Làm thế nào để hiểu sâu sắc những tri thức từ các cuốn sách 'khó nhằn'?
Làm thế nào để hiểu sâu sắc những tri thức từ các cuốn sách 'khó nhằn'?
Lời khuyên hữu ích nhất về cách đọc sách đối với tôi có lẽ đến từ một nhà sản xuất phim đồng thời là một nhà quản lý tài năng, người đã bán hơn 100 triệu albums và thu lãi hơn 1 tỷ USD tại phòng vé. Vào một ngày đẹp trời, ông nói với tôi rằng, “Ryan, đọc nhiều sách chưa bao giờ là đủ. Để làm được những điều vĩ đại, bạn phải đọc sách để trở thành lãnh đạo”.

Câu nói của ông có ngụ ý, ở một độ tuổi nhất định, khi hầu như không ai đọc sách thì chỉ cần bạn cầm trên tay một cuốn sách nào đó cũng xứng đáng nhận được lời khen rồi. Tuy thế, điều này vẫn là chưa đủ, bạn cần đọc sách để trở thành nhà lãnh đạo. Điều này có thể hiểu là bạn cần đưa chính mình lên một trình độ cao hơn.

Bạn từng xem những cuốn sách mà dường như mỗi câu, mỗi chữ cứ nhảy múa trước mắt bạn, bạn không thể hiểu điều gì đang diễn ra. Vậy thì đó mới là các cuốn sách mà một nhà lãnh đạo cần phải đọc.

Đối với tôi, điều này cho thấy bạn cần đào sâu nghiên cứu những vấn đề mới lạ ở các cuốn sách từ tiểu sử đến kinh doanh, từ cổ điển đến hiện đại tới khi nào bạn cảm thấy dễ dàng tiếp thu các kiến thức trong những cuốn sách “khó nhằn” đó.

Tôi xin kể câu chuyện về những điều kỳ diệu đã diễn ra trong cuộc đời tôi. Ở tuổi 19, tôi là một nhân viên ở Hollywood. Bước sang tuổi 21, tôi là Giám đốc Marketing cho một công ty thương mại và khi tôi 24 tuổi, tôi đã có 5 cuốn sách lọt vào hàng sách bạn chạy nhất và làm việc tại nhà xuất bản lớn nhất thế giới. Tôi đã từng bỏ đại học giữa chừng nhưng may mắn thay, tôi lại gặp được những người giáo viên tốt nhất thế giới: Đó chính là những cuốn sách “khó đọc nhất”.

Căn hộ tôi sống chứa đầy sách mà có lẽ tôi cũng chưa thẩm thấu hết kho kiến thức khổng lồ đó. Tôi biết thật sự không dễ dàng gì để biến những tri thức trong các cuốn sách thành của mình nhưng khi vận dụng các bí quyết mà tôi chia sẻ dưới đây, tôi nghĩ mình hoàn toàn có thể làm được. Và quá trình này bắt đầu trước khi bạn cầm trên tay và mở chính cuốn sách mới tinh đó ra.

 

 

Trước khi đọc sách

 

 

Từ bỏ tư duy đọc sách ở trường

Cách bạn đọc trên lớp học chỉ đơn giản là để phục vụ các bài kiểm tra. Những bài kiểm tra đó thường không chứng mình được bạn hiểu hay quan tâm đến tài liệu mà chỉ cho thấy bạn đã dành thời gian đọc cuốn sách đó mà thôi. Giáo viên thường chọn những chỗ không rõ nghĩa trong văn bản và đánh đố xem bạn hiểu đoạn đó ra sao. Chẳng hạn như: “Đặt tiêu đề cho đoạn văn”, “Đâu là các nhân vật chính trong Chương 4?”. Đôi khi những kỳ thi như vậy đã hình thành nên thói quen đọc sách cho chúng ta. Giờ đây bạn hãy nhớ rằng, bạn đọc sách cho bản thân mình. Chúng ta hãy nói đến việc bạn đang đọc cuốn “Lịch sử Chiến tranh Peloponnesian”. Cuốn sách nói về cuộc xung đột giữa Corinth và Corcyra. Tuy nhiên, đây không phải là điều đáng ghi nhớ, cuộc chiến uỷ nhiệm đã thúc đẩy sự đối đầu giữa Athens và Sparta.

Điều bạn cần rút ra sau khi đọc cuốn sách này nằm ở chỗ: hai bên chiến đấu nhằm giành được sự hỗ trợ từ Athens, một bên đi theo hướng “bạn nợ chúng tôi một ơn huệ” và bên còn lại luôn bóng gió nói đến tất cả những lợi ích sẽ đến từ việc trợ giúp họ. Bạn thử đoán xem bên nào đã giành chiến thắng? Địa điểm, tên gọi, thời gian ư? Những yếu tố đó không quan trọng. Bài học rút ra mới là điều quan trọng.

Đọc đoạn kết

Khi bạn bắt đầu đọc một cuốn sách, bạn luôn tìm đến trang Wikipedia (hoặc Amazon hoặc một người bạn) và tìm hiểu xem phần kết thúc của cuốn sách đó ra sao. Nhưng ai quan tâm đến điều đó làm gì cơ chứ? Mục đích của độc giả là hiểu lý do vì sao chuyện đó đã diễn ra, điều gì chỉ được coi là thứ yếu.

Bạn hãy từ bỏ thói quen đó bởi chỉ có vậy, bạn mới tập trung vào hai nhiệm vụ quan trọng nhất cần làm:

  • Cuốn sách đó chứa giá trị tư tưởng gì?
  • Liệu bạn có đồng ý với tư tưởng đó không?

50 trang sách đầu tiên của cuốn sách không phải là một quá trình khám phá dành cho bạn; bạn không nên phí hoài thời gian tìm hiểu điều tác giả đang cố gắng nói về cuốn sách là gì.

Thay vào đó, bạn nên dành năng lượng để đánh giá xem tác giả có viết đúng không và bạn nhận được gì từ việc đọc cuốn sách đó. Thêm vào đó, nếu bạn đã biết chuyện gì xảy ra, bạn có thể dự đoán trước và tìm ra các manh mối trước khi đọc hết cuốn sách.

Đọc các bài bình luận

Tham khảo ý kiến từ những người từng đọc cuốn sách mà bạn quan tâm và xem họ cảm thấy đâu là những điểm quan trọng của cuốn sách đó. Từ trang Amazon đến The New York Times, bạn có thể tìm thấy rất nhiều bài đánh giá về nội dung cuốn sách. Vì vậy, bạn có thể suy luận ra giá trị tư tưởng của tác phẩm và điều gì có ý nghĩa với những người khác.

 

 

Trong khi đọc sách…

 

 

Đọc phần mở đầu

Tôi biết đôi khi, bạn cảm thấy khó chịu khi đọc phần mở đầu nhưng đây lại là những điều rất quan trọng.

Mỗi lần tôi bỏ qua phần mở đầu, tôi luôn phải trở lại đọc nó. Bạn nên đọc phần giới thiệu, kể cả các lời chú thích của biên tập viên ở trang cuối. Điều này đã làm tăng hiểu biết của bạn trước khi bạn thực sự đọc những nội dung chính của cuốn sách.

Bạn hãy nhớ rằng, nếu bạn muốn có được lợi thế nào đó, bạn phải đọc cuốn sách cao hơn trình độ hiện tại của bạn. Bạn cũng đừng quên bỏ qua những nội dung cho bạn biết rõ hơn bối cảnh ra đời tác phẩm.

Tra cứu thông tin trong lúc đọc

Nếu bạn đọc sách để trở thành lãnh đạo, bạn sẽ bắt gặp những ý tưởng và từ ngữ bạn chưa bao giờ biết đến. Vì vậy, bạn đừng giả bộ như thể bạn hiểu hết, bạn hãy tìm kiếm. Tôi thích dùng điện thoại để tìm kiếm thông tin trên Wikipedia. Chẳng hạn, khi bạn đọc cuốn sách “Military History”, bạn có thể thấy Wikipedia là nơi tuyệt vời để giúp bạn tìm kiếm các loại bản đồ và hiểu hơn về địa hình.

Đánh dấu các đoạn văn quan trọng

Tôi thường đánh dấu những đoạn văn khiến tôi quan tâm, làm tôi suy nghĩ, đó là các nội dung quan trọng của cuốn sách. Khi bạn không có bút đánh dấu, bạn chỉ cần gấp mép cuối trang. Nếu bạn đang tra cứu điều gì đó trong lúc đọc, bạn nên gấp góc trên của trang sách và trở lại đọc nó.

Tôi luôn cầm trên tay một chiếc bút và viết vào giấy bất cứ suy nghĩ/ cảm xúc mà tôi cảm nhận được từ văn bản.

Tốt hơn hết là bạn nên cầm sẵn một chiếc bút và chuẩn bị một cuốn sổ để ghi lại bất cứ suy nghĩ hay cảm xúc nào đó chợt đến với bạn trong lúc bạn đọc cuốn sách. Bởi nếu không nhanh tay ghi lại những cảm hứng ngẫu nhiên đó, bạn dễ có nguy cơ đánh mất chúng. Bạn đừng e ngại làm quyển sách trở nên rối rắm với các thẻ đánh dấu và ghi chú trong đó.

 

 

Khi đã đọc hết cuốn sách

 

 

Xem lại một lượt toàn bộ cuốn sách

1-2 tuần sau khi đọc hết cuốn sách, tôi thường xem lại cuốn sách và tạo ra một chồng thẻ thư mục kích thước 10x15 cm. Tôi viết lên một trong những tấm thẻ đó những đoạn văn tôi cho là quan trọng.

Điều này nghe có vẻ lạ tai nhưng lại là một thủ thuật do Tobias Wolff nghĩ ra và được nhiều người làm theo. Ai đó từng nói rằng: “Khi bạn sử dụng năng lượng để viết lách thì bạn có nhiều khả năng để khiến những con chữ ấy trở nên có ý nghĩa”). Vì vậy, mỗi tấm thể ấy luôn được viết theo một chủ đề riêng và tôi xếp chúng đầy chặt trong một chiếc hộp.

Sau 4-5 năm làm như vậy, tôi đã nhận được gì ư? Hàng ngàn thẻ được xếp trong hàng tá chủ đề - từ Tình yêu, Giáo dục đến Những trò đùa về cái chết. Khi tôi đặt bút viết về một chủ đề nào đó hoặc tìm cách giải quyết một vấn đề rắc rối, tôi đã có trong tay cả kho dữ liệu quý giá.

Đọc một cuốn sách từ trang tài liệu tham khảo cuối sách

Tôi đã cố gắng học theo quy tắc nhỏ này: trong mỗi cuốn sách tôi đọc, tôi đều cố gắng tìm kiếm cuốn sách hay tiếp theo mình nên đọc ở phần chân trang hoặc danh mục tham khảo. Đây là cách bạn có thể xây dựng cho mình một nền tảng kiến thức vững chắc cho một môn học hoặc một chủ đề nào đó.

Thông qua dịch vụ Amazon’s Wish List, bạn chỉ cần có một danh sách về những cuốn sách bạn dự định sẽ đọc. Vào tháng trước, tôi đọc một cuốn sách về Tâm lý Tiến hoá và phát hiện ra rằng, tôi đọc gần như 80% nguồn tham khảo được liệt kê trong cuốn sách trên.

Áp dụng những điều học được từ cuốn sách

Vì một lý do nào đó, tôi tô đậm các đoạn văn. Tại sao bạn lại ghi chép các câu trích trong khi bạn sẽ chẳng bao giờ nhớ đến và sử dụng chúng?

Thả chúng vào các cuộc trò chuyện. Bóng gió nhắc đến chúng trong các bài viết, emails, thư từ và cuộc sống hàng ngày của bạn.

Tôi xin trích dẫn lại lời của Seneca:

Lời khuyên của tôi là: Để hạnh phúc, chúng ta có thể làm theo những điều các nhà triết học nói và trong các tác phẩm của họ. Chúng ta nên săn tìm những bài viết hữu ích về giáo dục và các câu nói cổ vũ tinh thần chứ không phải những bài phát biểu sáo rỗng.

Bạn hãy nhớ rằng, chúng ta đọc sách về lãnh đạo để thu nhận các bài học đạo đức và thực tiễn. Vấn đề là bạn cần nắm bắt những thứ đọc và chuyển chữ nghĩa thành các tác phẩm, như Seneca từng nói.

 

 

Kết luận: Tất cả là tuỳ thuộc vào bạn

 

 

Đương nhiên, không có việc nào đơn giả cả. Khi mọi người nhìn thấy những cuốn tràn ngập các ghi chú mà tôi mang theo bên mình, họ luôn hỏi tôi rằng, đó có phải là các cuốn sách tôi đang nghiên cứu hay không. Tại sao tôi lại chịu khó làm viết những chú thích đó đến vậy? Lý do đơn giản là vì tôi yêu thích công việc đó và vì đó là thứ duy nhất cứu vớt tôi khỏi sự dốt nát.

Tôi đã trình bày với bạn các kỹ thuật cho phép tôi vượt qua những bạn đồng trang lứa chỉ trong vài năm. Đó là cách tôi xoá bỏ chính mình và tạo dựng sức mạnh thay vì để cho một thầy giáo hay cô giáo nào đó chỉ cho tôi thấy, tôi có thể làm gì.

Tôi đã phải trả một cái giá đắt: mua hàng ngàn cuốn sách và đầu tư nhiều giờ để học hỏi những điều tinh tuý trong chồng sách đó. Bạn đã từng tham gia nhiều khóa học hoặc chương trình đắt tiền chưa? Tôi nghĩ rằng, bạn nên dành thời gian quý báu cho việc đọc và lĩnh hội các tri thức trong những cuốn sách. Việc làm đó khôn ngoan hơn rất nhiều so với việc bạn đi tham dự một hay hai buổi nói chuyện. Nếu bạn kiên trì với thói quen đọc sách đúng cách thì việc này sẽ thúc đẩy bạn tiến xa hơn.

Do đó, bạn hãy thử cách này xem sao: Nghiên cứu, siêng năng đọc sách mà không sa lầy vào những thứ tiểu tiết và sau đó áp dụng những gì mình học được. Đó chính là việc mà một nhà lãnh đạo thường làm. Tôi nghĩ bạn sẽ nhận ra rằng, bạn có thể đọc những cuốn sách ở trên mức hiểu biết hiện tại của bạn và rằng mọi người sẽ noi theo bạn. Nếu bạn đọc sách đúng cách thì những cuốn sách đó với tư cách là tác giả vĩ đại sẽ trao tặng lại bạn những giá trị tuyệt vời:

“Sách mang niềm vui đến mọi ngóc ngách trong con người ta. Chúng nói chuyện với ta, quan tâm đến chúng ta và đồng hành cùng ta trong cuộc đời này và cả những chuyện vô cùng thầm kín”.

Trên đây là bí quyết đọc sách của Ryan Holiday, tác giả cuốn sách bán chạy nhất mang tên “Conspiracy,” “Ego is the Enemy” và “The Obstacle Is The Way”.

Theo Medium

Minh Phương

Tags: