Nếu như gặp phải những người thành công hơn mình, ta biết phản ứng ra sao? Thông thường, ta sẽ có hai hướng: hoặc là ngưỡng mộ hoặc là ghen tị. Ngưỡng mộ được xem là một loại tình cảm cao quý – ta ngưỡng mộ người khác vì họ xứng đáng, đồng thời qua sự ngưỡng mộ đó ta cũng nhận ra sở thích và sự khiêm tốn của chính mình. Trái lại, ghen tị từ trước đến nay vẫn được xem là một tính xấu. Theo từ điển Oxford, ghen tị là cảm giác nhục nhã và nghĩ xấu về ai đó khi thấy họ có những ưu thế vượt trội hơn mình. Bertrand Russell viết, “người đố kỵ có thể chiếm đoạt những lợi thế của người khác cho riêng mình - những thứ anh ta khao khát có để được hưởng những ưu thế tương tự. Nếu như thả rông loại cảm xúc này, nó sẽ trở thành điểm chí mạng, đe dọa sự sống còn của mọi sự ưu tú, và thậm chí cả với kĩ năng hữu ích, tuyệt vời nhất."
Điều đó liệu có đúng không? Những thứ khiến ta đau đớn, thất vọng liệu có thể đưa đến một kết quả tích cực – thậm chí là còn tốt hơn cả những thứ đáng ngưỡng mộ? Chúng ta học được rằng không phải mọi loại ghen tị đều giống nhau. Một số loại ghen tị để lại những vị đắng, những ý nghĩ xấu xa, nhưng một số khác có thể là nguồn cảm hứng cho ta vươn đến tầm cao mới.
Richard Smith, nhà tâm lí học ở trường Đại học Kentucky đã bắt tay vào nghiên cứu lòng đố kỵ từ những năm 1980. Ông viết rằng loại cảm xúc này chỉ xuất hiện khi có đủ hai yếu tố.
Thứ nhất là phù hợp: Điều đáng ghen tị phải có ý nghĩa với mỗi cá nhân. Bước nhảy điệu nghệ của một vũ công ba lê không thể khiến một luật sư ghen tị nếu bản thân người luật sư đó không có tham vọng trở thành một vũ công chuyện nghiệp.
Thứ hai là sự tương đồng: Người mà ta ghen tị phải ngang hàng với ta. Cho dù có là nhà văn đi nữa, ta không thể nào đố kị với Ernest Hemingway hay Aristotle theo kiểu “trâu buộc ghét trâu ăn” được. Khi ngưỡng mộ ai đó, ta ngưỡng mộ từ xa. Khi ghen tị ai đó, ta đặt mình vào vị trí của họ. (Cụ thể, tác phẩm của Smith được khơi nguồn từ một bài viết về “sự ganh tị trong so sánh xã hội” của nhà tâm lí học Peter Salovey và Judith Rodin.)
Ngưỡng mộ và ghen tị có thể giống như kẻ thù không đội trời chung: lòng ngưỡng mộ thúc đẩy ta, còn sự ghen tị dìm ta xuống đáy. Nhưng nhà tâm lí học Niels van de Ven ở trường Đại học Tilburg, Hà Lan, cho rằng cặp đôi oan gia này không thể hiện hết tính phức tạp thực sự của cảm xúc. Khi ông nghiên cứu về sự ghen tị ở các nền văn hóa khác nhau trên thế giới, ông thấy rằng bản thân từ ghen tị không hề rõ nghĩa, dễ hiểu như những người nói tiếng Anh vẫn nghĩ. Trong tiếng Anh, ghen tị chỉ có một từ: envy. Nhưng trong những ngôn ngữ khác, có hai từ diễn tả sự ghen tị: zazdrość và zawiść trong tiếng Ba Lan; ìt-chia and rít-yaa trong tiếng Thái; benijden, bắt nguồn từ gốc là beniden (không thể chịu được cái gì) và afgunst, bắt nguồn từ niet gunnen (ghen tị) trong tiếng Hà Lan. Van de Ven đã dịch hai từ trong tiếng Hà Lan này là ghen tị lành tính và ghen tị ác tính (benign” and “malicious” envy).
Năm 2009, van de Ven cố gắng tìm hiểu xem các sắc thái của sự ghen tị trong ngôn ngữ có hai từ chỉ sự ghen tị có tồn tại ngay trong ngôn ngữ có một từ ghen tị, ví dụ như tiếng Anh, hay không.
Đầu tiên, ông tiếp xúc với các học sinh Hà Lan để thu thập dữ liệu nền về ghen tị lành tính, ghen tị ác tính, ngưỡng mộ và phẫn uất vì tiếng Hà Lan có hai từ chỉ sự ghen tị. Tiếp đến, ông bảo các học sinh người Mỹ và Tây Ban Nha mô tả lại cảm xúc của họ khi cảm thấy ghen tị - tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha chỉ dùng một từ chỉ sự ghen tị. Ông thấy rằng, học sinh Mỹ miêu tả cả hai loại ghen tị với tỉ lệ như nhau. (Với học sinh Tây Ban Nha ghen tị lành tính chỉ chiếm 1/3.) Van de Ven viết “Ghen tị ác tính khiến ta cảm thấy phẫn nộ hơn, khiến ta có động cơ hãm hại người khác và trông mong cho người ta thất bại. Còn với ghen tị lành tính, ta có thể chấp nhận người khác, ta được truyền động lực, ta sẽ nỗ lực hơn nữa để đạt được nhiều thành tích hơn.”
Ghen tị nhân từ có hơi giống sự ngưỡng mộ. Khác biệt ở chỗ, ngưỡng mộ khiến ta cảm thấy tuyệt vời, còn ghen tị lại làm ta đau đớn. Van de Ven đã trích lời triết gia Søren Kierkegaard:
“ngưỡng mộ là tự đầu hàng hạnh phúc, ghen tị là tự dấn thân vào bất hạnh.”
Ngưỡng mộ là cảm giác dễ chịu, thoải mái, phần lớn là do ta cho rằng những người ta ngưỡng mộ không hề giống ta. Còn những người khiến ta cảm thấy ghen tị ác tính lại rất giống ta. Chính nhận thức đó đã khiến ta đau khổ. Trong khi đó, điểm khác biệt giữa ghen tị lành tính và ghen tị ác tính lại rất rõ ràng: chúng khiến ta hành động theo những hướng khác nhau.
Trong nghiên cứu sau đó, vào mỗi buổi tối, liên tục trong hai tuần, ông đã hỏi những người tham gia về cảm giác ghen tị trong ngày hôm đó. Nếu có ghen tị, ông đưa ra dàn ý cảm xúc cụ thể và bảo họ tường thuật lại xem sự ghen tị ảnh hưởng đến hành vi của họ như thế nào. Ông thấy rằng, cảm xúc càng gần với ghen tị ác tính bao nhiêu, họ càng than vãn về người họ ghen tị nhiều bấy nhiêu. (Họ chẳng làm gì cả, họ chỉ cảm thấy khó chịu.) Trái lại, nếu họ cảm thấy ghen tị lành tính, họ làm việc chăm chỉ hơn. Ghen tị lành tính có thể chẳng dễ chịu gì nhưng nó là động lực để thay đổi, hướng đến những điều tốt đẹp hơn.
Kết quả này ăn khớp với những kết quả mà các nhà tâm lí học khác thu được. Năm 2011, ba nhà tâm lí học Sarah Hill, Danielle Delpriore, và Phillip Vaughan đã tiến hành nghiên cứu gần 500 người lớn và thấy rằng những người cảm thấy ghen tị có khả năng tập trung tăng lên, khả năng ghi nhớ chi tiết tăng lên, mục tiêu đặt ra cao hơn. Ví dụ, họ dành nhiều thời gian để đọc các bài phỏng vấn với những người thành công đồng trang lứa, họ làm bài kiểm tra trí nhớ về đời tư cá nhân của những người đó với kết quả tốt hơn. Sự ngưỡng mộ, và sự kích thích cảm xúc nói chung, không thể làm được điều đó. Mặc dù nghiên cứu không phân biệt rõ ràng giữa ghen tị lành tính và ghen tị ác tính, nghiên cứu đã tìm ra những loại cảm xúc tương tự như sự thù địch và bất mãn. Những kết quả đó cho thấy người tham gia nghiên cứu cảm thấy ghen tị lành tính nhiều hơn ghen tị ác tính.
Năm 2011, van de Ven và hai đồng nghiệp đã tìm cách kiểm tra trực tiếp sự khác nhau giữa sự ghen tị lành tính và sự ngưỡng mộ. Trong một nghiên cứu, ông giao cho 34 sinh viên đọc một trong hai bài đọc hiểu mô phỏng. Cả hai bài đều là tiểu sử của những nhà khoa học giả tưởng. Một nửa trong số đó gợi ý rằng ta hoàn toàn có khả năng tự tiến bộ (nếu bạn làm việc chăm chỉ, bạn có thể thành công, vượt qua mọi trở ngại. Số còn lại cho rằng, thành công là trò may rủi (bạn bẩm sinh là người số đỏ, hoặc là không.) Van de Ven bảo sinh viên đọc một bài báo giả về một sinh viên bằng vai phải lứa. Hans de Groot vừa giành chiến thắng trong một cuộc thi quan trọng. Nếu học sinh làm bài hiểu đọc thứ nhất, họ sẽ cảm thấy ghen tị lành tính với Hans (“nếu mình cố gắng, mình cũng làm được”). Nếu học sinh làm bài đọc hiểu thứ hai, họ thường cảm thấy ngưỡng mộ nhiều hơn (kiểu như, “Mình chẳng cần cố gắng đâu. Mình chỉ ngưỡng mộ từ xa là đủ rồi”)
Nếu như những học sinh cảm thấy ghen tị lành tính hứa sẽ học hành chăm chỉ hơn trong học kì tới, những người cảm thấy ngưỡng mộ thì không. Trong một nghiên cứu khác, van de Ven thấy rằng, những người cảm thấy ghen tị lành tính làm bài kiểm tra sáng tạo, những yêu cầu khó nhằn tốt hơn những người cảm thấy ghen tị ác tính, hay ngưỡng mộ. Trung bình, người ghen tị lành tính đưa ra 11,4 câu trả lời đúng, còn người cảm thấy ngưỡng mộ có 9,8 và người ghen tị ác tính có 8,5.
Ai cũng biết ghen tị chẳng hề dễ chịu tí nào. Ghen tị đôi khi còn khiến ta đi sai đường. Ghen tị thường mang tính phá hoại. Thế nhưng, cũng có loại ghen tị đóng vai trò quan trong với mỗi cá nhân và cả xã hội. Loại ghen tị đó thúc đẩy năng lực cạnh tranh và sự tiến bộ. Nhan đề một nghiên cứu gần đây của Santa Barbara, trường Đại học California đã thể hiện đúng tinh thần đó:
“Hi vọng khơi nguồn, ghen tị thúc đẩy.”
* Maria Konnikova chuyên viết về mảng tâm lý học và khoa học, đọc thêm bài viết trên Trạm về cuốn Mastermind: Làm thế nào để suy nghĩ như Sherlock Holmes của cô.
Trạm Đọc (Read Station)