"Khơi nguồn cảm hứng từ những doanh nhân khởi nghiệp vĩ đại" - Kinh nghiệm quý giá từ những doanh nhân hàng đầu thế giới
Năm 2004, tại một hội thảo của Inc.com, Jeff Bezos, nhà sáng lập Amazon, đã phát biểu: “Kinh doanh có nghĩa là một lối tư duy, chứ không chỉ đơn thuần là làm việc cho chính bạn. Kinh doanh nghĩa là có tài xoay xở, là khả năng giải quyết vấn đề”. Trong cuốn sách “Khơi nguồn cảm hứng từ những doanh nhân khởi nghiệp vĩ đại”, tác giả Daniel Smith sẽ cung cấp cho độc giả những kinh nghiệm quý giá ấy từ những doanh nhân nổi tiếng hàng đầu thế giới.
Kiên cường - Biến trở ngại thành cơ hội - là kinh nghiệm giải quyết vấn đề đầu tiên mà tác giả Daniel Smith cho rằng các doanh nhân khởi nghiệp cần có ở mọi giai đoạn trong sự nghiệp, đặc biệt là giai đoạn đầu tiên khi thiết lập hoạt động kinh doanh.

Nhắc đến Henry Ford, người ta nhắc đến người đàn ông làm thay đổi cả lịch sử ngành vận tải với hơn 15 triệu chiếc xe Model T được bán ra. Nhưng ít ai biết trước đó 2 năm, Ford đã thành lập công ty Detroit Automobile, và phải tuyên bố phá sản vì trong 2 năm chỉ sản xuất được vẻn vẹn 20 chiếc xe hơi. Người không có tính kiên cường có lẽ đã từ bỏ sau thất bại đó, nhưng Ford thì không. Ông đã vật lộn tìm kiếm thiết kế mới, quy trình sản xuất hiệu quả, thành lập một công ty mới tốt hơn để chiếm lĩnh thị trường. Trong vòng một thập kỷ, ông không những trở nên cực kỳ giàu có, mà còn trở thành cây đại thụ của thế giới công nghiệp trong mọi thời đại.

Tuổi trẻ của Oprah Winfrey là những năm tháng đói nghèo cùng kiệt. Bà còn bị xâm hại tình dục và mang thai ở tuổi 14, dường như tương lai không có điều gì sáng sủa với một phụ nữ da đen trẻ tuổi gặp nhiều bất hạnh đó. Tuy nhiên, bà đã tìm mọi cách để viết lại cuộc đời mình. Từ một công việc tại đài phát thanh địa phương, bà tiến lên vị trí của một người dẫn chương trình tin tức, rồi trở thành người dẫn chương trình trò chuyện. Không dừng ở đó, bà còn lập công ty sản xuất của riêng mình. Ở tuổi 32 bà đã là một triệu phú và trong vòng một thập kỷ, bà nằm trong danh sách Forbes 400 với số tài sản trị giá 340 triệu đô la.

Winfrey chia sẻ:Hãy làm thứ mà bạn cho là không thể. Vấp ngã. Thử lại. Làm tốt hơn ở lần thứ hai. Những người không bao giờ vấp ngã là những người không bao giờ leo lên đến đỉnh cao. Jack Ma cũng là người trải qua nhiều thất vọng sự nghiệp trước khi gặt hái thành công với Alibaba. Ông từng hai lần trượt đại học, hơn 10 lần bị Trường kinh doanh Harvard từ chối, nhưng ông không hề mất niềm tin vào bản thân.

Trong kinh doanh, việc tiến lên là rất quan trọng. Tuy nhiên theo tác giả Daniel Smith, đôi khi quyết định tốt nhất và có trách nhiệm nhất là từ bỏ một hoạt động kinh doanh. Đây chính là kinh nghiệm giải quyết vấn đề quan trọng thứ hai mà tác giả muốn truyền tải cho độc giả.

Với thực tế là khoảng 90 % dự án khởi nghiệp không thể tồn tại lâu dài, đây là một tình thế mà hầu hết các doanh nhân thường xuyên gặp phải và họ không nên cảm thấy hổ thẹn vì điều đó.

“Biết khi nào doanh nghiệp của bạn đã không còn cơ hội thành công là kỹ năng thiết yếu, mặc dù khó khăn cho mọi doanh nhân”.
Oscar Emokpae từng nói: “Từ bỏ không có nghĩa là đánh mất tự tin, mà là nhận ra có cách tốt hơn để bạn sử dụng thời gian của mình. Từ bỏ không có nghĩa là bao biện, mà là học cách làm việc năng suất hơn và hiệu quả hơn”.Warren Buffet cũng nói về vấn đề này trong tuyển tập bài viết của ông năm 1997: “ Nếu có mộtchiếc thuyền thường xuyên rò rỉ, năng lượng bỏ vào việc đổi động cơ sẽ mang lại nhiều hiệu quả hơn so với năng lượng bỏ ra để vá lại vết nứt”.

Richard Branson là một ví dụ về việc chấp nhận đầu hàng. Vào những năm 1990 để các hoạt động khác sống sót (đặc biệt là hãng hàng không Virgin Atlantic), ông đã buộc phải bán lại Virgin Records, doanh nghiệp đã tạo nền móng cho những thành công khác của ông. Theo chính lời của Branson, ông đã khóc sướt mướt mặc dù nhận về tấm séc chị giá 1tỷ bảng Anh, nhưng ông biết mình không còn lựa chọn nào khác nếu muốn phát triển những phần còn lại của tập đoàn Virgin. Nhiều năm sau đó, trong cuốn sách Like a Virgin- Kinh doanh như một cuộc chơi, ông nói thêm về suy nghĩ của mình: khi công việc không hiệu quả, đừng ngần ngại chọn cửa thoát. Bằng cách này, khi mọi việc đã hoàn thành bạn có thể họp lại cả nhóm lại, thảo luận những việc đã xảy ra hoặc những việc không may xảy ra và rồi cùng nhau bước vào thử thách tiếp theo. "Gừng chưa già hơn là bao, nhưng đã cay hơn nhiều!”

Với rất nhiều bài học, kinh doanh hữu ích như vậy, có thể nói cuốn sách “Khơi nguồn cảm hứng từ những doanh nhân khởi nghiệp vĩ đại” là cuốn sách không thể thiếu cho bất kỳ ai muốn khởi nghiệp hoặc quan tâm đến lĩnh vực kinh doanh. Cuốn sách cũng giúp độc giả hiểu biết về động lực và nguồn lực để khởi nghiệp thành công, thúc đẩy họ hành động để có thể trở thành những doanh nhân tạo ra những ảnh hưởng tốt đẹp cho mọi người.

Về tác giả:

Tác giả cuốn sách, Daniel Smith sống ở London.

Ông là tác giả của hơn ba mươi cuốn sách về các chủ đề đa dạng khác nhau bao gồm chính trị, kinh tế và lịch sử xã hội. Bộ sách “How to think like” của ông gồm 12 cuốn, trong đó có cuốn “Khơi nguồn cảm hứng từ những doanh nhân khởi nghiệp vĩ đại”. Bộ sách hiện đã được xuất bản bằng 20 thứ tiếng và bán được được hơn 450.000 bản trên toàn cầu.

Tags: