Làm ơn chú ý! Bạn sẽ thấy điều này hữu ích
Làm ơn chú ý! Bạn sẽ thấy điều này hữu ích
Bạn nghĩ là điện thoại đang rung, bạn nhấc máy lên và nhận ra chẳng có ai nhắn tin hay gọi đến cả. Thật là lạ phải không?
Bạn để ý ai càng nhiều thì càng có xu hướng làm giống như người ấy. Điều gì ta chú ý đến sẽ điều khiển hành vi của ta và ảnh hưởng đến những gì ta cảm thấy.

Chúng ta thường tập trung vào những gì ta nghĩ sẽ khiến ta hạnh phúc, ví dụ như một thứ đồ mới, hơn là những thứ kích thích thực sự khiến bạn hạnh phúc, như những người bạn cũ. Điều này ngăn ta có được những trải nghiệm hạnh phúc nhất trong đời mà lẽ ra ta có thể có.

Tất cả chúng ta đều nghe về rối loạn giảm chú ý (attention deficit disorder). Nhưng thế giới hiện đại ngày nay lại khiến chúng ta trở thành nạn nhân của rối loạn xao nhãng chú ý (attention distraction disorder).

Rất dễ nghiện kiểm tra mail, Twitter hay Facebook hàng ngày để cập nhật tin tức từ những người bạn trên mạng xã hội. Chúng ta chỉ đơn giản là không ngừng làm việc ấy được. Trong một nghiên cứu Khoa học Tâm lý gần đây, 205 người được hỏi trong bảy lần trên một ngày rằng họ có thể ngừng dùng mạng xã hội mỗi khi họ muốn không, và gần nửa số lần ấy họ đã thất bại, tức 3/7 lần họ đã không ngừng lên mạng được. Tỉ lệ này cao hơn so với những hoạt động khác như uống cà phê, hút thuốc hay quan hệ tình dục.

Hội chứng xao nhãng chú ý đang dần thay đổi cả tâm trí và cuộc sống của chúng ta. Những bộ não nghiện sử dụng mạng thì có dấu hiệu co rút lại, giống như não của người sử dụng ma túy và chất kích thích khác. Các bác sỹ y khoa đã công bố về chứng mất trí nhớ điện từ, một sự suy giảm không thuận nghịch trong sự phát triển não bộ và chứng trí nhớ kém của những đứa trẻ dành quá nhiều thời gian vào các thiết bị điện tử như máy tính và điện thoại di động.

Công nghệ làm chúng ta xao nhãng kể cả khi ta không dùng đến nó. Có lẽ bạn đã từng trải qua điều mà các nhà nghiên cứu ngày nay gọi là hội chứng PVS (Phantom Vibration Syndrome): bạn nghĩ là điện thoại đang rung, bạn nhấc máy lên và nhận ra chẳng có ai nhắn tin hay gọi đến cả.

Công nghệ cũng giúp chúng ta làm được nhiều việc cùng một lúc. Bạn đang đọc một bài báo mạng thì thấy có đính kèm một link ở phía dưới, điều này khiến bạn bối rối về những gì mình đang đọc so với những gì được viết ở trong link, kể cả khi bạn không nhấn vào link đó. Nếu bạn được yêu cầu giải một câu đố ô chữ và một hình số Sudoku, bằng chứng chỉ ra rằng bạn sẽ hoàn thành chúng nhanh hơn nếu bạn lần lượt giải từng hình thay vì lật qua lật lại làm cả hai cái.

 

Liều thuốc tốt nhất cho chứng xao nhãng chú ý chỉ đơn giản là tắt điện thoại bạn đi và ngừng kết nối mạng mọi lúc.

 

Những người chơi trò xếp điện thoại  đều đồng ý với tôi: trước bữa ăn, tất cả mọi người đặt điện thoại thành một chồng trên bàn, ai cầm điện thoại lên trước tiên sẽ phải trả tiền ăn. Có một vài ứng dụng thậm chí còn giúp bạn ngừng sử dụng những ứng dụng khác, như Freedom ngăn không cho bạn lên mạng mỗi khi bạn có ý định lướt web.

Sự tập trung chú ý của chúng ta là một nguồn khan hiếm. Chẳng phải tình cờ gì khi người ta nói “pay attention” (chú ý) mỗi ngày: khi bạn để ý vào một thứ kích thích bạn, bạn phải đánh đổi (pay) bằng việc không thể để ý thứ khác. Và dường như chúng ta thường cảm thấy hạnh phúc hơn khi chúng ta chú tâm vào ta làm những gì và ta làm với ai, đấy là khi bạn đang tràn đầy năng lượng.

Xao nhãng đã đánh cắp sự chú ý của bạn và khiến bạn kém hạnh phúc hơn, vậy nên hãy tìm cách thoát khỏi cơn nghiện sống ảo đi. Bạn chẳng có gì để mất cả ngoài chuỗi email dài dằng dặc, cùng tất cả những thứ trước nay đã lấy đi cảm giác hạnh phúc lâu dài của bạn.

 

Trạm Đọc (Read Station)

Theo Paul Dolan - Wired