Hãy cùng xem lại cốc cà phê. Kiến thức về cốc cà phê được lưu ở đâu? Có nhiều cột vỏ não trong vùng thị giác nhận thông tin đầu vào từ võng mạc. Mỗi cột thấy được một phần của cái cốc sẽ học mô hình của cả cái cốc và cố gắng nhận diện nó. Tương tự, nếu bạn cầm cái cốc trong tay, thì hàng chục đến hàng trăm mô hình trong vùng cảm giác của tấn vỏ não sẽ hoạt động. Không có một mô hình đơn lẻ nào của cốc cà phê. Những gì bạn biết về cốc cà phê tồn tại trong hàng ngàn mô hình, hàng ngàn cột – nhưng vẫn ít hơn tổng số cột trong tân vỏ não rất nhiều. Đây là lý do chúng tôi gọi nó là Lý thuyết Ngàn não: kiến thức về bất kỳ mục cụ thể nào cũng đều được phân phối trên hàng ngàn mô hình tương hỗ.
Sau đây là một phép loại suy. Giả sử chúng ta có một thành phố 100.000 dân, với một hệ thống đường ống, máy bơm, bể chứa và bộ lọc để cấp nước sạch cho từng hộ gia đình. Hệ thống nước cần được bảo trì để hoạt động tốt. Kiến thức về cách bảo trì hệ thống nước nằm ở đâu? Sẽ là không khôn ngoan nếu chỉ có một người biết điều này và sẽ không thực tế nếu mọi người dân đều biết. Giải pháp là phân phối kiến thức cho nhiều người nhưng không quá nhiều. Trong trường hợp này, giả sử phòng cấp nước có 50 nhân viên. Tiếp tục với phép loại suy này, giả sử hệ thống nước có 100 bộ phận (100 máy bơm, van, bể chứa...), mỗi người trong 50 công nhân biết bảo trì và sửa chữa 20 bộ phận, và các tập hợp này giao nhau.
Vậy kiến thức về hệ thống nước được lưu ở đâu? Mỗi bộ phận trong hệ thống được khoảng mười người biết đến. Nếu một ngày nào đó, một nửa số công nhân bị ốm, thì rất có thể vẫn còn khoảng năm người hoặc nhiều hơn để sửa bất kỳ bộ phận cụ thể nào. Mỗi công nhân có thể tự bảo trì và sửa chữa 20% hệ thống mà không cần giám sát. Kiến thức về cách bảo trì và sửa chữa hệ thống nước được phổ biến trong một số ít dân chúng, và sẽ rất vững vàng dù có mất đi nhiều nhân công.
Lưu ý rằng phòng cấp nước có thể có một hệ thống phân cấp kiểm soát nào đó, nhưng sẽ không khôn ngoan nếu ngăn chặn bất kỳ quyền tự chủ nào hoặc giao bất kỳ phần kiến thứ nào cho chỉ một hoặc hai người. Các hệ thống phức tạp hoạt động tốt nhất khi kiến thức và hoạt động được phân phối giữa nhiều phần tử, nhưng không quá nhiều.
Mọi thứ trong não cũng hoạt động theo cách này. Ví dụ, một neuron không bao giờ phụ thuộc vào một synapse duy nhất. Thay vào đó, nó có thể sử dụng 30 synapse để nhận diện một mẫu. Ngay cả khi mười synapse trong đó bị lỗi, neuron vẫn sẽ nhận diện được mẫu. Một mạng lưới neuron không bao giờ phụ thuộc vào một neuron đơn lẻ. Trong các mạng mô phỏng mà chúng tôi tạo ra, thậm chí việc mất 30% số neuron thường cũng chỉ ảnh hưởng nhỏ đến hiệu suất của mạng. Tương tự, tân vỏ não không phụ thuộc vào một cột vỏ bão duy nhất. Não vẫn tiếp tục hoạt động ngay cả khi đột quỵ hoặc chấn thương xóa sổ hàng ngàn cột.
Do đó, chúng ta không nên ngạc nhiên khi bộ não không dựa vào một mô hình đơn lẻ của bất cứ thứ gì. Kiến thức của chúng ta được phân phối giữa hàng ngàn cột vỏ não. Các cột không dư thừa và cũng không phải là bản sao chính xác của nhau. Quan trọng nhất, mỗi cột là một hệ thống vận động cảm giác hoàn chỉnh, giống như mỗi công nhân của phòng cấp nước có thể tự sửa chữa một số bộ phận của hạ tầng cấp nước.
- Theo cuốn sách “1000 bộ não” - Lý thuyết mới về trí tuệ con người