Tôi tốt nghiệp đại học với bằng thạc sĩ về văn học, lịch sử, nghệ thuật và những phạm trù tương tự, điều này mang đến hai ý nghĩa: tôi có rất nhiều sách, và tôi không có gì ngoài sách. Vậy nên khi bạn bè đến nhà tôi và chết lặng trước những giá sách khổng lồ, những đồ nội thất cổ kính chứa sách trong nó…tôi biết sẽ có rắc rối cho mình.
Sau một vài ly vang ngọt ngào và những câu đùa tinh tế, tôi bắt đầu trao đi những quyển sách của mình như một sự chia sẻ tuyệt vời. Tôi luôn nghĩ rằng mình sẽ lấy lại chúng sau, nhưng tôi không bao giờ được thấy chúng một lần nữa, hoặc nếu có thì thứ tôi nhận lại được đúng chất là một tập giấy lộn với những trang bị xé, tờ bìa rách nát và những món ăn dính cứng ở trang 47.
Đó thực sự là một nỗi ám ảnh, nhưng tôi luôn cố giữ mình trong trạng thái tích cực, vui vẻ với những người khách đến mượn sách. Dù sao đi nữa sách cũng chỉ là vật chất. Nhưng thay vào đó, tôi đổ mồ hôi hột và bồn chồn mỗi khi ai đó bước vào phòng và rồi thộp lấy một trong số sách của tôi “làm con tin”. Và thật xấu hổ khi chính tôi đây cũng phải thừa nhận rằng trên những giá sách kia có chứa những cuốn sách không phải của tôi. Tôi phải làm sao đây? Tôi có nên cắt đứt mối quan hệ bạn bè với những người làm đổ cà phê lên sách tôi, quệt sô-cô-la vào giấy vở của tôi? Thật là điên đầu với những thứ này, tôi tự hỏi chúng ta có bất kỳ luật lệ nào cho việc mượn sách hay không?
Để giải quyết vấn đề, tôi đi đến những thư viện quốc gia để trò chuyện với những thủ thư ở đó, họ luôn là những chuyên gia trong việc cho mượn sách, đúng không? Để vinh danh tuần lễ Thư viện Quốc gia, đây là những lời khuyên khôn ngoan của sáu thủ thư cho những điều nên làm và không nên làm khi trao đổi sách với nhau.
Ngoài những cuốn thuộc sở hữu quốc gia, thủ thư có cho mượn sách cá nhân của mình hay không?
Nhìn chung, họ ít khi cho mượn sách của mình, vì vài lý do sau đây:
Lý do cuối cùng chiếm 97% số sách bị mất của tôi hiện tại, cuốn sách cuối cùng tôi cho mượn không bao giờ có cơ hội trở về với tôi, kèm theo đó là lời nằn nì của người mượn sách, luôn miệng bảo rằng ‘chắc chắnnnnnnnnnnn rằng tớ đã trả lại cho cậu mà’. Tôi luôn bị dằn vặt về điều này, bởi vì có những cuốn sách tôi thực sự chỉ muốn họ đọc được nó, để biết rằng nó hay và quyến rũ thế nào, song tôi cũng không muốn thư viện mình ngày một trống rỗng dần.
Trên thực tế, cho mượn sách là một điều tuyệt vời. Không có niềm vui nào đối với người đọc sách lớn hơn việc chia sẻ tri thức, cuốn sách như một cầu nối, không chỉ kiến thức đi qua cây cầu đó mà còn có cả tình bạn, sự tin tưởng và trách nhiệm cho đôi bên. Vậy nên sự thất vọng khi nhận được một cuốn sách hư mòn, hoặc tệ hơn là không có cuốn nào về tay cả là điều có thể thấu hiểu. Lời khuyên chung của những thủ thư là họ sẽ chỉ cho mượn đối với những người họ tin tưởng và đảm bảo rằng sẽ trả lại sách, một số coi đó như việc cho đi, vậy nên họ không bao giờ mong sẽ được đáp trả- như một cách để giảm đi sự thất vọng trong tương lai.
Gửi người mượn sách:
Là chủ nhân của những cuốn sách, chúng tôi không chỉ trân trọng mệnh giá vật chất của chúng mà còn cả những điều chúng truyền tải. Vậy nên, theo một lẽ rất thông thường trong giao hảo xã hội, nếu bạn mượn một quyển sách và làm hư nó một cách nặng nề, điều bạn nên làm là mua một cuốn khác thay thế, mới hay cũ tùy thuộc vào kinh tế của bạn, hoặc ít nhất hãy cố gắng làm sạch nó một chút. Và quan trọng nhất là trả lại cho chủ của nó dù nó có thế nào đi nữa, sẽ rất khó chịu, nhưng chúng tôi sẽ vượt qua được điều đó, đừng im ỉm mà giấu đi, sẽ làm tình hình thêm tệ mà thôi!
Hãy hiểu rằng một cuốn sách không chỉ đơn giản là tập giấy in được đóng gáy đẹp đẽ, và nó cũng chẳng là một kho kiến thức đơn giản, nó có thể là một bể đại dương cảm xúc, là nơi chốn tinh thần của mỗi người chúng tôi, và nội với việc sẵn sàng trao nguồn sống tinh thần vào tay bạn đã chứng tỏ sự quan trọng và niềm tin tôi đặt nơi bạn, vậy nên dù bạn không thể nâng niu từng trang sách như tôi đã làm, ít nhất cũng hãy cẩn thận, chú ý đến tình trạng của cuốn sách, đừng để thức ăn vương vãi lên đó. Điều này không chỉ thể hiện bạn đúng với niềm tin tôi dành cho bạn, mà còn thể hiện sự tôn trọng bạn dành cho tri thức, và là dấu hiệu cho thấy bạn yêu sách, quý sách và phù hợp để tiến thêm một bước cho phép ta làm tri kỷ của nhau.
Và với người cho mượn sách:
Trước tiên, hãy luôn nhớ rằng mỗi người đều có quỹ thời gian của riêng mình, có những kẻ cả ngày nằm không, và có những người đầu tắt mặt tối chạy đôn chạy đáo cho cuộc sống mưu sinh, vậy nên đặt thời gian cho việc mượn sách là một điều không nên. Nó không chỉ tạo ra sự gò bó cho người mượn, nó còn mang tính thúc ép và luật lệ quá cao khiến họ không còn cảm thấy thoải mái để thưởng thức nội dung cuốn sách nữa. Dù điều này sẽ đảm bảo sự trở về của cuốn sách, nhưng nó lại gây trở ngại và tạo ra khoảng cách cho mối quan hệ bạn bè. Vậy nên hãy hạn chế nó tốt nhất có thể.
Nếu như không quá tin tưởng một người, bạn có thể dành cho họ một bài thuyết trình ngắn về mức độ quan trọng và ý nghĩa của cuốn sách đối với bạn, việc này có thể hơi mất thời gian, nhưng càng khiến họ cảm nhận được cảm xúc dạt dào của bạn, cơ hội để cuốn sách trở về lành lặn và nguyên vẹn càng cao.
Và điều này nghe có vẻ tiêu cực, nhưng một cách khác để tránh khỏi những cảm xúc thất vọng, buồn chán hay giận dữ là cho cuốn sách đi và không bao giờ mong chờ nó trở lại nữa.
“Hãy đi đi! Mang theo rượu và thuốc lá! Hãy đến bãi biển đi! Và giữ quyển sách cho đến khi tôi quên mất mình đã cho bạn mượn nó!”
– Jessica Harwick.
Điều cuối cùng: Quy tắc Vàng (ngớ ngẩn nhưng hiệu quả)
Có một sự thật rằng những người đọc sách như tôi và bạn thường sống trong lo lắng bất an về số mệnh những quyển sách hơn thủ thư. Thủ thư có vai trò đại diện cho thư viện quốc gia, địa phương hoặc trường học, nghĩa là họ có quyền lực (ít ỏi) nào đó trong tay, chúng ta thì không. Ta hiểu rằng ‘đồ vật’ luôn bị tàn phá, và ai biết ‘những-người-đó’ còn có thể làm gì nữa khi không có ta ở đó để canh chừng?
Tôi biết điều tôi sắp nói đây trái ngược với đề tài của bài viết này, nhưng cách tốt nhất là đừng cho mượn gì cả, và cũng đừng mượn gì ai. Bởi chúng ta có xu hướng bị hấp dẫn bởi bìa một cuốn sách, dù nó cổ kính, nó sặc sỡ hãy nó đơn giản đáng yêu…ta không biết được bên trong nó sẽ nói về điều gì, song ta hãy cứ mượn đã. Và rồi ta để nó ở đó ngày này sang tháng họ, thứ Hai ta bảo rằng mình đang bận với bài tập giải tích, thứ Ba ta bảo rằng mình sẽ đọc sau khi đi chợ về, thứ Tư ta sẽ nói cuốn sách có thể đợi sau bữa ăn trưa... Nếu như có những cuốn sách bạn mua nhưng không bao giờ đọc, thì ắt hẳn cũng phải có những cuốn sách bạn mượn nhưng không bao giờ có ý định đụng tới.
Nếu có một cô gái cho bạn mượn một cuốn sách nhưng bạn lại không muốn đọc nó, chỉ cần nói ra và mọi thứ ổn thỏa, sẽ không có gì tai hại xảy ra. Đừng mang quyển sách về để rồi biến nó thành cái máy hút bụi qua năm tháng trong khi cô bạn đó đang hồi hộp mong chờ liệu bạn sẽ nghĩ gì về nội dung của quyển sách mà cô rất thích! Bởi vì sẽ có một ngày, trong nhiều năm sau từ khi bạn mang quyển sách về, cô ấy sẽ đến nhà bạn cho một chuyến thăm và nhận ra cuốn sách của mình nằm đó, thầm lặng trên giá sách. Và cô sẽ hỏi- với một hy vọng vừa mãnh liệt vừa thống khổ, lòng quặn lại, rằng bạn đã đọc nó hay chưa?
Bạn cười trừ, thì thầm rằng chưa, nhưng hứa rằng sẽ đọc nó khi có thời gian rảnh hơn trong cuộc sống bận rộn này. Bạn không thể biết rằng trái tim cô chùng xuống như thế nào khi cô biết rằng cô đã không chọn đúng người cho cuốn sách để gửi gắm, đó không phải vì bạn là người xấu, đó là vì bạn không hợp với quyển sách đến mức bạn không muốn cầm nó lên lần hai, nhưng lại không mang trả vì ngại ngần điều gì đó.
Bạn của tôi ơi, tôi muốn bạn hiểu rằng sự thành thật là xương sống của mọi mối quan hệ, độc giả, tác giả, kể cả mối quan hệ của bạn với những đối-tác-sách của bạn. Hãy luôn thành thật với cảm xúc của mình, những người đọc sách có thể sẽ rất nhạy cảm, nhưng cũng vì thế mà họ dễ thấu hiểu, chấp nhận và tha thứ cho những lỗi lầm.
Trạm Đọc đăng tải quan điểm của độc giả nhưng không nhất thiết đồng tình với quan điểm đó. Hi vọng các bạn đọc bài với tinh thần khai phóng.
Nam Sơn chuyển ngữ
Theo: Erin Bartnett.