Lời chia sẻ từ tâm dịch
Lời chia sẻ từ tâm dịch
Nhà thơ Lê Tú Lệ cho rằng những sáng tác của giới văn, nghệ sĩ trong thời điểm dịch bệnh được viết nên từ niềm khát sống cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

“Mắt rưng rưng màn đêm nâng bước. Ánh mắt xoe tròn nhìn xung quanh. Vai balo, tay ôm gấu trúc, em bước lên xe một mình run run. Ba mẹ em không có ở đây. Ông bà em không có ở đây. Một mình em với gấu bông biết vâng lời và thật chăm ngoan. Dù không biết đại dịch là sao. Dịch Covid em chẳng biết gì… Chỉ nghe nói đại dịch sẽ qua. Em sẽ sớm về bên cha mẹ. Em mong chờ, em vâng lời, em vâng lời một mình cách ly”.

 Sáng 15/2, tại TP.HCM, những ca từ trong bài hát Bé đi cách ly một mình (nhạc sĩ Nguyễn Quang Vinh) vang lên giữa khán phòng làm xúc động lòng người. Cùng đó, những câu chuyện người Việt tương trợ, đùm bọc nhau trong đại dịch được các tác giả của cuốn Cây kèn và chiếc khẩu trang chia sẻ trong buổi giao lưu ra mắt ấn phẩm này.

Sự kiện do Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP.HCM phối hợp Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM thực hiện.

Từ trái qua: MC chương trình, nhà thơ Lê Tú Lệ, đạo diễn Xuân Phước, nhạc sĩ Nguyễn Quang Vinh. Ảnh: Hãng phim Xuân Phước

Chung tay trên mặt trận chống dịch

Cây kèn và chiếc khẩu trang gồm 194 tác phẩm thuộc 5 loại hình: Văn học, âm nhạc, sân khấu, mỹ thuật và nhiếp ảnh. Ấn phẩm có sự tham gia của 138 tác giả là nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ, đạo diễn…

Từ tháng 6/2021, cuộc vận động sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật với đề tài phòng, chống Covid-19 được UBND TP.HCM chỉ đạo, Sở Văn hóa Thể thao TP.HCM chủ trì đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các văn, nghệ sĩ.

Phát biểu tại buổi lễ ra mắt sách, ông Nguyễn Trường Lưu - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP.HCM - cho biết đây là sự kiện đáng trân trọng. Các văn, nghệ sĩ đã cùng thành phố tham gia trên mặt trận chống dịch.

“Bằng sự xúc động, họ tạo nên tác phẩm này. Chính họ, những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, cũng góp mặt vào cuộc chiến chống dịch bằng tình thương yêu, lòng nhân nghĩa và những tác phẩm cổ vũ, động viên tinh thần lực lượng tuyến đầu”, ông Lưu cho hay.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy - Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao TP.HCM - cũng cho rằng thời gian cả thành phố chống lại dịch bệnh Covid-19 đã ghi lại những ký ức khó phai mờ đối với mỗi người. Ở đó, chúng ta chứng kiến những phẩm chất cao đẹp của người Việt.

Theo bà Thúy, trong lúc thành phố quyết tâm kiểm soát dịch bệnh, ta thấy được sự đóng góp rất hiệu quả của lĩnh vực văn học, nghệ thuật trên khía cạnh sáng tác, quảng bá, trình diễn và cả những hoạt động thiện nguyện đầy nghĩa tình.

“Giữa tâm dịch, các văn, nghệ sĩ đã xung trận, khiêng vác, vận chuyển, nấu ăn, hỗ trợ và biểu diễn nghệ thuật để xoa dịu nỗi đau của bệnh nhân. Ai nấy đều mong muốn góp sức mình với niềm tin thành phố sẽ sớm được hồi sinh, khỏe mạnh”, bà Thúy nói.

Đối với bà, chưa bao giờ ý nghĩa hai từ “đồng bào” lại trở nên thiêng liêng đến vậy. Các tác phẩm văn học, nghệ thuật ra đời trong bão táp, những hoạt động sáng tác kịp thời được tổ chức chính là nơi chia sẻ, gửi gắm tình cảm yêu thương, lòng tri ân.

Tinh thần hiệu triệu mạnh mẽ, nghĩa tình sẻ chia ấy còn được thể hiện rõ nét khi cuộc vận động sáng tác “Chung một niềm tin chiến thắng” chỉ trong vòng hơn 4 tháng kêu gọi đã thu hút gần 2.000 tác phẩm tham gia ở các thể loại. Nhiều tác phẩm có chất lượng tốt, được chọn lọc đưa vào Cây kèn và chiếc khẩu trang.

Ấn phẩm Cây kèn và chiếc khẩu trang. Ảnh: Quỳnh My.

Lay động tình yêu đất nước, con người

Theo phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao TP.HCM, giữa nỗi đau mất mát, người dân thành phố vẫn kiên cường, lạc quan với thông điệp niềm tin chiến thắng mà các văn, nghệ sĩ đã gửi gắm qua các tác phẩm.

Tại buổi lễ, ông Nguyễn Trường Lưu - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP.HCM - bày tỏ mong muốn ấn phẩm này sẽ được phổ biến rộng rãi tới người dân thành phố và cả nước, nhằm lay động tình yêu đất nước và con người Việt; đồng thời giúp bạn đọc thế hệ mai sau cảm nhận được thành phố đã trải qua ngày tháng giãn cách như thế nào.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy cũng tin những sáng tác của văn, nghệ sĩ nói chung và ấn phẩm Cây kèn và chiếc khẩu trang nói riêng sẽ tiếp tục được lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Bởi “những yêu thương vô hình sẽ trỗi dậy mạnh mẽ, trở thành động lực để biến thành khát vọng”.

Trong số các sáng tác xuất hiện trong Cây kèn và chiếc khẩu trang, có đến 97 tác phẩm thuộc lĩnh vực âm nhạc.

Nhạc sĩ Nguyễn Quang Vinh - Chủ tịch Hội Âm nhạc TP.HCM - cho biết: “Chúng tôi đã phối hợp để quảng bá cuộc vận động sáng tác trong thời gian dịch bệnh, đồng thời tổ chức chương trình ‘Giai điệu từ trái tim’, thể hiện lời tri ân đến những tấm gương tình nguyện phòng, chống dịch”.

Ca khúc Bé đi cách ly một mình của ông phần nào nói lên hiện thực và tinh thần, niềm tin quyết thắng đại dịch của mọi tầng lớp trong xã hội, từ trẻ em đến người già.

Cũng trong buổi giao lưu này, nhà thơ Lê Tú Lệ - Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP.HCM - thông tin ấn phẩm này được phát động thực hiện vào tuần cuối cùng của tháng 10/2021 và chỉ đến Tết dương lịch vừa qua, cuốn sách đã hoàn tất. Tác phẩm ghi lại dấu mốc lịch sử nhưng mang tính chất thời sự và đầy nhân văn.

NSƯT Mỹ Uyên - Giám đốc Nhà hát kịch 5B, TP.HCM - là một trong những cá nhân đã tham gia tổ chức bếp ăn từ thiện cho các chiến sĩ tuyến đầu. Bà cho hay ở thời điểm đó, người nghệ sĩ gần như mất đi nguồn cảm hứng sáng tạo nghệ thuật. Cảm xúc ấy bị thay thế bởi những lo lắng cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Bếp ăn của bà cùng đồng nghiệp tại TP.HCM lấy tên “Bếp yêu thương”, gồm nhiều nghệ sĩ chung tay vận chuyển lương thực, tiếp quản và sơ chế đồ ăn theo suất.

“Tình cảm của nghệ sĩ chúng tôi gửi gắm vào từng suất ăn. Các sáng tác của giới văn, nghệ sĩ trong cuốn sách này cũng thể hiện phần nào những tình cảm ấy. Tôi tin rằng ấn phẩm này sẽ mang nhiều ý nghĩa đến cộng đồng”, NSƯT Mỹ Uyên nói thêm.

Theo Zing News

Tags: