Chiếc cầu tình yêu này nằm ở Canada, vẫn dài và đáng sợ, và vẫn vắt ngang qua Hẻm núi Capilano để thách thức những trái tim cam đảm dám băng qua nó
Nếu bạn đặt tượng Nữ thần Tự Do ở dưới cây cầu, cây cầu sẽ vắt ngang qua bờ vai bằng đồng của bức tượng. Nó chỉ rộng bằng một băng ghế ở công viên và khi bạn thử bước qua cầu, cảm nhận nó đung đưa trong gió và nghe tiếng cọt kẹt, bạn sẽ thấy thật là khó để rời mắt khỏi những tảng đá và bọt nước trắng xoá sâu 70 m bên dưới – đủ để bạn cảm thấy rõ ràng khoảng cách giữa bạn và một cái chết rúm ró đang chờ đợi những kẻ sảy chân. Không phải ai cũng đi hết được cây cầu.
Vào năm 1974, hai nhà tâm lý học Art Aron và Donald Dutton đã thuê một người phụ nữ đứng giữa cây cầu lơ lửng này. Khi những người đàn ông đi qua cô ấy trên cầu, cô đề nghị họ điền một phiếu câu hỏi trắc nghiệm. Sau đó, cô đưa cho họ một bức tranh người phụ nữ che mặt và yêu cầu họ sáng tạo một câu chuyện. Khi kết thúc, cô nói với từng người đàn ông rằng cô sẽ rất vui lòng thảo luận với họ sâu hơn về nghiên cứu này nếu anh ấy muốn gọi cho cô đêm nay, và xé một mảnh giấy với số điện thoại của mình rồi đưa cho họ.
Những nhà khoa học biết rằng những người đàn ông là không thể phớt lờ nỗi sợ độ cao trong dạ dày, mình vì vậy họ muốn biết một bộ não lấp đầy những hóc-môn lo âu sẽ hoạt động ra sao trong hoàn cảnh này. Để làm đều này, họ cần một cái cầu khác để làm nhóm kiểm soát – một cây cầu không tạo ra nỗi sợ hãi. Họ yêu cầu trợ lý của mình làm điều tương tự trên một cây cầu rộng và chắc chắn, chỉ cách mặt đất vài mét.
Sau khi thực hiện thử nghiệm ở cả hai địa điểm, họ so sánh kết quả và phát hiện 50% số đàn ông trên cây cầu nguy hiểm nhấc điện thoại và gọi điện cho người phụ nữ. Con số này ở thử nghiệm trên cây cầu an toàn chỉ là 12.5%. Đó không phải là sự khác biệt đáng kể duy nhất. Khi họ so sánh những câu chuyện về hình vẽ được đưa, họ phát hiện ra rằng những người đàn ông trên cây cầu đáng sợ có xu hướng kể chuyện gợi tình gấp hai lần.
***
Chuyện gì đang diễn ra ở đây? Một cây cầu khiến đàn ông muốn tán tỉnh và hào hứng bắt chuyện với người phỏng vấn nữ, và cái còn lại thì không. Để hiểu điều này, bạn cần hiểu cái mà các nhà tâm lý học gọi là hưng phấn/ động dục/bị kích thích về cảm xúc hoặc ham muốn tình dục (arousal) và dễ dàng biết bao để nhầm lẫn nguồn cơ của nó. Nhận diện nhầm nguồn của cảm xúc có thể cứu các mối quan hệ, tạo ảo giác yêu đương và dẫn bạn đến những hành vi và thái độ vừa cao cả vừa đạo đức giả.
Hưng phấn, trong định nghĩa tâm lý học, không giới hạn trong những tình huống gợi tình. Nó có thể chiếm hữu bạn bằng nhiều cách. Bạn đã trải nghiệm nó: nhịp tim tăng lên, sự chú ý tập trung, mồ hôi tay tiết ra, miệng khô lại, hít sâu kèm theo thở dài. Nó là dòng điện chạy qua mạch máu bạn khi gió nổi lên và trời bắt đầu mưa. Nó là trạng thái tỉnh táo, cảnh giác hơn bình thường khi tâm trí của bạn tập trung cao độ vào thời điểm đó. Nó không phải là cảm-xúc-phải-lăn-ra-khỏi-giường khi tiếng chuông báo cháy kéo bạn ra khỏi giấc ngủ sâu. Không, hưng phấn kéo dài và đầy đủ, bồi đắp và thẩm thấu.
Hưng phấn đến từ phía sâu trong não bộ, trong những vùng chính của hệ thống thần kinh tự động (autonomic nervous system) mà trong đó những tín hiệu đầu ra-đầu vào được kiểm soát và phản xạ chiến đấu-hoặc-bỏ chạy (fight-or-flight) chỉ chờ được triển khai. Bạn cảm thấy giống như một người lính chờ xem chiếc súng tiếp theo có tên mình hay không, giống như một người nghệ sĩ bước trên sân khấu của hội trường đã bán hết vé, hay giống như một thành viên của đám đông được tiếp thêm sức mạnh bằng bài phát biểu hùng hồn, hoặc như thể bạn đang đứng trong vòng tròn quanh đống lửa, nhảy múa và hát ca, hay đang đứng cùng với người bạn đời giữa một sàn nhảy đông kín người. Bạn rưng rưng xúc động. Bạn vừa muốn khóc vừa muốn cười. Dường như bạn có thể nổ tung vậy.
Những người đàn ông trên cầu trải nghiệm trạng thái hỗn hợp của lý trí, nỗi sợ, lo âu và khiếp đảm, và khi họ gặp một người phụ nữ hấp dẫn những cảm xúc này tiếp tục chảy qua tâm trí và trái tim họ, nhưng nguồn gốc của chúng trở nên mơ hồ. Tại cái cầu hay tại cô gái? Cô ấy chỉ lịch sự hay cô ấy thực sự có hứng thú? Tại sao cô ấy chọn tôi? Trái tim tôi đang đập mạnh – có phải bởi cô ấy không?
Khi Aron và Dutton thực hiện thử nghiệm cây cầu với một người phóng viên nam (và những người được hỏi cũng là đàn ông), kết quả chênh lệch biến mất. Những người đàn ông không còn coi người phỏng vấn là một nguyên do khả thi, hoặc nếu có thì họ giấu điều đó. Sự quy kết nhầm của tỉnh thức cũng biến mất khi thử nghiệm được thực hiện trên chiếc cầu an toàn. Không có trạng thái căng thẳng, không cần phải giải thích. Aron và Dutton tiếp tục mang thử nghiệm ra khỏi thế giới thực với những yếu tố không kiểm soát được và tiếp cận câu đó bằng hướng khác trong phòng thí nghiệm.
***
Trong thí nghiệm, những sinh viên đại học nam bước vào một căn phòng chứa đầy những dụng cụ điện khoa học và được hỏi họ có thấy một học sinh khác lang thang ở đây hay không. Khi đám học sinh nói họ không thấy, những nhà khoa học giả vờ ra ngoài tìm người và để lại những tài liệu về quá trình học và những cú sốc điện đau đớn. Khi họ cảm thấy thời gian đã đủ lâu, họ đưa vào phòng một nữ diễn viên giả vờ làm một sinh viên khác cũng tự nguyện tham gia nghiên cứu.
Từng người một, những cậu học sinh sẽ ngồi cạnh người phụ nữ và nghe các nhà khoa học giải thích rằng những người tham gia thử nghiệm sẽ bị giật bởi dòng điện lớn hoặc một chích điện không đáng kể. Sau đó, những nhà tâm lý học tung đồng xu để quyết định ai sẽ được thử cái nào. Họ không thực sự giật ai, họ chỉ muốn làm mấy cậu học sinh hoảng sợ. Cuối cùng, những cậu học sinh nhận được phiếu câu hỏi và hình vẽ như thử nghiệm trên cầu và được yêu cầu hoàn thành trong khi họ chuẩn bị máy giật điện.
Phiếu câu hỏi yêu cầu những cậu học sinh đánh giá sự lo lắng của họ và mức độ bị thu hút bởi người bên cạnh. Đúng như những gì các nhà khoa học kỳ vọng, kết quả giống với thử nghiệm trên cầu. Những người biết mình sẽ bị giật điện mạnh đánh giá mức độ lo lắng và bị thu hút cao hơn rõ rệt những người biết mình chỉ bị chích nhẹ. Về câu chuyện miêu tả bức tranh, những cậu học sinh càng lo lắng thì càng nghĩ ra nhiều những hình ảnh gợi dục.
Aron và Dutton giải thích rằng khi bạn cảm thấy hưng phấn, bạn tự nhiên tìm kiếm bối cảnh để giải thích tại sao mình cảm thấy tràn đầy sức sống. Sự tìm kiếm ý nghĩa này diễn ra tự động và vô thức, và mọi câu trả lời xuất hiện đều hiếm khi bị nghi ngờ bởi vì bạn không nhận ra mình đang tự hỏi. Giống như những người đàn ông trên cầu, bạn đôi khi tự bịa ra lý do cho những cảm xúc của mình rồi tin vào những câu chuyện đó. Thật dễ dàng để chỉ đích xác nguồn cơn của khuôn mặt méo mó và nụ cười ngoác miệng của bạn nếu bạn vừa chơi cỏ và đang uốn éo theo một điệu nhạc cổ điển. Nguồn cơn của sự sục sôi trong bạn sẽ mơ hồ hơn nếu bạn vừa uống một lon Red Bull trước khi vào rạp xem phim hành động. Bạn không thể biết chắc rằng đó là vì những vụ nổ bùm bùm hay là vì caffein.
Trong rất nhiều trường hợp hoặc là bạn không thể biết hoặc là bạn không nhận ra điều gì kích thích tâm trí bạn, và bạn nhầm lẫn rằng nguồn cơn là một thứ gì đó dễ thấy trong môi trường. Có vẻ như con người là sự lý giải yêu thích của bạn vì nghiên cứu chỉ ra rằng bạn thích nhìn nhận con người như nguồn cơn của sự tỉnh thức khi được phép lựa chọn. Những cậu học sinh sợ bị giật điện cho rằng một phần của nhịp tim tăng mạnh của họ là do người phụ nữ ngồi kế bên. Aron và Dutton tập trung vào nỗi sợ và sự lo âu, nhưng trong những năm tiếp đó, nghiên cứu cũng tiết lộ rằng hầu hết các cảm xúc đều bị quy kết nhầm. Điều này dẫn đến những phát hiện quan trọng về việc làm thế nào để giữ gìn hôn nhân.
***
Vào năm 2008, nhà tâm lý học James Graham ở Đại học Bắc Carolina thực hiện một nghiên cứu để tìm ra những hoạt động nào gắn kết những người bạn đời. Ông yêu cầu 20 cặp đôi đã sống cùng nhau mang theo thiết bị điện tử khi thực hiện những hoạt động thường ngày. Mỗi khi thiết bị kêu, họ phải dùng nó để nhắn cho ông và thông báo họ đang làm gì. Sau đó họ trả lời một vài câu hỏi về tâm trạng và những gì họ cảm thấy về người bạn đời. Sau hơn một nghìn khoảnh khắc rung-báo cáo-điều tra-nhắn tin như vậy, ông quan sát dữ liệu và phát hiện những cặp đôi có thói quen làm những việc khó cùng nhau có xu hướng thích nhau cao hơn.
Suốt thời gian thử nghiệm, ông nhận thấy vợ chồng có xu hướng cảm thấy gần gũi, thu hút lẫn nhau và yêu nhau hơn khi kỹ năng của họ thường xuyên được thử thách. Ông lý luận rằng cảm giác phấn chấn khi bạn trải qua một giai đoạn thử nghiệm dài và rốt cuộc cũng thành công – cái mà Graham gọi là quá trình – có liên quan trực tiếp đến sự gắn kết. Chỉ dành thời gian cùng nhau là không đủ, ông nói. Loại hoạt động bạn làm cùng nhau rất quan trọng.
Graham kết luận rằng bạn được thôi thúc để phát triển kỹ năng và kiến thức của mình. Khi bạn thoả mãn được động cơ phát triển bản thân bằng cách kết hợp những khía cạnh của người bạn đời vào kỹ năng, triết lý và bản thân mình, sự kết nối của bạn trở nên chắc chắn hơn bao giờ hết. Điều này mở cánh cửa tới một trong những điều tuyệt vời nhất của việc quy kết nhầm cảm xúc.
Nếu, giống như những người trong nghiên cứu, bạn kiên trì vượt qua một thử thách – có thể là tự làm lại bếp hoặc học một điệu nhảy Hiphop – thì cảm giác vui sướng của việc trở nên khôn ngoan hơn và phát triển bản thân sẽ bị quy kết nhầm một phần cho sự có mặt của một người khác. Qua thời gian, bạn tự động cho rằng mối quan hệ chính là nguồn cơ của những cảm xúc đó, và bạn sẽ ít có khả năng cắt đứt sự kết nối với đối phương.
Trong giai đoạn đầu, học cách hiểu người kia và đọc những gợi ý ngầm, sự thay đổi cảm xúc và dị ứng thức ăn là một bài tập phát triển bản thân. Mức độ thường xuyên của sự mới mẻ sẽ giảm đi khi mối quan hệ kéo dài lâu và bạn hình thành thói quen. Sự gắn kết có vẻ như yếu đi. Để bồi đắp nó bạn cần thử thách, kể cả thử thách tự tạo ra. Học khiêu vũ hoặc cùng lập team chơi game sẽ giữ lửa tốt hơn là rượu vang và những đêm nóng bỏng.
“Tôi nghĩ rằng yêu xảy ra trong hoàn cảnh phù hợp và nó không phải là một quá trình lý trí, nhưng là một quá trình có thể biết trước được.” – Nhà tâm lý học Art Aron
Sự hưng phấn mà bạn có khả năng quy kết nhầm có thể đến từ bên trong, đặc biệt khi bạn ở trong tình huống đạo đức bị lung lay. Mark Zanna và Joel Cooper trong năm 1978 đã đưa giả dược cho một nhóm người. Họ nói với một nửa số đối tượng rằng thuốc sẽ giúp họ cảm thấy thư giãn, còn nói với nửa còn lại rằng thuốc sẽ gây căng thẳng. Sau đó họ yêu cầu những người tham gia viết một bài văn giải thích tại sao tự do ngôn luận nên bị cấm. Hầu hết mọi người chần chừ và cảm thấy tệ về việc phải thể hiện một quan điểm trái với niềm tin của họ.
Khi những người tham gia được phép đổi quan điểm, những người nghĩ rằng mình đã uống thuốc làm thư giãn có xu hướng nhận đề nghị này. Những người nghĩ rằng họ uống thuốc gây căng thẳng cho rằng sự căng thẳng bị gây ra bởi thuốc thay vì sự xung đột nhận thức của họ, vì vậy họ không cảm thấy cần phải thay đổi ý kiến. Nhóm còn lại không có bình phong cho trạng thái cảm xúc của mình, vì vậy họ muốn viết lại vì nghĩ rằng điều đó sẽ làm họ thoải mái và làm sự tỉnh thức trở về mức bình thường.
Sự quy kết nhầm hưng phấn thuộc lý thuyết tự nhận thức bản thân được đưa ra bởi William James, một trong những cha đẻ của tâm lý học. Nó cho rằng thái độ của bạn được định hình bởi việc bạn tự quan sát hành vi của mình và cố gắng lý giả nó. Ví dụ, James sẽ nói rằng nếu bạn nhìn thấy một con dế trên tay bạn và cố gắng đập nó trong khi la hét hoảng loạn, bạn sẽ cho rằng bạn đã trải nghiệm nỗi sợ hãi và sau đó có thể tin rằng bạn sợ dế. Lý thuyết tự nhận thức cho rằng bạn nhìn lại những tình huống như thế này như cách một khán giả cố gắng tìm hiểu động cơ của chính mình.
Đôi khi, bạn nhảy đến kết luận mà không cần chứng cứ. Như tất cả các lý thuyết khác, rất nhiều nghiên cứu cần được thực hiện và rất nhiều tranh cãi sẽ còn nổ ra, nhưng James đã đúng trong nhiều trường hợp. Bạn thường hành động như một người quan sát hành động của mình, một nhân chứng của những suy nghĩ, và từ đó bạn tạo ra những niềm tin cho bản thân dựa trên những quan sát đó.
***
Trong một thí nghiệm tương tự năm 1980 bởi Gary Wells và Richard Petty của Đại học Alberta những người tham gia được yêu cầu kiểm tra tai nghe bằng cách gật hoặc lắc khi nghe một chuyên gia đọc một bài xã luận. Không có gì ngạc nhiên khi những người gật đầu có xu hướng đồng ý với quan điểm người nói hơn là những người lắc đầu.
Vào năm 2003, Jen Forster tại Đại học Quốc tế Bremen đề nghị những tình nguyện viên đánh giá đồ ăn khi chúng chạy qua một màn hình lớn. Đôi khi tên của đồ ăn di chuyển lên xuống, và đôi khi di chuyển ngang, từ đó tạo ra hoạt động gật và lắc đầu vô thức. Giống trong nghiên cứu về chuyên gia, mọi người có xu hướng nói họ thích những đồ ăn khiến họ gật đầu trừ khi chúng quá kinh dị. Trong thử nghiệm của Forster và những thử nghiệm tương tự, quan điểm tích cực và tiêu cực trở nên mạnh mẽ hơn, nhưng nếu ví dụ một người ghét súp lơ thì dù gật đầu nhiều đến mấy họ cũng không thay đổi ý kiến.
Khi ở trong những tình huống như vậy bạn có xu hướng khóa mục tiêu, đặc biệt nếu có một người nào đó phù hợp với câu chuyện bạn chuẩn bị dựng lên. Cảm giác thật tuyệt khi phát hiện được rằng điều gì khiến bạn cảm thấy hạnh phúc, cảm thấy bị từ chối, bực bội hoặc khó chịu. Nó giúp bạn tiến lên. Sao phải nghi ngờ nó?
Nghiên cứu về sự hưng phấn chỉ ra rằng bạn quá tệ trong việc tự giải thích bản thân cho chính mình, nhưng nó cũng lý giải tại sao những buổi hẹn thành công luôn bao gồm tàu lượn siêu tốc, phim kinh dị hoặc hội thoại ở quán cà phê. Nếu bạn muốn đời sống mình vô cùng lãng mạn thì bạn nên suy nghĩ đến nhảy bungee hoặc lặn biển, trượt băng hoặc leo núi thay vì những bữa tối lung linh nến. Không nghi ngờ gì, những nghệ sĩ đu xà chắc hẳn phải có đời sống tình yêu thú vị và phức tạp.
Có lý do cho việc vật nhau đùa có thể dẫn tới nụ hôn nồng cháy, tại sao một người bạn tuyệt vời có thể biến việc khóc nức nở thành cười vỡ bụng. Có lý do cho việc tại sao những khó khăn lớn thường khiến bạn gần gũi hơn với bạn bè, gia đình và người yêu. Khi bạn muốn biết tại sao bạn lại cảm thấy như vậy nhưng không có được câu trả lời thoả đáng, bạn sẽ không ngừng tìm kiếm. Bạn sẽ dừng lại ở một điều gì đó – người bên cạnh bạn, sản phẩm trước mặt bạn, thuốc trong não bạn. Bạn không phải lúc nào cũng biết câu trả lời đúng, nhưng khi bạn đang tán tỉnh bên một cốc latte thì đừng dại dột làm rõ nó.
Trạm nhắn nhủ: Trong thí nghiệm cây cầu, những người tham gia đã mơ hồ không biết lý do gì đã khiến tim mình đập loạn nhịp, tay chảy mồ hôi, huyết áp tăng cao - những dấu hiệu giống hệt khi họ cảm nắng một ai đấy. Vì vậy, họ đã quy kết nhầm nguyên nhân của sự hưng phấn - đáng lẽ lại phải đổi cho cây cầu - họ lại cho rằng mình có cảm tình với cô gái phỏng vấn xinh đẹp kia.
Đây cũng là bí kíp tại sao bạn nên đưa nàng đi xem phim kinh dị trong giai đoạn hẹn hò? Có thể nàng sẽ lại quy kết nguyên nhân khiến tim mình đập nhanh là do đã thích bạn.
Đây chính là sức mạnh của sự mơ hồ - trong bài viết này là sự mơ hồ về nguyên nhân gây hưng phấn cảm xúc. Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về chủ đề cực kì thú vị này, hãy tìm đọc cuốn sách Best-seller vừa được xuất bản tháng 3 tại Việt Nam này với tựa đề: "Sức Mạnh Của Sự Mơ Hồ Và Bí Ẩn".
Một cuốn sách tâm lý cực hay với những fan của Phi Lý Trí hay Tư duy nhanh và Chậm. Bạn có thể tham khảo cuốn sách tại ĐÂY: https://goo.gl/3HC6AD.
Trạm Đọc
Trang Sâu Dịch / Theo You Are Not So Smart