Lề giấy và câu chuyện về sự tận tâm của những người làm sách
Lề giấy và câu chuyện về sự tận tâm của những người làm sách
Mỗi cuốn sách được căn lề chuẩn chỉ nói lên rằng, Chúng tôi - những người làm sách, tôn trọng các bạn, thưa các độc giả thân mến, thưa Tác giả đáng kính, và lẽ dĩ nhiên, thưa Cuốn sách yêu quí.

Vừa mới đây, ngồi trên máy bay, tôi có xem được một bộ phim rất cảm động. Bộ phim kể về một câu chuyện tình yêu, nhưng đó lại không phải là phần đã lấy đi nước mắt của tôi. Mà cái chi tiết khiến tôi phải khóc đấy lại liên quan đến những trang giấy.

Bối cảnh của bộ phim xoay quanh tiểu ban từ điển của một công ty xuất bản sách ở Nhật Bản[i]. Có chừng bốn hay năm người trong bộ phận đó. Họ đã kề vai sát cánh để biên soạn ra một cuốn từ điển mà cuối cùng thời gian để hoàn thành nó mất đến mười lăm năm. Mười lăm năm trời. Cảnh tượng làm tôi ứa nước mắt đến vào đoạn gần cuối bộ phim. Đó là khi anh trưởng ban từ điển gặp mặt một nhân viên của công ty sản xuất giấy. Họ đang kiểm thảo về khâu chuẩn bị giấy in cho cuốn từ điển sắp được ra mắt.

Chà chà, có vẻ giấy này vẫn chưa đủ độ bám cho lắm, “Dictionary Man” nói sau khi sờ vào tập giấy thử nghiệm mà “Paper Man” mang đến.

Ồ, thật vậy ạ? “Paper Man” phân vân.

Ừ, anh nhìn này  - loại giấy từ điển hoàn hảo là thứ phải bám được vào những ngón tay nhưng không được dính vào những trang giấy khác. Giấy này không bám tay tôi cho lắm... 

Nói rồi “Dictionary Man” bèn quay lại với lấy một cuốn từ điển khác và mở ra chỉ cho “Paper Man” thị phạm một mẫu giấy mà anh cho là hoàn hảo với từ điển. Đây chính xác là điều mà ta sẽ chẳng bao giờ để ý đến một khi ta chưa lăn xả hay “sống chết” với nghề từ điển.  

Đây, anh thử lật những trang giấy này mà xem, “Dictionary Man” nói. Anh chàng “Paper Man” làm theo và rồi thốt lên, Ồ, cứ như thể anh vừa đốn ngộ được một chân lý rất đỗi cao siêu. Ngay lập tức, anh gập người lại xin lỗi rồi dõng dạc: CHÚNG TÔI SẼ CỐ GẮNG LÀM TỐT HƠN Ạ !

Đó cũng chính là lúc khóe mắt tôi bỗng dưng thấy cay cay.

Có lẽ đây vẫn là một câu chuyện tình yêu theo một nghĩa nào đó: hai con người cùng hợp tác với nhau để tìm ra một giải pháp cho một vấn đề luôn hiện hữu nhưng không phải ai cũng có thể nhìn ra nó.

Việc quyết định chừa lề giấy bao nhiêu hay căn lề tự động thế nào cũng có sức ảnh hưởng lớn như vậy. Quá trình tìm tòi phương án giải quyết vấn đề này tuy nhỏ nhặt nhưng cũng đòi hỏi sự khiêm nhường và tỉ mẩn không kém việc chọn giấy trên kia là bao. Khiêm nhường để biết kiểm đi thử lại, tỉ mẩn để biết vượt qua những sai sót rồ dại của bản thân và để có thể kiếm tìm được phương án thích hợp cho nó.

Làm ra một cuốn sách thực sự rất khó nhọc. Tất nhiên sự vất vả đó sẽ rất khó hình dung một khi bạn chưa bao giờ động tay vào việc làm sách. Tất cả mọi chi tiết đều yêu cầu sự cẩn trọng. Số lượng các chi tiết là rất lớn. Tôi sẽ không bàn cụ thể về chúng ở đây. Nhưng hãy tin tôi khi tôi cam đoan rằng, bạn sẽ chẳng dám bắt tay vào chế tác ra một cuốn sách nếu như suy tính về tất cả những chi tiết đó trước khi bắt đầu. Sa vào nó giống như rơi xuống hang thỏ sâu thăm thẳm. Mọi kỹ nghệ đều như vậy.

Ví thử kiến trúc sư George Nakashima có ở đây giờ này, tôi cá rằng ông sẽ rất hồ hởi đàm luận không biết mệt về những chi li phức tạp trong việc tạo hình một khối mộc nào đó.  Còn chúng ta hẳn sẽ đáp lại với ông rằng, Vâng Vâng, thưa ngài Nakashima, ông tôi hiểu rồi. Và rồi ông sẽ thì thầm vào tai chúng ta rằng, Nghe này, lũ nhóc, muốn làm ra được một thứ đồ mộc nội thất tinh tế, nhất thiết phải để linh hồn của cây cối được sống. Hãy tái sinh cho cây cối...Một khi làm được điều đó, đồ vật mà các người tạo ra sẽ trường tồn với thời gian.

 

Trường tồn.

 

Một thứ đồ bằng gỗ bằng đá hẳn sẽ là một chứng tích. Chúng luôn có những đường biên và có khả năng “hoàn bị”. Từ những thớ gỗ, bột giấy hay sắt thép, chúng trở thành những ý niệm hữu hình bất di bất dịch. Sự vững chãi đó hẳn sẽ bị lu mờ khi ta sống và tạo tác nên những thứ “online”. Thế giới “Online” không có những lằn ranh và là nơi cho ta có thể bông đùa với sự vô hạn. Ta đánh đổi sự rắn chắc để có được những lợi lộc tức thời và vô hạn. Quả thật đó là một thương vụ không tồi chút nào.

Mỗi cuốn sách bằng giấy bằng keo luôn là một bội số. Mỗi khoảnh khắc trôi qua để bạn suy tính, thử nghiệm, kiểm thử, in thử, thử in, hít hà, ve vuốt, cân đong một cuốn sách giấy sẽ được nhân lên hàng trăm ngàn lần khi nó trở thành niềm vui cho người đọc, đời này qua đời khác. Và dẫu độc giả không để ý đến mấy thứ lặt vặt đó đi nữa thì họ cũng vẫn sẽ cảm nhận được sự khác biệt toát ra từ cuốn sách. Đó là điều mà bạn phải tin tưởng.

[...]

Một cuốn sách với khoảng lề hợp lý nói lên một vài điều. Đầu tiên, nó nói lên rằng chúng ta để tâm đến những trang giấy. Nó cũng nói lên rằng chúng ta để tâm đến những con chữ. Chúng ta để tâm làm sao để con chữ và trang giấy có thể nằm trong một tỉ lệ hài hòa nhất. Chúng ta sẽ không đời nào chấp nhận việc co ép văn bản để tiết kiệm ngân sách. Chúng ta cũng sẽ không hấp tấp đẩy những con chữ cách quá xa rãnh sách.

Mỗi cuốn sách được căn lề chuẩn chỉ nói lên rằng, Chúng tôi - những người làm sách, tôn trọng các bạn, thưa các độc giả thân mến, thưa Tác giả đáng kính, và lẽ dĩ nhiên, thưa Cuốn sách yêu quí.

[...]

Những tác phẩm dù có được in trên loại giấy thượng hạng đi nữa nhưng nếu không canh lề hay có nhưng mất cân đối thì chúng cũng chỉ là đồ bỏ. Hoặc giả với lòng cảm thông sâu sắc nhất, hẳn ít nhất chúng ta cũng sẽ thấy chạnh lòng. (Vì chẳng có cuốn sách hỏng lề nào có thể truyền cảm hứng được cho chúng ta hết). Tôi biết điều này có vẻ rất khó nghe. Nhưng sự thực là một cuốn sách với cái lề thiếu thẩm mỹ sẽ chỉ hữu dụng như một cái búa cán cụt vậy. Với cái búa như thế, tất nhiên bạn vẫn sẽ có thể đóng đinh, chỉ có điều việc đóng đinh khi ấy sẽ chẳng còn mấy thú vị nữa.

Hmmm, nó chưa đủ độ bám cho lắm ý mà...

Trái lại, một cuốn sách dẫu được in trên loại giấy rẻ tiền, thô ráp nhưng có một tỉ lệ giữa khối chữ và trang giấy tuyệt vời sẽ khiến những kẻ sành sỏi phải mỉm cười (còn với những người bình thường thì hẳn đó cũng sẽ là một cảm xúc dễ chịu). Cái lề giấy đẹp đẽ đó nói lên rằng: Tuy kinh phí in ấn của chúng tôi có thể hạn hẹp, nhưng bạn à, chúng tôi vẫn sẽ để tâm đến những điều nhỏ nhất.

Để tâm không nhất thiết đồng nghĩa với sự tốn kém, nó chỉ đơn thuần là sự tập trung, khiêm nhường và tỉ mẩn. Để tâm chính là ngọn nguồn mang lại xúc cảm tuyệt vời nhất mà bạn có thể cảm nhận được từ công việc chế tác đồ kỹ nghệ. Để tâm vào công việc thiết kế sách là đức tính có thể được thể hiện qua nhiều khía cạnh, nhưng có lẽ cái lề là thứ soi chiếu được rõ nhất tinh thần đó mà thôi.

 

Mỗi cuốn sách là một tấm gương phản chiếu tâm hồn và thể xác.

 

Robert Bringhurst từng miêu tả mối quan hệ giữa các khối chữ và trang giấy (tức lề giấy) trong chương Tạo hình trang giấy của tác phẩm Các Yếu tố trong Phong cách Typo (Elements of Typographic Style) như sau:

Mỗi trang viết là một trang giấy. Tỉ lệ giữa cái vô hình và hữu hình chính là bản hòa âm lặng lẽ làm nền cho cả cuốn sách. Nhờ nó mà những khối chữ có thể giao cảm được với mỗi trang giấy. Trang giấy và khối chữ tạo nên một sự cân chỉnh về hình học. Và chỉ cần một mình sự cân chỉnh hình học này thôi cũng đã đủ để làm người đọc phải đắm say với cuốn sách đó rồi.

Giờ hãy với tay lấy một cuốn sách mà bạn thích. Bạn sẽ thấy được sự nghiêm chỉnh và lòng tận tâm của những người chung tay tạo ra cuốn sách đó vén lộ ngay từ cái lề. Nếu như nó có vấn đề, bạn hãy cẩn thận với cuốn sách đó! Nội dung của nó rất có thể cũng đã bị xén bớt. Có lẽ giới viết sách nên cân nhắc yêu cầu thêm vào trong hợp đồng của mình điều khoản về lề giấy. Đừng khoan nhượng, hỡi những tác giả đáng kính! Đừng bao giờ để cái bìa sách màu mè đánh lừa bạn. Hãy luôn nhớ rằng: bìa sách chỉ là cái vỏ bọc bảo vệ những trang giấy có lề nhã nhặn mà thôi.

[...]

Bringhurst từng nhận định: Năm mươi phần trăm phẩm chất cũng như sự trọn vẹn của một trang giấy in nằm ở phông chữ. Phần lớn trong tỉ lệ năm mươi phần trăm còn lại nằm ở lề giấy.

Ừ, anh nhìn này  - loại giấy từ điển hoàn hảo là thứ phải bám được vào những ngón tay nhưng không được dính vào những trang giấy khác: anh chàng “Dictionary Man” nói.

Linh hồn của George Nakashima thì nhắn gửi: Hãy làm ra những đồ vật trường tồn với thời gian.

“Paper Man” thì tự nhủ lòng: CHÚNG TÔI SẼ CỐ GẮNG LÀM TỐT HƠN!

Cuốn sách của ngày mai bắt đầu chính từ việc căn lề giấy ngày hôm nay.

 

Craig Mod (blogger kiêm nhà thiết kế sách) 

Ngôn Thành lược dịch từ blog của CraigMod

 

[i] Tác giả không nói rõ tiêu đề bộ phim này, song nhiều khả năng đây chính là bộ phim The Great Passage (Fune Wo Amu), một tác phẩm điện ảnh của đạo diễn Yuya Ishii được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Shion Miura. Xem thêm Người đan chữ xếp thuyền, bản dịch của Nguyễn Kim Hoàng, Skybooks & NXB Thế giới.

Tags: