Thời điểm công nghệ phát triển kéo theo hàng loạt thay đổi trong mọi lĩnh vực. Ngành xuất bản không nằm ngoài quy luật đó. Tuy nhiên, khi sự chuyển mình đang diễn ra chậm thì thế giới lại hứng chịu cuộc khủng hoảng bất ngờ mang tên đại dịch.
"Covid-19 là cơn sóng thần đe dọa đánh sập cả ngành công nghiệp xuất bản, đồng thời cũng tạo động lực chưa từng có để thúc đẩy thay đổi. Chúng tôi buộc phải thừa nhận rằng hiện trạng là không thể chấp nhận được", Giám đốc điều hành Simon & Schuster Jonathan Karp chia sẻ trên Paper Lit.
Để bắt kịp sự thay đổi và tránh việc bị đào thải, AP và Paper Lit đã tổng hợp những xu hướng mà ngành xuất bản nên phát triển trong thời gian tiếp theo.
Theo thống kê và ước tính của Publishers Weekly, thị trường sách điện tử toàn cầu sẽ phát triển liên tục, trở thành trụ cột chính của ngành xuất bản với doanh thu đạt mức 23,12 tỷ USD vào năm 2026.
Sự phát triển của công nghệ mang đến cho người dùng trải nghiệm tương tự như đọc một cuốn sách in thực thụ, đây là yếu tố chính thúc đẩy thị trường sách điện tử toàn cầu.
Bên cạnh đó, việc sử dụng smartphone tích hợp với các tính năng đa ngôn ngữ sẽ giúp các đơn vị phát hành có thêm nhiều hướng phát triển. Các thư viện trực tuyến khổng lồ cũng khẳng định tính tiện dụng của sách điện tử.
Mặt khác, chiến dịch trồng và bảo vệ cây xanh, hạn chế việc sử dụng giấy của các chính phủ cũng phần nào làm tăng nhu cầu về sách điện tử. Tuy nhiên, đại dịch là yếu tố thay đổi thói quen độc sách của người dùng mạnh mẽ nhất.
Thời gian tới, sách điện tử vẫn là nguồn doanh thu ổn định, ít rủi ro và sẽ được các đơn vị xuất bản đầu tư phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Cùng lúc với sự phổ biến của các ứng dụng phát trực tuyến, podcast thì sách nói cũng trở thành xu hướng được ưa chuộng của người dùng.
Theo nghiên cứu Grand View Search, thị trường sách đang phát triển mạnh và sẽ đạt giá trị 15 tỷ USD vào năm 2027.
AP nhận định thị trường sách nói sẽ tiếp tục mở rộng. Trong đó, việc Google Play hiện cung cấp sách nói bằng giọng AI sẽ định hình cách xuất bản mới, dễ tiếp cận và rẻ hơn cho người dùng.
Mặt khác, các phiên bản cao cấp với đa trải nghiệm do nhiều tác giả nổi tiếng thực hiện vẫn sẽ là phân khúc chiếm lĩnh thị trường. Sách nói còn mang đến lợi thế tối ưu thời gian cho người sử dụng, điều này giúp sách nói dễ tiếp cận và phát triển hơn nữa.
Ngoài ra với quy mô và tiềm năng phát triển cùng việc giảm thiểu được phần lớn gánh nặng sản xuất, sách nói sẽ là cánh cửa mà nhiều nhà đầu tư kỳ vọng.
Với sự phát triển của các mạng xã hội như Twitter, Facebook hay Tumblr, nhiều tác giả đang lựa chọn xu hướng viết và xuất bản online. Họ từ bỏ cách xuất bản truyền thống và lựa chọn hoạt động độc lập.
Đặc biệt, đối với những tác giả đã có lượng người theo dõi trực tuyến lớn, cách làm này giúp giảm được hàng loạt bước trung gian. Đồng thời, họ cũng có thể giao tiếp với người hâm mộ và bán hàng trên quy mô lớn.
Theo AP, dù chỉ chiếm một thị phần tương đối nhỏ, song hình thức xuất bản online đang phát triển mạnh mẽ. Thậm chí trong tương lai, nó đe dọa trực tiếp đến các mô hình xuất bản truyền thống.
Đã có nhiều nền tảng kỹ thuật số ra đời nhằm mở rộng và cung cấp dịch vụ (từ sản xuất, phát hành cho đến tiếp thị online) cho các tác giả. Thống kê từ Grand View Search cho thấy nhiều đầu sách bán chạy trên Kindle phần lớn là các tác giả tự xuất bản.
Theo Paper Lit, xu hướng tiềm ẩn đáng lo ngại với giới văn học là sự suy giảm của tiểu thuyết và truyện ngắn.
Dữ liệu từ National Endowment for the Arts cho thấy doanh thu của thể loại tiểu thuyết hay truyện ngắn sụt giảm từ 45% còn 40% và đang tiếp tục đi xuống.
AP phân tích nguyên nhân sự thay đổi này là do loạt dịch vụ phát trực tuyến như Netflix, Hulu và HBO Go chiếm mất thời gian của người dùng. Đồng thời, nội dung tiểu thuyết trên sách được đánh giá là không hấp dẫn như trên màn ảnh, khi nó là sự tổng hòa của âm thanh và hình ảnh.
Ngược lại, sách phi hư cấu lại đang có sự tăng trưởng đột biến lên đến 30%, nổi bật nhất là dòng sách chính trị. Những cuốn sách về các chính trị gia như Obama, Donald Trump, George W. Bush hay Tổng thống Biden đều có doanh số hàng triệu bản.
AP nhận định thị hiếu, thói quen đọc sách cho đến cả nhận thức của người dùng đã thay đổi chóng mặt. Điều này giúp các nhà xuất bản điều chỉnh và đổi mới theo nhu cầu của thị trường.
Smartphone đã khiến việc nghe sách nói trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn bao giờ hết. Sự tham gia của nhiều "gã khổng lồ" như Amazon's Audible, Apple hay Google khiến chất lượng của sách nói ngày càng được nâng cao.
Theo Zing News