Marion, mãi mãi tuổi 13: Không còn nơi nào an toàn cho mình trên đời này nữa, ngay cả gia đình
Marion, mãi mãi tuổi 13: Không còn nơi nào an toàn cho mình trên đời này nữa, ngay cả gia đình
“Marion, mãi mãi tuổi 13” là cuốn sách viết bởi người mẹ đã mất đi đứa con gái vì bạo lực học đường chấn động nước Pháp mới xuất bản tại Việt Nam.

Dành cho cha mẹ của "những Marion" trên toàn thế giới

"Hôm nay mình ngủ lại ở nhà Tú chan nhé!"
"Đột ngột thế! Chưa kịp dọn nhà, có chuyện gì à?"
"Nếu về bây giờ, chắc là mình sẽ chết mất"

Trên đây là đoạn hội thoại ngắn ngủi giữa tôi và Akane - một cô bé 19 tuổi khi cùng nhau đi về từ quán yakiniku (thịt nướng). Chúng tôi cùng làm parttime với nhau, Akane là sempai của tôi, và là người phụ trách hướng dẫn tôi trực tiếp. Sau đêm tâm sự hôm đó tại nhà tôi, tôi mới biết Akane bị bắt nạt tại quán, suốt 3 năm nay, liên tục không dừng lại.

Câu chuyện trên diễn ra khi tôi còn là du học sinh. Lần đầu tiên tôi nghe một người Nhật nói muốn tự sát. Lần đầu tiên tôi chứng kiến nạn ijime (bắt nạt) giữa người Nhật với nhau chứ không phải người Nhật bắt nạt người nước ngoài (cụ thể là người Châu Á) như mọi lần. Thế nhưng tôi nhanh chóng quên, sau khi đã lập gia đình, có hai đứa trẻ bé bỏng.

Và ngày hôm nay, khi gấp những trang cuối cùng của MARION - MÃI MÃI TUỔI 13 , tôi vào phòng và bế con gái lên, hỏi liên tục:
 "Umi, Umi yêu mẹ không?"
 "Yêu ! Yêu"
Và tôi lặng đi rất nhiều giây sau đó...

Sẽ thế nào nếu đến một ngày. Con bé đi học về. Đi thẳng vào phòng riêng, quẳng cái cặp xuống và đóng sầm cửa lại? Sẽ thế nào nếu tôi lúc ấy vì quá bận rộn, vì quá tin tưởng con gái mình đã đủ lớn, đủ tự lập, đủ ngoan ngoãn... rồi thường xuyên để con bé một mình? Sẽ thế nào đây... khi tôi về nhà... và giống như mẹ của Marion, đập vào mắt mình là cảnh tượng kinh hãi nhất!!! . Nghĩ đến đây tôi cảm giác như mình suýt ngưng thở.

Cô bé Akane ngày ấy là một Marion trước mắt tôi. Nói gì đâu xa. Tôi cũng từng suýt là một Marion. Thời điểm đến khi tôi cảm thấy không còn ai yêu thương mình nữa, ngay cả gia đình, không còn nơi nào an toàn cho tôi trên thế giới này nữa. Tôi chắc chắn rằng, trong giây phút cuối cùng, trước khi đưa cổ mình vào thòng lọng, cả Akane, cả cô bé Marion và tôi đều có cùng suy nghĩ ấy. Thứ suy nghĩ nhầy nhụa đầy cám dỗ : không còn nơi nào an toàn cho mình trên đời này nữa, ngay cả gia đình.

Tôi thề là bố mẹ tôi yêu tôi hơn tất thảy. Những người đọc cuốn sách này đây cũng cam đoan mẹ Marion cũng yêu cô bé hơn cả mạng sống của bà. Vốn dĩ cuộc đời ngoài kia khốc liệt là thế, bao nhiêu con người không máu mủ sẵn sàng chà đạp mình nhiều như thế, nhưng vẫn còn mái ấm , vẫn còn nơi trú ẩn an toàn nhất là vòng tay của mẹ. Đáng lý ra phải như thế chứ?. Nhưng tại sao? Một đứa 17 tuổi là tôi, và một cô bé 13 tuổi như Marion, lại cự tuyệt niềm tin với gia đình, với bố mẹ ngay tại thời điểm đó?

Có phải chúng ta đã quá TỰ TIN hay không?
Có phải người mẹ ấy - mẹ của Marion, đã quá TỰ TIN, cho đến khi mất con mãi mãi?

Khi biết con gái mình học giỏi, ngoan ngoãn, tự lập. Chúng ta tin rằng chúng ta đã đạt được thành tựu trong giáo dục con nhỏ?, và thế là xong?.
Khi biết con gái "có vấn đề" trong nhà trường. Thay vì chia sẻ và tìm hiểu vấn đề từ đứa trẻ. Chúng ta hướng mọi trách nhiệm giải quyết lên nhà trường? lên ban giám hiệu?.
Khi con gái trở nên đòi hỏi, "muốn có tài khoản facebook". Chúng ta đã vội vàng cấm đoán. Chúng ta bảo vệ con một cách tiêu cực khỏi nanh vuốt của xã hội. Mà quên rằng bản tính tò mò và nỗi sợ bị cô lập sẽ đẩy con chúng ta ngã nhanh hơn bất kỳ điều gì.

Khi người lớn mà bạn đặt niềm tin để mặc cho bạn bị chửi rủa, bị đày đọa, và chính các bạn học của bạn quấy rối và dọa giết bạn ngay trong trường học hoặc thông qua Facebook mà không có bất kỳ một người lớn nào trong trường can thiệp, thì phải làm gì bây giờ? Trong lá thư của mình, Marion đã nói rằng cuộc sống của cháu bị đảo lộn mà không ai biết gì hết.

Tôi không sợ nạn quấy rối học đường. Tôi cũng không sợ cái thứ Luật im lặng mà xã hội loài người đặt ra để bảo vệ những mối quan hệ đầy lợi ích của họ. Điều tôi sợ nhất - và tôi tin cũng có rất nhiều cha mẹ sợ nhất - đó là khiến con cái mình nghĩ rằng chúng đang đơn độc. Kỹ năng tự lập, năng khiếu nghệ thuật, ngoại ngữ giao tiếp... những thứ ấy sẽ chẳng đáng một xu nếu con tôi chui vào trong chăn và khóc lóc với suy nghĩ "mẹ không yêu mình nữa, mẹ chỉ biết áp đặt, mẹ không hiểu mình, mình không còn tin ai nữa, mình là thứ rác rưởi tồi tệ, mình muốn chết!".

gg
Ảnh trong phim Marion, 13 ans pour toujours.

Thử so sánh mà xem, một người mẹ không thể dạy con trở thành một thiên tài , và một người mẹ không thể khiến con đặt niềm tin vào mình mà tìm đến chỗ chết. Tôi thương mẹ Marion nhiều như tôi thương tất cả các bà mẹ trên thế giới này, kể từ giây phút quằn quại trên bàn đẻ. Chúng ta giống nhau. Cũng có những toan tính cho thế giới riêng mình. Cũng có chút tự phụ về cách nuôi dạy con của bản thân. Cũng có nhiều lắm những phút giây chủ quan cho rằng mình đã đúng, mình không sai, chỉ có thế giới này là tồi tệ.

Chỉ 1 năm nữa thôi, con gái tôi cũng sẽ bước vào thế giới của trường học. Nơi mà con bé sẽ chỉ là một - đứa - trẻ - ngoại - quốc , một gaijin (người ngoài). Lý do vô cùng chính đáng để bé "được" nhận sự đối xử khác biệt tại cái xã hội cuồng tín tập thể như Nhật Bản. Tôi có đủ sức để thay đổi cả hệ thống quan hệ bất bình đẳng tại xứ sở này không?. Có biết bao nhiêu Marion trên dải đất này mà tôi chưa biết?. Liệu cuộc đời tôi có giống mẹ Marion. Lăn lộn khắp nơi để tìm kiếm "trách nhiệm của nhà trường" , phơi bày sự thật của nạn quấy rối học đường ra ánh sáng, đích thân lôi những cái tên của những những đứa trẻ - thủ phạm trực tiếp đẩy Marion vào cái thòng lọng trong phòng - để cảnh tỉnh nhân loại?.

Đọc MARION - MÃI MÃI TUỔI 13. Hơn ai hết tôi biết mình cần phải làm gì. Bỏ điện thoại xuống. Giảm thiểu số lần nổi nóng mỗi ngày. Học cách lắng nghe một cách bài bản. Gạch bớt những tham vọng có thể giết chết thời gian dành cho con cái. Tôi đâu chỉ cho con máu thịt của mình, tôi cần phải cho con cả thời gian, cả công sức và tâm huyết. Hai đứa trẻ của tôi. Tương lai có thể là hai người với công việc bình thường, không giỏi ngoại ngữ, chẳng có nhiều tài năng, thậm chí đầy tính xấu. Nhưng chỉ cần chúng còn tin rằng gia đình là nơi an toàn nhất - nơi tin yêu không bao giờ cạn - nơi không chứa chấp những lời phán xét rủa xả. Thì khi ấy, chúng sẽ không bao giờ lạc đường.

Trương Hồng Tú

Tags: