Làm sao để giàu có về tinh thần?
Bạn không thể thay đổi toàn bộ thế giới này. Cuộc đời chỉ dài bằng một gang tay, nó sẽ trôi qua rất nhanh. Bạn không thể đặt ra điều kiện rằng: "Tôi chỉ vui vẻ khi nào cả thế giới thay đổi và tất cả mọi người đều được hạnh phúc". Điều này sẽ không bao giờ xảy ra và nó không nằm trong khả năng của bạn. Nếu chỉ có một cách khiến bạn hạnh phúc là mọi người hạnh phúc, thì bạn sẽ không bao giờ có thể làm được điều đó.
Cũng giống như nếu bản thân bạn nghèo, bạn sẽ không thể giúp đỡ người nghèo. Họ tôn thờ đức Mahatma Gandhi chỉ vì ông đã cố gắng sống như một người nghèo. Nhưng sống như một người nghèo, bạn sẽ không giúp được người nghèo. Nếu vị bác sĩ bị mắc bệnh khi chữa cho bệnh nhân, ông ta sẽ thất bại, bởi vì đây là thời gian ông ta cần đầy đủ sức khỏe để có thể giúp đỡ người khác. Lập luận này có vẻ kỳ quặc, nhưng nó đã trải qua biết bao thế kỷ: Rằng, nếu bạn muốn giúp người nghèo, hãy sống như một người nghèo. Tất nhiên người nghèo sẽ kính trọng và yêu mến bạn, nhưng điều đó chẳng giúp được gì cho họ, nó chỉ thỏa mãn bản ngã của bạn.
Chúng ta đã từng sống ích kỷ, vậy thì hãy biến đổi bản thân mình trước. Chỉ khi nào sống yên bình, mạnh khỏe, chúng ta mới có thể tạo nên nguồn lực nuôi dưỡng người khác - những người bị đói khát về tinh thần.
Con người thực ra không khó để có được sự giàu có về vật chất: Chỉ cần một chút khoa học, một chút kỹ thuật, con người sẽ có được điều đó. Vấn đề cốt lõi là làm sao để có được sự giàu có về tinh thần.
Cảm giác giàu có bên trong tâm hồn khiến chúng ta lần đầu tiên cảm thấy mình sâu sắc hơn, tử tế hơn và có khả năng nhận thức được nguồn năng lượng tinh thần của chính mình. Nhưng ý nghĩa của cuộc sống sẽ biến mất khi bạn chỉ chăm chút cho sự giàu có vật chất bên ngoài, bỏ mặc sự nghèo nàn tinh thần.
Người giàu có sẽ cảm thấy cảnh bần cùng của mình nhiều hơn người nghèo khổ, bởi vì người nghèo khổ không có cảm giác về sự đối nghịch đó. Bên ngoài là bóng tối, bên trong là bóng tối, người nghèo khổ biết rằng bóng tối chính là cuộc sống của họ. Nhưng vì ánh sáng có mặt ở bên ngoài, người giàu sẽ khao khát một điều mới lạ hơn: mong muốn tinh thần mình được tươi sáng. Khi ấy, người giàu thấy rằng sự giàu có bên ngoài là có thể, vậy tại sao mình không thể giàu có bên trong?
Khi người chiếm hữu trở thành kẻ bị chiếm hữu
Trong niềm vui sống, chúng ta yêu cả thế giới này - yêu mặt trời, mặt trăng, ngôi sao, bông hoa, bầu trời, quả đất. Hãy tận hưởng chứ đừng cố chiếm hữu. Người chiếm hữu sẽ trở thành kẻ bị chiếm hữu bởi chính lòng ham muốn của anh ta. Đó là lý do vì sao nhiều người giàu có trở nên khổ sở, họ sống như một người đói khát. Họ có tất cả tiền bạc trên thế giới nhưng chẳng khác nào những kẻ hành khất.
Vài thập kỷ trước, có một người đàn ông giàu nhất thế giới tên là Nizam sống ở vùng Hyderabad. Ông giàu đến mức không ai có thể ước lượng được tất cả những gì ông có. Kho báu của ông đầy kim cương, tất cả mọi thứ đều làm từ kim cương. Thậm chí, cái chặn giấy của ông ta cũng là viên kim cương lớn nhất thế giới, viên kim cương nổi tiếng của Ấn Độ Kohinoor cũng chỉ bằng một phần ba kích thước của cái chặn giấy đó. Ngày ông qua đời, cái chặn giấy được tìm thấy trong đôi giày của ông.
Vậy mà người đàn ông này lại sống trong nỗi khổ sở cùng cực. Đến người ăn mày cũng sống tốt hơn ông ta. Nizam thường lượm những mẩu tàn thuốc mà người khác đã hút rồi. Ông không hề mua thuốc, ông chỉ thu nhặt những mẩu tàn thuốc để hút. Trong suốt năm mươi năm, ông ta chỉ sử dụng mỗi một cái nón vải cũ nát, hôi hám khủng khiếp! Và ông ta chết trong sự rách rưới, bẩn thỉu cùng cực như chính chiếc nón vải đó. Nizam cũng không bao giờ thay đổi quần áo. Người ta nói rằng ông ta thường mua áo quần từ chợ bán những đồ dùng cũ rách đã qua sử dụng. Đôi giày của ông ta chắc hẳn là bẩn nhất thế giới, nhưng ông ta chỉ đem nó đi sửa một lần, chứ không hề mua thêm đôi khác.
Người đàn ông giàu nhất thế giới đã sống trong cảnh khổ sở và bần tiện. Toàn bộ cuộc đời ông ta là như thế. Ông ta sống trong hố sâu đen tối của thói ham muốn sở hữu! Tính chiếm hữu là căn bệnh của ông ta, là cơn nghiện của ông ta. Ông ta muốn sở hữu mọi thứ. Ông ta muốn nhiều và nhiều hơn nữa. Chúng ta không thể ăn kim cương, nhưng suốt cuộc đời mình, ông ta không ngừng tìm mọi cách nuốt chửng loại "thực phẩm khó nhai" này. Ông ta lo sợ đến nỗi không thể ngủ được - bởi ông ta rất sợ ai đó đánh cắp tài sản của mình.
Và chúng ta hiểu vì sao cái chặn giấy kim cương lại nằm trong chiếc giày của ông. Hẳn là ông đã giấu nó để không ai có thể đánh cắp nó. Thậm chí đến lúc chết, ông ta vẫn bận tâm đến kim cương nhiều hơn chính cuộc sống của ông. Ông ta không bao giờ cho ai bất cứ thứ gì.
Điều này cũng xảy ra với những người chiếm hữu quá nhiều: Họ không biết sử dụng tài sản, họ bị tài sản điều khiển và chiếm hữu trở lại. Họ không phải là ông chủ của những gì họ sở hữu mà họ phục tùng chúng. Họ chỉ biết còm lưng tích góp và đến lúc chết, họ cũng chưa bao giờ thỏa mãn với những gì họ có.
Chúng ta đến với thế giới này với hai bàn tay trắng và khi ra đi cũng y như thế, vậy tại sao phải cố tìm cách chiếm giữ tất cả cho riêng mình? Người thông minh sẽ sử dụng cuộc sống một cách tốt đẹp và thận trọng. Sau đó thế giới sẽ dâng tặng lại kho báu cho chúng ta. Đừng bao giờ trói buộc mọi thứ, bởi vì ngay trong lúc bạn trói buộc, bạn đã rơi vào trạng thái mờ mịt.
Làm thế nào để sống hạnh phúc một cách sâu sắc? Hãy chấm dứt tham vọng vì nó chính là rào cản. Tham vọng là chướng ngại của bản ngã: "Tôi muốn trở thành cái này, tôi muốn trở thành cái khác - tôi muốn nhiều tiền hơn, muốn tài năng hơn, muốn uy thế hơn". Nhưng hãy nhớ rằng, người chiến thắng sẽ gieo mầm thù hận bởi họ đã khiến kẻ thất bại đau khổ. Hãy từ bỏ chiến thắng và thất bại, hãy tìm lấy sự thanh thản. Nếu bạn muốn tìm thấy niềm vui, hãy quên đi chiến thắng và thất bại. Cuộc sống là cuộc vui đùa, là trò chơi. Hãy chơi thật đẹp, hãy quên chuyện thành bại, được mất.
Tinh thần thực sự của người tham gia thể thao không phải ở chỗ thắng thua. Đơn giản là họ thích chơi. Như thế mới là người chơi thực sự. Nếu chúng ta cố gắng chơi để giành chiến thắng, ta sẽ chơi với áp lực căng thẳng. Chúng ta sẽ không còn thời gian quan tâm đến chính trò chơi, đến niềm vui thích và sự bí ẩn của nó mà chỉ quan tâm đến kết quả. Chúng ta không cần phải sống nặng nhọc đến thế.
Hãy sống bình an và đừng cố tạo ra ý niệm lo âu về những gì sẽ diễn ra. Nếu bạn cứ muốn phân định thắng bại, cuộc chơi sẽ chẳng còn ý nghĩa. Cái chết sẽ mang mọi thứ ra đi. Việc bạn là kẻ chiến bại hay chiến thắng đều vô nghĩa. Chỉ có một điều thường trực và quan trọng nhất là bạn đã chơi như thế nào. Bạn có thích trò chơi ấy không? Bởi lẽ, mỗi giây phút chơi đùa là mỗi giây phút của niềm hạnh phúc viên mãn, sâu sắc và vĩnh hằng.
Theo Hạnh phúc tại tâm - Osho
First News