơ nhắc rất ít đến mùa xuân, nhưng cái tên lại là “Buổi sáng mùa xuân”; khiến cho Trang tưởng tượng đến, nhắc cho Trang nhớ: năm nay Trang 36 tuổi, cũng đã có những bước đi, những lựa chọn trong cuộc đời mình…, thế nhưng lúc nào mình cũng phải mở như thế.

Độc giả có thể tiếp tục theo dõi trò chuyện này tại [PODCAST] Nghệ sỹ dương cầm Trang Trịnh: khi đọc chúng ta phải biết tỉnh táo

Mình không biết cơn gió sẽ mang mình đi đâu ngày mai. Có thể mình sẽ lựa chọn chiến đấu với cơn gió đấy, hay những điều gọi là “duyên”, mình sẽ giữ chặt lấy những gì của mình. “Đây là cuộc đời tôi, tôi muốn đi như thế này cơ, tôi muốn là người như thế này cơ!”

Nhưng không phải! Quyển sách này, bài thơ này nhắc Trang nhớ, sẽ có những niềm vui và những niềm hạnh phúc nếu như mình có thể giữ được độ mở đó. Mình có thể nói với số phận, với cơn gió, với cái “duyên” đó: “À, đấy chính là nơi mà tôi cũng muốn đi đấy! Nếu bạn đưa tôi đến nơi nào thì đấy cũng là nơi mà tôi muốn đi!”

Khi nuôi dạy một đứa trẻ, thì đấy là áp lực mà người mẹ nào, hay người cha nào, bất kỳ một người dưỡng dục đứa trẻ nào cũng phải để ý tới. Bởi khi mình (định) hướng một đứa trẻ, đôi khi mình sẽ nghĩ “Ôi, tôi muốn con mình trở thành thế này cơ, tôi muốn con mình phải học được piano cơ!” (cười). Ai cũng hỏi Trang, con gái Trang năm nay 6 tuổi đã học piano chưa? Hay là “Sau này sẽ phải làm gì đó, làm nghề gì đó

Nhưng đối với đứa trẻ, nó không như thế. Nó sẽ đi con đường của nó, và sẽ có những cơn gió. Và nhiệm vụ của Trang đối với những đứa con của mình, với con gái 6 tuổi và con trai 2 tuổi, là đi theo và nương theo. Có những lúc mình có thể là gió, chính cơn gió mà nương con mình theo, hướng con mình theo; nhưng có những lúc mình cũng sẽ phải cùng với con nương vào cơn gió riêng của con, đi đến nơi chỉ con mới đi được, mình không thể đi theo được.

Đó cũng là lý do chị luôn nhắc đến Hoàng tử béTotto-chan và đọc lại hai cuốn này hàng năm, với niềm tin rằng “cần phải học nhiều từ trẻ nhỏ”?

Hoàng tử bé có rất nhiều câu nói khiến cho Trang nhớ được giá trị của trí tưởng tượng hay giá trị của sự trong sáng. Như là “Tất cả những người lớn đều từng là trẻ con nhưng rất ít người trong số đó nhớ về điều đó”, hay “Nếu bạn dành thời gian để chăm sóc một đóa hoa hồng, thì đóa hoa hồng đó sẽ trở nên vô cùng quan trọng đối với bạn.” Đấy là một cách giải thích rất tuyệt vời về tình yêu, về đam mê, về cách một người trở nên quan trọng hơn với mình, về một mối quan hệ. Những điều vừa rồi khi còn nhỏ mình đọc, mình có thể cảm nhận một chiều sâu nhất định, nhưng càng ngày khi càng đọc lại, mình lại càng cảm nhận được ở một chiều sâu rõ hơn, sâu sắc hơn.

Sau này lớn lên, đọc đi đọc lại, Trang còn nhận ra trong này có rất nhiều điều mình học được về bản chất của một sự việc, về trí tưởng tượng cũng như bản thể của mình như là một con người và như là một nghệ sỹ. Có rất nhiều những trích dẫn Trang rất thích, như là “Người ta chỉ có thể nhìn thấy rõ ràng bằng trái tim của mình. Những thứ quan trọng nhất thì đôi mắt không thể nhìn thấy”.

Đây cũng là thứ Trang rất hay nói với học sinh của mình khi Trang dạy đàn. Hay khi Trang chuẩn bị một chương trình biểu diễn, Trang cũng thường hay suy ngẫm câu này, thậm chí viết lên trên những notes, những phím lúc mình tập đàn.

Vì có những thứ, đôi khi, khi mình làm việc hay chuẩn bị một điều gì đấy, thì mình tập trung rất nhiều vào những thứ bề ngoài, hoặc những thứ có thể đo đếm được: như số notes này đã đủ chưa? tốc độ này đã đủ nhanh chưa? đã kỹ chưa?…

Thế nhưng có những thứ chỉ có thể nhìn thấy rõ bằng trái tim thôi. Tức là thời gian mà mình dành cho việc đi sâu vào bên trong mình. Và những thứ quan trọng nó nằm ở bên trong, nhiều khi không thể đơn thuần là đếm được, hay đong được, hay nhìn thấy được, thậm chí là nghe thấy được, mà nó ở sâu hơn thế nữa. Câu nói này khiến cho Trang luôn luôn làm việc ở trong một tầng sâu hơn.

 

"Có những thứ chỉ có thể nhìn thấy rõ bằng trái tim thôi"

 

 

Còn ý nghĩa của Totto-chan thì sao ạ?

Khi đọc Totto-chan, rất kỳ lạ, nó rất chữa lành. Nó có những câu chuyện về được là chính mình. Những câu chuyện của Totto-chan có với ngôi trường đó và cách mà bạn ý ở một vị trí này, ở ngôi trường này thì bạn ấy là đồ bỏ đi, bạn ấy là người ở ngoài, không thuộc về, bạn là một đứa trẻ hư. Nhưng ở một môi trường khác, bạn lại là một người được đón nhận, lại là những thứ mà bạn ấy - trước kia bị bóp nghẹt chẳng hạn, được khai thông ra, được là chính mình.

Đấy là những thứ chữa lành cho Trang rất nhiều, và nó cũng khiến Trang bắt đầu nhen nhóm những đam mê về giáo dục, về sau này mới tiếp tục đeo đuổi. Nghĩa là mình làm việc trong nghệ thuật, trong âm nhạc, nhưng rất quan tâm đến giáo dục và luôn luôn xem giáo dục như một phần không thể thiếu được trong các hoạt động nghiên cứu về nghệ thuật của mình.

Ví dụ như cái cách mà học sinh được học những môn mình yêu thích chẳng hạn. Rồi cách được ăn những món ăn của biển, của đất, của bầu trời, của rừng… Đó là những cách mà Trang nói chuyện với con mình bây giờ. Làm thế nào để cho con ăn những món ngon, đầy đủ chất? Thì mình dùng những trí tưởng tượng của mình, cách nói chuyện rất trẻ thơ…

Và mình tôn trọng sự lựa chọn của một đứa trẻ, tôn trọng cá tính, những bản thể của đứa trẻ đó. Cách mà thầy hiệu trưởng nói chuyện, hay giảng dạy các bạn, cũng ảnh hưởng rất nhiều đến cách Trang giảng dạy trong những lớp học của mình.

Trang vẫn nhớ chi tiết khi thầy hiệu trưởng gặp Totto-chan và ngồi nghe bạn ấy nói những điều - có lẽ đối với một người lớn, đó là những điều rất bô lô ba la, không có đầu có cuối - nhưng thầy nghe rất chăm chú, có một sự tôn trọng; đối với Trang, Trang cảm thấy đấy là một điều rất quan trọng.

Bởi nếu người làm giáo dục mà không hiểu được đứa trẻ - cái bản thể trọn vẹn ở trước mặt mình, thì làm sao có thể tiếp cận được? Làm sao có thể bước vào phong cảnh tâm hồn của đứa trẻ đó để hướng dẫn, hay để tạo ra những môi trường để đứa trẻ đó có thể phát triển được?

Nên, ví dụ, một học sinh đến lớp của Trang, thì thường Trang sẽ biết bạn ấy thích ai, bạn ấy thích idol nào? Bạn ấy có những niềm vui hay những lo lắng gì ở gia đình, hay ở trường? Bạn ấy sẽ kể những câu chuyện của bạn. Đôi khi, khi mà Trang còn chưa suy ngẫm, nên có thể nghĩ rằng - Ôi những câu chuyện này chẳng liên quan gì đến piano, chẳng liên quan đến những thứ chúng ta cần phải đạt được trong buổi học”. Thế nhưng nó lại rất liên quan.

Và càng học sâu về emotional learning, hay social emotional learning, hay về phương pháp giáo dục mà đặt cảm xúc, cũng như trí tuệ cảm xúc của trẻ vào trong những cái đó - những chi tiết quan trọng - càng cảm thấy, à, hoá ra phương pháp giáo dục trong Totto-chan chính là những ví dụ sống động nhất. Cách một người giáo viên có thể kết nối với đứa trẻ, tôn trọng một đứa trẻ, học từ một đứa trẻ, và để rồi có thể tạo ra một môi trường để đứa trẻ có thể tự khám phá, tự trưởng thành.

Trang đọc lại Totto-chan hàng năm. Nó ảnh hưởng đến cách Trang dạy con mình và dạy học sinh, và nó vẫn chữa lành cho đến bây giờ. Dù mình đã là người trưởng thành, khi đến một môi trường mới cũng có những lúc mình cảm thấy mình là người ngoài cuộc, hay không giống những người khác, hay có những cái xã hội đó không chấp nhận chẳng hạn.

Thế nhưng Totto-chan khiến mình hiểu rằng thế giới này có rất nhiều loại hoa khác nhau, có rất nhiều những vẻ đẹp khác nhau và mình có thể là mình…, miễn là mình trong sáng, tôn trọng và yêu thương những người khác và mình không vi phạm những thứ làm tổn hại đến người khác. Còn lại, mình hoàn toàn có thể được là mình.

 

Trang đọc lại Totto-chan hàng năm. Nó ảnh hưởng đến cách Trang dạy con mình và dạy học sinh, và nó vẫn chữa lành cho đến bây giờ.

 

 

Kiêm vị trí của một nhà giáo dục âm nhạc, nghệ sỹ Trang Trịnh có nhận thấy có những điều thông qua sách sẽ giáo dục hiệu quả hơn truyền miệng không thưa chị?

Trang nghĩ là có. Truyền miệng nghĩa là từ người với người, thì dĩ nhiên, đó là sức mạnh, bởi chúng ta tin vào những người mà chúng ta tin, đúng không ạ? - như những người thầy hay những người bạn lớn có ảnh hưởng, thì những lời nói của những người đó cũng sẽ có ảnh hưởng rất lớn. Nhưng khi chúng ta đọc sách, thì cũng giống như có những người bạn rất lớn: những tác giả, những người đúc kết lại những kiến thức, và họ cho mình đọc.

Tuy nhiên, Trang nghĩ không phải cuốn sách nào cũng là hay, là đẹp. Khi đọc, chúng ta cũng phải là những người biết tỉnh táo. Chúng ta sẽ phải chọn lọc cho bản thân mình, và chúng ta luôn luôn có suy nghĩ, những cái phản tư của chính mình: điều này mình có đồng ý với tác giả này không? Những điều tác giả nói có phù hợp với nhân sinh quan của mình, với thế giới quan của mình không? Những điều nào mình có thể đồng ý, phù hợp? Cuốn sách này có mang đến niềm vui cho mình không, hay nó chỉ mang tới sự lo lắng? Cuốn sách này có hướng mình tới những điều phát triển cho bản thân mình không, hay hướng mình theo những thứ có thể làm mình xấu hơn?

Trang nghĩ bản thân sách, đọc sách không chưa đủ, mà còn phải đọc sách tốt, đọc sách có chọn lọc, đọc sách có suy ngẫm, và áp dụng nó trong cuộc sống của mình.

Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện mang nhiều cơn gió thú vị này!

H. Hương Giang thực hiện

Tags: