Đọc sách: Quyết định mở lòng đón nhận quan điểm khác biệt
Đọc sách: Quyết định mở lòng đón nhận quan điểm khác biệt
Nhân vật của Café Sách số 18 là nữ sinh Quảng Ngãi Võ Tường An xuất sắc nhận được học bổng của 12 trường Đại học tại Mỹ, trong đó có những ngôi trường hàng đầu thế giới như Harvard, Stanford, Yale…
Sau khi chọn học ngành khoa học chính trị và khoa học thần kinh tại Đại học Stanford với học bổng toàn phần suốt 4 năm học, An quyết định bảo lưu một năm để trở về Việt Nam thực hiện các dự án xã hội. Trong đó, tổ chức phi lợi nhuận vì giáo dục International Catalysts for Empowerment (ICE) là dự án tâm huyết nhất của An. Vào mùa hè năm nay, ICE đã triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa như dạy học tại Lý Sơn trong 60 ngày nhằm nâng cao tỉ lệ tốt nghiệp PTTH tại huyện đảo này, đồng tổ chức trại hè Empowering Young Leaders (EYL), hỗ trợ học sinh phát triển tư duy khởi nghiệp và tư duy phản biện cho học sinh.

Đến với Café Sách số 20, Tường An không chỉ chia sẻ suy nghĩ thú vị của mình về sách, mà còn đưa ra quan điểm giáo dục sâu sắc từ góc nhìn của một người trẻ tuổi đã có nhiều thành tích nổi bật trong học tập và các hoạt động cộng đồng.

 

 

Sách là phương tiện truyền đạt đặc biệt

 

Là một người tìm hiểu về chính trị - xã hội, An nghĩ sách có vai trò gì trong cuộc sống?

Trong cuộc sống, chúng ta luôn thay đổi và phấn đấu dựa trên những hình mẫu mà chúng ta cho là tốt đẹp, hạnh phúc hoặc thành công. Những yếu tố và hình mẫu này được tạo ra từ sự quan sát, lắng nghe, đọc và cảm nhận. Những câu chuyện mà sách mang đến, vượt qua cả sự cách biệt về thời gian và không gian, mở rộng nguồn cảm hứng và trở thành hình mẫu cho nhiều người. Không chỉ dừng lại ở những người quanh ta qua những lần quan sát hay trò chuyện, sách mang ta đến với những cuộc sống mà ta chưa từng có cơ hội đi qua, để giúp ta nhìn xã hội mình đang sống với những tiếng nói khác, một cách toàn diện hơn.

Với bản thân tôi, đọc sách thay đổi một cuộc sống. Khi tôi cảm thấy thế giới mình còn bé nhỏ với những áp đặt xã hội đặt ra về chuẩn mực con người, đúng và sai, những câu chuyện tôi đọc được cho tôi thêm nhiều sự lựa chọn về một cuộc sống mình có quyền mơ ước và hướng đến. Tôi đặt ra những tiêu chuẩn và ước mơ bay xa hơn cả thế hệ đi trước. Tôi tin vào giá trị của bình đẳng xã hội và giới tính cùng Bell Hooks. Tôi mơ về một xã hội hỗ trợ những người phụ nữ được phát triển và tự do qua góc nhìn của Virginia Woolf, tìm hiểu về tình yêu với những trang sách của Erich Fromm.

Với tôi, những quyển sách quyền lực không chỉ là sản phẩm bằng giấy của “những kẻ mơ mộng", chúng có một sự kết nối lâu bền với thế giới, biến đổi cả con người và thực tại. Bên cạnh đó, sách là công cụ hữu dụng để mang xã hội bình đẵng và đến gần nhau hơn khi việc tiếp cận chúng không quá khó khăn với nhiều người.

Tôi rất thích cách đưa ra ý kiến của mình bằng việc giới thiệu sách cho mọi người đọc. Thay vì chỉ dừng lại ở việc nói một hai câu mang yếu tố áp đặt, hay viết một bài báo thể hiện quan điểm, tôi nhờ sách tạo ra không gian, thời gian để người khác quan sát và tìm hiểu rồi tự đưa ra cách nhìn nhận của chính mình về vấn đề. 

An trong chuyến thăm trường học tại Ân Độ.

Đề tài nghiên cứu đầu tiên của tôi khi học ở Mỹ là về chiến tranh Việt Nam và những cuộc thảm sát đã xảy ra. Trong quá trình tìm hiểu, tôi thấy bạn bè mình thiếu sự quan tâm và kiến thức đa góc nhìn về vấn đề chiến tranh, đặc biệt là cuộc chiến tại Việt Nam. Nhưng tôi bắt đầu thật sự quan tâm đến lịch sử, đặc biệt là câu chuyện của chiến tranh sau nhiều năm quan sát, tìm hiểu và đọc sách. Tôi biết mình không thể nào kì vọng tất cả mọi người cũng có một hứng thú đọc thêm tài liệu và giấy nghiên cứu như vậy khi họ chưa có nhiều kiến thức phổ thông về chỉ đề này. Nhận thấy hạn chế đó, tôi bắt đầu tìm cách để mọi người cảm thông hơn với những câu chuyện chiến tranh của con người Việt Nam hơn.

Một lần tôi đọc cuốn sách When heaven and earth changed places của cô Le Ly Hayslip. Cô Le Ly không hề nhắc đến quan điểm chính trị như phần lớn sách viết về lịch sử khác, mà đi sâu vào tái hiện cuộc sống, nỗi đau của những nạn nhân chiến tranh. Chính điều này đã khiến cuốn sách đi vào lòng người đọc một cách nhẹ nhàng. Là con người,ai cũng có thể đồng cảm với những câu chuyện và nỗi đau như vậy, không kể người Mỹ hay người Việt Nam.

An mua sách và dành thời gian đọc sách hàng tuần.

Lúc đầu tôi chỉ vô tình lướt qua cuốn sách đó và thích thú vì là đã đọc rất nhiều nghiên cứu lịch sử, chính sách, nhưng lần đầu tiên đọc một cuốn sách có cách tiếp cận chiến tranh đặc biệt như vậy. Tôi nhận ra cuốn sách này là phương tiện để mình giao tiếp với không chỉ những người học vấn rất cao, cực kỳ am hiểu về lịch sử mà với cả những người không hề nghiên cứu về chủ đề này.

Tôi quyết định mua rất nhiều cuốn When heaven and earth changed places mang tặng mọi người xung quanh đọc, mở một tài khoản trên Kindle để mọi người cùng đọc cuốn sách và đặt mục tiêu: đến khi tôi tốt nghiệp cấp 3 sẽ có ít nhât 500 người đọc xong cuốn sách này. Tôi tặng sách cho một bạn rất thân, có quan điểm chính trị hoàn toàn khác tôi nhưng sau khi đọc xong cũng nói rằng, lần đầu tiên bạn ấy có thể đồng cảm với quan điểm chiến tranh của người Việt Nam trong thời chiến. Dần dần, những cuốn sách của tôi được nhiều người đọc, tâm đắc và truyền cho nhau, tôi cũng không đếm nổi đã có bao nhiêu người đã đọc chúng, và có cái nhìn khác đi về chiến tranh tại Việt Nam.

 

Vậy theo An, tại sao sách có sức mạnh thay đổi quan điểm?

Ban đầu, người đọc có thể sẽ bất đồng quan điểm với người viết, nhưng tuỳ sự khéo léo của người viết, người đọc sẽ quên đi vị trí của mình để cảm thông với thế giới trong cuốn sách. Từ việc quyết định mở trang sách thay vì chỉ đọc một bài báo hay nghe đôi ba câu chuyện, người đọc đã cho mình hòa vào nhịp sống và quan điểm của người viết sách. Đó là hành động mở lòng và cảm thông rất lớn bởi lúc đó, người đọc không còn cho rằng quan điểm của mình là duy nhất, đúng nhất mà đồng ý chấp nhận những quan điểm khác biệt trong sách vẫn tồn tại.

Cuốn sách "When heaven and earth change places" của An.

Là một người học khoa học chính trị, tôi cảm thấy tất cả những cuộc đấu tranh, xung đột hay những quyết định tiêu cực trên thế giới này xảy ra vì người ta chưa có đủ thông tin, chưa nhìn những sự việc xảy ra bằng hiểu biết lâu dài và góc nhìn rộng. Sách là một nguồn thông tin tích cực có thể giúp người đọc nhìn sự việc từ nhiều quan điểm để có góc nhìn đa chiều hơn. Hơn hết, khi đọc sách, người đọc cảm thông với nhân vật và với tác giả. Điều này đặc biệt quan trọng bởi biết cảm thông, con người sẽ đưa ra những quyết định tốt đẹp hơn rất nhiều.

Và vì thế, ta cũng có thể thấy rằng, khi xây dựng xã hội có nhiều người đọc sách, ta xây dựng một xã hội của những con người biết lắng nghe, quan sát, kiên nhẫn và cảm thông với góc nhìn của những người khác.

 

An nghĩ việc lựa chọn thể loại sách là sở thích cá nhân của mỗi người, hay nên được định hướng?

Lựa chọn sách đọc phụ thuộc vào mối quan tâm của mỗi người. Làm sao các bạn đọc được những cuốn sách chính trị, khoa học, xã hội, lịch sử khi không hề quan tâm đến những vấn đề này? Người ta sẽ quan tâm đến một vấn đề khi cảm thấy mình là một phần của nó. Vì thế, tôi không nghĩ câu trả lời nên dừng lại ở việc đọc sách.

Về lựa chọn sách, theo tôi, nếu chỉ đọc sách về ngành nghề đang làm hay điều mình đang quan tâm thì chưa đủ. Bởi lẽ, tất cả những vấn đề trong cuộc sống dù là nhỏ nhất điều là sự kết nối và của nhiều khía cạnh. Con người lại là đối tượng liên tục đưa ra những quyết định trên trái đất. Do đó, mỗi người cần có một vốn hiểu biết đủ rộng, và có trách nhiệm phải học hỏi, không quan trọng đang làm ngành nghề gì. Bạn có thể tìm đến sách như một nguồn tri thức, nhưng cũng có thể tìm học qua báo, đài để trau dồi hiểu biết của mình.

Với tôi, khi đưa ra quyết định gì, tôi nghĩ mình phải chịu trách nhiệm với quyết định đó. Vậy làm sao khẳng định được quyết định mình đưa ra là tốt Đó là lúc đã có đủ thông tin, có hiểu biết tương đối rộng về quyết định của mình.

 

 

Hướng đến sự đồng hành trong xã hội

 

Bạn có thể chia sẻ về tầm nhìn của dự án bạn đang xây dựng, tổ chức giáo dục phi lợi nhuận International Catalysts for Empowerment - ICE?

Một trong những mục tiêu của ICE là là rút ngắn khoảng cách trong xã hội. Khoảng cách ở đây là gì? Chẳng hạn, khi nhắc đến khái niệm đọc sách, mỗi người lại có tưởng tượng khác nhau: người thích đọc thì vui sướng nghĩ đến hình ảnh được ngấu nghiến cuốn sách thật hay, nhưng cũng có người cho rằng việc phải ngồi một mình với sách thật nhàm chán, vô vị. Những hình ảnh, khái niệm trong suy nghĩ của người ta chịu ảnh hưởng bởi nhận thức về xã hội cũng như tác động của xã hội, nhà trường. Vì những khác biệt đến từ môi trường sống, điều kiện học tập, làm việc, sở thích,… chúng ta đưa ra những quyết định rất khác nhau và đôi khi xảy ra xung đột khi không hiểu được nhau, đôi khi chỉ đòi hỏi quyền lợi cho những đối tượng giống mình.

Tường An (giữa) và các thành viên dự án ICE

ICE muốn tạo ra sự kết nối giữa những bạn trẻ khác nhau về điều kiện và lý lịch. Tham gia dự án dạy học tại đảo Lý Sơn “60Days”, các bạn tình nguyện viên không chỉ hỗ trợ học sinh nơi đây, mà còn học hỏi từ những người dân bản địa thông qua việc cùng sinh hoạt trong 30 - 60 ngày. Từ sự tiếp xúc, trao đổi đó, khoảng cách và khác biệt giữa những con người sống tại thành phố và huyện đảo sẽ được rút ngắn lại.

Định nghĩa giáo dục mà ICE theo đuổi là sự đồng hành trong xã hội, mang lại lợi ích cho cả hai bên: người trao và người nhận.

Tôi cảm thấy tham gia ICE có phần giống với việc đọc sách ở chỗ các dự án thường khá dài, yêu cầu các bạn tham gia phải cam kết gắn bó về thời gian. Ví như dự án dạy học tại đảo Lý Sơn, tình nguyện viên sẽ dành 30-60 ngày trên huyện đảo này, hay chương trình hỗ trợ khởi nghiệp tại Bình Sơn sẽ diễn ra trong một tuần. Ngoài ra, phương pháp giáo dục của ICE không đưa ra một hình mẫu để các bạn làm theo, mà khuyến khích từng cá nhân dành thời gian tự tìm ra vấn đề cũng như cách giải quyết. Hy vọng những trải nghiệm cùng ICE sẽ giúp các bạn có cái nhìn đa chiều hơn về những cuộc sống khác nhau trong xã hội, để biết cảm thông với người khác và đưa ra những quyết định tích cực hơn trong cuộc sống của mình.

Cảm ơn An đã dành thời gian trò chuyện với độc giả Trạm Đọc. Chúc bạn tiếp tục thành công trong học tập, công việc và cuộc sống!

Trạm đọc