Sau khi tốt nghiệp cử nhân và thạc sỹ hạng xuất sắc tại Học Viện Âm Nhạc Hoàng Gia Anh, Nghệ sĩ dương cầm Trang Trịnh đã trình diễn khắp châu Âu cùng những nghệ sĩ và dàn nhạc danh tiếng trên thế giới. Tại Việt Nam, chị cũng là nghệ sĩ tiêu biểu vì đã đưa âm nhạc cổ điển đến gần hơn với đông đảo khán giả Việt qua những dự án sáng tạo như: Nhật Ký Dương Cầm, Beethoven A Fantasy, The Preludes, Lễ Hội Muông Thú,...
Trong công việc mang nghệ thuật đến với công chúng, Trang Trịnh không chỉ hướng đến khán giả nói chung mà còn đặc biệt tâm huyết với đối tượng trẻ em. Năm 2013, chị cùng chồng mình là nghệ sỹ opera Park Sung Min sáng lập Dàn Hợp Xướng và Giao Hưởng Kỳ Diệu (Miracle Choir & Orchestra), giảng dạy âm nhạc miễn phí hàng tuần cho hơn 50 trẻ có hoàn cảnh khó khăn tại Hà Nội.
Âm nhạc của chị trong sáng, tinh tế, như một nốt lặng trong cuộc sống vội vã. Năm 2015, Trang Trịnh được tạp chí Forbes vinh danh là một trong 30 gương mặt dưới 30 tuổi tiêu biểu nhất tại Việt Nam.
Đọc sách với nghệ sĩ Trang Trịnh là một việc rất thú vị. Đôi khi chị chọn đọc những cuốn sách bất kỳ không với mục đích gì và cũng không do ai giới thiệu. Với tâm thái nhẹ nhàng đó không ít lần chị đã đọc được những cuốn sách hay.
Dưới đây là 5 cuốn sách tâm đắc nhất của Nghệ sĩ dương cầm Trang Trịnh và chia sẻ của chị về từng cuốn sách.
Totto-chan bên cửa sổ
Tôi chưa từng đọc cuốn sách nào một cách "ngấu nghiến" như Tốt-tô-chan, cô bé bên cửa sổ. Tôi nhớ đã đọc nó một mạch từ đầu đến cuối mà không thể bỏ xuống dù đêm đã về khuya. Có lẽ bởi tôi tìm thấy mình trong số các học sinh của ngôi trường trên toa tàu và cuốn sách ấy đã chạm tới một niềm mong mỏi mà khi ấy chính tôi cũng chưa nhận thức được. Và rất có thể, những câu chuyện ở trường của Tốt-tô-chan là hình hài của ước mơ tôi: ước mơ về một nơi mà con trẻ được sống thật với chính mình và phát triển như cô bé Tốt-tô-chan, biết thực sự lắng nghe như Thầy Hiệu Trưởng, biết trân trọng sự khác biệt như cuộc thi thể dục được sáng tạo để cậu học trò khuyết tật cũng có thể dành chiến thắng.
Điều tuyệt vời nhất là câu chuyện ấy về trường Tomoe là có thật, dù nó tồn tại thật ngắn ngủi. Câu chuyện ấy cho tôi thêm niềm tin vào những giá trị mà ngay cả trận bom trong thế chiến thứ hai cũng không thể phá huỷ, để tôi tiếp tục theo đuổi ước mơ xây dựng những giá trị đó bằng cách của chính mình.
Đọc thêm: Nghệ sỹ dương cầm Trang Trịnh: khi đọc chúng ta phải biết tỉnh táo
Hoàng tử bé
Có những cuốn sách mà tôi sẽ đọc lại mỗi năm một lần. Hoàng tử bé là một cuốn sách như thế. Lý do là bởi mỗi khi đọc lại, dường như tôi lại hiểu thêm, hiểu sâu hơn, về những lời nói, những câu chuyện trong chuyến phiêu lưu của ông hoàng nhỏ trong truyện. Có thể sự uyên thâm của cuốn sách là không đáy, hoặc có thể những gì đơn giản nhất lại là những điều thông thái nhất. Tôi thậm chí đã sưu tầm cuốn sách này bằng các thứ tiếng khác nhau, các phiên bản từ sách nhỏ hơn lòng bàn tay tới cuốn sách với những hình pop-up nổi.
Hoàng tử bé dần trở thành một người bạn, một chiếc gương soi, nơi tôi quay lại mỗi năm để nhìn vào tâm hồn của chính mình. Có quá nhiều điều tuyệt vời trong cuốn sách này, nhiều như những vì sao biết cười trên bầu trời của Hoàng tử bé vậy.
When we were very young
Tôi tình cờ đọc được tập thơ này của tác giả Winnie the Pooh khi có một chiều rảnh rỗi trong thư viện. Đôi khi việc đọc những cuốn sách bất kỳ thu hút tôi là một việc rất thú vị, vì tôi đọc không với mục đích gì và cũng không do ai giới thiệu. Với tâm thái nhẹ nhàng đó không ít lần tôi đã đọc được những cuốn sách hay.
Tập thơ này nhắc tôi một lần nữa nhớ về sự thông thái của những điều đơn giản và những vẻ đẹp trong tâm trí của một đứa trẻ. Tác giả có chung niềm tin với tôi rằng chúng ta cần phải học nhiều từ trẻ nhỏ. Tôi thường đọc lại những bài thơ trong tập thơ này mỗi khi cảm thấy bức bách và cần cảm hứng sáng tạo. Đối với tôi, chẳng có gì tươi mới và truyền cảm hứng hơn phong cảnh nội tâm trong lành của những đứa trẻ.
The unanswered question
Tổng hợp 6 bài giảng đầy cảm hứng của Bernstein tại đại học Harvard cho các sinh viên, đây là cuốn sách mà tôi tâm đắc nhất về âm nhạc. Bernstein không chỉ là một nhạc trưởng tài năng mà còn sở hữu khả năng phân tích và làm sáng tỏ những khái niệm trừu tượng nhất của âm nhạc - mà không hề khiến nó trở nên khô khan. Cái tên "Những câu hỏi không được trả lời" cũng cho thấy sự khiêm tốn của ông khi tiếp cận những khái niệm cốt lõi nhưng vô cùng khó diễn giải của âm nhạc như "âm nhạc có nghĩa hay không?". Sự uyên bác của một nhà giáo dục thực thụ khiến cho những kiến thức thâm sâu có thể được truyền đạt tới cả những người không thực hành âm nhạc. Với tôi, đây thực sự là một tuyệt tác!
Những nốt nhạc tỉnh thức
El Sistema, cuộc cách mạng âm nhạc tại Venezuela, nơi cuộc sống của hàng vạn trẻ em nghèo đã được thay đổi tích cực bởi âm nhạc, là chủ đề của cuốn sách này. Tôi có may mắn được gặp và trò chuyện với Tricia Tunstall trong chuyến lưu diễn tại New York năm 2014, và bà đã động viên tôi tiếp tục theo đuổi giấc mơ xây dựng một mô hình tương tự tại Việt Nam, điều mà hơn 60 quốc gia trên thế giới, trong đó có nước Mỹ, đang làm. Âm nhạc có khả năng tỉnh thức như thế nào? Âm nhạc có thể làm được gì để biến thế giới trở thành một nơi tốt đẹp hơn? Những câu hỏi này tìm thấy câu trả lời trong câu chuyện sống động mà Tricia Tunstall kể về hiện tượng đáng chú ý nhất trong thế giới âm nhạc hiện đại. Cuốn sách này đã được dịch ra tiếng Việt và phát hành bởi Alphabooks vào năm 2016.
Trạm đọc ghi