Không cần sự công nhận của thế giới ngoài kia:  THÀNH CÔNG chính là trong thâm tâm bạn biết bạn thành công
Không cần sự công nhận của thế giới ngoài kia: THÀNH CÔNG chính là trong thâm tâm bạn biết bạn thành công
Ngày nay, có rất nhiều định nghĩa khác nhau về thành công cũng tương tự như định nghĩa về con người, và có những người đã khẳng định với bằng chứng đáng kể, rằng thất bại lớn nhất trong đời chúng ta là thành công, vì chúng ta cứ ngày càng đánh đồng thành công với của cải vật chất.
Học Viện Thành Công - Bí Mật Từ Năm Mươi Bậc Thầy Thế Giới
(8 lượt)

Có hai tiêu chuẩn chính đánh giá thành công:

  1. Người khác nghĩ bạn thành công không?
  2. Bạn có nghĩ vậy không?

Hai tiêu chuẩn này liên quan đến nhau như ống hút và ly sô-đa kem. Nếu bạn muốn thưởng thức trọn vẹn một ly sô-đa kem thì tốt nhất nên có cả hai. Nhưng nếu chỉ được có một thứ, thì chắc chắn có một ly sô-đa kem tốt hơn là chỉ có ống hút, vì chỉ mỗi ống hút không có giá trị gì cả. Và cũng thật là vô giá trị, còn phù phiếm nữa, khi cả thế giới nghĩ bạn là người thành công, còn bạn thì không cho là vậy. Cốc sô-đa kem của thành công chính là trong thâm tâm bạn biết bạn thành công. Được như thế thì bạn không nhất thiết cần sự công nhận của thế giới ngoài kia.

Vấn đề phát sinh khi chúng ta cứ cố định hình thành công của mình qua những đặc điểm của thế giới bên ngoài, dù tận đáy lòng ta không muốn những đặc điểm đó. Chúng ta thành công cho ai, cho bản thân chúng ta hay cho người khác? Thành công, nếu có ý nghĩa, phải là một thứ riêng tư. Thành công của người này khác với người kia do tính cách khác nhau; thực ra, nó khởi nguồn sâu thẳm từ nơi sinh ra chính tính cách, và thường cần phải thăm dò thật sâu ta mới tự biết được quan điểm cá nhân về thành công của chính mình thật ra là gì. Chúng ta thường chiếu theo những hình mẫu thành công ở thế giới bên ngoài mà không suy nghĩ hay phân tích, cũng như thỏa hiệp trong những mặt khác của cuộc sống. Nhưng một số người dũng cảm trong chúng ta đã có can đảm nghĩ về điều này và có đôi khi nói về những hình mẫu thành công vừa trung thực, vừa can trường, vừa cá nhân.

William Faulkner, nhà văn đoạt giải Nobel từng nói rằng:

Tôi sinh ra làm kẻ lãng du. Tôi hạnh phúc nhất khi không có gì. Tôi có một chiếc áo bành tô với những túi áo lớn. Trong đó chứa một đôi vớ, một cuốn Shakespeare rút gọn và một chai rượu whiskey. Thế là tôi hạnh phúc, tôi chẳng muốn gì và không phải gánh trách nhiệm gì nữa.

Người ta có thể phủ nhận định nghĩa về thành công này. Tức là, người ta có thể phủ nhận điều này đối với bản thân mình, nhưng không thể phủ nhận nó đối với Faulkner. Đó là một phát ngôn bộc trực, điển hình cho kiểu thẳng tính của người vùng Mississippi.

Cá nhân tôi có đôi chút mỏi mệt khi thấy tên Albert Schweitzer mỗi khi ai đó muốn đưa ra hình ảnh của một vị thánh trên trần gian. Và điều thú vị đáng chú ý là ngay chính Schweitzer cũng thấy mỏi mệt vì điều đó. Vào ngày sinh nhật thứ tám mươi của ông năm 1955, các buổi lễ được người ngưỡng mộ Schweitzer tổ chức khắp thế giới. Số tiền gây quỹ (hơn hai chục ngàn đô-la ở Hoa Kỳ và nhiều hơn ở các nơi khác) được gửi đến làm quà mừng sinh nhật cho vị bác sĩ nhỏ nhắn, cư xử hòa nhã, đã từ bỏ danh tiếng trên toàn cầu đổi lấy sự ẩn dật ở chốn tối tăm nhất châu Phi, nơi ông là mục sư chăm nom cho dân địa phương. Ở bệnh viện của ông tại Lambaréné, Châu Phi Xích Đạo thuộc Pháp, năm trăm người cùng hát mừng, chuông ngân vang, người hâm mộ mang theo hoa tụ tập để chúc mừng sinh nhật ông, danh tiếng chiếu rọi lên người vị bác sĩ tốt bụng ở châu Phi tối tăm còn sáng hơn các thành phố lung linh ở châu Âu. Nhưng Schweitzer bình luận trong buổi sinh nhật: “Tôi thật tiếc vì cái mớ hổ lốn này. Tôi mệt biết nhường nào”.

Đó là một người đàn ông có ý niệm vĩ đại của riêng mình về thành công – nhưng thế giới không để ông theo đuổi nó.

Tại châu Âu, thời biến động những năm giữa thế kỷ 19, một người coi thường phong tục tập quán, một người lãng mạn trong từng hơi thở, nhà văn George Sand, trong một bức thư tuyệt phẩm đã viết về định nghĩa thành công rằng: 

Người ta hạnh phúc khi sau những nỗ lực tự thân, ta biết được những thành tố của hạnh phúc – là khẩu vị đơn giản, một sự can đảm nhất định, sự tiết chế đến độ nào đó, tình yêu công việc, và trên hết cả là một lương tâm trong sáng. Hạnh phúc không phải giấc mộng mơ hồ, giờ tôi đã biết chắc chắn. Nhờ sử dụng đúng đắn kinh nghiệm và tư duy, ta có thể rút ra cho mình nhiều điều, bằng sự quyết đoán và kiên nhẫn, ta thậm chí có thể phục hồi sức khỏe của ta... thế nên hãy để cuộc sống diễn ra như nó vốn là, và đừng bạc bẽo.

Những người thâm trầm nhất trong chúng ta cuối cùng kết lại rằng thành công cá nhân phải tồn tại bên trong nếu nó có tồn tại. Nó không hình thành nên từ những dấu hiệu ngoại lai hay vẻ ngoài, mà chỉ hình thành nên từ những giá trị cá nhân vô hình xuất phát từ một triết thuyết chín chắn. Một trong những điều làm cả thế giới ấn tượng nhất về Mahatma Gandhi là những bức ảnh chụp các vật dụng của ông được công bố sau khi ông qua đời: một cặp mục kỉnh, một đôi xăng đan, vài bộ quần áo đơn giản, một chiếc guồng quay sợi và một cuốn sách. Nhưng thế giới biết rằng một trong những người giàu có nhất đã qua đời. Có lẽ thế giới trong những mạch nguồn ý thức của nó đã phần nào nhận ra ẩn ý trong câu nói đơn giản của Henry David Thoreau: “Sự giàu có của một người tương ứng với những thứ anh ta có thể để yên”. Bản thân Gandhi thường nói về sự tiết giảm nhu cầu. Cuộc sống với ông dường như là một quá trình buông bỏ dần những nhu cầu, để từ một đứa trẻ khóc trong nôi cần mọi thứ, con người, nếu sống một cuộc đời thành công, sẽ dần lớn lên thành một người trưởng thành hầu như không còn cần gì nữa.

Điều này không có ý nói nên lấy nghèo đói làm mục tiêu cuộc đời, hay một người tu khổ hạnh khước từ mọi tiến bộ hay sở hữu vật chất thì sẽ trở thành mahatma, một thánh nhân. Nhiều thánh nhân có khối tài sản khổng lồ như: Andrew Carnegie, Jacob Riis, Julius Rosenwald, Samuel Mather, gia đình Guggenheim và Russell Sage. Tất cả những vị này đã đạt được thành công cá nhân thực sự, cả về bên trong lẫn bên ngoài. Họ đã cố gắng để vừa có sô đa kem vừa có ống hút.

Có những thành tố thường hằng nhất định ở thành công đích thực, dù là thành công của Andrew Carnegie hay Mahatma Gandhi. Đây là những thành tố thiết yếu, độc lập với của cải hay thành tựu, đói nghèo hay khổ hạnh. Đây là những thành tố đóng vai trò động lực cho thành công, là xương sống và những đường gân của nó.

 

Thành tố thường hằng đầu tiên là mục đích

 

Một người phải biết rằng dù làm gì đi nữa, anh ta cũng đang hướng đến một mục tiêu. Vô mục đích là kẻ thù tồi tệ nhất của thành công. Một người khó có thể cảm thấy thành công khi đang ở trong một vũng lầy. Nhưng chừng nào còn có mục đích, người đó sẽ cảm thấy những nguồn năng lượng và tư duy sáng tạo đang đưa anh ta tới nơi nào đó, và ta có được sự thỏa mãn trên hành trình đó, cũng như sẽ vấp phải nỗi tuyệt vọng bất cứ lúc nào ta cảm thấy rằng mình “chẳng đi về đâu”.

Một bản tin gần đây từ Biloxi, Mississippi minh họa chân thực cho vai trò của mục đích để khiến cuộc đời trở nên đáng sống. Một thiếu nữ hai mươi tư tuổi, làm vũ công ở một thị trấn nhỏ đầy sắc màu, đã nhảy khỏi cầu tàu để tự tử. Sau này cô giải thích rằng mình làm vậy vì đã “chán ngán cuộc đời”.

Một chàng trai nhìn thấy cô nhảy từ cầu tàu xuống nước. Quên rằng mình không biết bơi, anh cởi áo khoác và lao xuống nước theo cô trong nỗ lực mù quáng nhằm cứu một người đồng loại. Anh bắt đầu vùng vẫy dưới nước và sắp chìm đến nơi, thì cô vũ công trẻ quên ngay nỗi tuyệt vọng của mình, sải tay bơi về anh. Khi anh đang sặc nước và thở hổn hển, cô chộp lấy anh và kéo vào bờ an toàn. Thay vì kết thúc đời mình, cô lại cứu mạng một người khác.

Trong khoảnh khắc quyết định, nhìn thấy chàng trai trẻ vật lộn giành lấy sự sống đời cô đột nhiên có được điều mà trước đây thiếu vắng: mục đích. Thế nên cái bị nhấn chìm dưới nước ở cầu cảng đó chỉ đơn thuần là nỗi tuyệt vọng chứ không phải tinh thần của cô. Trong một khoảnh khắc xúc động lóe lên, cô nhận ra sự khác biệt giữa việc không biết sống vì điều gì và có một mục đích sống, khi kéo được chàng trai lên bờ an toàn, cô cũng được đưa đến bệnh viện, được chữa trị, và ra về với niềm vui sống mới.

Không phải ai cũng gặp phải sự đối đầu khắc nghiệt hay thiếu mục đích sống như vậy. Nhưng mỗi chúng ta đều biết có những lúc cuộc đời chợt sôi nổi và đầy hứng thú vì ta đang đến nơi nào đó, và cũng có những khi hoàn toàn ngược lại, cuộc đời thật tối tăm ở cuối con đường mà chúng ta vẫn gọi là Đoạn Kết. Thành công đích thực phải luôn có một chiều hướng mục đích không đổi; nếu không thì dù có sống, người ta cũng không thể sống một cách thành công.

 

Thứ hai, thành công hoàn toàn không đơn điệu; không phải giờ nào ngày nào cũng chỉ có một kiểu thành công giống nhau.

 

Đúng hơn là có những khi lên cao và những lần xuống thấp. Một cuộc đời thành công sẽ có những ngày hay thậm chí những năm dài thất bại. Chắc chắn có những thời điểm mất trắng hoàn toàn. Thế không có nghĩa là bạn đã tàn đời mà những thất bại không thể tránh khỏi chỉ đơn thuần chứng minh cho một thực tế là thành công không phải chuyện dễ dàng gì.

Các bác sĩ tâm thần nói về những kiểu người bị “rối loạn ám ảnh cưỡng chế”, không thể chịu đựng một giây phút thất bại nào. Thực ra những người như vậy chưa từng nếm trải thành công thật sự. Họ thà cứ nếm một khẩu vị xoàng xĩnh nhưng ổn định. Họ sợ rằng ngay cả một thất bại nhỏ nhất cũng sẽ xô ngã sự tự tin dễ lung lay của bản thân. Nếu lòng tin vững như bàn thạch thì ta sẽ có thể đón nhận thất bại đôi khi vẫn xảy ra; trong thực tế, khi tiếp xúc đủ gần với thực tại, một cá nhân trưởng thành sẽ biết đôi khi thất bại là không tránh khỏi và anh ta ít tốn năng lượng vào việc mải lo sợ về chúng để có thể dành năng lượng đó cho sự thành công anh ta tìm kiếm.

Trong quá trình lớn lên, mỗi chúng ta không sớm thì muộn phải biết rằng không phải ngày nào cũng là ngày Giáng sinh, thế nên chúng ta cũng nên biết rằng trên con đường dẫn đến thành công không phải mọi nỗ lực đều cho ta vương miện vinh quang.

 

Thứ ba, cái giá của thành công: Thành công không miễn phí.

 

Một trong những khía cạnh kỳ lạ của cuộc đời chúng ta, một khía cạnh có phần huyền bí, là sự bất lực về mặt thể chất trong việc tận hưởng những gì mình được chiều chuộng, họ có tất cả những thứ họ muốn nhưng lạ thay lại tự thấy mình không thể tìm được niềm vui sống. Ngày nào đó sẽ có bác khám phá tính cách con người bằng một chiếc cân cực kỳ vi tế mà tôi chắc chắn là có tồn tại. Nếu ông ta tìm ra và xem xét nó thật kỹ, tôi tin ông ta sẽ ghi rằng trên một đĩa cân là niềm vui, còn đĩa bên kia là nỗ lực. Niềm vui khi thành công dường như phải có nỗ lực đạt được nó để cân bằng – và đó là một khía cạnh nhỏ bé kỳ diệu trong phẩm cách con người mà mỗi chúng ta đều có.

 

Thành tố thiết yếu thứ tư, sự thỏa mãn

 

Cái sướng cho người này là cái khổ cho người khác; và người này có thể thấy thỏa mãn khi cóp nhặt của cải, trong khi với người khác thì đó là sáng tác một bài thơ. Nhưng chắc chắn một người không thể khẳng định mình thành công khi không thấy thỏa mãn chút nào với của cải hay thơ phú.

Thành công phải được tận hưởng. Dù đó có là chiến thắng trong nước mắt thì trên đỉnh vinh quang cũng phải là nụ cười. Sự thỏa mãn của thành công không cần thể hiện để người khác biết, miễn sao bản thân mình biết là được. Một giáo viên phổ thông dạy học với đồng lương xoàng xĩnh và sự tôn trọng cho nghề giáo ngày càng giảm sút hiện nay, cộng đồng có thể nghĩ rằng anh ta chẳng thành công gì cho cam, nhưng nếu trong thâm tâm anh ta có cảm giác vui sướng, tin chắc rằng mình đã làm tốt việc mình yêu thích, thì anh đã có được một thành tố thiết yếu của thành công. Thành tố này phụ thuộc nhiều vào thái độ riêng của cá nhân hơn là bằng chứng công khai.

Một mục sư có thể cảm thấy sự thỏa mãn của thành công trong thâm tâm nếu trong các vòng tròn tĩnh lặng, ông giúp được đồng loại hiệp thông với Chúa; tương tự như một nhà sản xuất cảm thấy sản phẩm của mình là tốt nhất trong số sản phẩm cùng loại, một vận động viên bóng chày chuyên nghiệp khi anh ta yêu thích một trận đấu, một bà nội trợ nếu việc nhà của cô có chủ đích và đầy sáng tạo chứ không tẻ nhạt. Sự thỏa mãn, phát sinh chủ yếu từ thái độ, luôn sẵn có trong tất cả mọi người, bắt nguồn từ sâu thẳm như một hạt nhân từ lõi vỉa quặng tâm hồn chúng ta.

 

Nhân tố cơ bản cuối cùng của thành công là tính tâm linh. 

 

Thật khó hình dung được ai đó cảm thấy thành công mà lại không có cảm giác gì liên quan đến mục đích to lớn của cuộc sống và “tác giả” của những mục đích đó. Dù là một gã ma cà bông thành công hay là một chủ ngân hàng thành công, thì muốn cảm nhận trọn vẹn niềm vui thành công, anh ta phải có một sự xác tín, tuy khó thấy, rằng anh ta đang hòa hợp với Thượng đế. Anh ta phải cảm nhận bằng cách nào đó những luồng hiện diện của Thượng đế đang tỏa khắp châu thân và nhận ra sự hiện diện của mình trong đó nữa.

Đây cũng lại là chuyện cá nhân. Tâm linh của một gã ma cà bông thành công và tâm linh của một chủ nhà băng thành công khó mà cất lên ở cùng một quãng tám, nhưng dù khá xa nhau trên khuông nhạc, nó vẫn có một sự hòa hợp. Đó không phải là sự chênh lệch về quan điểm hay thiên hướng có thể kể ra, mà thực tế là cả hai cùng hòa điệu với cuộc đời và với Đấng Tạo Hóa. Thành công không phải là chiếc áo bó cứng. Không có khuôn mẫu nào cho tất cả. Nó không phải là con dấu cứng nhắc. Nó là của riêng mỗi người, giống như vân tay hay võng mạc. Tất cả những gì chúng ta cần là dũng khí để nhận ra và là chính mình.

 

Bài viết được trích lược từ cuốn sách Học viện thành công - Bí mật từ 50 bậc thầy thế giới của tác giả Og Mandino do First News phát hành tại Việt Nam. Nhập mã SACHMOIFN10 - Giảm thêm 10% (tối đa 20k) khi đặt mua cuốn sách tại đây.
Tags: