'Một cuộc đời dang dở  John F. Kennedy' mô tả bức chân dung chính xác về JFK
'Một cuộc đời dang dở John F. Kennedy' mô tả bức chân dung chính xác về JFK
Đó là một con người trí tuệ, có mục đích, kỉ luật và biết điều chỉnh cân bằng giữa động cơ tinh thần và vật chất từ những năm tháng niên thiếu. Ông được sinh ra từ sự kết hợp của hai dòng họ nổi tiếng di cư từ Ireland sang Mỹ.

Ngày 20 tháng 1 năm 1961, cả nước Mỹ xúc động lắng nghe bài diễn văn nhậm chức của vị tổng thống thứ 35, mà nhiều nhà báo lúc đó cho rằng là bài diễn văn hùng biện và hay nhất trong lịch sử gần 200 năm của nước Mỹ. Năm 2021 đánh dấu 60 năm ngày vị tổng thống thứ 35 của Hoa Kỳ, John F. Kennedy (JFK) bước chân vào Nhà Trắng bắt đầu một nhiệm kì đầy sóng gió, đáng nhớ nhất, và là một nhiệm kì dang dở - với 1.000 ngày tại vị, để lại cho lịch sử nước Mỹ hình ảnh về một vị tổng thống đại diện cho thế hệ chính khách mới, trẻ tuổi, tài hoa, đầy sức hấp dẫn và cũng ẩn chứa nhiều câu chuyện thú vị, bí ẩn chưa được giải mã…

60 năm đã trôi qua, kể từ ngày 22 tháng 11 năm 1963, ngày mà thế giới chứng kiến một trong những sự kiện bi thương nhất của thế kỉ. Tổng thống John F. Kennedy bị ám sát tại bang Texas và qua đời sau đó hơn một giờ đồng hồ. Cái chết của JFK để lại trong lòng người dân Mỹ và thế giới nỗi đau vì mất đi một vị tổng thống trẻ tuổi, tài hoa, một ngôi sao chính trị đang lên. Thế giới đã tốn rất nhiều giấy mực để viết về sự kiện này, và cho đến nay, thủ phạm đích thực đã đứng ra tổ chức và nổ súng vào Tổng thống Kennedy vẫn còn đang nằm trong rất nhiều giả thiết.

John Kennedy là vị tổng thống trẻ tuổi nhất trong lịch sử hơn 200 năm của Hoa Kỳ, vị tổng thống chỉ tại vị 1.000 ngày (ngắn thứ sáu trong lịch sử Hoa Kỳ). Một vị tổng thống chiến thắng trong kì bầu cử với cách biệt sát sao nhất. Qua nhiều lần thăm dò ý kiến của Viện Gallup, ông luôn được xếp là một trong năm vị tổng thống vĩ đại nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, rất nhiều lần ông được xếp hàng đầu, thậm chí có lúc xếp cao hơn cả Lincoln, Roosevelt, Washington.

Khi qua đời, JFK mới 46 tuổi và còn 13 tháng nữa mới kết thúc nhiệm kì tổng thống của mình. Một cuộc đời dang dở - một nhiệm kì tổng thống chưa trọn vẹn. Nhưng trong vòng 2 năm 11 tháng đứng đầu Nhà  Trắng, Kennedy đã kịp làm được rất nhiều việc và vẫn ấp ủ nhiều ý tưởng lớn cho nhiệm kì thứ hai của mình. Như Theodore C. Sorensen, một trợ lý thân cận nhất của JFK, đã nói: “Thường khi một con người mất đi, người ta hay ôn lại những kỉ niệm trong quá khứ. Nhưng khi Kennedy mất đi, người ta nói nhiều đến mất mát trong tương lai.”

John Kennedy không chỉ được người dân Mỹ nhớ đến bởi tài năng và những việc lớn mà ông đã làm cho nước Mỹ, không chỉ bởi vẻ bề ngoài dễ mến, điển trai, hào hoa, hấp dẫn đại diện cho một thế hệ chính khách mới trẻ trung, tài năng và nhân văn. Người dân Mỹ và nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài nhớ đến ông còn bởi vì khả năng đặc biệt của ông trong tầm nhìn xa, cách đánh giá và xử lý tình hình, bình tĩnh, và đặc biệt là khả năng lôi cuốn trong những bài diễn văn hùng biện, khả năng sử dụng ngôn ngữ đầy thuyết phục, với các triết lý sâu sắc ẩn sâu trong các câu nói rất ấn tượng.

Ví dụ, trong diễn văn nhậm chức trước 20.000 người, ông đã nói: “Không nên đòi hỏi Tổ quốc đã cho mình cái gì mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho Tổ quốc.” Sau thất bại của nước Mỹ trong sự kiện Vịnh Con Lợn, khi rất nhiều chính khách tìm cách đổ lỗi cho nhau, ông đã khảng khái nhận trách nhiệm và nói: “Một chiến thắng sẽ có rất nhiều người bố, nhưng một thất bại luôn là một đứa con mồ côi…”

Trong nhiệm kì chưa hoàn tất của mình, ông đã phải đối mặt với các vấn đề quốc tế, quốc nội đầy khó khăn và thử thách. Đó là sự kiện Vịnh Con Lợn, cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba, sự kiện Bức tường Berlin, cuộc đối đầu trong Chiến tranh Lạnh, cuộc đàm phán về Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân, giải trừ quân bị, cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam, Lào. Ở trong nước là các vấn đề về suy thoái kinh tế, lạm phát, thất nghiệp, chính sách thuế, chương trình y tế, và đặc biệt là dự luật về quyền dân sự và các vụ bạo lực ở các bang phía Nam liên quan đến vấn đề sắc tộc, màu da…

Cuốn sách John F. Kennedy - Một cuộc đời dang dở mô tả bức chân dung chính xác về JFK, một con người trí tuệ, có mục đích, kỉ luật và biết điều chỉnh cân bằng giữa động cơ tinh thần và vật chất từ những năm tháng niên thiếu. Ông được sinh ra từ sự kết hợp của hai dòng họ nổi tiếng di cư từ Ireland sang Mỹ.

Cuốn sách cũng nói về thời kì Thế chiến II, khi JFK phục vụ trong Hải quân Mỹ và dũng cảm cứu sống nhiều thủy thủ trên con tàu PT-109 trong cuộc chiến với Hải quân Nhật, về thời kì ông tham gia chính  trường, ứng cử Thượng nghị sĩ và chạy đua chức Tổng thống Mỹ năm 1960, về công việc của tổng thống trong nhiệm kì dang dở và đặc biệt là những thông tin về cái chết bi thương của vị tổng thống trẻ tuổi đầy triển vọng này.

Ngoài các chi tiết về những  vấn đề ở tầm quốc gia và quốc tế, cuốn sách còn đưa ra một cách khá chi tiết các tư liệu về đời tư của JFK trên cương vị tổng thống, cũng như gia tộc Kennedy, về hai trong số những điểm yếu của JFK, những thứ đã đeo bám ông từ thuở niên thiếu, trưởng thành và cho đến những năm cuối  đời. Sức khỏe của JFK luôn là vấn đề ám ảnh ông và gia tộc Kennedy suốt từ năm ông sáu tuổi, với các hồ sơ dày đặc về bệnh tật cho đến khi ông qua đời.

Thậm chí, có bác sĩ còn tiên đoán, nếu JFK có trúng cử nhiệm kì thứ hai thì cũng không chắc ông có sống đến hết nhiệm kì hay không. Một trong những chùm tư liệu mới được khai thác và công bố là những trang viết về một trong các điểm yếu của ông, đó là thói trăng hoa với khá nhiều phụ nữ, đặc biệt là nghi vấn về quan hệ của ông với Marilyn Monroe và một vài gương mặt phụ nữ rất đáng nghi ngờ cả về chính trị và tư cách. Nhưng không hiểu sao, ông luôn biết cách vượt qua mọi khó khăn, mọi vụ bê bối mà kẻ thù của ông trên chính trường cũng như báo chí muốn tung lên…

Cuốn sách cũng cho chúng ta biết về hai gia tộc nổi tiếng ở Boston nói riêng và nước Mỹ nói chung: dòng họ Kennedy và dòng họ Fitzgerald. Với tầm nhìn và khát vọng, Joe Kennedy đã quyết tâm bằng mọi giá đưa một đứa con của mình trở thành Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, khiến các con nhà Kennedy luôn cố gắng vươn lên, không bao giờ chấp nhận vị trí thứ hai, thứ ba. Ba  người con của nhà Kennedy  đã trở thành Thượng nghị sĩ, trong đó có một người là Tổng thống và một người là Bộ trưởng Tư pháp. Những lời sấm truyền của Fitzgerald quả là chính xác: Tham vọng và lòng tự tin vô bờ là nét chính trong quan niệm sống của hai dòng họ Fitzgerald và Kennedy.

Triết lý điển hình của gia tộc Kennedy thể hiện trong câu nói của Joseph
P. Kennedy với em gái mình: “Nếu em không được làm đội trưởng thì đừng tham gia cuộc chơi.” Joe Kennedy đã thực hiện được lời thề là “sẽ kiếm được một triệu đô la đầu tiên trước tuổi 35”. Với thông điệp công khai, đặc biệt là từ người cha, rằng “không bao giờ chịu đứng thứ hai”, những đứa trẻ nhà Kennedy, đặc biệt là các cậu bé, được yêu cầu phải đạt được thành tích tốt nhất trong thể thao, học thuật và vị thế xã hội.

Cuộc đời và nhiệm kì tổng thống của JFK có nhiều giai đoạn gắn với các sự kiện lớn trên thế giới vào thập niên 1960, đặc biệt là có những giai đoạn gắn với những gì diễn ra ở miền Nam Việt Nam. Những ghi chép lịch sử cho thấy cách tiếp cận và phương pháp tư duy của JFK là luôn tìm các giải pháp hòa hoãn, cố tránh một giải pháp cực đoan, một cuộc hành quân ở nước ngoài. Đã nhiều lần ông từ chối đề nghị của các vị tướng diều hâu, muốn đưa quân Mỹ can dự sớm vào miền Nam Việt Nam.

Đặt hai từ “nếu như” trên chính trường với một vị tổng thống của một cường quốc quả là rất mơ hồ, nhưng nhiều học giả, nhà phân tích chính trị vẫn đưa ra giả thiết: Nếu Kennedy còn sống đến nhiệm kì thứ hai, nhiều khả năng quân Mỹ sẽ không đổ bộ vào miền Nam Việt Nam để mất hơn 50 ngàn sinh mạng, và để lại một hội chứng Việt Nam day dứt trong lòng nước Mỹ, như cách mà Lyndon B. Johnson đã quyết định.

60 năm đã trôi qua kể từ ngày 22 tháng 11 năm 1963, khi JFK bị ám sát. Thế giới đã diễn ra rất nhiều đổi thay. Cuộc Chiến tranh Lạnh đã kết thúc, nhưng tình hình thế giới vẫn chưa thật sự an bình. Quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đã bước sang một chương mới, khi ngày 12 tháng 7 năm 1995, Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt và Tổng thống Bill Clinton đã kí hiệp ước về bình thường hóa quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Ngày nay, lịch sử đã sang trang, quan hệ giữa hai nước ở tầm cao mới như hai đối tác hợp tác toàn diện. Các chuyến thăm cấp cao giữa hai nước đã diễn ra, quan hệ ngoại giao, kinh tế, văn hóa đã cải thiện, và cả các phái đoàn cấp cao về quân sự cũng đã đến thăm Việt Nam.

Trong một điều kiện mới như vậy, những trang sách tư liệu về JFK, một trong những tổng thống vĩ đại nhất nước Mỹ, người được cho là luôn không muốn đưa quân vào miền Nam Việt Nam, chắc sẽ thỏa mãn những mong đợi của nhiều độc giả và các nhà nghiên cứu về quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ. Chắc nhiều người sẽ nói rằng, giá như JFK không bị ám sát thì tình hình Việt Nam sẽ có những bước ngoặt khác, và biết đâu hàng triệu người Việt và người Mỹ sẽ không bị chết.

Thế nhưng, lịch sử vẫn là lịch sử, không có “giá như”. Tuy nhiên, bài học về cách xử lý khủng hoảng của JFK chắc chắn sẽ được nhiều đời tổng thống Mỹ chiêm nghiệm. Hi vọng thế giới sẽ có thêm nhiều chính khách có cách nhìn luôn hướng đến các giải pháp hòa bình, hợp tác, thân thiện, cùng phát triển.

Nhằm cung cấp thêm thông tin làm tài liệu tham khảo cho độc giả, chúng tôi xin giới thiệu bản dịch cuốn tiểu sử Tổng thống John F. Kennedy của tác giả Robert Dallek với mong muốn cung cấp những thông tin về vị tổng thống nổi tiếng của nước Mỹ, người mà có nhiều học giả, nhà báo đã đưa ra giả thiết: Một trong những nguyên nhân khiến ông bị ám sát là do tư tưởng hòa hoãn trong việc kết thúc chiến tranh ở Việt Nam.

Do John F. Kennedy là một nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Hoa Kỳ, thời gian đã lùi xa 60 năm kể từ ngày ông bị ám sát, bản dịch này có thể còn nhiều khiếm khuyết, và tôi rất mong nhận được những ý kiến đóng góp của độc giả.

Dịch giả, TS Nguyễn Sỹ Hưng

Tags: